Nhà tù ở Việt Nam đang là nơi ủ bệnh lao

Thục Quyên

27-8-2024

Nghèo đói là một trong những nguyên nhân quan trọng đóng góp cho việc lây lan và phát triển vi khuẩn lao. Môi trường sống và làm việc đông đúc, kém thông gió thường liên quan đến nghèo đói, tạo thành các yếu tố gây nguy cơ trực tiếp cho việc lây truyền bệnh lao.

Suy dinh dưỡng cũng là một yếu tố giúp bệnh lao phát triển. Nghèo đói cũng liên quan đến tình trạng kém kiến ​​thức về sức khỏe, từ đó hạn chế việc bảo vệ sức khỏe trong đời sống hàng ngày, dẫn đến nguy cơ tiếp xúc và truyền bệnh.

Hàng năm, hiện có khoảng  10 triệu người mắc bệnh lao trên thế giới (1). Mặc dù là một căn bệnh có thể phòng ngừa và chữa khỏi, nhưng vẫn có 1,5 triệu người bỏ mạng vì bệnh lao mỗi năm, khiến lao trở thành căn bệnh truyền nhiễm giết người hàng đầu ở những nước chậm phát triển.

Tuy bệnh lao hiện diện khắp thế giới, nhưng hầu hết những người mắc bệnh lao đều sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Khoảng một nửa số người mắc bệnh lao có thể được tìm thấy ở 8 quốc gia: Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nigeria, Pakistan, Philippines và Nam Phi.

Trong Hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao (2) ngày 8/04/2024, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, có thêm 172.000 người mới ở Việt Nam mắc lao và khoảng trên 13.000 người tử vong do lao trong năm 2022, đưa Việt Nam lên hàng thứ 11 trong 30 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất trên toàn cầu.

Dù vậy, số bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị được báo cáo hàng năm chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính. Nghĩa là, 40% số người nhiễm bệnh chưa được phát hiện, đang tiếp tục lây bệnh trong tình trạng vô kiểm soát.

Theo bác sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia, hiện công tác chống lao còn gặp nhiều khó khăn vì 12/63 tỉnh chưa có bệnh viện lao, dẫn đến thiếu nhân sự chuyên môn để triển khai các chương trình phòng chống lao. Các cơ sở y tế tuyến tỉnh còn thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm; nguồn kinh phí cho hoạt động phòng, chống lao được phê duyệt muộn; nguồn kinh phí viện trợ quốc tế cho hoạt động phòng, chống lao có xu hướng giảm dần; ngân sách địa phương cho hoạt động này còn hạn chế…

Nguy cơ bệnh lao bùng phát trong các nhà tù ở Việt Nam

Cơ sở hạ tầng vật chất của nhà tù ở Việt Nam thiếu thốn, số người quá tải và việc tù nhân di chuyển thường xuyên, đều có thể làm tăng nguy cơ lây truyền các bệnh truyền nhiễm qua không khí như bệnh lao.

Tại Hội nghị “Tổng kết hoạt động cung cấp điều trị lao kháng thuốc cho phạm nhân trong trại giam năm 2023”, Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Cục C10), Bộ Công an cho biết (3), theo báo cáo trong 11 tháng đầu năm 2023, các trại giam thuộc Cục C10 đã phối hợp chương trình chống lao tỉnh, tổ chức khám sàng lọc định kỳ bệnh lao cho 22 trại giam với trên 60.000 tù nhân; phát hiện và thu nhận điều trị 604 tù nhân và số tù nhân mắc lao kháng thuốc là 27.

Trong khi đó, vẫn còn 32 trại giam chưa được sàng lọc bệnh lao vì chương trình chống lao trên địa bàn chưa có xe X-quang di động (sẽ được triển khai trong tháng 12 sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu).

Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, tỷ lệ tù nhân mắc bệnh lao, HIV, lao đa kháng thuốc, viêm gan B, C và các bệnh lây nhiễm khác cao gấp 10 lần so với ngoài cộng đồng. Ở một số đơn vị cũng đã có các nhân viên, cán bộ  bị mắc lao và lao đa kháng thuốc.

Trong khi  đó, cơ sở hạ tầng giam giữ cũng như trang thiết bị y tế tại các trại giam không đáp ứng được yêu cầu thực tế, nhiều đơn vị bệnh xá xây dựng đã lâu, bị xuống cấp, chưa có khu cách ly, điều trị, thiếu nhân lực, thiếu các phương tiện chẩn đoán để phát hiện sớm các bệnh lây nhiễm như lao, lao đa kháng thuốc.

Nhận thức của tù nhân về bệnh lao còn hạn chế, nên nguy cơ lây nhiễm trong môi trường trại giam là rất cao.

Những thiếu sót nguy hiểm đã và đang xảy ra tại các trại giam là những vi phạm nhân quyền.

Cho tới nay, đã có trường hợp tù nhân bị sụt giảm cân, khạc ra máu, xin đi khám bệnh nhưng không được chấp thuận, mặc dù gia đình đã làm đơn nêu rõ xin đi khám lao.

Một trường hợp khác, sau nhiều tuần lễ một tù nhân có triệu chứng lâm sàng mới được định bệnh lao và đưa vào nhà thương chữa trị, nhưng trại giam không đưa những tù nhân cùng phòng đi khám sàng lọc.

Không có giải pháp kiểm soát thì không thể hy vọng đẩy lùi hữu hiệu bệnh lao.

Mạng sống của những người đang bị giam giữ trong tù nằm trong tay nhà cầm quyền.

Vì trại giam là nơi tập trung đông người,  tù nhân có nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn bình thường, có hệ thống nhiễm dịch suy yếu, lại không được hưởng sự bảo vệ y tế cần thiết, nên tù nhân được Liên Hiệp Quốc xếp loại là “nhóm dễ bị tổn thương”, và việc bảo vệ quyền con người về mặt sức khỏe của nhóm này đòi hỏi phải có những thích ứng toàn diện từ cả lĩnh vực y tế lẫn tư pháp.

Việt Nam cam kết với thế giới sẽ chấm dứt bệnh lao năm 2035 và nhận hỗ trợ từ thế giới   

Bệnh lao là bệnh lây truyền qua đường không khí, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Theo thống kê 2023 của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Việt Nam là quốc gia mang gánh nặng bệnh lao cao thứ 10 trên thế giới với tỷ lệ bao phủ điều trị thấp nhất ở khu vực châu Á.

Bệnh viện Phổi Trung ương là một trong những đơn vị đầu tiên được tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí viện trợ của Quỹ Toàn cầu từ năm 2004 (4).  Đến nay, những đóng góp của Quỹ Toàn cầu cho hoạt động phòng, chống lao ở Việt Nam giai đoạn 2004-2023 là hơn 256 triệu USD. Cuối năm 2022, Quỹ Toàn cầu thông báo, trong giai đoạn 2024-2026 sẽ tiếp tục tài trợ cho Việt Nam trên 130 triệu USD để phòng, chống 3 bệnh HIV/AIDS, lao và Sốt rét, cũng như tăng cường hệ thống y tế…

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) dự trù ngân sách gần 24 triệu USD  để hỗ trợ chương trình Chấm dứt bệnh lao của Việt Nam trong 5 năm, từ năm 2020-2025 (5).

Nhà cầm quyền cũng như người dân Việt Nam cần nâng cao nhận thức về hiểm họa bệnh lao hiện nay và theo dõi cũng như thúc đẩy chương trình chấm dứt bệnh lao.

Cải thiện việc kiểm soát bệnh lao trong các nhà tù sẽ có lợi cho toàn xã hội. Các nhà tù hoạt động như một bể chứa bệnh lao, bơm bệnh vào cộng đồng dân sự thông qua nhân viên, khách thăm và những cựu tù nhân được điều trị không đầy đủ. Do đó, việc xử lý bệnh lao trong các nhà tù phải là một phần không thể thiếu của bất kỳ chính sách y tế công cộng nào, nhằm mục đích kiểm soát và cuối cùng là xóa bỏ căn bệnh này.

Chú thích:

(1) https://www.who.int/teams/global-tuberculosis-programme/populations-comorbidities/social-determinants

(2) https://nhandan.vn/viet-nam-can-trien-khai-nhieu-nhiem-vu-de-som-thanh-toan-benh-lao-post803653.html

(3) https://nhandan.vn/nang-cao-hieu-qua-phong-chong-benh-lao-tai-cac-trai-giam-post785790.html

(4) https://nhandan.vn/quy-toan-cau-da-ho-tro-viet-nam-hon-256-trieu-usd-trong-cong-tac-phong-chong-lao-post751816.html

(5) https://www.usaid.gov/vi/vietnam/fact-sheets/usaid-support-end-tuberculosis

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây