Nghĩ vụn chuyện người đi kẻ đến!

Lê Huyền Ái Mỹ

2-12-2024

Ảnh chụp màn hình

Sáng nay, 2-12, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải trao quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về việc tiếp nhận, chỉ định ông Nguyễn Thanh Nhã, Thành ủy viên, Giám đốc Sở QH-KT tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy và giữ chức Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Việc điều động giám đốc sở Quy hoạch – Kiến trúc về huyện Bình Chánh – một huyện luôn là điểm nóng về xây dựng trái phép – là một phép thử cần thiết. Xin nhắc lại, xuất phát từ vấn nạn xây nhà lụi tràn lan ở Bình Chánh mà Ban Thường vụ Thành ủy đã từng phải ra một nghị quyết (số 23) để hạ quyết tâm chấn chỉnh, dẹp bỏ vấn nạn này (dĩ nhiên là để áp dụng trên các địa bàn quận/huyện khác nữa, nhưng Bình Chánh là “điển hình”).

Với 9 năm tại vị giám đốc sở QH-KT, ông Nhã gần như có thâm niên giám đốc lâu năm nhất của thành phố thì phải nên việc đi cơ sở, về quận/huyện là điều bắt buộc. Song, việc điều động về Bình Chánh là hợp lý để trên vùng đất ven luôn nóng hôi hổi ấy, chưa kể với quy hoạch “đô thị vệ tinh”, kể cả định hướng 5 huyện lên thành phố thì cần một lãnh đạo có chuyên môn về quy hoạch, kiến trúc để góp phần phác thảo cho một trong những khu vực cửa ngõ thành phố này khang trang, phát triển đồng bộ hơn lên.

Trước đó, một Phó chủ tịch UBND Thành phố – ông Dương Anh Đức lại được điều về làm Bí thư Quận 1. Cũng trong quy trình đi cơ sở, nhưng Bí thư quận 1 thì đương nhiên chắc một suất vào Ban Thường vụ Thành ủy. Song, vấn đề là với một quận lõi trung tâm, được mệnh danh là “Trái tim thành phố” thì lại cần một lãnh đạo “hàm” thành phố, lại là Phó Chủ tịch UBND Thành phố với thực lực, thực tài, thực tâm – có đủ và đầy hay không, kết quả thực tế mang lại cho quận 1 một khuôn mặt mới, một diện mạo văn minh hơn, khang trang hơn, an toàn hơn, sạch sẽ hơn là điều người dân mong muốn ở một tân bí thư.

Cũng vào đầu tháng 10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã quyết định phân công ông Lê Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, sẽ phụ trách lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động, thực hiện các giao dịch tài chính và nhiệm vụ của Giám đốc Ban Giao thông là ông Lương Minh Phúc từ 1/10 đến khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM.

Ông Trần Như Quốc Bảo, phó giám đốc hạ tầng đô thị, được phân công phụ trách lãnh đạo, quản lý và điều hành hoạt động của ban này, bao gồm thực hiện các giao dịch tài chính và nhiệm vụ của giám đốc là ông Bùi Thanh Tân từ ngày 1/10.

Đến ngày 15/10 thì báo chí loan tin cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Bùi Thanh Tân, giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (Ban hạ tầng đô thị), để điều tra về tội nhận hối lộ. Cùng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội danh trên có Lê Thanh Tùng (trưởng Ban điều hành dự án 4, thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM).

Riêng ông Phúc, các bản tin đều không nêu nguyên do. Song nhìn vào “siêu ban” với trong tay gần 700 dự án quan trọng trên địa bàn thành phố, có vai trò thực hiện các nhiệm vụ về quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình, dự án giao thông đô thị; giám sát thi công, tư vấn đầu tư xây dựng công trình… năm 2024, siêu ban này được giao gần 13.400 tỷ đồng, nhưng đến hết quý III mới giải ngân được 2.600 tỷ đồng, tương đương 21%.

Sau nhiều lần “dự lệnh” cảnh báo thì có lẽ đến nay, UBND Thành phố mới ra “động lệnh” thay người. Có lẽ vậy.

Trong khi chờ thành lập Ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy thì việc luân chuyển, điều động, thay người như những trường hợp trên là cần thiết và hợp lý. Nói gì thì nói, gọn nhưng phải đi với… tinh, là “nhất nghệ tinh”, phải có cơ chế sàng lọc người… tinh ma, yếu kém về năng lực lẫn tư cách thì gọn mới đi với thành phần “tinh túy” về năng lực, kiến thức, trách nhiệm. Bằng không, vũ như cẩn.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây