4-11-2024
Trung Quốc vừa lời trả với tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam về chuyện các tàu hải cảnh nước này đã tấn công tàu cá ngư dân Việt ở gần Hoàng Sa, đánh đập, bắt cóc, giam thuyền và người. Theo đó, Trung Quốc nói rất trịch thượng là: “Việt Nam cần giáo dục ngư dân của mình không xâm phạm vùng biển của nước khác”.
Trước đó Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, đã “giao thiệp nghiêm khắc” với tòa đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội về sự kiện này, và câu trả lời này của phía người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, rõ ràng cũng là một cách “giao thiệp nghiêm khắc”, không ngần ngại đáp trả công khai với Việt Nam, ngoài ra còn thể hiện thái độ anh cả trong tuyên bố.
Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên giọng nhắc Việt Nam phải tăng cường “giáo dục và quản lý” ngư dân của mình, để không tham gia vào “các hoạt động bất hợp pháp” trong vùng biển thuộc “quyền tài phán của Trung Quốc”. Phát ngôn viên Trung Quốc nói tại một cuộc họp báo.
Điều đáng nói là trong việc “giao thiệp” ngôn từ giữa Việt Nam và Trung Quốc qua lại, không thấy viết rõ là bao nhiêu chiếc thuyền và ngư dân Việt Nam đang bị Trung Quốc giam cầm, và khi nào thì những ngư dân tội nghiệp được trả tự do.
Trung Quốc là một nước cộng sản có truyền thống hai mặt, luôn luôn có những hành động tráo trở, thậm chí diễn ra cách nhau không bao lâu. Tháng trước, Thủ tướng Lý Cường của Trung Quốc đến Việt Nam, mắt nhìn ướt át hữu nghị vào ống kính truyền hình, và lên giọng cam kết đẩy mạnh quan hệ song phương và xử lý ổn thỏa bất đồng ở Biển Đông, cùng nhau giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định.
Nhưng giờ đây, Trung Quốc cũng không nhắc gì đến chuyện năm 2022, 2023, tàu hải cảnh, tàu nghiên cứu Xiang Yang Hong 10… liên tục vô cớ xâm phạm vùng biển Việt Nam, tiến sát quấy rối các lô dầu khí đang thăm dò của Việt Nam, bất chấp sự phản đối. Thậm chí, đã có lúc Việt Nam được cảnh báo là tàu của Trung Quốc xâm nhập sâu, cách Huế chỉ hơn 200 cây số.
Nói về giáo dục, thì rõ là cộng sản Trung Quốc có một cách giáo dục rất khác, cho phép làm những điều ngang ngược, bất luận tên gọi tồi tệ nhất của hành động đó là gì. Họ sẵn sàng xóa quá khứ để trang trí ngôn từ hiện tại, và kiêu hãnh ngu xuẩn với điều có được.
Ngay vào thời điểm này, thái độ vô lối và chẳng có chút bạn bè cộng sản gì của Bắc Kinh, lại nhắc nhiều người nhớ đến cách hành xử của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trong chuyện Hoàng Sa.
Trung Cộng đã ấp ủ giấc mơ chiếm đoạt Hoàng Sa từ 1959. Mượn lời lẽ trong công hàm của ông Phạm Văn Đồng vào năm 1958 “Chính phủ nước Việt-nam Dân chủ Cộng hoà tôn trọng quyết định ấy và chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển”, Trung Quốc cũng đã cử những chiếc thuyền hải quân giả ngư dân, tiến đến Hoàng Sa với mục đích cắm dùi trên đó và xưng chủ quyền. Nhưng Tổng thống Ngô Đình Diệm đã sớm biết đoán được những âm mưu này và cho tàu hải quân chặn lại, đuổi về.
Điều đáng nói, không có người dân Trung Quốc nào bị đánh đập, cướp hải sản, cướp tàu hay bị giam giữ như Bắc Kinh ứng xử với ngư dân Việt lúc này.
Năm 1974, bổn cũ soạn lại, Trung Quốc lại cho tàu ngư dân tiến về Hoàng Sa nhưng đi kèm theo đó là những chiếc tàu hải quân trong mưu đồ chiếm đảo. Phía chính quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhận ra âm mưu này và không chọn “giao thiệp nghiêm khắc” gì với Trung Quốc, mà quyết định cho đối đầu, nã đạn.
Những gì diễn ra sau đó thì đã được kể lại rất nhiều, nhưng đáng nói là vấn đề tổ quốc, dân tộc, danh dự được giới thiệu rõ trong các hành xử của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, thậm chí đối với Trung Cộng, một quốc gia thù địch và bất cân xứng thực lực với mình.
Cuộc Hải chiến Hoàng Sa đó, thất bại nghiêng về phía Việt Nam Cộng Hòa, nhưng về mặt lịch sử, nó là điểm đánh dấu chủ quyền pháp lý quan trọng, qua việc kháng cự của một cuộc cưỡng chiếm. Chính vì cuộc chiến đó được sử liệu cả thế giới ghi nhận, mà hôm nay, Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mới đương nhiên thừa kế chủ quyền Hoàng Sa về mặt pháp lý.
Khác với xã hội Việt Nam nhiều năm trước, hôm nay, những người chống Trung Quốc xâm lược và bày tỏ sự bất đồng về thái độ trịch thượng của Trung Quốc đã không còn tìm thấy, dù chỉ trên mạng xã hội. Nhiều người trước đó lên tiếng đang ở trong tù thụ án. Nguyên khí của một quốc gia bây giờ chỉ còn lại chuyện hai nước “giao thiệp nghiêm khắc” với nhau bằng từ ngữ.
Nhìn những cư dân Việt Nam bị đánh đập, mất hết của cải, được giới thiệu trên các trang báo nước ngoài, lại nhớ những giá trị để lại của Việt Nam Cộng Hòa đối với pháp lý chủ quyền Hoàng Sa.
Rồi lại thấy bất chợt trên mạng xã hội, những nam thanh nữ tú thời giáo dục xã hội chủ nghĩa xuất hiện đúng vào thời điểm này, làm những điều dị hợm ở bảo tàng nào đó trước lá cờ Việt Nam Cộng Hòa, biểu trưng của một thời không ngần ngại với những kẻ xâm lược và tấn công người dân Việt Nam.
Những người trẻ tuổi quốc tịch Việt này, dường như có lối giáo dục không khác gì con dân của Trung Quốc. Họ được cho phép làm những điều ngang ngược, bất luận tên gọi tồi tệ nhất của hành động đó là gì. Và họ sẵn sàng xóa quá khứ để trang trí đời hiện tại, bằng sự kiêu hãnh ngu xuẩn bình an không danh dự.
Việt Nam hôm nay là vậy, sẽ không có thanh niên nào đứng lên để chỉ mặt thẳng vào kẻ thù thật như những năm tháng trước đây. Thanh niên Việt hôm nay tràn ngập ở các quảng trường, thế hệ rủ nhau chọn kẻ thù qua màu ly trà sữa Trung Quốc.
Nhà thơ nhân dân: Đoàn Văn Khánh
Viết ngàn bài thơ
In trăm thi phẩm
Chỉ là con số không vô cảm nếu ngay giờ phút này
Sóng biển Đông chưa ập òa con tim bạn
Họa mất nước nhỏ hơn nỗi đau thất tình của bạn
Không còn những sắc xanh đỏ hay tím vàng nào
Dựng màu cờ để ly gián chúng ta
Không còn những chủ thuyết lạ lẫm nào
Phân hóa được chúng ta
Cội nguồn từ trăm con Hồng cháu Lạc
Đừng mơ là chiếc đũa son
Mạ chút điệu đàng – dễ gãy
Hãy là bó đũa tre sát rạt không rời
Tay sắt nào bẻ nổi
Tổ tiên ta gọi nhau là đồng bào
Anh em ta gọi nhau là đồng bào
Là cùng một bọc sinh ra
Có lẽ nào lại điềm nhiên tọa thị
Khi những giọt máu đào
Đang nhuốm hồng ngọn sóng
Khi ao nước lã Bắc phương
Manh tâm nhấn chìm tất cả
Bao năm qua uốn lưỡi trăm lần ú ớ “tàu lạ tàu lạ”
Phải chăng há miệng mắc quai
Bao năm qua súng đạn thù xé toang ngực Gac-Ma
Mãi tận bây giờ mới vinh danh 50 tử sĩ Hoàng Sa
Mãi tận bây giờ mới vinh danh 64 liệt sĩ Trường Sa
Mãi tận bây giờ mới gọi kẻ thù đích danh là Tàu phù
Tàu phù Tàu phù là bản chất ngàn đời không sửa đổi
Tàu phù là tên gọi lũ ngạ quỷ đẻ ra đám con hoang Khmer Đỏ đã tàn sát một phần tư dân số Campuchia
Tàu phù là tên gọi lũ ngạ quỷ thống trị đàn áp dã man các phong trào tự trị ở Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông, tín đồ Pháp Luân Công…
Tàu phù là tên gọi lũ ngạ quỷ thống trị dùng xe tăng nghiến nát hàng ngàn thanh niên thế hệ tương lai của dân tộc mình ở Thiên An Môn
Thì chúng làm gì có lương tâm làm gì còn biết đến việc thương xót một dân tộc nào khác…
Nguồn mạng.
Học giả Bùi Chí Vinh
Biển Đông không chấp nhận “Đường Lưỡi Bò” láu cá
Không chấp nhận tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính thưa em (thứ tàu lạ mơ hồ)
Biển Đông không có dầu hỏa cho bọn cường hào, không có thềm lục địa cho ác bá
Nhưng có ngư dân hiền lành và tuổi trẻ khát tự do
Biển Đông tang thương từ những rặng san hô
Nơi xác cha ông trồi lên thành quần đảo
Nơi bọn xâm lăng đang gióng trống giương cờ
Tưởng đất nước Tiên Rồng thời bình trôi hết máu
Anh đã từng nếm mùi chiến tranh, từng nếm mùi đói cơm thiếu áo
Thoát chết ở Trường Sơn, sống lại ở đồng bằng
Thuộc lòng sử Việt Nam như một người tử đạo
Thương cọc nhọn Ngô Quyền, mê chiến thắng Bạch Đằng Giang
Làm sao có thể thờ ơ trước bầy cá mập ăn đêm
Dám lồng lộn khắp Biển Đông dọa nạt
Chúng săn anh và chúng đuổi em
Bằng lý luận của Thiên Triều xưa… “quá đát”
Em ơi em tự do có thật
Mộ gió cha ông cũng có thật kia kìa
Sờ lên ngực anh đi, khi trái tim còn đập
Thì đâu dễ gì giặc phương Bắc được hả hê ?
Em ơi em khi sinh tử cận kề
Mới hiểu hết thế nào là nhân quả
Mới thấy “cháy nhà ra mặt chuột” ngô nghê
Thấy “tàu lạ” thành tàu quen… dối trá
Biển Đông không có chỗ cho Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống rạp mình hèn hạ
Không có chỗ cho tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính “giả nai” quen thói mơ hồ
Càng không có dầu hỏa cho cường hào, không có ngư trường cho ác bá
Chỉ có cọc nhọn Bạch Đằng và cánh tay “Sát Thát” khát tự do!
NGUỒN MẠNG.
dưới ngọn giáo
mang tên,
ý thức hệ,
đất nước bị cầm tù.
ý thức hệ,
đấu tố cha ông,
bỏ tù mọt gông,
bất cứ trái tim nào dám sống.
ý thức hệ độc tài,
bội phản lẽ nhân sinh
ý thức hệ,
đẻ ra những điêu linh,
biến bệnh họạn hóa ra lẽ thường tình
người câm điếc hóa ra người biết sống
quỳ gối, khom lưng ra kẻ ấy thiên tài.
đất nước tôi
không còn thấy những hình hài,
nói dõng dạc tiếng Con Người,
thuở ấu thơ mẹ dạy.
Tội đấy phần ai,
ngoài mi,
ý thức hệ độc tài.
Trích: Tập thơ chính luận “Hãy Ngẩng Mặt”. người thơ Nguyễn Đắc Kiên.
CỰU THỦ TƯỚNG TRẦN TRỌNG KIM DỊCH:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
NGUỒN MẠNG.
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
NGUỒN MẠNG.
NHÀ THƠ: Phạm Xuân Dũng
Chỉ cách đảo Lý Sơn hai trăm cây số
Là chiến thuyền Đại Hán nghênh ngang
Là gian khoan lũ cú diều lang sói
Muốn ăn tươi nuốt sống Việt Nam.
Máu của đồng bào ta lại đổ
Giữa biển Đông sóng vỗ muôn trùng
Chỉ cách đảo Lý Sơn hai trăm cây số
Hỏi ai còn mê ngủ nữa không ?
Hỏi ai là con cháu đội hùng binh giữ biển
Xiết chặt tay nhau chuẩn bị lên tàu
Hãy đồng lòng khi nước nhà nguy biến
Quét sạch bọn xâm lăng ngay ở trận đầu.
Không nhân nhượng, không thể nào nhân nhượng nữa
Trước ngoại bang hiếu chiến, bá quyền
Khi Tổ quốc mẹ hiền cơn nước lửa
Nhớ hội nghị Diên Hồng đại phá Mông Nguyên.
Hỡi dân Việt trẻ, già, trai, gái
Ở chân trời góc bể gọi tên nhau
Xin nối lại một vòng tay lớn
Chung một lời thề “Sát Thát” mau mau.
Chỉ cách đảo Lý Sơn hai trăm cây số…
NGUỒN MẠNG.
Nhà thơ nhân dân: Thái Thăng Long
Những tên cướp biển thế kỷ 21
Huyênh hoang
Tàu bọc sắt, ngư lôi hỏa tiễn…
Chúng đã đụng tới Bạch Đằng oanh liệt
Đụng đến những tâm hồn rực cháy yêu thương
Đụng đến những trái tim phi thường
Đụng đến chân lý, niềm tin sức mạnh
Biển chiều chĩa gươm
Như nghìn nghìn con sóng
Biển âm thầm cho trận đánh ngày mai…
Những tên cướp đã rõ hình hài
16 chữ vàng mang dòng máu quỉ
16 chữ vàng hổ thẹn với tiền nhân
16 chữ vàng không phải của nhân dân
16 chữ vàng ô nhục
Chúng đã đụng đến cả một dân tộc
Một dân tộc ngẩng cao đầu bất khuất nghìn năm…
Chúng đã đụng đến từng trang lịch sử
Từng tấc biển khơi ngay chỗ ta nằm…
Một ngày mai đất nước vào trận đánh
Biển yêu thương về lại với non sông…
NGUỒN MẠNG.
Nhà thơ Nhân Dân: Nguyễn Minh Tâm
Khi đã hiểu cội nguồn lịch sử
Thì giàn khoan kia chẳng có bất ngờ đâu
Cái “Mười sáu chữ vàng” và “Bốn tốt”
Cửa miệng phun ra…
che hiểm độc ở trong đầu.
Khi đã hiểu cội nguồn lịch sử
Bản chất bá quyền trong giọt máu Trung Hoa
Nên chẳng bao giờ họ là bạn cả
Dù khi vui, cứ thoải mái hảo à…
Khi đã hiểu cội nguồn lịch sử
Lời cha ông còn vọng đến bây giờ
Dặn cháu con hãy tỉnh mình cảnh giác
Không được thả mình trong ngây thơ ngu ngơ…
Khi đã hiểu cội nguồn lịch sử
Sẽ thấy trong nụ cười có đủ cả nhu, cương
Cái bắt tay có gọi là hữu nghị
Cũng phải có khí phách hiên ngang của một kẻ can trường.
NGUỒN MẠNG.
Ai chính nghĩa, ai phi nghĩa,
Ai yêu nước, ai bán nước,
Ai dũng cảm chống lại kẻ thù, ai luồn cúi, quỳ mọp để tồn tại,
Ai ăn ngay nói thẳng, ai lật lọng xảo trá,
Ai vì quyền lợi nhân dân, đất nước, ai vì quyền lợi cá nhân,đảng phái
Ai làm lợi cho dân, ai ăn cướp của dân vì cái gọi là “sở hữu…”
Còn biết bao nhiêu cái “chính diện” và “phản diện” nữa trong cuộc sống, người bình dân lao động, người nông dân một nắng hai sương vẫn có thể nhận ra dễ dằng.
Thế mà những người có học thức, những người quyền cao chức trọng vẫn không hiểu, là vì sao ?!
Nhà thơ nhân dân TBT
Luôn có tin tàu lạ
Giết ngư dân, phá tàu.
Xin được hỏi thủ tướng:
Quân đội của ta đâu?
Nếu vì hèn không thể
Bảo vệ được người dân,
Thì xin bớt lem lẻm
Vì nước và vì dân.
Cũng xin hỏi thủ tướng
Dân nuôi quân đội ta
Có điều gì không ổn,
Đáng phải để kêu ca?
Vậy thì sao quân đội
Không bảo vệ bà con.
Sao tướng nhiều đến thế.
Mà toàn tướng chơi gôn?
Cuối cùng, xin thủ tướng
Trả lời dân thực lòng:
Vấn đề là như thế.
Thủ tướng xấu hổ không?
Nguồn Mạng
Thủ tướng mải chém gió
Ba…, bốn…, năm…, viển vông
Đường lối đầy đủ cả
Chỉ còn thiếu gió Đông.