3-11-2023
Thời ấy, và cả những năm sau 1975, thủ đô chỉ có hai bến xe khách chính là bến Nứa (Long Biên) và bến Kim Mã. Bến Nứa cho những tuyến về vùng núi phía bắc, trung du và mấy tỉnh Hải Hưng, Hải Phòng, Quảng Ninh. Bến Kim Mã cho các tỉnh từ Nam Hà, Thái Bình, Ninh Bình đổ vào miền Trung.
Giờ cứ nhớ lại hai cái bến ấy với những chiếc xe ca quốc doanh hiệu Thống Nhất, Ba Đình rệu rã, cảnh người chen chúc xếp hàng trong những lối chăng dây thép gai, chịu sự khủng bố của đám tài xế, phụ xe, nhân viên bán vé trong quầy, không thể tưởng tượng được tại sao con người lại bị đày đọa khốn khổ đến vậy.
Khi nhà nước xã hội chủ nghĩa nhúng tay vào chỗ nào là chỗ ấy đầy bi kịch, con người như đám cỏ bị chà đạp. Chỉ một nhân viên bán vé trong quầy cũng có thể quát nạt, hạch sách, đòi hỏi, vặn vẹo vùi dập bất cứ ai, nói chi quan này quan nọ. Bến xe thời bao cấp là một thế giới thu nhỏ của cái xã hội đầy bất công và tội ác.
Hè năm 1974, tôi đã không thể về quê bởi bị kẻ cắp móc túi mất cái giấy đi đường do văn phòng khoa cấp, không có nó thì người ta chẳng bán vé cho, mà không thể đi bộ trăm mấy chục cây số. Ở bến Nứa cũng như ga xe lửa Hàng Cỏ, hoặc bến cầu Niệm, tôi từng tận mắt thấy biết bao cảnh đời, thân phận khốn nạn, những van xin, nỉ non, khóc lóc, thất vọng, tuyệt vọng bởi cái vé xe. Phó thường dân biết với nhau, ứa nước mắt với nhau, chứ đám “Volga anh cưỡi, gà hầm anh xơi” có bao giờ nhìn thấy bi kịch của dân lành.
Miền Nam, sau tháng 4.1975. Không khí hồ hởi của người dân đón chào ngày đất nước thống nhất, hai miền sum họp dần dà lắng xuống khi cả bên thắng cuộc lẫn thua cuộc phải đối mặt với thực tế thụt lùi từng ngày dưới sự lãnh đạo của chính quyền cách mạng. Mọi thứ cứ xám xịt dần, cả lá cờ treo trước cổng trường tôi cũng bạc phếch, rách te tua mà không ai nghĩ tới việc hạ nó xuống, thay bằng lá khác tươi mới hơn.
Tôi còn nhớ “thằng” Hùng, rất đẹp trai, tốt tính, nhân viên phòng hành chính, con rể ông hiệu phó, có lần tôi chỉ cho nó ngắm lá cờ, bảo sao không thay đi, nó nói nhỏ, chả còn lá xơ cua nào để thay cả, mua mới thì không có tiền. Thầm nghĩ, trời ạ, tới cờ tổ quốc mà cũng chịu cảnh đói nghèo, nhưng lại tặc lưỡi cuộc sống thế nào thì cờ thế ấy.
Trong đám giáo viên Bắc Kỳ du nam, lão Vy (Nguyễn Văn Vy) bạn tôi, vào Sài Gòn đầu năm 1976, tôi chậm hơn một nhịp, vào đầu năm 1977. Chỉ hơn kém nhau có 1 năm mà khác hẳn nhiều thứ. Lão kể, lúc mới tới Sài Gòn, cảm giác bị choáng ngợp. Lão được đi xe đò của các hãng Phi Long, Hưng Long, Thuận Thành mỗi người một ghế, có cả khăn lạnh lau mặt, mặc dù lúc ở nhà đi đã rửa mặt rồi.
Nhìn dãy xe đò mới tinh đủ màu sắc ở bến xe miền Tây mà khiếp. Mấy chiếc xe buýt “made in” Tiệp Khắc, Bun, Đức chạy tuyến Bờ Hồ – Hà Đông ở Hà Nội so với đám xe Mỹ này chưa là cái đinh gì. Cứ vừa tới cổng bến xe đã có đứa ra săn đón hỏi chú hai, anh hai đi đâu đi đâu. Không phải mua vé, càng không phải xếp hàng, càng không phải chen lấn như hồi ở Hà Nội. Nhưng tới lúc tôi vào, cũng bến xe miền Tây, khi tôi đi dạy ở cơ sở Tiền Giang năm 1978 thì những điều lão Vy kể đã mau chóng chìm trong quá khứ.
Những gì tôi từng chứng kiến, từng trải qua, từng chịu đựng ở miền Bắc “xã hội chủ nghĩa tươi đẹp hơn vạn lần tư bản”, ở bến xe cầu Niệm, bến Nứa, bến Kim Mã, ga Hà Nội, ga Hải Phòng, bến xe buýt đi Hà Đông, ga tàu điện Bờ Hồ… giờ được lặp lại y nguyên, thậm chí khủng khiếp hơn. Chỉ có điều, nhắm mắt lại cũng không thể hình dung tại sao người ta đẩy cuộc sống vào cảnh “phú quý giật lùi” nhanh như vậy.
Cho tới giờ, vẫn không ít người vững vàng lập trường cách mạng khẳng định rằng, miền Nam trước năm 1975 được khá giả, sung túc là nhờ có Mỹ viện trợ, ăn bơ thừa sữa cặn, đó chỉ là thứ phồn vinh giả tạo, v.v… Sao họ không chịu rướn cái ý nghĩ thêm một tí, rằng trong cuộc nội chiến ấy miền nào chẳng “ăn” viện trợ, chỉ khác ở chỗ, một bên biến tất cả viện trợ thành súng đạn để đem đi bắn giết, mặc dân chịu đói nghèo khổ ải, còn bên nọ cho dân được thừa hưởng cuộc sống đầy đủ hạnh phúc hơn. Phồn vinh dù có giả tạo mà dân được sung sướng còn giá trị gấp nghìn lần đói nghèo thực sự.
Cũng đừng lấy lý do sự phồn vinh ấy phải trả bằng máu, bởi thiên hạ đều biết ai “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đưa quân vào miền Nam.
(Còn tiếp)
“không thể tưởng tượng được tại sao con người lại bị đày đọa khốn khổ đến vậy”. ( Trích NT )
Không biết có nên dùng từ “rất may” ? Là mB chỉ mới có 30 năm, còn mN cũng được hương sự đọa đày khốn khổ ấy 10 năm ( 75 – 85 ) . Sự khốn nạn này của người dân mN kéo dài hơn nữa, thì không biết điều gì sẽ xảy ra ??!!
Có người nào đó đã nói, có những cái chết tạo nên những khúc quanh của lịch sử . Rất mong lịch sử luôn có những khúc quanh cho thiên hạ được nhờ .
Nguyễn Thông, chứng nhân lịch sử của sự chân chính và sự thật đầy cảm xúc về bộ mặt đích thực của CNXH tại VN, đặc biệt về xã hội miền Bắc bưng bít tối đen, trong suốt phần lớn tuổi đời của ông trên cả 2 miền.
Một mai ông chết đi, những bài viết của ông về sự thật trần trụi nầy sẽ là những tài liệu quí giá hiếm có cho các nhà nghiên cứu lịch sử về miền nầy trong cuộc chiến tranh Nam Bắc sau khi hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước.
Mong ngày ấy còn lâu, và ông luôn khoẻ mạnh.
Ông cụ chứ ai.
“Thời ấy, và cả những năm sau 1975, thủ đô chỉ có hai bến xe khách chính là bến Nứa (Long Biên) và bến Kim Mã. Bến Nứa cho những tuyến về vùng núi phía bắc, trung du và mấy tỉnh Hải Hưng, Hải Phòng, Quảng Ninh. Bến Kim Mã cho các tỉnh từ Nam Hà, Thái Bình, Ninh Bình đổ vào miền Trung.”
Có thật vậy không.
Lảm nhảm “giải nguy” vụ Hồ Hữu Hòa, đập tan âm mưu phá hoại của bọn “dị giáo” với …. Nghĩ đời không ai biết.
Lường Tú Tuấn lại ưa dẫn Phật, Trang, Lão …. Lê Văn Dũng (vova) ưa dẫn Tân Ước … thế mới là điều hay.
Còn cái bến Kim Liên chỗ ngã ba Khâm Thiên, bây giờ có một ngôi nhà gọi là Hotel du Parc Hanoi, để làm gì.
Từ Nam Cao đến Thành Bưởi … nhưng diễn biến không theo ý muốn rồi. Kéo dài vô ích.