Vài hồi ức về khu dinh điền Cái Sắn (Kỳ 3)

Lê Nguyễn

6-10-2024

Ảnh: Một số nhân vật mà tác giả kể trong bài. Nguồn: Lê Nguyễn

Tiếp theo kỳ 1kỳ 2

(Từ đây, với những nhân vật chỉ nhắc thoáng qua trong một thời điểm nhất định, tác giả sẽ viết tắt tên thật của họ. Riêng với những nhân vật chính có mặt lâu dài hay xuyên suốt loạt hồi ức, để bạn đọc dễ theo dõi và dễ nhớ, người viết sẽ ghi đầy đủ họ tên đã được thay đổi hoàn toàn).

Kỳ 3: Một “chân dung quyền lực” tại Cái Sắn

Một buổi trưa tháng 11 năm 1968, sau khi có Sự vụ lệnh của Tỉnh trưởng Kiên Giang tạm cử làm Phó Quận trưởng quận Kiên Tân (trong lúc chờ Nghị định hợp thức hóa của Bộ Nội vụ), không cần xin công xa của tỉnh đưa xuống nhiệm sở mới cho có chút “bề thế”, mình âm thầm xách chiếc va li nhỏ gọn, leo lên một chiếc xe đò (bây giờ gọi là xe khách) cũng nhỏ gọn như thế, trực chỉ quận lỵ Kiên Tân, ở cách trung tâm tỉnh lỵ khoảng 30 km.

Dưới ánh nắng trưa gay gắt, khi tôi vừa đi bộ đến khoảng nửa quãng sân rộng của quận đường Kiên Tân (thời đó gọi là “Văn phòng Quận”), thì ông Trần Đ.M., Trưởng ban Hành chánh Quận đã kịp nhìn thấy chiếc va li lắc lư trên tay tôi. Đoán biết tôi là ai, ông chạy ra xách hộ chiếc va li, đưa tôi vào thẳng quận đường.

Vừa bước qua cửa Văn phòng Quận, tôi giật mình khi phát hiện ngay trước mắt mình một chiếc bàn dài đã dọn sẵn ê hề thức ăn. Tất nhiên là tôi không dại dột gì mà nghĩ rằng người ta đã chuẩn bị sẵn những thứ đó dành cho mình, vì lẽ tôi chẳng hề thông báo cho ai ngày giờ tôi về đến Quận. Nhân vật chính của buổi tiệc đó là ông Huỳnh M.Đ., Thư ký HC (ngang với công chức ngoại ngạch hạng B2), người đang tạm thời giữ cương vị Quyền Phó Quận trưởng, trong lúc chờ một viên chức ngạch Đốc sự (công chức hạng A) được chính thức cử đến.

Chủ tọa buổi tiệc hôm đó là Thiếu tá N.Đ.N., một sĩ quan được Tiểu khu Kiên Giang cử xuống tạm thay ông Quận trưởng chính thức là Thiếu tá Phan Bình Ngọc (tên họ đã được thay đổi) đang nằm bệnh viện. Cũng nhờ buổi tiệc bất ngờ đó, mà tôi gặp Thiếu tá Carr, Cố vấn trưởng Chi khu Kiên Tân, ông Hà H.D., một nhân sĩ tại quận, đang là Nghị viên Hội đồng tỉnh Kiên Giang, đông đủ anh chị em làm việc tại Văn phòng Quận, và cả một cô giáo xinh đẹp, “khách mời đặc biệt” của ông Quận tạm N.Đ.N.

Duyên nợ giữa tôi và Thiếu tá N. không kéo dài được lâu. Chỉ 4-5 ngày sau đó, ông Quận trưởng chính thức, Thiếu tá Phan Bình Ngọc, từ bệnh viện trở về, Thiếu tá N. trở lại Tiểu khu, tiếp tục nhiệm vụ cũ. Lúc đó, tôi chỉ sắp bước qua tuổi 25 mà Thiếu tá Ngọc đã 42 tuổi rồi.

Qua lời kể của ông, từ năm 1963, khi chế độ Ngô Đình Diệm còn tồn tại, thì ông đã là Đại úy Quận trưởng một quận ở Châu Đốc rồi. Sau ngày đảo chánh 1.11.1963, ông bị phe “quân nhân cách mạng” bắt nhốt một thời gian vì thuộc đảng Cần lao-Nhân vị của ông Ngô Đình Nhu, sau đó tiếp tục ở trong quân ngũ cho đến ngày được cử làm Quận trưởng Kiên Tân.

Cũng từ sự trở lại của Thiếu tá Quận trưởng Ngọc, sự hiện diện và vai trò của một số linh mục Công giáo tại khu dinh điền Cái Sắn thuộc quận Kiên Tân trở nên sinh động hẳn. Trong số hơn 20 vị cai quản các giáo xứ nằm dọc theo các con kinh đào, từ kinh A, qua kinh số 0, rồi kinh 1 đến kinh 10, đa số thực hiện các công tác thầm lặng thuần túy tôn giáo, chỉ có khoảng 3 vị nổi bật nhất trong cả hai lãnh vực đạo và đời. Đó là các vị (tên họ đã được thay đổi):

– Cha Trần Bách Phúc, cai quản giáo xứ thuộc kinh 1, ấp Tân Hà, xã Tân Hiệp

– Cha Võ Văn Thượng cai quản giáo xứ kinh 6, xã Thạnh Đông

– Cha Văn Thanh Độ, cai quản “Đài Đức Mẹ”, một nhà thờ có khuôn viên rộng lớn, trước sân có tạc một pho tượng Đức Mẹ rất to. Đài Đức Mẹ nằm sát liên tỉnh lộ Long Xuyên – Rạch Giá, chỉ cách quận đường Kiên Tân vài trăm mét.

Viết là như thế, song người có mặt thường trực trong những câu chuyện sẽ được kể ra với bạn đọc, từ đây trở về sau, nhiều nhất cũng chỉ có Cha Phúc.

Tại bất cứ địa phương nào trên lãnh thổ miền Nam lúc bấy giờ, sự hợp tác cùng phát triển giữa chính quyền và tôn giáo là điều không thể phủ nhận. Chính quyền cần có sự ủng hộ của các chức sắc tôn giáo và giáo dân, ngược lại, các thành phần này cũng cần sự hỗ trợ của chính quyền trên nhiều mặt sinh hoạt đạo và đời.

Ngay trong những ngày đầu tiên làm việc với tư cách là người phụ tá về hành chánh cho ông Quận trưởng, Thiếu tá Ngọc, tôi nhận ngay ra mối quan hệ gắn bó giữa ông và cha Phúc. Mối quan hệ này càng bền chặt hơn qua trung gian của ông Trần Văn Sút, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Thạnh Đông.

Đến đây, lại cần mở thêm một dấu ngoặc để nói rõ hơn cơ chế về hành chánh và dân cử của cấp xã vào những năm cuối thập niên 1960 tại miền Nam. Sau một cuộc bầu cử tự do và công khai, ứng cử viên đạt số phiếu cao nhất đương nhiên giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Hành chánh xã, với sự phụ giúp của nhiều ủy viên do chính quyền tỉnh cử nhiệm (ủy viên hộ tịch, ủy viên tài chánh, ủy viên an ninh …); người được số phiếu cao thứ nhì đương nhiên là Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, đứng đầu những ứng cử viên đủ túc số phiếu để đắc cử vào hội đồng.

Như vậy, ông Trần Văn Sút đã đắc cử Chủ tịch HĐND xã theo thể thức này. Sự qua lại như con thoi của ông Sút từ nhà cha Phúc đến tư thất ông Quận Ngọc khiến nhiều người vui miệng nói rằng ông Sút chính là ông Phó Quận thứ hai!

***

Ai mới vừa đặt chân đến quận Kiên Tân dù chỉ trong 5-7 ngày cũng được nghe nhiều chuyện kể về cha Phúc. Vào những năm 1968-1969, ông thường lên Sài Gòn như cơm bữa để lo nhiều việc giùm người khác, lo có điều kiện hay không, chuyện đó ít ai biết. Nơi ông thường xuyên tiếp xúc là Phủ Tổng thống, ở đó, người mà ông thân quen nhất là Đại tá Võ VC, Chánh văn phòng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Tại Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Vùng 4 chiến thuật, ông thân với Chuẩn tướng N.H.H., Tư lệnh phó, người mà sau ngày 30.4.1975, được giới thiệu là đã có công làm nội gián cho lực lượng miền Bắc.

Một nhân chứng kể rằng, một hôm cha Phúc lên Tiểu khu Kiên Giang xin Phòng 4 (Phòng vật tư-tiếp liệu) cấp cho mấy chục cuộn kẽm gai để về rào nơi cư ngụ của cha, đơn vị này trình lên trình xuống chậm trễ sao đó, cha tức tốc chạy lên Bộ Tư lệnh vùng và ngày hôm sau, ông Chuẩn tướng H cho chở từ Cần Thơ xuống nhà cha một xe GMC (xe vận tải nhà binh) chất đầy những cuồn kẽm gai, cha tha hồ sử dụng! Ông Tỉnh trưởng, Quận trưởng nào nhìn thấy thế mà không “nể” cha?

Cuối năm 1968, khi tôi xuống đến quận Kiên Tân thì cuộc đời của cha Phúc đã ngập tràn giai thoại. Mọi việc bắt đầu vào năm 1966, khi ông Nguyễn Cao Kỳ còn là Thiếu tướng, Chủ tịch Ủy ban Hành pháp trung ương (Thủ tướng). Bữa nọ, ông Kỳ thu xếp bay xuống quận Kiên Tân để tiếp xúc, thăm hỏi đồng bào, chủ yếu là đồng bào di cư tại khu dinh điền Cái Sắn. Điều may mắn bất ngờ đến với cha Phúc, vì khi đó ông đang là cha Tổng quản, đứng đầu các cha tại khu vực và là người đại diện Giám mục Nguyễn KN tại địa phận Long Xuyên.

Tất nhiên, lần thăm viếng ấy của ông Kỳ kết thúc bằng bữa tiệc thịnh soạn mà cha Tổng quản Trần Bách Phúc đã tổ chức chiêu đãi, với tư cách người đứng đầu, đại diện cộng đồng các cha và giáo dân tại khu vực Cái Sắn. Từ đó, ai có dịp vào thăm nơi ở của cha Phúc sẽ nhìn thấy những tấm ảnh đen trắng rọi to và lồng kính, miêu tả lại bữa tiệc, ở đó, cha Phúc ngồi cạnh ông Kỳ để thù tiếp. Tân Phó Quận trưởng Kiên Tân LVC biết tỏng nguyên nhân ra đời của những tấm ảnh trên nên không ngạc nhiên, song ở tỉnh lỵ, nhiều sĩ quan của Tiểu khu, nhiểu viên chức cỡ Trưởng ty Sở, lấy làm “kinh nhi viễn chi” lắm, ai có dịp thuyên chuyển về Kiên Giang cũng tìm cơ hội vào kinh 1, ấp Tân Hà, thăm cha Phúc để làm quen.

Năm 1967, khi đó ông Kỳ vẫn còn là Chủ tịch Ủy ban Hành Pháp trung ương, chưa làm Phó Tổng thống, cha Phúc tổ chức lễ Ngân khánh, kỷ niệm 25 năm ngày thụ phong linh mục. Ông lên Sài Gòn, vào Phủ Chủ tịch, mời ông Kỳ về Cái Sắn tham dự lễ ngân khánh. Lần đó, vì lý do này hay lý do khác, ông Kỳ từ chối lời mời, song cử Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia, thay mặt ông tham dự.

Sau khi lễ lạt kết thúc, Chuẩn tướng Loan trở về Sài Gòn thì không lâu sau, vách nhà cha Phúc lại xuất hiện thêm nhiều khung hình của buổi tiệc nhân lễ Ngân khánh. Cũng từ đó, ngày ngày xuất hiện hai nhân viên cảnh sát được cử đến canh phòng chỗ ở của cha.

Chuyện này không biết có thêu dệt không, người ta đồn rằng trong bữa tiệc, với tư cách chủ nhà, ngồi cạnh tướng Loan, cha Phúc than thở rằng do ông là người có tinh thần chống Cộng cao độ nên ông bị VC lên án, đòi xử ông. Tất nhiên, ông kết thúc bài ca đó với lời khẩn thiết đề nghị tướng Loan “cứu xét giúp đỡ”. Tướng Loan trong thế kẹt, ngoắc ông Trưởng ty Cảnh sát Kiên Giang, cũng có mặt trong bữa tiệc, bỏ nhỏ mấy câu. Kết quả là sự có mặt của hai nhân viên cảnh sát như vừa kể trên.

*Kỳ 4: Bất đồng Việt – Mỹ tại Cái Sắn

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây