Làm Đường sắt Bắc Nam bằng nguồn lực nội địa?

Kim Văn Chính

3-10-2024

Tôi cho là dưới áp lực của công luận, dự án đường sắt Bắc Nam đã phải có những điều chỉnh lớn so với các viễn cảnh mang tính tuyên truyền áp đặt vừa qua:

1. Ngày 25/9/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam và yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp để khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam (sau đây gọi tắt là Dự án), báo cáo rõ cơ sở lựa chọn tốc độ thiết kế 350km/h đường sắt tốc độ cao gắn với công nghệ cao, hiện đại… và giải trình rõ hơn lý do tại sao không lựa chọn tốc độ thiết kế 250km/h.

Ngoài ra, bổ sung rõ các luận cứ để chứng minh [sự] cần thiết phải xây dựng toàn bộ tuyến, không phân kỳ theo từng đoạn theo Kết luận 49-KL/TW của Bộ Chính trị.

2. “Với tinh thần tự cường, độc lập, tự chủ và khả năng cân đối, Bộ Chính trị và Trung ương quyết định sẽ đầu tư đường sắt Bắc – Nam không phụ thuộc vào vay nước ngoài. Vay bất cứ quốc gia nào cũng sẽ bị ràng buộc” (lời thứ trưởng bộ GTVT).

“Do đó, chúng ta xác định nguồn vốn cho dự án là đầu tư công, sử dụng nguồn vốn trong nước. Chính phủ sẽ có phương án để huy động nguồn vốn trong nước và tuỳ theo khả năng cân đối, có thể phát hành trái phiếu trong nước hoặc kết hợp vay nước ngoài.

Trường hợp vay nước ngoài, phải đi kèm điều kiện ưu đãi, ít ràng buộc và điều kiện lớn nhất là phải chuyển giao công nghệ cho Việt Nam”.

3. Tiến độ xây dựng định trong 8 năm 2027-2035 nhiều người cho là ảo tưởng thì ông Huy, thứ trưởng Bộ Giao thông trả lời:

“Nhà thầu phải sử dụng dịch vụ, hàng hoá mà trong nước sản xuất được. Dịch vụ ở đây như phần xây dựng trong nước có thể làm được thì bắt buộc nhà thầu chính phải sử dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia”.

Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là dự án đặc biệt. Dự án này sẽ được làm với quyết tâm chính trị cao nhất, huy động nguồn lực cả trong nước và ngoài nước. Không phải chúng ta không có gì mà chúng ta đã có đội ngũ có thể làm tất cả về kết cấu hạ tầng.

Điển hình như cầu dây văng Mỹ Thuận 2, Việt Nam đã có thể thực hiện 100% từ thiết kế đến thi công. Làm hầm chúng ta có những doanh nghiệp hàng đầu như Sơn Hải, Sông Đà 10, Đèo Cả đã tự chủ toàn phần.

Về đoàn tàu, chúng ta đã nâng cấp toàn bộ các toa xe cũ thành các toa xe chất lượng cao, chạy tàu SE21/SE22 giữa TP.HCM – Đà Nẵng, rất đông khách du lịch, thường xuyên cháy vé. Chúng ta có 2 cơ sở công nghiệp đường sắt như nhà máy Xe lửa Dĩ An, nhà máy Xe lửa Gia Lâm phát triển từ thời Pháp, nay có đầy đủ máy móc, thiết bị”

Tôi thấy nhà máy xe lửa Gia Lâm rất lạc hậu và cũ kỹ đến mức đáng thương (xem ảnh dưới) sao làm được các hạng mục chính cho đường sắt cao tốc?

Đầu máy xe lửa hơi nước Tự Lực được sản xuất năm 1965. Ảnh trên mạng

Kinh nghiệm Việt Nam làm có sự hỗ trợ vay vốn và toàn bộ công nghệ nhập ngoại ở ba tuyến sắt nội đô Cát Linh, Nhổn và Suối Tiên, toàn trên 10 năm chưa xong hẳn. Vậy mà ông Huy đòi làm cả gần 2.000km cao tốc trong 8 năm? Bằng nguồn lực nội địa?

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây