Chiến tranh Ukraine và “Chủ nghĩa có lợi” (Phần 2)

Dũng Vũ

19-4-2023

Tiếp theo phần 1

Thái độ của quốc tế

Nga xâm lược Ukraine khiến dư luận quốc tế giận dữ. Liên Hiệp Quốc đã tổ chức biểu quyết lên án Nga đến 5 lần và mọi lần đều chiếm đa số, trong đó gồm cả những nước thân Nga.

Mặc dù lên án Nga nhưng ít ai nhiệt tình giúp Ukraine tự vệ. Những nước giúp Ukraine tự vệ đáng kể nhất là Mỹ, Anh, Ba Lan. Tính theo tổng sản lượng quốc gia (GNP), thì các nước “anh em” Đông Âu cũ (Ba Lan, Tiệp, Slovakia, Romania, Croatia, Latvia, Lithuania, Estonia, …) lại là những người giúp Ukraine nhiều hơn hết.

Viện trợ quân sự cho Ukraine (tháng 1-2023). Nguồn: FOCUS online – Quelle: IfW Kiel
Viện trợ quân sự cho Ukraine tính theo GNP quốc gia (tháng 1-2023). Nguồn: FOCUS online – Quelle: IfW Kiel

Nhìn tổng quát, phần lớn các nước giúp đỡ Ukraine đều có giới hạn. Đáng ngạc nhiên là NATO, EU lẫn những nước lớn tiêu biểu như Đức, Pháp, Ý, … không tạo được ấn tượng giúp Ukraine tự vệ nhiệt tình như Mỹ. Tại sao?

Chủ nghĩa có lợi quốc tế

NATO tuy nằm sát Ukraine nhưng không dám viện trợ quân sự nhiều cho Ukraine vì sợ Putin xem mình là kẻ tham chiến và sẽ đánh. Sự giúp đỡ khá hời hợt, chậm chạp, gần như chỉ thông qua tư cách cá nhân của các thành viên.

Khối EU to lớn tựa vậy, xưa nay “làm ăn buôn bán kiếm lời” là chính, thỉnh thoảng chống kẻ chà đạp nhân quyền, áp bức thường dân chỉ bằng lời nói. Sự giúp đỡ Ukraine mang tính cách nhân đạo nhiều hơn quân sự nhưng cũng không bằng các nước Đông Âu dẫu họ nghèo hơn.

Những nước lớn EU (Đức, Pháp, Ý, …) cũng thụ động, nổi bật là Đức. Nước Đức được ví như đầu tàu của Âu châu và giữ một vai trò quan trọng đối với Nga, đáng lẽ phải tích cực giúp Ukraine tự vệ, nhưng không.

Cùng lối cư xử giống NATO, Đức không dám để Putin xem mình là kẻ tham chiến, nên chỉ giúp Ukraine vừa phải, miễn cưỡng và luôn luôn hỏi ý kiến đồng minh trước khi làm việc gì. Suốt một năm chiến tranh, ông Thủ tướng Scholz và đảng SPD của ông ta đã chăm chỉ đóng vở kịch “câu giờ” không muốn giao cho Ukraine loại chiến xa Leopard 2 mạnh mẽ, giúp Ukraine tự vệ tốt hơn, mặc cho dư luận quốc tế mãi khẩn nài. Khí giới dành cho Ukraine phần thì hư hỏng, phần thì lạc hậu, phần thì của Liên Xô lấy từ kho dự trữ của Đông Đức cũ. Vài ba loại vũ khí tối tân của Đức gửi cho Ukraine chỉ dùng để … thử nghiệm.

Đơn giản là có máu đổ ở Ukraine, chúng ta biết điều đó. Chúng ta đã bỏ rơi người dân Ukraine […] và đó là trách nhiệm của chính sách lừng khừng của ông Thủ tướng“, Wadephul, chính trị gia quốc phòng của đảng CDU đã chỉ trích Scholz như thế [8].

Ảnh: Một người lính đang chờ đưa tới một bệnh viện gần Bakhmut, Ukraine. Nguồn: Anadolu Agency/Getty Images

Nhiều người tự hỏi, tại sao 20 năm qua, Đức có một mối quan hệ tốt đẹp với Nga, đùng một cái thì từ bỏ. 20 năm qua Đức đã làm gì với Nga?

Trên thực tế, Đức chỉ muốn xuất cảng nhiều qua Nga, đầu tư làm ăn và mua dầu khí rẻ. Những dấu vết còn đó là hai đường dẫn khí Nord Stream 1 và 2 vừa bị đặt bom. Cái chủ nghĩa có lợi của hai vị cựu Thủ tướng Đức Schröder và Merkel – như một con dao hai lưỡi mà Mỹ thường xuyên cảnh báo – dễ khiến Đức rơi vào bẫy lệ thuộc Nga nếu chỉ ưa chuộng dầu khí rẻ tiền có thể có lợi cho người Đức nhưng nguy hiểm cho người khác.

Quả thực, khi đồ án Nord Stream 2 vừa hoàn tất, bà Thủ tướng Đức Merkel vừa mãn nhiệm, Putin biết Đức đã sập bẫy, bèn đánh Ukraine ngay lập tức, với suy nghĩ chấp Đức là nước giàu mạnh nhất Âu châu, cũng chẳng làm được gì Nga. Đa số người Đức ủng hộ người Ukraine chống lại Putin, nhưng ông Schröder vẫn chung thủy với người bạn thân thiết Putin của mình, vẫn muốn Đức mua dầu khí rẻ của Nga. Người Đức không cần dầu khí của Nga nữa và muốn đảng SPD khai trừ ông Schröder ra khỏi đảng. Nhưng đảng SPD không làm.

Thật là thảm hại khi không chịu lắng nghe tiếng nói của những nước biết rõ [con người] Putin. Những kẻ được trao quyền như Gerhard Schröder đã khiến Âu châu lệ thuộc vào Nga và khiến cả lục địa gặp nguy hiểm“, thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã cáo buộc cựu Thủ tướng Schröder gây nguy hiểm cho sự tồn vong của Âu châu với chính sách thân Nga của ông ta như thế [9].

Cái chủ nghĩa có lợi của Đức còn có mặt ở nhiều nơi khác, điển hình là Trung Quốc. Đức luôn chỉ trích kẻ vi phạm nhân quyền và không muốn “làm ăn” với kẻ ấy nhưng Trung Quốc lại chính là kẻ ấy. Kẻ ấy đã thẳng tay cưỡng bức lao động, tẩy não, triệt sản người Duy Ngô Nhĩ nhưng Đức vẫn thoải mái “làm ăn”. Không những thế mà còn chấp nhận chuyển giao công nghệ. Hậu quả là sau bao năm, Trung Quốc nắm được kỹ thuật, tự chế tạo được nhiều thứ, để từ vị thế một đối tác, Trung Quốc trở thành một đối thủ cạnh tranh khiến nhiều công ty Đức bị phá sản hay thua lỗ và bị Trung Quốc mua đứt. Càng nguy hiểm nữa là nhờ nắm được kỹ thuật, Trung Quốc ngày càng hung hăng và trở thành một mối đe dọa toàn cầu, đặc biệt là đối với vùng biển Đông và những nước láng giềng tại vùng Đông Nam Á, nhất là Việt Nam.

Không những Đức, Pháp cũng là ông hoàng của chủ nghĩa chủ hòa và chủ nghĩa có lợi. Pháp nằm trong EU, tuy không hùng mạnh bằng Đức, nhưng muốn dẫn dắt Âu châu và biến Âu châu thành một “siêu cường” bên cạnh Mỹ và Trung Quốc theo lý thuyết “chiến lược tự chủ” (autonomous strategy) của Tổng thống Pháp Macron. Macron kêu gọi “làm ăn”, đặc biệt với Trung Quốc, đừng nên can thiệp vào chuyện nội bộ nuớc khác, ví dụ chuyện Đài Loan-Trung Quốc, chẳng có lợi lộc gì cho mình [10]. Điều đó cắt nghĩa tại sao Macron hời hợt với chuyện Nga xâm lược Ukraine. Dẫu vậy Macron vẫn tự tin mình có thể “khuyên nhủ” Putin để giải quyết vấn đề một cách êm thắm và ông đã tới tận Moscow, và được Putin tiếp chuyện bên một cái bàn bầu dục dài 6 thước, mỗi người ngồi mỗi đầu. Kết quả là con số không, Macron lặng lẽ ra về và tiếp tục gọi điện thoại “khuyên nhủ” Putin. “Khuyên nhủ” mãi nhưng Putin vẫn phớt lờ.

Suốt cuộc chiến Ukraine, Macron đã không tận tình giúp Ukraine tự vệ, giống Scholz, cũng không mong Ukraine thắng trận, nhưng mong nhận được nhiều hợp đồng tái thiết Ukraine sau chiến tranh.

Chủ nghĩa có lợi còn thấy ở các nước “trung lập” đã bỏ phiếu trắng tại Liên Hiệp Quốc, không lên án Nga xâm lược Ukraine, đi ngược lại số đông. Một trong những lý do chính là họ xem Nga là một “cây xăng giá rẻ” và cũng là nơi bán vũ khí “giá phải chăng”. Vài nước nhỏ, hoặc vì tình cảm, hoặc vì bị lệ thuộc vào Nga cũng bỏ phiếu trắng, trong đó có Việt Nam.

Những nước lên án và cấm vận Nga thừa biết mình cũng bị thiệt thòi lây nhưng vì lương tâm, họ chấp nhận và cảm thấy bất mãn đối với những nước thủ lợi. Điều này có thể dẫn đến một sự trừng phạt tai hại, đặc biệt cho các nước nhỏ đang cần buôn bán với Tây phương. Một cảnh báo cụ thể đã xảy ra cho Trung Quốc: Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen vừa tuyên bố, quan hệ giữa EU và Trung Quốc trong tương lai sẽ được quyết định tùy vào quan điểm của Trung Quốc về cuộc chiến Ukraine [11].

(Còn tiếp)

________________

Tài liệu tham khảo:

[8] https://www.n-tv.de/politik/08-35-CDU-Politiker-Wadephul-Wir-haben-die-Ukraine-eine-gewisse-Zeit-lang-im-Stich-gelassen–article23143824.html

[9] https://www.welt.de/themen/mateusz-morawiecki/

[10] https://www.bqprime.com/politics/macron-says-europe-must-develop-its-own-autonomy-separate-from-us

[11] https://www.n-tv.de/politik/16-36-Von-der-Leyen-macht-Beziehungen-zu-China-von-Haltung-zum-Ukraine-Krieg-abhaengig–article23143824.html

Bình Luận từ Facebook