Màn trình diễn của Trung Quốc không mấy thành công tại Hội nghị An ninh Munich 2024

Thục Quyên

28-2-2024

Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60 diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18-2-2024 tại TP Munich, Đức quốc, với sự tham dự của hàng trăm nhà lãnh đạo khắp nơi trên thế giới, trong đó có các bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng ngoại giao… nhiều nước. Hội nghị này được tổ chức hàng năm, nhằm tạo cơ hội cho lãnh đạo các nước tranh luận về những thách thức an ninh cấp bách đang diễn ra trên thế giới.

Cũng như nhiều lần trước, Bắc Kinh luôn thể hiện cho thế giới thấy rằng, Trung Quốc là một nước hòa hiếu, là lực lượng kiến ​​tạo hòa bình, giúp hòa giải sự xung đột giữa các nước trên thế giới. Tuy nhiên, lần này Trung Quốc không mấy thành công với màn trình diễn lâu nay.

Giữa hai Hội nghị An ninh Munich 2023 (1) và 2024 là một năm đầy khó khăn của Trung Quốc, đặc biệt là về mặt kinh tế.

Trong nước, chính sách Zero-Covid với nhiều tuần phong tỏa tàn bạo đã phá vỡ tinh thần kinh tế lạc quan mạnh mẽ trước đây của người dân. Hàng triệu gia đình mất tiền tiết kiệm khi các công ty bất động sản lớn phá sản. Chính phủ ngừng công bố số liệu thất nghiệp của thanh niên khi tỷ lệ này tăng lên hơn 20%.

Ngoài nước, nhu cầu đối với các sản phẩm Trung Quốc giảm thiểu khi nhiều quốc gia bắt đầu xem xét mối quan hệ kinh tế của họ với Trung Quốc để phát hiện những rủi ro về mặt an ninh quốc gia.

Giọng điệu của Bắc Kinh đã thay đổi và có chiều hướng “nhắc nhở, ve vuốt”, thay vì đanh thép chỉ trích, tấn công.

Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Vương Nghị giới thiệu đất nước ông như một lực lượng kiến ​​tạo hòa bình và nhắc khéo rằng, nếu Trung Quốc và Mỹ cùng hợp tác, có thể đạt được “những điều to lớn” cho cả hai và cho thế giới (2).

Ảnh: Ngoại trưởng TQ Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich 2024. Nguồn: Bộ Ngoại giao TQ

Vương Nghị cũng đề cao Trung Quốc như một nước yêu chuộng hòa bình khi phát biểu rằng: Chúng tôi đã giữ cam kết của mình và tuyên bố rõ ràng là Trung Quốc sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia không có loại vũ khí này, và sẽ không mở đầu một cuộc tấn công kiểu này nhằm vào bất kỳ quốc gia nào, kể cả Ukraine. Chủ tịch Tập Cận Bình nói rõ rằng, chiến tranh hạt nhân không được phép nổ ra và vũ khí hạt nhân không được đem ra sử dụng.

Quan điểm này được Ủy ban Âu châu ghi nhận và tán thưởng.

Mặt khác, nhiều chính trị gia Âu châu đặt dấu hỏi lớn đằng sau những bảo đảm khác về tính trung lập của Trung Quốc, khi Vương Nghị nhấn mạnh, Trung Quốc muốn mở đường cho giải pháp hòa giải trong cuộc xung đột Ukraine, cũng như cam kết xây dựng hòa bình thế giới.

Mối quan hệ chặt chẽ với Nga

Tại Hội nghị An Ninh Munich 2023, tuyên bố quan điểm về cuộc xung đột ở Ukraine của Vương Nghị đã được hiểu là một kế hoạch hòa bình, nhưng mặc dù Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tập Cận Bình đã nói chuyện với nhau, sau đó cũng không có bước đi cụ thể nào hướng tới hòa bình. Đúng hơn, ông Tập còn liên tục tái khẳng định mối quan hệ thân thiết với Putin.

Chủ tịch Chính sách đối ngoại của nhóm nghị sĩ CDU/CSU Đức, Roderich Kiesewetter, vạch rõ tình hình (3): Chúng ta nên biết rằng Trung Quốc đang liên minh chặt chẽ với Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Đây là một hệ thống chia sẻ gánh nặng, trong đó Trung Quốc đóng vai trò là người xoa dịu bên ngoài, nhưng bên trong lại cung cấp cho Nga tất cả các chất bán dẫn và chip cần thiết, đồng thời hưởng lợi từ tài nguyên khoáng sản của Nga. Bắc Triều Tiên giúp vận chuyển đạn dược tới Nga.

Ngoài ra,Trung Quốc không ngừng tiến hành nâng cấp khả năng quân sự – cả về mặt công nghệ. Hải quân Trung Quốc và việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong quân đội tới mức nào, là những điều chúng ta cần quan tâm.

Không có bất cứ dấu hiệu hợp tác nào

Nghị sĩ Đức thuộc đảng Xanh, Anton Hofreiter chia sẻ sự lo ngại của đồng nghiệp: “Nếu ta nhìn vào tốc độ nâng cấp của hải quân Trung Quốc, bao gồm cả số lượng tên lửa chống hạm, thì chỉ còn vài năm nữa là tình hình sẽ tăng rắc rối một cách đáng kể”.

Biển Đông giàu tài nguyên đã và đang là nơi biểu dương sức mạnh: Bắc Kinh đang tăng tốc tuyên bố chủ quyền tại đây, các tàu chiến Mỹ và Trung Quốc đang áp sát nhau một cách nguy hiểm. Cho đến nay không có bất cứ dấu hiệu hợp tác nào giữa hai cường quốc đối thủ như Vương Nghị đã tuyên bố tại Munich.

Liệu những gì xảy ra Ukraine có thể sẽ xảy ra với Đài Loan?

Từ lâu, Trung quốc không giấu giếm ý định muốn sáp nhập hòn đảo ngoài khơi bờ biển của họ, ngay cả bằng vũ lực trong những trường hợp cực đoan.

Tại Munich, Vương Nghị nhắc lại lý do nhà nước Bắc Kinh đã đưa ra trong nhiều thập kỷ: Đài Loan là một phần của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và do đó phải được “thống nhất một cách hòa bình”, vì Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được hầu hết các quốc gia và Liên hiệp quốc công nhận là đại diện duy nhất trên trường quốc tế.

Quyền đại diện duy nhất này tuy được coi là một thực tế, nhưng còn điều khúc mắc là khi hòn đảo lúc đó bị người Nhật chiếm đóng, được trao lại cho Trung Quốc trong Thế chiến thứ hai, thì Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (cộng sản) còn chưa thành hình.

Tình trạng hiện tại rất phức tạp: Đài Loan, được cai trị một cách dân chủ và độc lập, chưa bao giờ chính thức tuyên bố độc lập – bởi vì đây có thể là lý do gây chiến tranh đối với Bắc Kinh.

Trong bối cảnh này, Tổng thư ký NATO Stoltenberg nhìn nhận ảnh hưởng của cuộc chiến ở Ukraine: “Tất nhiên, nếu Putin thắng, đó cũng sẽ là thông điệp gửi tới Chủ tịch Tập: Nếu dùng quân sự thì sẽ đạt được điều mình muốn. Những gì xảy ra ở Ukraine hôm nay có thể xảy ra ở Đài Loan ngày mai. Đây cũng là lý do tại sao chúng ta quan tâm đến việc Putin không được chiến thắng”.

Thêm nữa, câu hỏi đặt ra còn là nếu Putin thắng thì Trung Quốc sẽ thừa cơ thu tóm những gì?

Khả năng xảy ra chiến tranh ở Đài Loan là bao nhiêu?

Giáo sư Carlo Masala từ Đại học Kỹ thuật Quân sự Munich, bình luận, điều này phụ thuộc vào sự đoàn kết của phương Tây: “Chừng nào Trung Quốc còn tin rằng Mỹ sẽ tích cực can thiệp vào cuộc xung đột tại Đài Loan, thì theo tôi, Trung Quốc sẽ không tấn công trong những năm tới. Bất cứ nghi vấn nào về khả năng đoàn kết sẽ đưa xác suất chiến tranh tăng theo cấp số nhân”.

_________

Chú thích:

(1) https://baotiengdan.com/2023/02/17/tam-quan-trong-cua-hoi-nghi-an-ninh-munchen-munich/

(2) http://munich.china-consulate.gov.cn/ger//xwdt/202402/t20240223_11248719.htm

(3) https://www.tagesschau.de/ausland/europa/sicherheitskonferenz-214.html

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Thiện tai, thiện tai!

    Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, 1 vị thiền sư bị Ngụy trục xuất, như Nguyễn Trãi bị chu di tam tộc, & Chu Ngọc Anh được mời vô trại tạm giữ, có dạy “Hành động -ở đây là bài viết- của tôi nói tôi là ai”. Nếu ai đó có thể tin vị Thiền Sư mà tác giả biết, thì bài này là 1 hành động ẻ vào tư tưởng của người Thiền Sư í .

    Cung Tích Biền viết “Đối nghịch ý thức hệ chính trị Quốc-Cộng, ly biệt vì tình cảnh trong nước ngoài nước, cái hố thẳm ấy, tận hôm nay, cả một giống nòi chưa thể vượt qua”, và bài này của tác giả như là 1 bằng chứng nhức nhối về cái hiện trạng đau đớn này

    Một lần nữa, vị Thiền Sư mà tác giả biết viết

    “Con người đau khổ là vì các thành kiến. Khi nhìn mọi thứ cởi mở hơn, chúng ta sẽ tự do và chẳng còn khổ đau nữa”

    Cho tớ được 1 lần nữa nhắc tới 1 lời dạy khác “ẩn sâu bên trong, nỗi đau khổ của anh ta đang tràn trề. Anh ta không đáng bị trừng phạt. Anh ta cần sự giúp đỡ”. Tác giả nên seek help từ các nhóm sập bo support group giành cho các thành viên Nazi hay neo-Nazi, tớ không trách tác giả đâu

    Chỉ đừng biến đau khổ của mình thành giận dữ, “Một người tức giận là do không giải quyết được những đau buồn của mình”

    Thiện tai, thiện tai!

  2. Mấy tên cọng sản nói một đường làm một nẻo là chuyện bình thường! các nước trên thế giới còn lạ gì!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây