29-4-2024
Công cuộc đốt lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bị Bộ trưởng Công an Tô Lâm ‘vũ khí hóa’ để triệt hạ các đối thủ và bản thân ông Lâm trở thành người chiến thắng trong bối cảnh còn chưa tới 2 năm là đến kỳ Đại hội Đảng, một nhà nghiên cứu về tình hình Việt Nam nói với VOA.
Chiến dịch chống tham nhũng ‘không có ngoại lệ’, ‘không có vùng cấm’ do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng phát động hồi năm 2016 để làm trong sạch Đảng và cho đến nay, nó đã khiến hàng loạt quan chức từ huyện, tỉnh, đến trung ương bị kỷ luật, cách chức, truy tố và thậm chí đã ngồi tù.
Chỉ tính riêng nhiệm kỳ khóa 13 dù mới hơn nửa đường nhưng đã có hàng chục ủy viên trung ương và 5 trong số 18 ủy viên Bộ Chính trị bị mất chức, điều chưa từng thấy trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có ba lãnh đạo thuộc hàng tứ trụ là các Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và mới đây là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
‘Triệt hết đối thủ’
Bộ trưởng Công an Tô Lâm được xem là người hỗ trợ đắc lực cho công cuộc đốt lò của ông Trọng khi bộ công an của ông đã phanh phui và khởi tố nhiều vụ việc của các doanh nghiệp mà sau đó dẫn đến các cú rớt đài của các ông Phúc, Thưởng và Huệ mặc dù Đảng không nói rõ sai phạm của các ông này là gì.
Điển hình như trong vụ việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, công an đã bắt giữ các lãnh đạo Tập đoàn Thuận An nhân lúc ông Huệ vừa lên đường công du Trung Quốc và bắt giữ trợ lý thân cận của ông ngay khi người trợ lý này cùng ông Huệ vừa về tới Hà Nội khi công an mở rộng điều tra Tập đoàn Thuận An. Chưa đầy một tuần sau đó, ông Huệ đã phải nộp đơn xin từ chức.
“Ông Tô Lâm đã vũ khí hóa chiến dịch chống tham nhũng để vô hiệu hóa các đối thủ chính trị, và ông ấy sẽ không dừng lại,” Giáo sư Abuza Zachary, chuyên nghiên cứu chính trị Việt Nam tại Đại học Quốc phòng Mỹ ở thủ đô Washington, nói với VOA.
Theo nhận định của vị giáo sư này thì ông Tô Lâm ‘rõ ràng là người chiến thắng trong công cuộc chống tham nhũng’ khi đã đẩy lùi các đối thủ có khả năng lên kế nhiệm ông Trọng vào năm 2026.
“Ngay lúc này chỉ còn hai ứng cử viên có đủ điều kiện (lên thay ông Trọng) theo quy chế hiện hành của Đảng (ngoài ông Tô Lâm). Đó là ông Phạm Minh Chính (thủ tướng) và bà Trương Thị Mai (thường trực Ban bí thư, trưởng Ban Tổ chức trung ương),” ông Abuza nói. “Nhưng ông Tô Lâm nắm rất nhiều thóp của ông Chính, người cũng bị những cáo buộc tham nhũng treo lơ lửng trên đầu.”
Ông Phạm Minh Chính cũng xuất thân từ Bộ Công an như ông Tô Lâm trước khi chuyển qua làm công tác Đảng với tư cách trưởng Ban Tổ chức Trung ương rồi sau này nhảy sang làm người đứng đầu Chính phủ.
Khi được hỏi liệu cuộc chiến chống tham nhũng có đi quá xa và liệu kết quả của nó có thể làm cho ông Trọng hối tiếc hay không khi những người như ông Võ Văn Thưởng hay Vương Đình Huệ – vốn được ông Trọng nâng đỡ vào Bộ Chính trị – đều bị chính công cuộc đốt lò của ông ‘thiêu đốt’, Giáo sư Abuza cho rằng ông Trọng ‘đã cưỡi lên lưng cọp’.
“Ông Tô Lâm là vũ khí tấn công của ông ấy (attack dog). Nhưng trong khi tiến hành, ông ấy đã lợi dụng việc đốt lò để từng bước hạ từng đối thủ một, bao gồm cả người được ông Trọng đỡ đầu như ông Vương Đình Huệ.”
“Tôi không nghĩ là ông Trọng có thể dừng đốt lò lúc này nếu như ông ấy muốn,” ông nhận định. “Ông ấy có thể bắt Tô Lâm dừng lại, nhưng sẽ khó mà đạo diễn, và tôi không chắc ông Trọng có muốn dừng hay không.”
Nhận định về ông Vương Đình Huệ, nhà nghiên cứu này cho rằng ‘rõ ràng ông ấy được bồi dưỡng để lên nắm vị trí cao nhất với rất nhiều kinh nghiệm trong cả Đảng và Chính phủ’.
“Ông ấy thể hiện tham vọng rất rõ ràng và mong muốn leo lên vị trí cao nhất, đó là lý do tại sao ông ấy tự tin thái quá trong vai trò của ông ấy (Chủ tịch Quốc hội),” ông Abuza nói.
“Ông Huệ cũng tham nhũng như các lãnh đạo cấp cao khác mà thôi,” ông chỉ ra và nhắc lại vai trò của ông Huệ khi còn là bộ trưởng Tài chính đã xảy ra vụ bà Trương Mỹ Lan sát nhập ba ngân hàng yếu kém thành SCB hồi năm 2012– tiền đề dẫn đến vụ án gian lận tài chính lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.
Ông Huệ vừa trở về sau chuyến công du kéo dài khác thường đến 5 ngày đến Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc thì ngay lập tức bị dính vào tâm bão của vụ án Thuận An.
Ông Abuza nhận định rằng chuyến công du vừa qua của ông Huệ cho thấy Bắc Kinh ‘đặt cược rằng ông Huệ sẽ trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Việt Nam, và các lãnh đạo của họ đã bỏ thời gian ra để gặp ông Huệ’.
Ngoài ông Tập, ông Huệ cũng đã gặp tất cả các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc bao gồm Thủ tướng Lý Cường, Chủ tịch Nhân Đại Triệu Lạc Tế và Chủ tịch Chính Hiệp Vương Hộ Ninh.
‘Đảng đang hỗn loạn’
Về tình hình nội bộ Đảng Cộng sản hiện nay sau những cú sốc liên tiếp, Giáo sư Abuza cho rằng đang ‘hỗn loạn’ (in turmoil) với 5 trong số 18 ủy viên Bộ Chính trị rơi rụng và hai ghế tứ trụ đang để trống.
Công cuộc đốt lò vốn có mục đích là lấy lại niềm tin của người dân vào Đảng Cộng sản thì nay lại ‘phơi bày trần trụi tình trạng tham nhũng hoành hành đến mức nào ngay ở cấp cao nhất của Đảng’.
“Người dân đã quen với tham nhũng ở cấp thấp nhưng không nghĩ là sẽ bắt được con sâu trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao.”
“Tôi nghĩ công cuộc đốt lò đã làm mất mặt mũi của Đảng (trong mắt người dân),” ông nói thêm.
Về tình hình đất nước, ông Abuza cho rằng ‘hiện giờ không có gì ngoài bất ổn’ (anything but stable) trong khi ‘một trong những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài là ổn định chính trị’.
“Chủ tịch Quốc hội chịu trách nhiệm thông qua luật và thực thi các đạo luật. Đảng không thể để cái ghế này trống,” ông giải thích tại sao việc ông Huệ ra đi lại gây bất an cho các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
Tuy nhiên, về triển vọng sắp tới, ông cho rằng tình hình ‘sẽ không sớm ổn định trở lại’.
Với sự rơi rụng liên tiếp của các nhân sự chủ chốt, Giáo sư Abuza cho rằng sẽ không ngoa khi nói rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang trải qua ‘khủng hoảng lãnh đạo’ và ‘đấu đá nội bộ đã trở thành rào cản lớn của Đảng’.
Theo phân tích của ông khi Đảng kiếm người để thế vào hai ghế bị trống (mà bà Mai là một ứng cử viên) thì Đảng phải tìm người thay thế hai vị trí của bà Mai là Thường trực Ban bí thư và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương vốn có vai trò quan trọng trong cơ cấu của Đảng.
Chức Thường trực Ban bí thư xử lý công việc hàng ngày của Đảng trong khi chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lo cất cử nhân sự vào các vị trí từ cấp trung cho đến cấp cao, ông chỉ ra.
“… thôi thôi ba lũ thằng hề … “
Chờ thời, thời đã tới nhưng chúng ta ngồi nhìn chứ không hành động, tự do không tự nhiên mà có.
Đảng cộng sản độc quyền, tên nào thắng thì người dân vẫn khổ, chúng đấu đá nhau tranh giành quyền chức, tham nhũng, có lợi cho bản thân và phe nhóm của nó.
Hàng triệu nhân dân đồng lòng vùng lên lật đổ Đảng độc quyền, như các nước Đông Âu, xây dựng xã hội văn minh tự do dân chủ, mỗi một người dân đều có quyền của con người, bình đẳng công bằng minh bạch, hoà cùng với các nước tiên tiến trên thế giới.