28-11-2017
Tôi nghĩ yêu ghét với cá nhân nên gác qua một bên, giới luật sư nên ủng hộ, có kiến nghị xem xét lại mức kỷ luật cho LS Võ An Đôn. Đó vừa là hành xử lý tính, vừa là trách nhiệm và cả tình cảm vì mấy lẽ:
1. Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, căn cứ dẫn đến quyết định kỷ luật, khai trừ – đồng nghĩa tước quyền hành nghề của LS Võ An Đôn – mà Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên đưa ra là: “Ông Võ An Đôn đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt, nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm mục đích kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư Việt Nam”. Như phân tích của một số luật sư khác, các đánh giá này là chưa thỏa đáng, chưa đủ căn cứ. Nó mang màu sắc ý chí, trả đũa, trừng phạt…hơn là lẽ công bằng, sự cần thiết, hợp luật và đúng luật.
2. Một số phát ngôn, nhận xét, cách thể hiện ….của Võ An Đôn – có thể không làm vừa lòng một số cá nhân, tập thể, trong đó có nhiều người trong giới luật sư, nhưng cũng không/chưa gây tổn hại cụ thể cho bất kỳ cá nhân, tập thể nào, chưa đủ để quy thành căn cứ chế tài, kỷ luật. Nó cần được xem xét lại về mức độ thỏa đáng.
3. Lên tiếng ủng hộ xem xét lại vụ kỷ luật có thể khiến người phát ngôn sẽ gặp vài sự bất tiện, bất lợi. Cũng chính vì đã hành xử theo tinh thần đó nên LS Võ An Đôn mới phải trả giá bằng cả quyết định kỷ luật của Đoàn Luật sư Phú Yên lẫn những yêu ghét, chê bai của một số đồng nghiệp trong cả nước. Luật sư này biết nhưng vẫn làm. Điều đó đáng trọng và quan trọng hơn chính những phát ngôn mà anh có thể đã gây khó chịu, phiền toái cho một số đồng nghiệp và cho cả dư luận.
4. Luật sư không bênh vực, không lên tiếng bảo vệ luật sư vì bất kỳ lý do gì thì uy tín, tư cách, niềm tin xã hội của các bạn cũng là đáng hoài nghi. Trong trường hợp đó, nó chỉ chứng minh vài câu nói khó nghe của Võ An Đôn là có cơ sở: giới luật sư không hành xử theo luật và không vì công lý.
5. Đừng để một Võ An Đôn, kể cả đến khi phải trả giá, vẫn cứ là một luật sư cô đơn. Công lý trong nhiều trường hợp có thể là vô cảm, có thể không đồng nghĩa với đạo lý. Nhưng muốn có công lý thì trước hết luật sư phải không vô cảm, không im lặng trước những đòi hỏi của đạo lý.
6. Đấu tranh bảo vệ đồng nghiệp là đấu tranh cho chính bản thân.
7. Giả sử được ủng hộ để có thể thay đổi quyết định, được quay lại hành nghề như tâm nguyện, hoặc kể cả không đem lại kết quả như mong muốn, tin chắc niềm tin và cái nhìn của luật sư Võ An Đôn với giới đồng nghiệp, với xã hội sẽ khác, nhiều màu sắc tích cực hơn. Và, dù yêu hay ghét, cũng tin chắc không mấy ai trong giới luật sư lại cảm thấy hả hê nếu một ngày nào đó vì tuyệt vọng trong cô độc, luật sư Võ An Đôn bỗng dưng thừa nhận mình sai hoặc có lời lẽ ngược với những gì anh đã từng nói chỉ để mong nhận được sự ân giảm mức kỷ luật. Đó là sẽ là thời điểm của sự sụp đổ của ngành luật, nghề luật.
…
Luật sư có thể cũng là một nghề nguy hiểm. Nhưng nguy hiểm nhất, tôi cho rằng đó là khi họ phải hành nghề trong sự thờ ơ, im lặng vì yêu ghét thuần cảm tính cá nhân của xã hội và nhất là của đồng nghiệp – những người sinh ra để nói. Tôi không phải là luật sư, không quen biết Võ An Đôn. Qua báo chí, truyền thông và giao tiếp qua mạng xã hội, tôi cũng có nhiều điểm không tán đồng, không ủng hộ và có lẽ không mấy thích vị luật sư này. Nhưng tôi chia sẻ và vẫn mong vụ kỷ luật luật sư Võ An Đôn được xem xét lại, theo chiều hướng thỏa đáng, đúng mức, giảm bất lợi cho một vị luật sư có nhiều vạ miệng.
Vì tôi tin trên đất nước này, công lý, công bằng vẫn luôn hiện hữu.
chiêu này thật là độc. để cho lũ có ăn có học kia cắn xé lẫn nhau mà tự diệt. thế là chẳng phải đụng dao, dơ búa mà vẫn trị được. trong chế độ luật rừng, giới luật sư như cái gai trong mắt, nhổ được nhiều càng tốt, nhổ tận gốc, hoặc làm tha hóa chúng, biến chúng thành công cụ phục vụ sự nghiêp đạo tặc quang vinh kia.
“Vì tôi tin trên đất nước này, công lý, công bằng vẫn luôn hiện hữu”
Tớ cũng tin, có điều công lý & công bằng gì -quan trọng nhất- hiện hữu trên đất nước này thì tác giả & tớ khác nhau ở chỗ này .
“Vì tôi tin trên đất nước này, công lý, công bằng vẫn luôn hiện hữu”
Tớ cũng tin, có điều công lý & công bằng gì -quan trọng nhất- hiện hữu trên đất nước này thì tác giả & tớ khác nhau ở chỗ này .
Những kẻ có tội cầm cân công lý thì những người chỉ ra tội lỗi/ác của họ sẽ là người có tội . Tác giả tin vào cái công lý & công bằng của những kẻ có tội, tớ cũng tin như vậy .