Vụ rò rỉ tài liệu mật của Lầu Năm Góc: Những bước ngoặt mới trong một âm mưu quen thuộc

New York Times

Tác giả: Anton Troianovski, Andrew E. Kramer, Erika Solomon

Cù Tuấn biên dịch

15-4-2023

Một đội pháo binh Ukraine đang bốc dỡ đạn pháo. Các tài liệu Lầu Năm Góc bị rò rỉ cảnh báo về tình trạng thiếu hụt đạn dược sắp xảy ra, nhưng các quan chức Ukraine đã nói điều đó một cách công khai hàng tháng. Nguồn: Finbarr O’Reilly/ The New York Times

Tóm tắt: Một số người Ukraine thậm chí còn hoan nghênh vụ rò rỉ thông tin này vì các tài liệu đã xác nhận những gì họ đã nói trong nhiều tháng – rằng quân đội của họ rất cần thêm vũ khí và đạn dược.

Theo nội dung các tài liệu tình báo của Mỹ bị rò rỉ, tình trạng khó khăn của Ukraine có vẻ rất nghiêm trọng.

Tên lửa cho hệ thống phòng không thời Liên Xô dự kiến sẽ dùng hết vào tháng Năm. Vị thế của Ukraine ở thành phố trọng điểm Bakhmut là “thảm họa”. Quân đội Ukraine đã chịu tổn thất với hơn 120.000 người chết và bị thương — ít hơn con số ước tính của Nga, nhưng rất lớn đối với một quốc gia có dân số chưa bằng một phần ba dân số Nga.

Tuy nhiên, tại Kyiv, thủ đô của Ukraine, trong tuần vừa qua, có rất ít bài viết cảnh báo về số lượng trang tài liệu mật xuất hiện ở một trong những vụ tiết lộ bí mật đáng chú ý nhất của Mỹ trong thập kỷ qua. Trên thực tế, một số người dân Ukraine hoan nghênh vụ rò rỉ này, hy vọng rằng nó sẽ nhấn mạnh điều mà Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nói trong nhiều tháng – rằng Ukraine cần thêm đạn dược khẩn cấp và vũ khí để đánh đuổi quân Nga.

Oleksiy Honcharenko, một thành viên của Nghị viện Ukraine trong đảng đối lập Đoàn kết Châu Âu, cho biết: “Từ nhiều quan điểm, vụ rò rỉ này thực sự hữu ích và tốt, thậm chí tôi có thể nói là tốt cho Ukraine“.

Ông nói rằng, trừ khi những quốc gia phương Tây ủng hộ Ukraine nhanh chóng cung cấp nhiều hơn những gì ông gọi là hỗ trợ “tăng dần”, nếu không thì “mọi thứ có thể trở nên lãng phí, bởi vì ngày nay có rất nhiều thứ đang bị đe dọa”.

Các bản cập nhật tình báo của Lầu Năm Góc và các slide tóm tắt đã bị rò rỉ công khai trong tháng này – sau khi được một Vệ binh Quốc gia Không quân 21 tuổi đăng trên một máy chủ trò chuyện trong game, các nhà chức trách cho biết – đã cung cấp những chi tiết mới về tình trạng của cuộc chiến. Nhưng theo các nhà phân tích và hoạch định chính sách phương Tây, về cơ bản chúng không làm thay đổi bức tranh toàn cảnh về nó.

Họ nói rằng, tài liệu mới phần lớn chỉ ra những gì họ đã biết về cuộc chiến — và sẽ không thay đổi cách họ xử lý cuộc chiến.

Nils Schmid, phát ngôn viên chính sách đối ngoại tại Quốc hội Đức cho Đảng Dân chủ Xã hội, đảng của Thủ tướng Olaf Scholz trong liên minh ba bên của đất nước này, cho biết: “Điều này không làm thay đổi lập trường của chúng tôi. Chúng tôi hiểu rằng giờ là lúc cung cấp vũ khí cho Ukraine”.

Một binh sĩ Ukraine bị thương đang được điều trị gần khu vực tiền tuyến ở khu vực Donetsk, miền đông Ukraine vào tháng 3. Các tài liệu bị rò rỉ đưa ra con số 120.000 người Ukraine thiệt mạng hoặc bị thương, phù hợp với những gì Lầu Năm Góc công khai tuyên bố. Nguồn: Tyler Hicks/ The New York Times

Nhưng khi Ukraine chuẩn bị cho một cuộc phản công được dự đoán từ lâu có thể mở ra một giai đoạn mới của cuộc chiến kéo dài gần 14 tháng, các tài liệu đang khiến mọi người tập trung sự chú ý cao độ vào những thách thức của Ukraine, những thiếu sót trong viện trợ quân sự của phương Tây và sự không chắc chắn của những gì xảy ra tiếp theo.

Liệu các đồng minh phương Tây của Ukraine có thể cung cấp những gì Kiev cần trong thời điểm quan trọng này hay không là một câu hỏi mở lớn. Các quan chức châu Âu cho biết họ đang làm việc để tăng cường thêm đạn pháo tới Ukraine, nhưng thừa nhận rằng họ có thể không đạt được mục tiêu cung cấp một triệu viên đạn trong năm nay.

Ulrich Speck, nhà phân tích chính sách đối ngoại người Đức, cho biết: “Chúng tôi không thể sản xuất nhiều hơn nữa, ít nhất là trong tương lai gần. Trong tương lai, châu Âu vẫn có thể cho đi những gì? Bây giờ thì khó hơn, chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi không có khả năng hoàn thành mọi việc đủ nhanh.”

Một số nhà phân tích lưu ý rằng, các thông tin tình báo không quyết định cuộc chiến sẽ thực sự diễn ra như thế nào. Trong quá khứ, các đồng minh của Ukraine đã đánh giá rất thấp khả năng của Ukraine, và dự đoán rằng quân Nga sẽ tràn ngập Kyiv trong những ngày đầu của cuộc chiến. Trên hết, các tài liệu đánh giá trong bối cảnh hơn sáu tuần trước. Thực tế chiến trường thì thay đổi nhanh chóng.

Nhưng các tài liệu bị rò rỉ này cho thấy rõ nỗ lực chiến tranh phụ thuộc vào Mỹ nặng nề như thế nào. Các cơ quan tình báo Mỹ đã thâm nhập vào bên trong quân đội Nga đủ để đưa ra những cảnh báo theo thời gian thực cho Ukraine về thời điểm Moscow tiến hành các cuộc không kích và thậm chí cả các mục tiêu cụ thể của Nga. Một số slide bị rò rỉ cho thấy hình ảnh vệ tinh về hậu quả của các cuộc không kích của Ukraine vào những mục tiêu trên lãnh thổ do Nga nắm giữ và được mô tả là “do Mỹ định hướng” – bằng chứng mới cho thấy Mỹ đang cung cấp dữ liệu để tên lửa xác định mục tiêu chính xác.

Một trong những lo ngại lớn nhất của phương Tây về vụ rò rỉ tài liệu này là Nga sẽ nỗ lực để tìm kiếm và phong tỏa các nguồn tại Nga đã cung cấp thông tin tình báo cho Mỹ. Nhưng trong tuần kể từ khi các tài liệu mật được đăng tải rộng rãi trên Telegram và Twitter, nỗi lo sợ đó vẫn chưa thành hiện thực, hai quan chức cấp cao của Mỹ cho biết: Không có dấu hiệu nào cho thấy Điện Kremlin thực hiện các bước ngăn chặn Mỹ thâm nhập vào an ninh và tình báo của Nga.

Cũng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các chỉ huy Nga đã thay đổi các hoạt động quân sự ở Ukraine để đáp lại những tiết lộ trên, hai quan chức Mỹ cho biết.

Ngoài ra, các quan chức Ukraine, trong khi bày tỏ sự không hài lòng với vụ rò rỉ này, đã nói với các quan chức Mỹ rằng việc tiết lộ sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch tấn công của họ vì Nga đã biết các thông số chung về các khiếm khuyết của Ukraine (chẳng hạn như tình trạng thiếu vũ khí và đạn dược). Và các tài liệu không tiết lộ chính xác thời gian, địa điểm và cách thức người Ukraine sẽ thực hiện cuộc phản công của họ, theo một quan chức cấp cao của Mỹ.

Một người lính Ukraine bắn lựu pháo về phía các vị trí của Nga ở Bakhmut, nơi Ukraine buộc phải phân phối chia phần đạn pháo vì không có đủ. Nguồn: Mauricio Lima/ The New York Times

Samuel Charap, một nhà phân tích về Nga tại RAND Corporation, cho biết: “Tôi rất khó tin rằng điều này sẽ thay đổi đáng kể các kế hoạch phản công ngắn hạn của Ukraine. Đã có cuộc thảo luận trong các nguồn mở về hướng có khả năng là hướng nam. Liệu nó có ảnh hưởng đến thời gian phát động tấn công hay không? Có lẽ là có”.

Trong khi các tài liệu cho thấy, các cơ quan gián điệp của Mỹ đã chặn được các thông tin liên lạc quân sự của Nga, đôi khi là chi tiết về các cuộc tấn công đã được lên kế hoạch của Nga, chúng đưa ra rất ít dấu hiệu cho thấy Mỹ đã có thể nghe lén các cuộc trò chuyện của giới lãnh đạo Nga.

Trong các tài liệu mà The New York Times được xem — bao gồm nhiều nhưng không phải tất cả trong số hàng trăm trang được đăng trên mạng — thông tin về Tổng thống Vladimir V. Putin và những người thân cận của ông chủ yếu xuất hiện dưới dạng tin đồn. Một mục mô tả một âm mưu giật gân của các quan chức cấp cao của Nga nhằm phá hoại cuộc xâm lược được cho là của một nhà lập pháp Ukraine “người đã nhận được thông tin từ một nguồn không xác định của Nga có quyền tiếp xúc với các quan chức của Điện Kremlin”.

Việc thiếu thông tin trực tiếp về ông Putin có thể phản ánh những thách thức của cộng đồng tình báo Mỹ trong việc thu thập thông tin về một nhà lãnh đạo đã tự bao bọc mình trong một lớp bảo mật phi thường. Tuy nhiên, các tài liệu chỉ cung cấp một góc nhìn nhỏ vào phạm vi thu thập thông tin tình báo của Mỹ, dựa trên thông tin thu thập được từ các lần lấy thông tin từ mạng hơn là trên hệ thống nhân lực của CIA, tổ chức đối địch mà Nga luôn cẩn thận phòng chống.

Ở Nga, nhiều người ủng hộ cuộc chiến đã cảnh báo rằng, vụ rò rỉ này có thể là một phần của một âm mưu. Các chi tiết mới về những trở ngại mà nỗ lực quân sự của Ukraine phải đối mặt – bao gồm cả những dự đoán rằng các kho tên lửa phòng không chủ chốt sẽ cạn kiệt hoàn toàn vào đầu tháng 5 – nhiều đến mức một số nhà bình luận ủng hộ Điện Kremlin đã bác bỏ chúng vì có thể là thông tin sai lệch của phương Tây nhằm khiến Nga mất cảnh giác.

Chúng tôi sẽ rất vui nếu điều này là sự thật,” người dẫn chương trình trò chuyện trên truyền hình nhà nước Nga, Olga Skabeyeva, đã châm biếm trong một buổi nói chuyện về vụ rò rỉ này vào thứ Ba tuần trước.

Nhưng các tài liệu cũng trình bày chi tiết về vô số thách thức và tổn thất nặng nề của quân đội Nga, đưa ra cái nhìn hậu trường về lý do tại sao các quan chức phương Tây tin rằng cuộc chiến có thể sẽ kéo dài sang năm tới. Cuộc tấn công diễn ra chậm chạp của Nga ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine “có khả năng sẽ đi đến bế tắc,” một slide tóm tắt ngày 22 tháng 2 dự đoán, với tổn thất chiến đấu cao của Nga và kho dự trữ đạn dược ngày càng giảm “dẫn đến một cuộc chiến kéo dài qua năm 2023.”

Đối với một số người, điều này nhắc nhở rằng chiến tranh có nhiều khả năng sẽ kết thúc bằng một hình thức dàn xếp thương lượng nào đó hơn là một chiến thắng quân sự mang tính quyết định cho cả hai bên.

Ông Schmid, một nhà lập pháp Đức, cho biết: “Chúng tôi biết rằng Ukraine cần nghiêng cán cân quân sự theo hướng có lợi cho mình để mở đường cho các cuộc đàm phán“.

Đối với đội ngũ các nhà phân tích trên khắp thế giới quen phân tích các video truyền thông xã hội và hình ảnh vệ tinh thương mại để thu thập thông tin về cuộc chiến, các vụ rò rỉ thông tin tình báo đã cung cấp các chi tiết dữ liệu mới. Nhưng một số người nói rằng, họ không thấy điều gì khiến họ phải sửa đổi quan điểm cơ bản về cuộc chiến, vốn đã khẳng định cuộc chiến sẽ là một cuộc xung đột kéo dài.

Ông Ruslan Leviev, một nhà phân tích quân sự độc lập của Nga cho biết, các tài liệu phù hợp với kết luận trước đó của ông, bao gồm cả quan điểm của ông rằng những thách thức của Ukraine trong việc huy động binh lính và thu được đạn dược có nghĩa là cuộc phản công sắp tới sẽ không thể mang lại một chiến thắng quyết định. Rob Lee, một thành viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, cho biết, ông chưa thấy có điều gì “làm thay đổi suy nghĩ của tôi một cách đáng kể”.

Nhưng ông cảnh báo rằng, kết quả của cuộc phản công của Ukraine – và cuộc chiến – phụ thuộc vào các yếu tố mà ngay cả các cơ quan tình báo Mỹ cũng khó đo lường được, chẳng hạn như tinh thần của quân đội cả hai bên và họ sẽ chiến đấu tốt như thế nào.

Ông Lee nói: “Có rất nhiều điều về cuộc chiến này mà chúng ta vẫn chưa biết hoặc chưa thể chắc chắn về nó. Chiến tranh mà, bạn không bao giờ có thể có thông tin chắc chắn 100%”.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tại sao nước Mỹ hết lần này đến lần khác bị rò rỉ tài liệu mật như vậy ?
    Thời chiến tranh VN, tài liệu mật Ngũ Giác Đài bị một người làm trong tình báo Mỹ
    tiết lộ, thời đánh Iraq thì có cô binh nhì “bật mí” và nay thi có anh chàng vệ binh chỉ
    mới 21 tuổi cho rò rỉ trên Internet ? Ngoài ra trước đó còn có anh chàng Snowdon sau
    khi lộ tài liệu bí mật ra thì chạy qua làm công dân Nga, tức là cái ‘mầm’ phản bội nước
    Mỹ đã được “vun trồng” từ trước ?
    Phần nhiều người Mỹ rất thích được nổi tiếng vì nhờ đó kiếm được nhiều tiền như bán
    sách (hồi ký) như được trả tiền phỏng vấn trên truyền hình v.v. Hình như đó là phần
    thưởng để nhiều người cũng bắt chước, dù vi phạm quy định hay nội quy ? Những kẻ
    tiêt lộ thâm chí còn được coi là “anh hùng” như trong vụ tài liệu mật Ngũ Giác Đài v.v.
    Thay vì điều tra để việc đó đừng xảy ra nữa trong tương lai thì xúm lại rằng thì là mà
    …chẳng quan trọng gì, cũng chẳng hại gì lắm v.v. toàn là cãi chây cãi cối ?

Comments are closed.