Lê Phú Khải
29-9-2017
Tôi mượn câu tục ngữ này của ông bà ta xưa kia làm đầu đề cho bài viết về Đồng bằng sông Cửu Long, nhân cuộc hội nghị lớn diễn ra vào hai ngày 26 và 27 tháng 9 vừa qua do thủ tướng CP Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với những khẩu hiệu mới như: Chuyển đổi sản xuất, “Chung sống với mặn”!
Trong cuốn sách nhan đề: “ Đồng bằng sông Cửu Long- 40 năm nhìn lại” (360 trang, NXB Thanh Niên ấn hành năm 2015) tôi đã nhấn mạnh:
“Gần 4 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long là một tài sản vô giá với Việt Nam. Nó cũng là tiền đề để phát triển ngành du lịch không khói trong tương lai cho Đồng bằng sông Cửu Long. Nông nghiệp hiện đại và du lịch là tương lai tươi sáng của Đồng bằng sông Cửu Long”. (trang 224).
Vì thế, tôi theo dõi sát sao diễn biến của Hội nghị quan trọng này, và vui mừng khi thấy kết luận của Hội nghị là, để thích ứng với biến đổi khí hậu, chiến lược phát triển của ĐBSCL sắp tới là hướng đến một nền nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ. Đồng thời du lịch là mũi nhọn kinh tế thứ hai ở ĐBSCL sau nông nghiệp.
Duy khẩu hiệu “Chung sống với mặn”, tôi thấy cần phải làm sáng tỏ nhiều điều.
Mặn được đánh giá là tài nguyên, nhưng mặn chỉ phù hợp với dải rừng ướt ven biển, với những nơi hội tụ đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản đem lại lợi nhuận cao, nhanh, và nghề làm muối. Trái lại, mặn hủy diệt cây trồng nông nghiệp và kìm hãm phát triển dân cư, gây trở ngại lớn cho cuộc sống con người. Vì thế mà các nước giàu có như Mỹ, Nhật chỉ tiêu thụ tôm mà không nuôi tôm.
Ở những vùng nhiễm mặn ĐBSCL, từ lâu, mặn đã bị coi là “kẻ thù” của nông dân. Vì thế, từ chỗ hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời mùa mưa, ở vùng mặn, người nông dân đã biết “luồn lách” để sống! Họ tìm cách be bờ giữ ngọt, quai đê lấn biển, đào kênh dẫn ngọt, trữ ngọt mùa mưa, tiết kiệm mùa khô…Ở vùng mặn, chỉ làm được một vụ lúa trông vào nước trời, năng suất thấp. Khát vọng đổi đời của nông dân vùng mặn ĐBSCL kéo dài theo năm tháng. Vì thế, không lấy gì làm lạ, từ sau hòa bình 1975, nhà nước và nông dân đồng bằng đã nô nức làm những công trình thủy lợi đầu mối dẫn ngọt, ngăn mặn nhằm ngọt hóa những vùng rộng lớn.
Nước ngọt phù sa từ sông Tiền, sông Hậu đưa về đã xóa bỏ được bao cuộc đời mặn chát cơ hàn bấy lâu nay. Những ai đã từng chứng kiến mùa khô dài dằng dặc, đất nẻ đến tận đáy ao, gió chướng mang nặng hơi mặn từ biển dội vào, tàn phá làng mạc, mới thấy hết giá trị của những dòng nước ngọt đem đến cho nông dân vùng mặn ở ĐBSCL. Lúa từ 1 vụ năng suất thấp đã ùa lên thành 3 vụ năng suất cao. Rồi vườn tược, cây trái mọc lên từ phù sa nước ngọt. Phù sa nước ngọt tạo nên quang cảnh bạt ngàn đồng lúa, xum xuê cây trái mộng mơ của ĐBSCL mà bao thế hệ đã dày công xây đắp. Còn với mặn thì ngoài con tôm không có gì nữa. Hơn thế, nuôi tôm là công nghệ sinh học, phải có vốn lớn và phải hội đủ những điều kiện cần thiết. Không ít nông dân đã phá sản, phải bỏ xứ ra đi vì chưa hội đủ những điều kiện cho nghề nuôi tôm. Chính vì vậy mà tại hội nghị “Khôi phục, nâng cấp đê biển, đê cửa sông ĐBSCL” tại TP.HCM ngày 14-7-2000 khi bàn đến vấn đề mặn-ngọt, cố vấn Võ Văn Kiệt đã nói: “Môi trường ngọt là môi trường cao cấp, là vấn đề chiến lược ở ĐBSCL”.
Nay “ông trời hại” chúng ta, đưa nước biển dâng cao, vì thế chúng ta phải chuyển đổi theo điều kiện thiên nhiên đã chuyển đổi, chẳng còn cách nào khác, nói một cách nôm na như câu tục ngữ của ông bà năm xưa là : “Đắm đò nhân thể rửa trôn” mà thôi!
Nhiều người đã vội reo lên đây là “cơ hội”cho nông dân ĐBSCL làm giầu. Không đơn giản thế đâu. Nếu “chung sống với mặn” mà giầu có thì các nước tiên tiến như Nhật, Mỹ sao họ không nuôi tôm mà lại ra sức lấn biển, dẫn ngọt đến các vùng sát biển và đi mua tôm để ăn!
Định hướng lớn thứ hai ở ĐBSCL là du lịch. Nên nhớ, du lịch ĐBSCL chỉ có thể thu hút khách đến các vùng nước ngọt mà thôi. Vùng mặn đất xám xịt, cây cối tiêu điều xơ xác. Được mùa tôm thì con gái đeo vòng vàng đầy người nhưng mặt mũi ngơ ngác, nước da xám xịt.
Để nói về cảnh sắc thiên nhiên vùng ngọt của Đồng bằng sông Cửu Long, tôi muốn trích dẫn lời ông Phạm Quỳnh trong sách “Quốc văn trích dẫn” xưa kia, khi ông đi tàu thủy từ Mỹ Tho lên Long Xuyên: “…Suốt một ngày ngồi trong tàu thủy mà không mỏi, không chán, rất lạ, rất vui…lúc nào cũng có cảm giác một sự sinh hoạt mạnh mẽ của tạo vật phát hiện ra cây cối tốt tươi, bùn đất màu mỡ…tạo vật tươi cười, không lẽ người đời ủ dột, cảnh này là cảnh “lạc sinh” vậy ?”
Cái thiên nhiên mà ông Phạm Quỳnh xưa kia ngồi trong tàu thủy ngắm nhìn cả ngày “không chán”, ông thấy “rất lạ”, “ rất vui”, “ tạo vật tươi cười” ấy, chính là thiên đường của ngành “công nghiệp không khói”- tức ngành du lịch.
Ở đây, tôi phải mở ngoặc viết thêm về cái gọi là miệt vườn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Con sông Tiền đến Mỹ Thuận thì tách làm hai nhánh chính: Sông Cái Thìa và sông Cổ Chiên. Khi tách dòng, chảy vòng vèo, các nhà địa lý gọi Tiền Giang là sông già, cong queo, khác với sông Hậu được gọi là sông trẻ, chảy thẳng. Nhưng chính sự già nua, vòng vèo cong queo đó của Tiền Giang mới cho nó giữ lại một khối lượng phù sa lớn gom thành những hòn cù lao làm bừng lên cả một thế giới miệt vườn lung linh huyền ảo nơi đây…làm đắm say khách du lịch đến từ những xứ sở núi cao tuyết phủ hay hay sa mạc khô cằn. Đã có nhà nghiên cứu viết sách với nhan đề “Đồng bằng sông Cửu Long hay là văn minh miệt vườn”, có nhà văn hạ bút viết: “ Những trái mận ( doi- LPK) bằng nắm tay, đỏ chót như một cô gái miệt vườn, những trái vú sữa ửng vàng, bóng căng, không thẹn với tên gọi. Những trái nhãn to bằng ngón chân cái, khéo léo buộc thành xâu trông đẹp như chùm phong lan. Những trái chôm chôm rực vàng, chen đỏ, gai mềm, dài, gai nhọn đâm vào da thịt mà lại…thấy êm dịu!… Rồi, cam từng thúng đầy ắp, rồi quýt vàng mọng.”
Chính phù sa nước ngọt đã tạo nên thế mạnh cho ngành du lịch ĐBSCL.
Rất mừng là chính phủ đã xác định du lịch là chiến lược ở ĐBSCL qua hội nghị quan trọng vừa qua. Còn “chung sống với mặn” là câu chuyện lâu dài, là thách thức to lớn. Với một hội nghị khoa học mà có đến 500 đại biểu thì tôi e rằng, nó có tính “bầy đàn” của một cuộc mít-tinh. Cũng may là chính phủ đã quyết định sẽ hai năm làm một cuộc hội thảo cho ĐBSCL sắp tới. Hy vọng là những cuộc hội thảo cho ĐBSCL sau này, chỉ cần 100 đại biểu, nhưng toàn là các nhà quản lý có uy tín, các chuyên gia đầu ngành quốc tế và trong nước. Và, không thể thiếu được các nhà xã hội học, các nông dân giỏi, nhà văn, nhà báo có tên tuổi am hiểu về vùng đất này. Vì đây là bàn chuyện của con người.