18-7-2024
Người xưa bảo “trần sao âm vậy”, có một thế giới “bên kia” tách hẳn khỏi thế giới “bên này”. Đó là cõi âm, dưới ấy cũng đủ bộ máy, thể chế, ban bệ, luật pháp, hoạt động… Đứng đầu là Diêm vương (vua), thần dân là những người ở cõi dương bị chết, chuyển sinh hoạt, cắt hộ khẩu sang cõi âm, còn công an cảnh sát âm chính là đám quỷ sứ yêu ma, tòa án và viện kiểm sát là các phán quan râu dài, cơ quan thi hành án là cái vạc dầu, chó ngao, xiềng sắt, v.v…
Hồi tôi còn bé, thày (bố) tôi có mấy quyển sách chữ nho. Đám con là chúng tôi, chữ nhất bẻ đôi không biết, tò mò lén mở xem. Chả là trong đó có nhiều tranh vẽ cảnh hành tội người dưới cõi âm, như chó ngao cắn xé, bỏ người vào vạc dầu, dùi nung lửa đốt thịt, xích xiềng quấn quanh cổ… rất kinh.
Anh tôi xem xong mặt tái mét, nói lí nhí, tao sợ âm ti địa ngục lắm. Chị cả tôi bảo muốn không bị quỷ sứ bỏ vào vạc dầu thì đừng làm điều ác. Đánh mèo, cắt tiết gà, bỏ lợn đói, cười cợt các bác ngố con cụ Đẹn… đều là ác cả, bị phán quan hằng ngày theo dõi ghi thành tội.
Chúng tôi đâm ra sợ, thậm chí có hôm câu được mớ cá rô, thấy nó còn sống cũng không nỡ đập để đánh vẩy rửa cho vào nồi. Nhưng cùng lứa với tôi nhiều đứa chắc nhà nó không có sách nho hình quỷ sứ nên không sợ. Anh em thằng Còm thằng Nhớn sinh đôi (sau này đổi tên là Việt, Bắc) con ông Ngữ, nghe tôi kể, chúng bĩu môi “phải tội lội xuống sông, đánh ba tiếng cồng, tội lại nổi lên”, chả coi diêm vương, quỷ sứ, phán quan là cái đinh gì.
Đời người tuân theo quy luật “sinh lão bệnh tử”. Các nhà xây dựng khi thiết kế cái cầu thang luôn chú ý đến luật bốn chữ này. Làm sao khi bước tới bậc cuối cùng phải trúng chữ “sinh” thì gia chủ mới thọ lâu, khỏe mạnh. Nhưng ai sống rồi cũng phải chết, dù sống lâu như ông bành tổ 800 tuổi cũng chết. Còn chết rồi mà “sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” lại là chuyện khác.
Chết thì chôn. Ngày xưa xứ ta chỉ đem chôn, ít khi đốt (hỏa táng). Lúc sống có thể chiếm muôn nghìn dặm đất, chết chỉ cần vài thước ta. Đắp thành cái mộ. Từ Hán Việt gọi là “khâu”, “thôn hoang mấy nấm cổ khâu” (truyện Bích Câu kỳ ngộ). Cái ấy gọi là mộ, mả. Mồ. Mồ mả. Đều là nó.
Giàu nghèo cũng nấm mộ. Có hai mét vuông, bình đẳng. Tưởng vậy nhưng không phải vậy. Thế mới sinh ra lăng, lăng tẩm, sinh phần (sinh phần nghĩa là khi còn sống đã chọn giành cho mình chỗ này chỗ nọ xây sẵn lăng mộ để chôn mình về sau). Đó là thứ của những anh không phải người mà là siêu người. Sống khác người, chết cũng khác người. Mộ cũng phải là “cụ lớn mả”.
Trong truyện “Làng” của nhà văn Kim Lân có kể về ngôi mộ rất to ở làng, chôn vị quan lớn, dân kính cẩn gọi là cụ lớn mả. Ai cũng tự hào về ngôi mộ ấy. Khi cách mạng thành công, tự dưng người ta nhìn cái lăng quan thượng mà mình vẫn khoe ngày nào giờ như chiếc đinh chọc vào mắt, chỉ muốn đào phá đi cho khuất mắt.
(Còn tiếp)
Học giả: TBT.
Lạ, các quan lãnh đạo,
Đầy tớ của nhân dân,
Ghi trong điều lệ đảng,
Luôn Liêm Chính Kiệm Cần.
Thế mà chết, lo sẵn
Cho mình và người nhà
Khu mộ phần hoành tráng,
Rộng đến mấy héc-ta.
Tôi, người dân, xin hỏi:
Ai cho phép điều này?
Sao không chôn Mai Dịch
Như các quan trước đây?
Chưa nói chuyện lúc sống
Làm được gì cho dân,
Chết, chưa thôi vơ vét,
Còn cướp đất của dân.
Mà quan thì nhiều lắm,
Còn hơn cả ruồi bâu.
Nay mai quỹ đất hết,
Dân biết sống ở đâu?
Cái nước ta thế đấy.
Thế đấy các quan ta.
Chết vẫn chưa hết nợ,
Vẫn làm hại nước nhà.
***
Lăng mộ cao quý nhất
Trong trái tim người đời.
Người nhỏ mà mộ lớn
Chỉ tổ người ta cười.
Nguồn mạng.