LTS: Truyền thông trong nước cho biết, Cục Báo Chí, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ra quyết định tạm đình bản và phạt tiền một số tờ báo và tạp chí điện tử. Báo Tuổi Trẻ đưa tin, trang Người Đưa Tin bị phạt 140 triệu đồng và đình bản tạm thời “vì vi phạm trong bài viết đăng ngày 29-10 trên chuyên trang Phụ nữ và Đời sống“, tức Phụ Nữ News. Trang Phụ Nữ News cũng bị tước giấy phép sử dụng 3 tháng.
Riêng tạp chí điện tử Nhà Quản Lý bị đình bản 3 tháng, bị phạt tổng cộng 50 triệu đồng, trong đó 40 triệu bị phạt là do hôm 21/8, trang này đã đăng bài “Bình Phước: Báo chí đứng bên lề công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng?“, phạt 10 triệu vì ngày 26/10, Nhà Quản Lý đã đăng bài: “Doanh nghiệp Việt bán hàng giả: Chuyện bây giờ mới… lộ“.
Bài viết sau đây trên trang Nhà Quản Lý đã bị gỡ bỏ và bị xử phạt 40 triệu. Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà cho biết, bài viết này do phóng viên báo Nhân Dân, thường trú tại Bình Phước viết, “bị Bộ 4T cho là đưa thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng!”
____
Nhà Quản Lý
Bình Phước: Báo chí đứng bên lề công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng?
Bách Lợi – Du Nguyễn
21-8-2017
Theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, Kết luận số 10-KL/TW ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X…, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 65-QĐ/TW (ngày 3-2-2017), quy định về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền phòng, chống tham nhũng. Tiếp đó, ngày 20-2-2017, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 27-HD/BTGTW, hướng dẫn công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Sau khi có Quy định số 65-QĐ/TW và Hướng dẫn số 27-HD/BTGTW, nhiều địa phương đã nhanh chóng và nghiêm túc triển khai thực hiện bằng các chương trình, kế hoạch, hướng dẫn… cụ thể.
Trong đó, các tỉnh đều dẫn lại (quán triệt) đầy đủ các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mà Hướng dẫn số 27-HD/BTGTW đã nêu; đặc biệt là ba quan điểm và tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng được nêu trong Kết luận 10-KL/TW.
Tuy vậy, bên cạnh những địa phương tích cực và có trách nhiệm cao, vẫn còn địa phương có dấu hiệu “làm cho có”, “cắt xén” và đi chệch hướng chủ trương của Đảng.
Tại Bình Phước, ngày 22-3-2017, Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Đề án số 546-QĐ/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2016-2020”. Thế nhưng, Đề án này đã “bỏ qua”, không giao nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trực tiếp cho các cơ quan báo chí của tỉnh, nhất là Báo Bình Phước (Cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ, chính quyền và diễn đàn của Nhân dân trong tỉnh Bình Phước)!
Không những vậy, Tỉnh ủy giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí của tỉnh tập trung chủ yếu vào công tác thông tin và tuyên truyền cũng như biểu dương “người tốt việc tốt”… Không dừng lại đó, ngày 10-4-2017, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành công văn số 598-CV/BTGTU về tuyên truyền công tác phòng, chống tham nhũng trên báo chí. Nội dung cơ bản của công văn này cũng là “đề nghị” các cơ quan báo chí của tỉnh “xoáy sâu” vào công tác thông tin, tuyên truyền, biểu dương và cổ vũ!
Rõ ràng, Tỉnh ủy cũng như Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước đã có những chỉ đạo và định hướng có dấu hiệu lập lờ, “đóng cửa chỉ đạo nhau” cũng như có biểu hiện lệch lạc. Trong 10 chủ trương và giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 3 khóa X đề ra, Đảng yêu cầu thực hiện tốt công tác truyền thông về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; khắc phục tình trạng thông tin một chiều…
Ở Kết luận 10-KL/TW, Bộ Chính trị cũng nêu bật quan điểm “phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách” và yêu cầu “nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực để ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí…” Quán triệt tinh thần đó, ở Hướng dẫn số 27-HD/BTGTW, Ban Tuyên giáo Trung ương đã giao việc tổ chức thực hiện trực tiếp cho các cơ quan báo chí – truyền thông Trung ương và địa phương với những nhiệm vụ cụ thể và cân đối giữa hai mảng thông tin, tuyên truyền với giám sát, phản biện. Bên cạnh việc thông tin, tuyên truyền, biểu dương, báo chí cần tích cực, chủ động tham gia phát hiện các biểu hiện, các hành vi tham nhũng, lãng phí; lên án, đấu tranh không khoan nhượng đối với các biểu hiện, hành vi tham nhũng lãng phí và các hành vi bao che cho tham nhũng, lãng phí; thực hiện chức năng giám sát, tạo dư luận xã hội để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí…
Những tinh thần và nội dung cơ bản nêu trên của Hướng dẫn số 27-HD/BTGTW đều đã được nhiều địa phương quán triệt nghiêm túc và đầy đủ.
Chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta qua nhiều thời kỳ là hài hòa giữa hai mặt trận “xây” và “chống” trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Và trong “cuộc chiến” cam go này, báo chí được xem là một trong những lực lượng tiên phong. Vì vậy, trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa X (Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới), Đảng yêu cầu báo chí phải tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội…
Vậy nhưng, dường như Tỉnh ủy Bình Phước xem nhẹ báo chí, có dấu hiệu phủ nhận (và làm tê liệt) chức năng, vai trò và trách nhiệm của báo chí, nhất là vai trò giám sát và phản biện xã hội! Trong khi đó, như thừa nhận của Tỉnh ủy Bình Phước (trong Đề án 546), công tác phòng, chống tham nhũng ở Bình Phước vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, quá trình thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng ở tỉnh này vẫn còn mang tính hình thức, chất lượng và hiệu quả chưa cao…
Do vậy, Tỉnh ủy Bình Phước cần xem lại chủ trương của tỉnh trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng hiện nay.