Thu tiền ‘khắc phục’ và hệ thống vô phương ‘khắc phục’ (Phần 1)

Blog VOA

Trân Văn

30-5-2024

Ông Phạm Văn Hòa – đại biểu Quốc hội – vừa đề đạt chuyện chưa từng có từ cổ chí kim: Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam nên dùng luật pháp vạch “lằn ranh đỏ” mà bên này là “cán bộ, doanh nghiệp đã có những việc làm không đúng quy định pháp luật, thu lợi bất chính từ đấu thầu, giao đất không qua đấu giá, bắt tay nhau để đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn tác động để tiêu cực”, còn bên kia là những người, những doanh nghiệp tự giác khai báo, tự nguyện nộp lại tài sản từng chiếm đoạt.

Cứ như ông Hòa giải thích thì nhiều tham quan, ô lại và các doanh nghiệp lớn mạnh nhờ hối mại quyền thế đang “sẵn sàng khai báo và hoàn trả lại nguồn tiền bất hợp pháp, mắc mứu chỉ nằm ở chỗ hệ thống lập pháp, lập quy chưa có “văn bản hướng dẫn” thành ra cần soạn – công bố các quy phạm pháp luật, khuyến khích số này tự giác. Ông Hòa bảo rằng, nếu “nhà nước bảo vệ bí mật, khép lại hồ sơ” và để những cá nhân “lỡ nhúng chàm” được “hoạt động, công tác bình thường” thì tham quan, ô lại và doanh nghiệp hối mại quyền thế “sẽ làm rất tốt để chuộc lại lỗi lầm”!

Không phải tự nhiên mà ông Hòa đề đạt như vậy. Ông cho rằng cần làm như vậy vì “củi đưa vào lò toàn loại gỗ quý, gỗ rất quý hiếm, rất xót xa”, vì “tiền nhân đã dạy đánh người chạy đi, chứ không đánh người trở lại”, vì “chính sách khoan hồng nhân đạo, nhân văn của đảng, nhà nước”, vì “cơ chế, chính sách” thành ra mới dám đến suy nghĩ “có làm thì có sai, nếu sai thì bị xử lý, còn không làm không sai” và cuối cùng, toàn bộ hệ thống tê liệt phải khuyến khích “dám nghĩ, dám làm[1].

Cần lưu ý, ông Hòa từng là đại biểu quốc hội cả khóa trước lẫn khóa này. Ở khóa này, ông là thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – nơi chuyên thẩm tra tính hợp hiến, hợp pháp của các dự luật, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống quy phạm pháp luật, đồng thời cũng là nơi giám sát việc thi hành các quy phạm pháp luật, đưa ra các đề nghị nhằm hoàn thiện bộ máy công quyền và hệ thống pháp luật… Tại sao một người như thế lại xem hiến pháp và luật pháp hiện hành như… giấy lộn!

***

Tuy luật hình sự của Việt Nam dành riêng chương 23 để xử lý những tội phạm liên quan đến chức vụ nhưng xét về bản chất, các tội phạm về tham nhũng ở Mục 1 và nhiều tội ở Mục 2 của chương này chẳng khác gì các tội xâm phạm sở hữu cá nhân ở chương 16 [2]. Do vậy, cần phải hỏi, tại sao cá nhân trộm cắp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản, sử dụng trái phép tài sản,… của người khác phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật hình sự nhưng tham quan, ô lại và doanh nhân hối mại quyền thế chỉ cần tự nguyện khai báo sẽ được tha bổng, thậm chí được cam kết che đậy hành vi phạm tội để tiếp tục “sống, làm việc theo… đảng”? Vì sao lại tha những kẻ xâm phạm công sản vốn thuộc “sở hữu toàn dân”, về nguyên tắc phải được sử dụng đúng cách để đem lại ấm no, hạnh phúc cho toàn dân và hậu quả của việc xâm phạm công sản gieo họa cho cả quốc gia, dân tộc chứ không phải chỉ gieo họa cho một hoặc vài cá nhân như các hành vi xâm phạm sở hữu cá nhân?

Thả bổng những cá nhân câu kết với nhau xâm phạm công sản nếu cá nhân đó “tự giác khai báo” có khác gì công nhiên chà đạp Hiến pháp [3]. Nếu “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” như hiến định thì ông Phạm Văn Hòa nói riêng và quốc hội, chính phủ nói chung sẽ dựa vào đâu để ban hành quy phạm pháp luật mới theo hướng đã bỏ qua còn che đậy cho những cá nhân từng lợi dụng chức vụ quyền hạn xâm phạm công sản và cuối cùng cũng chỉ vì lợi ích của chính họ, “tự nguyện” bước qua bên kia “lằn ranh đỏ” để có thể tiếp tục thủ đắc chức vụ, có thể tiếp tục sử dụng công quyền, có thể tiếp tục “ăn trên, ngồi trốc”? Thả bổng những cá nhân câu kết với nhau xâm phạm công sản nếu cá nhân đó “tự giác khai báo” có khác gì sổ toẹt luật hình sự, chứng minh điều mà Cộng hòa CHCN Việt Nam khẳng định, nhiệm vụ của luật hình sự là “bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm” chỉ là cố tình lừa bịp đồng chí, đồng bào?

***

Nếu chịu khó đối chiếu, ngẫm nghĩ, hẳn sẽ dễ dàng nhận ra đề nghị của ông Phạm Văn Hòa không phải là sáng kiến của riêng ông. Đề nghị này chỉ là bước tiếp theo của một kế hoạch đang được hoàn thiện để cuối cùng có thể sử dụng chính luật pháp XHCN để giúp tham quan ô lại tại Việt Nam tẩy rửa sạch sẽ mọi tì vết theo kiểu rũ bùn đứng dậy… sáng lòa” để tiếp tục cùng đảng CSVN quang vinh dẫn dắt toàn dân bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội…

(Còn tiếp)

Chú thích

[1] https://tuoitre.vn/vi-sao-can-bo-nhung-cham-chu-dong-nop-tien-khac-phuc-20240108073326154.htm

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-hinh-su-2015-296661.aspx

[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. “Dám nghĩ dám làm “,có thể là đúng và ngược lại có thể sai. Dám đánh Mĩ,và cuối cùng thắng Mĩ,thật là kỳ tích ,trong trường hợp này “dám nghĩ dám làm “thật đúng. Nhưng mấy ai biết Vn có truyền thống đánh giặc từ ngàn xưa, ít nhiều người dân đều có kinh nghiệm chiến đấu ..,nhờ vậy mà thành công. Nhưng bước vào xây dựng và phát triển khoa học kĩ thuật thì câu này không đúng nữa, càng làm càng sai ,bởi lẽ Vn không có truyền thống trong những lĩnh vực này ,mà thực tế cho thấy khoa học kĩ thuật, công nghệ đem lại tất cả từ vật chất đến tư duy. Cái lỗi của hôm nay có nguyên nhân từ nền giáo dục .Giáo dục Vn không hiểu hết những sâu thẳm học thuật của phương tây, tạo ra vô số những “thầy Mỗ “,.Hậu duệ của những thầy Mỗ ngày nay yếu về kiến thức nhưng thủ đoạn thì vô biên…

  2. Quốc Hội là trại súc vật nên trong số mấy trăm con thì cũng có nhiều con thuộc loại động vật quý hiếm, con bò đực này là một.

  3. Từ nay về sau, mọi người đều có thể ăn cướp tiền của người khác miễn là nếu bị bắt thì trả lại tiền là xong. Hay quá là hay!

  4. Gửi tà tăng, gian tăng, tặc tăng, bệnh tăng
    Học giả BCV.

    Người ta tu hạnh đầu đà
    Sư dởm tu hạnh quỷ ma lộng hành
    Người ta tu để vô danh
    Sư dởm tu để lưu manh truyền đời

    Người ta đi bộ khắp nơi
    Sư dởm quanh quẩn chỗ ngồi kiếm “đô”
    Người ta cái miệng “nam mô”
    Sư dởm cái miệng “một bồ dao găm”

    Nguồn mạng.

  5. Chúng ta nhìn vào các vụ về vườn làm người tử tế của các lãnh đạo chóp bu cs vừa qua thì ý kiến của tên nghị gật này chẳng có gì mới với cách xử trí bọn tham nhũng của cs. Chỉ khác chút ít là nếu không phải đấu đá giành chiếc ghế thì cứ để nó ngồi yên trên ghế tiếp tục làm việc chỉ cần nhả tiền ra cho đảng là xong không cần nói cho dân biết!

  6. Có ai biết cá nhân/tổ chức nào đã đặt Phạm Văn Hòa vào vị trí đb Quốc hội??? Có ai biết cá nhân/tổ chức nào đã đặt Phạm Văn Hòa vào vị trí đb Quốc hội???

    Gs VL
    Lò chống tham nhũng đang rực lửa nhưng “củi đưa vào lò toàn loại gỗ quý hiếm, rất xót xa”, nghe mấy dòng trên từ cửa miệng của nghị sĩ Phạm Văn Hoà, phó chủ tịch hội luật gia tỉnh Đồng Tháp mà thấy đau lòng, thấy thương cho dân, xót cho nước. Hóa ra mấy năm qua lò do tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhóm lên để thiêu đốt tham nhũng, gỗ sâu, gỗ mục không đốt lại đốt toàn gỗ quý hiếm hay sao? Nếu lời của nghị sĩ Phạm Văn Hoà là đúng thì hệ thống tư pháp của thể chế, những người quyết định đưa gỗ vào lò là sai. Ta hãy liệt kê một vài thanh củi mới tống lò trong thời gian gần đây để xem lời của nghị sĩ Hoà là đúng hay sai.

    ⦁ Nguyễn Thanh Long, cựu bộ trưởng bộ y tế, nhận hối lộ 2.2 triệu USD của Việt Á, phải chăng là gỗ trầm hương?
    ⦁ Chu Ngọc Anh, cựu bộ trưởng bộ khoa học công nghệ, cựu chủ tịch Hà Nội nhận hối lộ 200.000 USD, thanh gỗ này có phải là gỗ sưa đỏ?
    ⦁ Tô Anh Dũng, cựu thứ trưởng ngoại giao nhận hối lộ 21.5 tỷ, thanh gỗ này có được coi là gỗ hoàng đàn?
    ⦁ Chữ Xuân Dũng, cựu phó chủ tịch Hà Nội, nhận hối lộ hơn 2 tỷ chắc được nghị sĩ Hoà xếp vào nhóm gỗ trắc.
    ⦁ Còn hàng trăm quan chức cấp vụ, cấp sở người nhận vài chục tỷ, kẻ nhận dăm tỷ trong hai đại án Việt Á và Chuyến Bay Giải Cứu phải chăng thuộc nhóm tứ thiết.
    ⦁ Còn hàng trăm thanh gỗ quý hiếm khác, theo quan điểm của nghị sĩ Hoà, đang xếp hàng đợi tống lò có đáng xót xa hay không?

    Là luật sư, lại là đại biểu đại diện cho dân mà đăng đàn trước quốc hội nói những lời như vậy không hiểu mục đích của ông Phạm Văn Hoà là gì? Tôi dám chắc rằng trên 90% người dân không coi hàng vài trăm thanh gỗ được đưa vào lò trong mấy năm qua là gỗ quý. Đấy chỉ là những thanh gỗ mối mọt đáng phải tống lò từ lâu, những thanh gỗ này đã mục ruỗng không đáng dùng, nếu cứ nhắm mắt dùng chúng thì ngôi nhà của thể chế đổ lúc nào không biết. Chống tham nhũng là việc làm của toàn dân, nhưng một đại biểu của dân mà có suy nghĩ về cách chống tham nhũng như ông Hoà thì làm sao có thể vứt bỏ khối u tham nhũng đang hủy hoại đất nước. Không hiểu còn có bao nhiêu nghị sĩ có suy nghĩ như ông Hòa?

    Nguồn Mạng.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây