30-11-2023
Rào trước, không phải chuyện chính trị mà là câu chuyện ngôn ngữ. Mặc dù ngay từ thời cổ đại, cuộc tranh luận giữa chủ nghĩa duy thực (realism) và chủ nghĩa duy danh (nominalism) rốt cuộc đã không thể không xác định ngôn ngữ có liên quan đến thiết chế chính trị. Đến triết học hiện đại, các triết gia càng khẳng định: Ngôn ngữ chính là thực tại chính trị.
Gốc gác của ngôn ngữ là phi chính trị nhưng vận động theo thiết chế chính trị.
Chính trị, trong thời khắc diễn ra quan hệ mâu thuẫn giữa các phe phái, ắt tự nó mang lập trường phân biệt địch/ta. Hiển nhiên, ngôn ngữ sẽ là chiếc áo giáp trên trận tuyến phân chia đó. Hết quan hệ thù địch, chiếc áo giáp ấy được cởi bỏ và xếp vào bảo tàng ngôn ngữ. Không ngạc nhiên hiện nay giấy Chứng minh Nhân dân được đổi sang thẻ Căn cước Công dân hay thẻ Căn cước, cái tên gốc, có tính phổ quát chứ không chỉ là chuyện đèn cù, quay về cái tên thẻ có từ thời thực dân.
Nguyên từ identity là nhận dạng, về danh tính, đặc điểm, cả nguồn gốc cá nhân. Do từ này địch (gồm thực dân Pháp, Việt Nam Cộng hòa) đã và đang dùng, cho nên trong quan hệ chống Pháp, chống Mỹ – ngụy, người cộng sản phải gọi bằng tên khác như một sự đối lập: Chứng minh nhân dân. Phạm trù “cá nhân” và “nhân dân” là một vấn đề ý thức hệ, một bên nhấn mạnh vào “cá nhân” – quan hệ tư hữu, một bên nhấn mạnh vào “nhân dân” – quan hệ công hữu, làm chủ tập thể. Tất nhiên, cái vỏ là “nhân dân” chung chung, nhưng cái ruột vẫn là nhận dạng cá nhân. Bởi lẽ “nhân dân” chung chung thì không thể nhận dạng.
Ý thức về sự đối lập địch/ ta không chỉ cho cái giấy tờ tùy thân mà còn cho nhiều lĩnh vực. Những gì bị cho là mang tính chất xấu xa của địch đều bị loại trừ bằng chính cái vỏ ngôn ngữ. Chẳng hạn, “lính”, “giặc lái” là của địch, “bộ đội”, “phi công” là của ta; “đi lính”, “quân dịch” là của địch, “làm nghĩa vụ quân sự” là của ta; “thuế”, “phí” là của địch, “đóng nghĩa vụ”, “thu mua” là của ta… Tất cả quy về hàm nghĩa: ta tốt/ địch xấu, ta thiện/ địch ác, không thể lẫn lộn.
Nếu các bạn để ý, ngay cả lĩnh vực giáo dục, ngôn ngữ cũng thay đổi theo sự đối lập địch/ ta. Sự phân cấp “đồng ấu”, “tiểu học”, “trung học” biến thành hệ phân cấp mới: “nhà trẻ”, “cấp 1”, “cấp 2”, “cấp 3”. Giáo dục cộng sản không gọi là “tú tài”, “cử nhân” mà là “tốt nghiệp trung học”, “tốt nghiệp đại học”.
Nhớ những năm 80 của thế kỉ trước, cán bộ thuế vụ đến nhà tôi đòi thuế, mẹ tôi kêu làng: “Sưu thuế gì chồng chất như của bọn thực dân vậy?” Cán bộ thuế vụ quát: “Phải nói là đóng nghĩa vụ, không phải đóng sưu thuế cho bọn địch, hiểu chưa?” Mẹ tôi sợ hãi, im re, lo vét mọi thứ có trong nhà đóng cho đủ.
Cũng năm ấy, anh tôi mới 16 tuổi, vừa học xong lớp 9, công an xã tới nhà đòi anh tôi đi khám “nghĩa vụ quân sự”, ba tôi cãi: “Nó mới 16 tuổi, lính tráng gì?” Công an quát: “Phải nói là đi nghĩa vụ quân sự, không phải đi lính cho địch, hiểu chưa?” Ba tôi tiếp tục cãi và hậu quả là bị tóm xuống xã, bị nhốt vào container ngoài nắng 3 ngày cho chừa cái thói lẫn lộn ta và địch!
Plato cho rằng, lời nói không thể hiện được niềm tin vào cái bản thể, tức vẻ đẹp thuần khiết của ngôn ngữ, ắt chỉ là cái bóng của cái bóng, tức hai lần xa rời sự thật. Còn theo Aristotle, tu từ với các ẩn dụ, so sánh, nhân hóa, nếu không xác lập được mối quan hệ tương đương một cách siêu hình, tức bản chất bên trong sự vật, hiện tượng, ắt nó chỉ là cái vỏ giả tạo, lừa dối. Đặc biệt là các cách nói né, nói tránh, nói vòng thể hiện một sự quanh co, dối trá của chủ thể lời nói.
Ngôn ngữ hữu hình bằng âm thanh, kí tự nhưng bản chất của nó vẫn là cái siêu hình, nó ra đời thế nào, ắt phải trở về với chính nó sau khi bị bóp méo bởi thực tại của những quan hệ chính trị, xã hội. Chẳng hạn, nói tục, văng tục, chưa hẳn đã xấu, bởi nó phục sinh đúng bản chất trần tục của cuộc sống. Nó phản kháng quyết liệt bằng cách bóc vỏ các thiết chế xã hội, văn hóa, đạo đức, chính trị giả tạo.
Những kẻ lúc nào cũng né tránh cái tục, né tránh sự thật, để trá hình sang thứ ngôn ngữ hoa mỹ, ngôn từ hiện đại gọi là “đánh đĩ ngôn từ”, là một sự hoang tưởng, giả dối, xa rời bản chất trần tục của nhu cầu xác thịt và mọi sự thật mà nó đang sở hữu và đối mặt. Thứ ngôn ngữ bị “đánh đĩ” này thường nằm ở cửa miệng những nhà chính trị, văn hóa, đạo đức có học hàm, học vị khi họ luôn có ý thức thù ghét hay khinh bỉ đối với giới bình dân chân thật, mà thực chất trong khi giải kiến tạo ngôn ngữ, tôi gọi là mặc cảm cội nguồn.
Theo tôi, việc phục sinh “căn cước” của chính bản thân ngôn ngữ là tín hiệu tốt lành. Tốt lành ở nguồn gốc phi chính trị của ngôn ngữ chứ không còn bị chính trị hóa một cách méo mó. Không ngẫu nhiên mà trong Kinh Thánh, phần huyền thoại tháp Babel, ngôn ngữ nguyên sơ giúp con người gắn kết thành sức mạnh, nhưng sau đó, cũng chính ngôn ngữ với những biến thái giả tạo của nó đã làm cho con người trở nên gian dối và xung đột, dẫn đến cái kỳ quan vĩ đại nhất của loài người bị sụp đổ.
Không biết từ đời nào, ông bà ta đã làm ra cái đèn cù.
Nay con cháu làm theo cho nó đậm đà bản sắc dân tộc, sao lại cứ bàn ra tán vào mãi thế.