Cù Tuấn, biên dịch
5-5-2023
HÀ NỘI, ngày 5 tháng 5 (Reuters) – Sản lượng khai thác đất hiếm của Việt Nam đã tăng gấp 10 lần vào năm ngoái, theo dữ liệu của Hoa Kỳ, trong bối cảnh các công ty toàn cầu đổ xô đến quốc gia Đông Nam Á với trữ lượng ước tính lớn thứ hai thế giới để khai thác đất hiếm nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các kim loại công nghiệp chủ chốt.
Những nỗ lực trước đây nhằm xây dựng ngành công nghiệp đất hiếm của Việt Nam đã bị đình trệ do giá cả giảm và các rào cản pháp lý, nhưng doanh số bán xe điện (EV) ngày càng tăng và nỗ lực đa dạng hóa nhà cung cấp của các công ty đã làm hồi sinh sự quan tâm đến Việt Nam.
Công ty TNHH Vật liệu Chiến lược Úc (Australian Strategic Materials – ASM) hôm thứ Hai cho biết họ sẽ mua 100 tấn oxit đất hiếm trong năm nay từ công ty Đất hiếm Việt Nam (Vietnam Rare Earth) và đang tìm kiếm một thỏa thuận cung cấp dài hạn hơn.
ASM cho biết một thỏa thuận dài hạn với công ty Việt Nam này, mà cuối cùng thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc, sẽ cung cấp cho ASM tùy chọn nguyên liệu đa nguồn và đảm bảo nguồn cung bổ sung cho nhà máy chế biến của họ ở Hàn Quốc.
Đất hiếm là một nhóm các nguyên tố có ứng dụng trong sản xuất điện tử và pin, khiến chúng trở nên quan trọng đối với quá trình chuyển đổi toàn cầu sang các nguồn năng lượng sạch hơn và trong quốc phòng.
Sản lượng khai thác đất hiếm của Việt Nam đã tăng lên 4.300 tấn vào năm ngoái từ 400 tấn vào năm 2021, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), một cơ quan của chính phủ Mỹ.
Sản lượng này là một phần rất nhỏ so với số lượng mà các nhà sản xuất hàng đầu đã khai thác vào năm ngoái. Trung Quốc, quốc gia khai thác đất hiếm lớn nhất thế giới, khai thác 210.000 tấn vào năm 2022, trong khi Hoa Kỳ là 43.000 tấn và Úc 18.000 tấn.
Nhưng trữ lượng ước tính 22 triệu tấn đất hiếm của Việt Nam chỉ bằng một nửa của Trung Quốc và lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác, theo USGS. Tăng trưởng sản lượng của Việt Nam vào năm ngoái, đã đưa nước này trở thành nhà sản xuất lớn thứ sáu thế giới từ vị trí thứ 10 vào năm 2021, có thể báo hiệu một bước ngoặt trong việc khai thác các nguồn tài nguyên của Việt Nam.
Đây cũng là quốc gia khai thác đất hiếm lớn duy nhất ở Đông Nam Á tăng sản lượng trong năm ngoái, trong khi các đối thủ cạnh tranh lớn hơn trong khu vực là Myanmar và Thái Lan báo cáo sản lượng thấp hơn, theo dữ liệu của USGS.
Nước hưởng lợi chính từ việc gia tăng khai thác tại Việt Nam dường như là Trung Quốc, thị trường ô tô và xe điện lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là trung tâm sản xuất hàng điện tử lớn trên toàn cầu như điện thoại thông minh.
Dữ liệu hải quan của Trung Quốc cho thấy lượng các nguyên tố đất hiếm (Rare Earth Element – REE) và các khoáng chất khác thường chứa các kim loại chiến lược này được nhập khẩu từ Việt Nam đã tăng gấp đôi lên gần 12.000 tấn vào năm ngoái.
Số lượng nhập khẩu đất hiếm đã qua chế biến và quặng đất hiếm chưa qua chế biến là không rõ ràng.
Việt Nam cũng phải nhập khẩu đất hiếm để gia công và tái xuất khẩu.
Per Kalvig, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoáng sản và Vật liệu (MiMa) của Đan Mạch, cho biết: “Cơ sở hạ tầng xử lý REE của Việt Nam khá tiên tiến và không chỉ xử lý tài nguyên REE trong nước”.
Ông cho biết Việt Nam là một trong những nước nhập khẩu hợp chất đất hiếm thô lớn nhất thế giới vào năm 2021.
Bộ Công nghiệp Việt Nam và công ty Đất hiếm Việt Nam đã không trả lời các yêu cầu bình luận.