Buổi chất vấn toát mồ hôi hột

Nguyễn Huy Cường

5-11-2023

Buổi trưa ông Cục trưởng cục Quản lý tài chính Lê Hồng Chuyên bỏ cả dự chiêu đãi, ông nói thư ký đề nghị Hà Nội chuẩn bị gấp cho ông tài liệu về những toà nhà bỏ hoang ở TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Sơn La… ngay trưa nay.

Ông đang phải ứng xử với một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn phát sinh tại đây, Thủ đô nước Somali, châu Phi.

Tại buổi thảo luận thứ hai của “Quỹ Tương trợ chống Bần cùng hoá” Quốc tế lần thứ nhất, Trưởng Đoàn Việt Nam cho phát một số hình ảnh từ Việt Nam.

Những đoàn học sinh phải vượt suối bằng dây leo. Những con đường miền núi bà con phải gùi trên lưng nửa tạ nông sản, những nhà trường khai giảng trên sân bùn đất.

30 phút trình chiếu cho Hội thảo xong, cả hội trường xuýt xoa xúc động, nhiều ánh mắt chia sẻ hướng về Việt Nam.

Sớm nay đoàn chủ nhà nước Somali, một nước GDP có mười tám triệu VND một năm, tính ra thu nhập mỗi người chưa tới hai triệu một tháng đã thuyết trình bằng những thực tế rất sinh động. Họ đã nhận được gói tài trợ 500 triệu USD từ những cam kết quốc tế.

Ông Lê Hồng Chuyên thầm nghĩ: Hoàn cảnh Việt Nam được trình bày phải hiệu quả hơn Somali nhiều. Nhưng một giờ cuối buổi sáng hội thảo, ông bị chất vấn bởi một vị chức trách vốn đã phụ trách một phái bộ của UNESCO vài năm tại Lào, Việt Nam, bà Maria No Fraith.

Bà này trình ra hình ảnh ở Đại Lãnh, Đà Lạt, Lạng Sơn, Phú Quốc to khủng khiếp v.v… là những toà dinh thự, building, giá trị cực cao bị bỏ hoang đến tàn tệ, nát bét.

Với tài ngoại giao, ông Hồng Chuyên vận dụng đủ mọi lý lẽ để hoá giải những thắc mắc của vị cốt cán tinh quái kia.

Buổi họp sáng hết giờ khi vị này chưa thôi chất vấn, chờ đến đầu giờ chiều. Khoảng nửa giờ sau nghỉ trưa, ông nhận được báo cáo từ Hà Nội sơ bộ là khoảng 250 địa chỉ nát bét, mục ruỗng nữa, trong đó có cả những toà nhà tân kỳ bị cắt dăm tầng ngọn, con số gấp bốn lần buổi sáng nay ông được nghe.

Ông mệt mỏi bước vào phòng họp, chờ đợi sóng gió từ bà đại biểu người Đức, nói tiếng Việt như gió sau bốn năm thường trực tại Văn phòng Hà Nội.

Đầu tiên bà hỏi về toà nhà bảy tầng ở Mộc Châu bị nổ mìn phá sập năm xưa. Bà hỏi, liệu có dùng nó làm một trường phổ thông nội trú cho địa phương không?

Ông nhẹ cả người, đáp: Cái này chúng tôi phá “đúng quy trình”.

Bà đại diện cho chiếu một công trình ở Lạng Sơn bị hoang hoá, ông Chuyên trả lời: “Nó ở quá xa Hà Nội, lại trải qua thời kinh tế khó khăn…”

Bà Maria No Faith bình tĩnh nhấn nút, một toà nhà vài chục tầng hiện lên (giống như trong ảnh 1 và 2):

Bà nói rõ: “Toà nhà này cách hội trường Ba Đình Hà Nội không quá 4 km, cách Mỹ Đình không quá 400 mét, cách toà nhà cao nhất Hà Nội không quá 140 mét, thì sao?

Nó đã xây xong phần thô mươi năm nay, đang bị phong hoá, mục nát dần…

Trị giá toà nhà này, cả giá trị sử dụng đất lớn hơn tổng kinh phí tỉnh Cà Mau xoá 1588 cây cầu khỉ năm 2013!

Thì sao?

Đúng lúc đó hội trường mất điện. Tối om.

Người ta phải mất nửa giờ để khắc phục.

Khi có điện, theo lịch trình đã tới phiên của đại biểu Nhật trình bày.

Đoàn Việt Nam hết phiên.

Ông [Chuyên] bắt tay bà No Faith rất lịch lãm và hẹn sẽ trả lời bằng văn bản “đúng quy trình”.

Bà Tây vui vẻ nhận lời. Bà chưa hiểu cái “quy trình” này nó như thế nào! Chắc, chậm cũng chỉ sáu tháng là cùng!

Tái bút: Câu chuyện trên là tôi bịa ra đấy, đừng tin. Nhưng những hình ảnh thì rất thực.

_____

Hình ảnh minh họa cho bài viết:

Khách sạn bỏ hoang 30 năm chờ sập bên bãi biển Đại Lãnh. Nguồn: Zing
Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Khu nhà bên vịnh Đại Lãnh đã có từ gần 40 năm của Cty Cholimex tp HCM.

  2. Viết báo, cho đủ mọi hạng người đọc. Đọc đến cuối thì bảo đừng tin, tôi bịa. Thật tàn nhẫn.

  3. Việt Nam ngày càng có nhiều Nguyễn Tấn Dũng, chỉ biết phá và đâm sau lưng, không ăn được thì đạp đổ.

Comments are closed.