Phóng sinh (Kỳ 1)

Chu Mộng Long

30-8-2023

– Chiếp chiếp… Anh ơi, em đói quá!…

– Chiếp chiếp… Em cũng đói quá!…

Tiếng hai con chim nhỏ kêu rên thống thiết làm con chim lớn nhất trong tổ cũng động lòng. Mỗi lần bố mẹ mang mồi về, nó thường há mỏ to hơn và ăn no trước khi bố mẹ mớm cho hai em nhỏ. Nhưng mấy hôm rồi không thấy bố mẹ về, nó cũng bắt đầu đói. Đói rã họng vì mỗi khi có tiếng động là nó há hốc mỏ ra chờ. Chờ mãi cũng chỉ có thể nuốt gió vào trong bụng. Hai con chim bé nhỏ, em nó, đang run lên, hai bên mép đã bắt đầu sùi bọt. Lần đầu tiên con chim anh thấy mình có lỗi với hai đứa em. Giá như những ngày trước đây, nó nhường mồi cho em mình thì hai em nhỏ chưa đến nỗi…

Con chim anh nghếch mỏ qua thành tổ, nhìn xa xăm phía vườn cây, nơi bố mẹ nó vẫn từ đó bay về mang theo mồi cho anh em nó. Chờ mãi cho đến chiều tàn. Cánh rừng vắng tanh. Chỉ nghe tiếng chuông chùa vọng lại và màn đêm ập xuống.

Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày trôi qua. Con chim bé nhất đã không còn hơi thở. Con chim bé thứ hai yếu dần, nó rên rỉ lần nữa: “Bao giờ thì bố mẹ về?” Con chim anh chưa kịp động viên đứa em còn lại thì đứa em bé nhỏ ấy cũng đã run lên bần bật và trút hơi thở cuối cùng. Con chim anh xoè đôi cánh với mấy sợi lông ngắn ngủn ấp lên thân hai đứa em nhỏ. Lần đầu tiên nó thấy cái tổ ấm lâu nay của nó lạnh toát. Nó khóc, tiếng khóc não nùng. Không biết bố mẹ nó có nghe không?

Đến hôm thứ tư thì con chim bố mang bộ cánh xác xơ quay về. Chim bố nhìn vào tổ. Chỉ còn một cái mỏ há hốc ra chờ đợi như đã chờ đợi bao nhiêu ngày. Hai cái mỏ còn lại đã bẹp dí dưới đáy tổ. Chim bố vội vã bay đi rồi lại bay về. Mênh mông cánh rừng bạch đàn, không một trái cây, không một con sâu hay cái kiến để có thể tha về làm mồi cho đứa con còn sót lại. Nó nhìn đứa con còn sống sót ấy với cái mỏ há hốc ra, bụng thở thoi thóp mà không biết lấy cái gì để mớm cho con. Nó ngơ ngác nhìn quanh rồi đột nhiên cất cánh bay nhanh về phía chùa. Nhà chùa từng là nơi tập kết hàng trăm loài chim khác nhau trước lễ phóng sinh, cũng là nơi con chim bố vừa sẩy lồng.

“Con của chúng ta sắp chết hết rồi”. Chim bố nói với chim mẹ đang bị nhốt trong lồng. Chim mẹ kêu thét lên một tiếng. Nó hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nó rỉa lấy thức ăn trong lồng và mớm sang mỏ chim bố thật nhiều. Chim bố bay thẳng về tổ mớm cho con chim non còn sót lại. Mớm xong nó lại bay về phía chùa lấy thức ăn…

Cứ thế, đến lần thứ ba thì chim bố sập bẫy. Chim bố vùng vẫy kêu lên thống thiết, nhưng chỉ nghe mấy tiếng từ bi: “A di đà Phật. Tạm nương nhờ cửa Phật nhé. Đến rằm ta sẽ phóng sinh cho các con”.

Ơn Phật, chim bố lần này được nhốt chung lồng với chim mẹ. Chim mẹ nhẩm tính: “Từ nay đến rằm phải mất chục ngày nữa. Mấy đứa con của ta có lẽ chỉ còn cái xác khô”. Chim bố thở dài rồi an ủi vợ: “Đành vậy thôi. Tính ra chúng ta vào lồng rồi sẩy lồng cũng đã dăm bận nhưng đã không cứu được con mình. Lần này muộn mằn lắm mới sinh được lứa nữa. Chém cha cái kiếp phiêu bồng, thoát ra rồi lại chui lồng như chơi. Thôi thì chờ vậy, còn nước còn tát. Anh nghe sư thầy nói phóng sinh là thực hiện sứ mệnh cao cả đấy!”

Đợi mòn mỏi rồi ngày rằm cũng đến. Sau lễ cúng Phật, đôi chim kia được phóng sinh cùng hàng trăm con chim khác. Cả hai chấp chới bay về tổ. Khi được thả ra khỏi lồng, cả hai không quên ngậm vào mồm thật nhiều thức ăn, hy vọng có thể cứu được đứa con còn lại của mình. Nhưng khi về đến tổ thì… Đám giòi bọ sau khi để lại di cốt ba đứa con cho vợ chồng nhà chim thì chúng cũng đã hoá kiếp hay siêu thoát hết…

Đôi chim bố mẹ nghẹn ngào nhả hết thức ăn vào tổ như là lần mớm sau cùng tiễn biệt những đứa con. Chiều tàn buông xuống, đôi chim nép vào nhau và rì rầm lời tụng chúng đã thuộc làu trong những buổi lễ cầu siêu: Nam mô An Dưỡng quốc, Cực lạc giới Di Ðà Hải hội Vô Lượng Quang Như Lai. Nam mô An Dưỡng quốc, Cực lạc giới Di Ðà Hải hội, Vô Biên Quang Như Lai. Nam mô An Dưỡng quốc Cực lạc giới Di Ðà Hải hội Vô Ngại Quang Như Lai. Nam mô An Dưỡng quốc Cực lạc giới Di Ðà Hải hội Vô Ðối Quang Như Lai. Nam mô An Dưỡng quốc, Cực lạc giới Di Ðà Hải hội, Diệm Vương Quang Như Lai…

Bình Luận từ Facebook