5-8-2023
Kính gửi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng,
Chúng tôi những người ký tên thỉnh nguyện thư này, kêu gọi ngài Chủ tịch nước ra quyết định hoãn thi hành án với tử tù Nguyễn Văn Chưởng để điều tra lại vụ án.
Nguyễn Văn Chưởng bị kết án vì tội cướp tài sản và giết người và bị tuyên án tử hình vào năm 2008.
Luật sư Hoàng Văn Quánh (Ðoàn luật sư TP Hà Nội), người bảo vệ cho Nguyễn Văn Chưởng ở phiên phúc thẩm, cho biết tại tòa, cả hai anh em Chưởng khai bị đánh đập nên phải nhận tội. Các bản cung phía dưới chữ ký Chưởng đều viết chữ “EC” (tức bị ép cung). “Tôi cho rằng việc kết tội Chưởng giết người là chưa có cơ sở” – luật sư Quánh nhấn mạnh.
Theo báo Tuổi trẻ, năm 2011, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án hình sự phúc thẩm. Quyết định kháng nghị nêu rõ vụ án có một số vấn đề cần phải làm rõ, đề nghị xem xét về phần hình phạt theo hướng giảm nhẹ cho Nguyễn Văn Chưởng từ tử hình xuống chung thân. Tuy nhiên, tháng 12/2011, Tòa án nhân dân tối cao có quyết định giám đốc thẩm, không chấp nhận kháng nghị của viện trưởng Viện KSND tối cao, giữ nguyên án phúc thẩm.
Hơn 16 năm nay, gia đình ông Chưởng và các luật sư đã gửi đơn đến các cấp, đề nghị xem xét lại bản án. Trong khi còn nhiều sai sót trong quá trình tố tụng vẫn chưa được làm sáng tỏ, ngày 4/8/2023, Tòa án thành phố Hải Phòng đã gửi thông báo cho gia đình về việc thu xếp nhận thi thể của ông Chưởng, xác nhận lệnh thi hành án đã được quyết định.
Vì vậy, chúng tôi khẩn thiết kiến nghị Chủ tịch nước ra quyết định hoãn thi hành án để bảo vệ mạng sống của công dân Nguyễn Văn Chưởng trong vụ việc có dấu hiệu oan sai. Quyết định của Chủ tịch nước cũng là cơ hội để thể hiện cam kết cải thiện nền tư pháp, bảo vệ quyền con người của công dân.
Trân trọng,
Nguồn: Avaaz.org
_____
Tham khảo:
1. Thêm một tử tù kêu oan (TT)
2. Nguyen Van Chuong: A Wrongful Conviction in Vietnam’s Criminal Justice System (vietnamese)
3. Thứ trưởng Bộ Công an: ‘Điều tra viên nôn nóng nên bức cung nhục hình’ (VNE)
Có một câu chuyện được luật sư Triệu Quốc Mạnh – Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, kể lại như vầy: Ngày 29/4/1975, sau khi nhậm chức Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, ông Mạnh đến Tòa Sài Gòn – Gia Định thì thấy lực lượng cảnh sát tư pháp ở đây vẫn tề tựu đầy đủ, quân trang gọn gàng đứng chào ông nghiêm cẩn. Ông mới vội vã hỏi: “Các anh còn làm gì ở đây mà chưa đi di tản?” Chỉ huy trưởng cảnh sát tư pháp mới nói: “Tại sao chúng tôi phải di tản? Chúng tôi đâu có liên quan gì đến chính quyền?”
Chuyện này tôi được nghe chính một người cùng trong “lực lượng thứ ba” với ông Mạnh kể lại. (Vì sự riêng tư của ông, tôi sẽ không nói tên, nhưng tôi tin ông, và cũng không thấy ông có lý do để bịa đặt chuyện này).
Bây giờ nghe chuyện này chúng ta có thể thấy vô lý, nhưng đó chính là nhận thức của những người thời đó, cụ thể là của những người trong ngành tư pháp Sài Gòn bấy giờ: “TƯ PHÁP ĐỘC LẬP”.
Chính vì thế mới có chuyện, những “trùm sinh viên” của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn như Huỳnh Tấn Mẫn, Dương Văn Đầy… được thả ngay tại tòa, trước sự tức tối của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, trong vụ “10 tháng 3” nổi tiếng.
Tư pháp độc lập không phải sự đảm bảo tuyệt đối cho công lý, nhưng nó là điều kiện tối cần thiết để có được công lý.
Công lý cần cho tất cả chúng ta. Công lý cần cho mọi người dân, và cần cho cả chính quyền.
Một chính quyền muốn thực sự vững mạnh, muốn giữ được xã hội thực sự ổn định bền vững thì phải đảm bảo công lý cho từng người dân và tất cả nhân dân.
Hôm qua, đọc bức thư của Nguyễn Văn Chưởng trên trang FB của luật sư Lê Văn Hòa tôi chợt nhớ lại câu chuyện của luật sư Triệu Quốc Mạnh ở trên.
Có lẽ cũng đã đến lúc nghiêm túc đặt ra vấn đề độc lập tư pháp và thành lập một lực lượng cảnh sát tư pháp độc lập, để hạn chế tối đa những oan sai do sự chồng chéo của hệ thống điều tra – xét xử hiện hành.
FB NĐK
Mọi bản án Lấy lời khai bằng tra tấn, đánh đập đều là tội ác, không có giá trị.
Điển hình là bản án này.
Tôi tham gia kí tên kiến nghị !