Đằng sau một chủ trương

Nguyễn Huy Cường

31-7-2023

Vừa qua tôi nghe thấy một định chế cấm bố trí người nhà cùng đảm nhiệm chức danh liên quan trong chính quyền, thấy có vài điều lăn tăn suy nghĩ.

Có vẻ như Đảng và Nhà nước đã thấy những tiêu cực về mặt này. Nếu người nhà kết thành một “dây” cai trị thì thật phiền.

Hiện nay không khó để thấy trong những cơ quan cấp huyện trở lên, có những “dây” nhùng nhằng kiểu đó. Một đám nhân sự vốn là người ruột thịt, thâu tóm quyền sinh quyền sát cả một khu vực trọng yếu để vơ vét tài lực một cách không chính đáng về cho dòng họ mình, gia đình mình.

Nó còn là bức tường ngăn cản không cho những tiềm năng trí tuệ khác tham chính, góp phần phát triển đất nước.

Đó là mặt mạnh của chủ trương vừa qua. Hoan nghênh cái đã. Nhưng, đằng sau mặt mạnh (mỏng manh) đó là nhiều vấn đề.

Nhìn thừ góc độ quản trị quốc gia thì thấy một khu vực khác “ác” hơn một đám người trong một dòng họ nhà kia. Đó là đám THÂN HỮU.

Nếu đặc quyền đặc lợi thuộc về một nhóm thân hữu thì độ nguy hại của nó gớm lắm.

Ví dụ: Anh điện lực “ăn” thông với anh thanh tra, anh “đăng kiểm” ăn thông với anh dịch vụ vận tải, anh phòng chống ma túy ăn thông với anh buôn ma túy, anh bán test kit ăn thông với anh y tế … là chết thiên hạ rồi, khỏi cần họ có dây mơ rễ má, anh em họ hàng gì với nhau.

Liệu có cấm được những liên kết này không?

Khi chống tiêu cực, tham nhũng mà chống thụ động, thiếu sáng tạo, chống vặt vãnh, manh mún thì giống như Tể tướng Lưu gù nói với Hoàng thượng khi Hoàng thượng gạ ông tắm truồng, ông nói “Cái ấy của chúng mình giờ không dọa được ai nữa đâu!”.

Trở lại chủ trương trên, có vẻ như người ra chủ trương sợ bóng sợ gió, không thấy được sức mạnh của các “nhà tham nhũng”.

Hãy ví dụ, một anh Vụ trưởng Pháp chế là em ruột ông Thứ trưởng Bộ Công thương, nay đổi anh ta sang Vụ Tài vụ bộ GTVT , liệu nguy cơ tham nhũng có hạ nhiệt hay tăng lên?

Tôi quen một vị, có phẩm hàm trong Quốc hội trước năm 2021, nhà ngoài xóm ven sông Hồng phía đối diện với Nhà Bác Cổ Hà Nội, vị này đã về hưu nhưng mỗi ngày, vẫn có hàng chục người từ Đồng Nai, Sài Gòn, Hưng Yên đội đơn đến chầu trực ông, nhờ ông chuyển “tận tay” đến những nhân vật, những bộ phận nào đó của Nhà nước, của Quốc hội và ông ta làm tốt. Thu nhập gấp vài chục lần khi tại chức.

Tôi quan sát kỹ thì thấy ông “siêu cò” này không kết nối với người nhà, họ hàng ruột thịt nào cả, mà ông chỉ nhờ cậy, vận động, vận dụng những viên chức có thể là học trò của ông, là bạn con rể ông, một số người nhờ ông cất nhắc lên khi ông còn tại chức.

Thì biết, trong “mặt trận tham nhũng” có vô vàn những thiết chế mềm mại, nguy hiểm và kín đáo.

Cách “cấm” nhóm đối tượng là người nhà cũng cần, nhưng … mong manh lắm.

Nếu bây giờ, giả dụ thôi, có một thiết chế như thế này, đảm bảo tham nhũng giảm đi 51% ngay tháng đầu tiên.

Quốc hội, Công an, Thanh tra Chính phủ mở một kênh tiếp nhận đơn thư tố cáo tham nhũng qua thư điện tử và các tiện ích khác.

Khi gửi, người gửi có quyền lưu giữ nội dung đã gửi.Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo. Lưu giữ nhật ký điện tử ghi ngày, giờ đã gửi.

Họ có quyền đòi phản hồi đơn thư của mình nếu quá hai tuần vẫn yên ắng.

Cơ quan tiếp nhận phải đủ năng lực tiếp nhận và phúc đáp đơn thư bằng tên tuổi, chức danh, số điện thoại viên chức tiếp nhận (không giống như kiểu “hộp thư góp ý” trong ảnh).

Nếu thư này bị “ỉm” đi, công dân có quyền, có chỗ để tiếp tục truy vấn, tố cáo luôn hành vi chậm trễ hoặc o bế, thông lưng của người tiếp nhận đơn thư với người bị tố cáo (nếu có).

Những người tố cáo đúng, đủ, giúp cơ quan thẩm quyền làm tốt nhiệm vụ được thưởng tiền. Mức thưởng xứng đáng công lao phát hiện của họ.

Thế thôi, khi vai trò nhân dân được phát huy thì dù cả băng người nhà đang tiếm quyền, đang hành sự bất chính, cũng dễ bị …lật ngửa lên.

Có cái gì sai sai, có cái gì hơi lẩm cẩm, quẩn quanh từ vụ “cấm” nói trên.

Ở đây tôi chưa bàn đến yếu tố luật pháp. Ví dụ hai anh em ruột, là hai GS giỏi, cùng công tác tại Sở Y Tế tỉnh X với những chức danh kế cận. Họ đều xuất sắc, làm tốt nhiệm vụ nay CẤM là cấm thế nào?

Ngay nhóm đối tượng “người nhà” cũng rất ầu ơ. Khái niệm “người nhà” trong văn học Việt Nam, trong ngôn ngữ Việt Nam rất rộng.

Một ông chủ tịch huyện 55 tuổi có thể có 100 “người nhà”, là những người có thể có trách nhiệm đạo lí với nhau.

Trong đoàn con cháu, cậu mợ, chú bác ông ta, có thể có những người rất xuất sắc, giỏi giang, xứng đáng với những vị trí công tác đang làm, nay lấy cớ gì đuổi đi?

Bình Luận từ Facebook