17-10-2023
Chuyện thật bất ngờ: Chiều nay mình tình cờ đọc trên trang Facebook của bạn Han Phan nhiều bài thơ khá hay, trong đó, mình thích nhất bài thơ này:
tặng em chiếc lá sắp vàng
tôi đà đánh dấu trên hàng cây xanh
tặng em chút ít lòng lành
tôi bao năm tháng để dành không tiêu
tặng em một sợi dây diều
giữ hồn tôi khỏi đánh liều lên mây
còn gì để tặng em đây?
nghĩ nhanh kẻo lá trên cây sắp vàng…
Bài thơ dễ thương quá, chỉ 8 câu mà câu nào cũng tinh tế, đầy chất sáng tạo:
“tặng em chút ít lòng lành
tôi bao năm tháng để dành không tiêu”
“tặng em một sợi dây diều
giữ hồn tôi khỏi đánh liều lên mây…”
Ba chữ “sợi dây diều” nối kết với bốn chữ “đánh liều lên mây” thật hết sức thú vị!
Đọc xong bài thơ hay trên rồi bạn thử đọc bài thơ “Bắt nạt” mà dư luận nhắc đến sôi nổi trong những ngày qua, bạn sẽ có những cảm nghĩ gì?
Bắt nạt là xấu lắm
Đừng bắt nạt, bạn ơi
Bất cứ ai trên đời
Đều không cần bắt nạt
… Sao không ăn mù tạt
Đối diện thử thách đi?
Thử kẻ yếu làm gì
Sao không trêu mù tạt?
… Cứ đến bắt nạt tớ
Bị bắt nạt quen rồi
Vẫn không thích bắt nạt
Vì bắt nạt rất hôi!
Tôi đoán rằng cảm nghĩ đầu tiên của chúng ta là không thể tin rằng hai bài thơ trên lại thuộc về một người, nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh!
Trong khi bài thơ trên có những ý tưởng tinh tế, đầy tính sáng tạo, xứng đáng được gọi là một bài thơ hay, thì bài thơ dưới lại tệ đến mức không thể tưởng tượng được rằng chúng xuất phát từ một con tim, một khối óc duy nhất! Nó ngô nghê từ câu “Đều không cần bắt nạt” (bị bắt nạt mà cần ư?) đến câu “sao không ăn mù tạt” (mù tạt có dính dáng gì trong chuyện bắt nạt nhau? “trêu mù tạt” là trêu cái gì?), đến câu “vì bắt nạt rất hôi” (bắt nạt cũng có mùi thơm hay hôi sao?).
Với một người làm thơ, không thể bài nào cũng hay hết, nhưng sự cách biệt một trời một vực về chất lượng giữa hai bài thơ của cùng một người là điều khó tưởng tượng. Song chuyện đáng nói cũng không phải ở chỗ đó, nó nằm ở cách hành xử của người trong cuộc.
Đầu tiên, phản ứng của công luận nhắm chủ yếu vào cách làm việc sơ hở, rất thiếu trách nhiệm của nhũng người có thẩm quyền lựa chọn thơ văn đưa vào sách giáo khoa cho các em lớp 6, song tác giả bài thơ, thay vì đón nhận sự phê phán một cách bình tĩnh, với tinh thần phục thiện, thì anh lại có một bài viết với những lời lẽ trịch thượng và đầy thách thức, khiến cho sự việc ngày càng bị đẩy xa hơn đến mức tồi tệ. Đã từng làm được những bài thơ hay, nay lỡ làm một bài thơ dở, chuyện quá đỗi bình thường, có gì phải nổi nóng với nhau?
Mình đọc bài thơ ngắn thật hay ở trên, rồi đọc những câu thơ ngô nghê đến mức không tưởng ở dưới, và cách ứng xử không phù hợp của Nguyễn Thế Hoàng Linh, mà tiếc cho anh, một người mình mới nghe nói đến lần đầu.
Mình cho rằng đây là một trường hợp thú vị, đáng là bài học kinh nghiệm cho tất cả mọi người trong chúng ta, theo đó, có những vấn đề chỉ cần ứng xử một cách bình tĩnh, sáng suốt và biết tôn trọng lẫn nhau thì mọi việc sẽ dễ dàng được giải quyết.
Mình thuộc lớp người xưa nay hiếm, nói vui là “gần đất xa trời”, song hàng ngày vẫn luôn săn tìm trên mạng xã hội những bài học ứng xử ở đời để hoàn thiện mình hơn, hầu mai sau có trình diện Diêm vương thì cũng với một tâm hồn thanh thản.
Thực ra cũng không có gì lạ.
Hai mặt của một con người.
“tặng em chút ít lòng lành
tôi bao năm tháng để dành không tiêu”
Đúng là tinh văn tế. Xưa giờ “tôi” chẳng “lành”, nay mới “xón” một chút cho “em”, vì còn đang phải “tiết kiệm” cái “lòng lành” ấy, “tiêu” hoang nó hết mất thì thành ra “ác” à.