26-8-2023
Khi học luật so sánh bạn mới càng cảm thấy đau về các giáo sư luật học ở Việt Nam ta hiện nay. Mỗi một truyền thống pháp luật đều có một chế định đặc trưng và khác biệt so với các truyền thống pháp luật khác.
Nếu như ở truyền thống Civil Law (pháp luật Châu Âu lục địa), chế định nghĩa vụ là đặc trưng và khác biệt, thì ở truyền thống Common Law (pháp luật Anh- Mỹ), chế định trust; ở truyền thống Islamic Law (pháp luật Hồi Giáo), chế định gia đình; và ở truyền thống Soviet Law (pháp luật xã hội chủ nghĩa), chế định sở hữu.
Luật so sánh còn luôn nhắc tới loại luật gia nào là quan trọng nhất trong một truyền thống pháp luật xét từ việc làm phát triển các quy tắc pháp lý của truyền thống đó.
Với truyền thống Civil Law, thì đó là các giáo sư luật học bởi pháp luật được phát triển trong nhà trường và các viện nghiên cứu.
Với truyền thống Common Law, thì đó là các thẩm phán bởi pháp luật được phát triển từ thực tiễn tư pháp.
Với truyền thống Islamic Law, thì đó chính là các tiến sỹ Hồi Giáo- những người giải thích Kinh Qu’ran.
Còn đối với truyền thống Soviet Law, thì khó nói hơn vì ở truyền thống này nguồn của pháp luật được chia thành hai loại là nguồn có tính cách chính trị và nguồn có tính cách kỹ thuật. Chắc chắn nguồn có tính cách chính trị (như các nghị quyết) không thể phát triển ở đâu khác ngoài tổ chức chính trị có quyền lực đưa ra nghị quyết ràng buộc chung.
Tuy nhiên khi phát triển kinh tế thị trường (theo định hướng xã hội chủ nghĩa), phần lớn các quy tắc pháp luật, ngoài việc thể chế hóa đường lối của Đảng, phải tuân theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Vậy vấn đề đặt ra ai là luật gia quan trọng nhất trong việc thể chế hóa đường lối của Đảng và phát triển các quy tắc pháp lý?
Chúng ta đã im lặng quá lâu để cho tới giờ tình trạng pháp luật phát triển khá bừa bộn như hiện nay.
Các nhà luật học so sánh thường xem Soviet Law là một nhánh đặc biệt phát triển từ truyền thống Civil Law. Kỹ thuật pháp lý, các khái niệm và phân loại pháp lý trong Soviet Law còn nền tảng như truyền thống Civil Law, nhất là việc tạo nên các quy tắc pháp lý có trình độ trừu tượng hóa rất cao áp dụng chung mà theo đó có khả năng rút ra những giải pháp lý để giải quyết những tranh chấp cụ thể thông qua những giải thích nhất định theo một trình tự, thủ tục được quyết định bởi luật vật chất (luật nội dung).
Vậy là các giáo sư luật ở nước ta nhẽ ra phải có vai trò quan trọng nhất trong việc phát triển những quy tắc pháp lý như vậy. Nhưng không!
Hãy xem!
Không ngành luật nào có nhiều luật gia có học hàm, học vị cao như ngành luật hình sự (tư pháp hình sự nói chung). Cả nước có mỗi 02 ông giáo sư tiến sỹ khoa học (cao nhất về học hàm và học vị) đều thuộc chuyên ngành luật hình sự, đó là GS. TSKH. Đào Trí Úc và GS. TSKH. Lê Văn Cảm. Bên cạnh đó có hai vị giáo sư có chức sắc cao hàng đầu trong giới luật học cũng là thuộc chuyên ngành luật hình sự- đó là GS. TS. Võ Khánh Vinh và GSTS Nguyễn Ngọc Hòa. Đó là chưa kể đến một số GS khác.
Ấy vậy mà chưa có ngành luật nào phải gánh chịu nỗi xấu hổ ê chề như ngành luật hình sự!
Bộ luật Hình sự 2015 được thông qua chưa kịp có hiệu lực thì đã bị phát hiện ra cực nhiều sai lầm về kiến thức luật học cơ bản khiến phải sửa đổi ngay lập tức.
Điều này thì có lẽ cả thế giới đều biết.
Nhưng có một điều mà có lẽ ít người biết, đó là người phát hiện ra phần lớn các sai lầm dường như không phải là các giáo sư luật hình sự trong khi các cơ sở đào tạo luật tổ chức hội thảo, thảo luận, rồi viết bài bét nhè ngay sau khi mới thông qua Bộ luật Hình sự 2015.
Nghe nói người phân tích hầu hết các sai lầm để kiến nghị với Quốc hội là một đồng chí kiểm sát viên (chẳng học hàm, học vị gì cả) ở một huyện nào đó trong Đồng Bằng Nam Bộ.
Xấu hổ chưa? Ê chề chưa?
Trong suốt quá trình xây dựng Bộ luật Hình sự 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung 2017, vai trò của các giáo sư luật hình sự quá mờ nhạt, thậm chí Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải mời tôi viết phản biện xã hội Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015 để trình bày trong hội nghị phản biện xã hội trong khi tôi không phải là chuyên gia về tư pháp hình sự.
Đến bây giờ có lẽ các giáo sư luật hình sự mới bắt đầu sửa sai chăng? Đến bây giờ mới thống nhất nhận thức nọ, nhận thức kia chăng?
Việc phó mặc cho các công chức, viên chức nhà nước (mà suốt ngày chạy theo các công việc hành chính và chiều theo ý các sếp hay nói bâng quơ) thể chế hóa đường lối của Đảng và xây dựng các quy tắc quan trọng bậc nhất của luật hình sự có khiến các giáo sư luật hình sự áy náy không trong khi vẫn suốt ngày lấy các quy tắc đó làm tiêu chuẩn khoa học để giảng dạy và đe nẹp học viên cao học cũng như các nghiên cứu sinh?
Hãy xem buổi báo cáo thông qua luận án tiến sĩ chuyên ngành luật trên Youtube của NCS có tên đề tài “Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật VN”.NCS phát biểu:
1.Người khuyết tật và trẻ con không có nghĩa vụ nên không có quyền lợi,nghĩa là các luật về trẻ con và người khuyết tật đã được quốc hội thông qua và có hiệu lực là đồ bỏ hay NCS không biết ở nước ta không có luật này.
2.NCS đã tham khảo hiến pháp của 136 nước trên thế giới,không có hiến pháp nước nào đề cập đến nghĩa vụ con người.Làm gì có nước nào ghi nghĩa vụ con người trong hiến pháp mà đi tìm.
3.Thế mà 7 vị thầy GS/PGS TS chuyên ngành luật không một ai nhắc nhở sửa sai cho thí sinh nhưng lại còn ngông cuồng đề nghị trình bản LATS này để quốc hội làm tài liệu tham khảo sửa luật,giúp viết bản tuyên ngôn quốc tế về nghĩa vụ con người.Thế mà trường đại học luật HN cũng chấp nhận sự thông qua LA nầy mới thấy ghê cho kiến chức cơ bản và chuyên về ngành luật của các ngài có học hàm học vị cực cao về ngành luật,các quan có chức năng và nhiệm vụ tổ chức và điều hành các trường/viện chuyên đào tạo ngành luật đều đồng thuận khen thưởng.Ôi,kiến thức của các thầy mà như thế này ư.