26-7-2023
Phiên tòa xử 54 bị can về tội tham nhũng (nhận hối lộ và đưa hối lộ) trong việc tổ chức 2.000 chuyến bay để đưa 200.000 công dân Việt Nam từ 62 quốc gia về nước, đã trở thành một sân khấu với tất cả đặc điểm hỉ, nộ, ái, ố.
Công chúng quan tâm theo dõi không chỉ vì mức độ nghiêm trọng của vụ án, mà còn để nghe và nhìn tường tận qua các ‘video’ những con người độc ác đã lợi dụng hoàn cảnh vô cùng khó khăn của nạn nhân nghèo khó để làm giàu.
Theo lời khai của Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty MasterLife, can tội đưa hối lộ, những người tổ chức “o ép, vòi tiền cả những hũ tro cốt hồi hương trên ‘Chuyến bay giải cứu’.”
Tô Anh Dũng, thạc sĩ về quan hệ quốc tế tại đại học Kiev, Ukraine và đại học Uppsala, Thụy Điển, cựu thứ trưởng Ngoại giao, đã tuyên bố một câu còn khờ hơn một em bé 5 tuổi “khi nhận 21,5 tỉ không nhận thức được là hành vi vi phạm”. Ông ta không chỉ nhận một lần, mà nhận 37 lần, tức ông đã có tới 37 lần để ý thức hành động của mình là đúng hay sai. (Tuổi Trẻ, 12-7-2023).
Phát biểu của bị can Trần Văn Dự, cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an phản ảnh đúng với thực tế xã hội đen đỏ, hên xui, bị lộ, chưa bị lộ tại Việt Nam: “Tôi số đen, không may thì thôi trả lại cho Nhà nước cũng được, không sao cả“. (Video tường thuật của Báo Thanh Niên và bài Vụ “chuyến bay giải cứu”: Quan chức đi tù “nghỉ dưỡng”, RFA, 22.07.2023).
Ngoài các đặc tính bi hài, các lời phát biểu của một bị can cũng mang màu sắc địa phương, thi phú.
Cựu phó chủ tịch UBND Quảng Nam, Trần Văn Tân, bị kết tội nhận hối lộ 9 lần lên tới 5 tỉ đồng nhưng vẫn còn đủ tỉnh táo để nhớ ra vài câu thiền thi và vài đoạn Kiều. Ông Tân vào đề lung khởi bằng hai câu thơ của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong Sư Đệ Vấn Đáp:
Viên lâm tịch mịch vô nhân quản,
Lý bạch đào hồng tự tại hoa.
Nguyên văn chữ Hán:
園林寂寞無人管,
李白桃紅自在華。
Việt dịch:
Vườn nhà dẫu vắng người chăm sóc
Lý trắng đào hồng tự nở hoa.
(Thơ văn Lý Trần, Tập II, Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam, NXB Khoa Học Xã Hội, 1988).
Ngoài thiền thi của Phật hoàng Trần Nhân Tông, ông Trần Văn Tân cũng trích những câu Kiều để nói lên hoàn cảnh của mình giống như lúc Hoạn Thư tự biện hộ trước phiên tòa của Kiều:
Trót đà gây việc chông gai
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng.
Ông Trần Văn Tân thừa nhận mình có tham nhũng, nhưng nếu hiểu đúng ý câu Kiều, tham nhũng dưới chế độ này chẳng khác gì tính ghen tương thường tình trong phụ nữ, ai mà chẳng có. Hoạn Thư dựa vào lý luận đó để cãi trắng án nhưng chưa biết trong phiên tòa của Nguyễn Phú Trọng, số phận của Hoạn Thư – Trần Văn Tân sẽ ra sao.
Rất nhiều câu phát biểu ngô nghê đến độ khó tin của những người cách đây vài tuần đóng một vai trò quan trọng trong bộ máy quyền lực tại Việt Nam.
Lướt qua danh sách bị can, những kẻ nhận hối lộ đều nằm trong cơ chế với các cấp Thứ trưởng, Đại sứ, Cục trưởng, Tổng Lãnh sự, Vụ trưởng, Trợ lý Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Tỉnh, Chuyên viên.
Đó là chưa kể Chủ tịch Nước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đã được Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cho phép “hạ cánh an toàn”, dù có thể đã ăn cắp của dân cả núi tiền.
Nguyễn Phú Trọng bao che cho Nguyễn Xuân Phúc chẳng phải vì lòng thương xót hay cảm tình riêng, mà có thể chỉ vì chức vụ của ông Phúc quá cao và tài sản của vợ chồng ông Phúc quá lớn.
Đưa tội ác của vợ chồng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ra ánh sáng, đồng nghĩa với việc đưa tội ác của đảng ra ánh sáng. Chế độ sẽ lung lay tận gốc.
Nhưng cho dù bi, hài, phẫn nộ, khinh tởm hay gì đi nữa, vụ án này sẽ qua đi, nhường chỗ cho những vụ án khác có thể còn hấp dẫn hơn.
Thảm kịch Việt Nam đã diễn ra ít nhất 48 năm, sẽ tiếp tục thêm nhiều màn khác. Việt Nam vẫn sẽ là một con thuyền giữa biển khơi không bến đổ.
Trong “lời nói sau cùng”, các bị can đều trước hết “xin lỗi đảng”. Không ai trong số họ xin lỗi mấy trăm ngàn nạn nhân và hàng triệu người trong gia đình họ phải vay vét từng đồng để đóng cho đám quan lại tham ô trong triều đình CS.
Hầu hết, nếu không muốn nói tất cả, hành khách là sinh viên và lao động. Trước hoàn cảnh đại dịch ảnh hưởng toàn thế giới, hai thành phần đó không có gì để sống, đừng nói chi là phải xoay xở cho ra số tiền nhiều triệu để mua vé máy bay.
Bên trong là một triều đình CS độc tài thối nát và bên ngoài giặc Tàu xâm thực gần hết các biển đảo Việt Nam.
Đừng khóc cho quê hương mà hãy làm một điều gì đó trong điều kiện và hoàn cảnh của mỗi người để góp phần thay đổi Việt Nam.
Các nhà sinh vật học rất khó tìm những con thú không có tình đồng loại nhưng nếu muốn tìm những con người không có tình đồng bào thì rât dễ, chỉ cần đến Việt Nam theo dõi phiên tòa “chuyến bay giải cứu”.
Người viết đã viết nhiều lần, những hiện tượng bất nhân, độc ác đang thấy tại Việt Nam chỉ là quả, chứ không phải là cây và do đó hái dăm trái thối hay thậm chí hái hết trái trên cây đi nữa, sang mùa khác chúng sẽ được sinh ra. Tội ác sẽ không bao giờ xóa được khi các nguyên nhân gây ra tội ác vẫn còn tồn tại.
Bọn công bộc Chiều Nay này được mớm lời bởi những kẻ học Kiều dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, phân tích văn học mang tính đảng, tính giai cấp …. Xem xét một nhân vật cần có đầu đuôi, đây trích giảng mấy câu, bẻ cong theo Mác Lê ….
Bọn tát cạn bắt sạch, húp cả cấn này mà lại so với Hoạn Thư con nhà danh giá, biết giữ nề nếp gia phong, biết đạo lý, biết cư xử:
“Ở ăn thì nết cũng hay,
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.
Ví bằng thú thật cùng ta,
Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên.”
Họ Hoạn không phải kẻ lèm nhèm. Nhưng Thúc hèn nên mới xảy ra sự:
“Giấu ta ta cũng liệu bài giấu cho.”
Việc quả tang ở Quán Âm các:
“Ngăn tôi đứng lại một bên,
Chán tai rồi mới bước lên trên lầu.”
Không đuổi cùng giết tận khi trộm đồ bỏ trốn:
“Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân.
Bên mình giắt để hộ thân,”
Nên khi Hoạn kể lể Kiều cũng phải chịu:
Khôn ngoan đến mực nói năng phải nhời.
Còn xem bọn đồng đảng này cắn xé nhau khác gì lang sói.
Đến tổng bí còn bị lú, phát ngôn ngây ngô, quên cả điều lệ đảng nữa là lũ gian thần cơ hội lưu manh.
Hoàng đế không biết mình cởi truồng.
Sân khấu hài Ba Đình còn nhiều trò vui để dân xem mà quên đi cái bụng lép kẹp.