Đôi điều về lương bổng, phụ cấp của quân nhân – công chức miền Nam trước tháng 4.1975 (Phần 2)

Lê Nguyễn

31-10-2022

Tiếp theo Phần 1

II) CÁC KHOẢN PHỤ CẤP

Tại miền Nam trước 4.1975, chỉ có công chức độc thân và không giữ chức vụ chỉ huy mới không có các khoản phụ cấp kèm theo. Những người có gia đình, con cái hoặc giữ các chức vụ chỉ huy, ngoài lương căn bản, còn được hưởng một hay nhiều loại phụ cấp khác nhau. Những phụ cấp dưới đây được tính vào phần lớn thập niên 1960, đến cuối thập niên 1960 hay đầu thập niên 1970 (không nhớ rõ thời điểm), hầu hết các phụ cấp này đều được tăng gấp đôi.

A) PHỤ CẤP GIA ĐÌNH

– Đây là loại phụ cấp áp dụng rộng rãi, phổ biến nhất và bình đẳng nhất, không phân biệt quân nhân hay công chức, không phân biệt thâm niên, ngạch trật, cấp bậc hay chức vụ.

Vào thập niên 1960, phụ cấp gia đình của người công chức (và quân nhân) được định như sau:

– Phụ cấp vợ: 800 đ

– Phụ cấp mỗi đứa con dưới 18 tuổi (không hạn định số con): 500đ

Như vậy, một công chức hạng A chỉ số lương 470 chẳng hạn, có một vợ, ba con, sẽ lãnh hàng tháng: (470 x 15,58) + 800 + (500 x 3) = 9.622đ

(Số liệu tham khảo: vào nửa đầu thập niên 1960, tiền cơm tháng của một sinh viên ở trọ khoảng 500 – 600đ, một tô phở từ 7-10đ).

Có lẽ đây là điều khó tin đối với các bạn trưởng thành sau 1975, đã quen với chế độ lương bổng hiện hành (không có phụ cấp gia đình). Song, đó là sự thật mà những ai từng là quân nhân, công chức miền Nam trước 1975, nay ở độ tuổi từ U70 trở lên, đều nhớ rõ.

Thời đó, hạ sĩ quan, binh sĩ đông con, công chức hạng C, tuy lương căn bản thấp, song phụ cấp đầy đủ nên đời sống gia đình không gặp khó khăn, một hạ sĩ có vợ và 3- 4 con thu nhập cao hơn so với một trung úy độc thân. Những quân nhân đi đánh trận lâu ngày, vợ con vẫn sống đủ với khoản phụ cấp gia đình và một phần lương do anh ta để lại.

B) PHỤ CẤP CHỨC VỤ

Sau phụ cấp gia đình áp dụng chung cho 2 thành phần quân nhân-công chức, phụ cấp chức vụ áp dụng cho những công chức giữ vai trò chỉ huy trong guồng máy hành chánh (Phụ cấp chức vụ của giới quân nhân, người viết không nắm rõ)

Khoản phụ cấp chức vụ được chi trả cho những viên chức giữ các chức vụ sau:

– Ở trung ương (các bộ, nha, sở…), từ chức Trưởng ban, Chủ sự phòng – Chánh sự vụ Sở – Giám đốc Nha đến Tổng Giám đốc, Tổng Thư ký Bộ…

– Ở địa phương, từ cấp chủ sự phòng đến Trưởng ty, Phó Quận trưởng

cụ thể như sau:

1) TẠI TRUNG ƯƠNG

– Trưởng ban: 500đ/tháng

– Chủ sự phòng (trưởng phòng): 800đ/tháng

– Trưởng ty: 1.000đ/tháng

– Chánh sự vụ Sở (gọi tắt là Chánh Sở): 1.500đ/tháng (thêm phụ cấp nhà ở và điện nước sẽ nói ở phần sau)

– Giám đốc Nha thuộc cấp Bộ: 2000 đ/tháng (nt)

– Tổng Thư ký, Tổng Giám đốc cấp Bộ: 4.000đ/tháng

2) TẠI ĐỊA PHƯƠNG

– Chủ sự phòng cấp tỉnh: 600đ/tháng (thấp hơn chủ sự phòng cấp Trung ương)

– Trưởng ty, Phó Quận trưởng: 900đ/tháng (thấp hơn Trưởng ty cấp Trung ương)

Các khoản phụ cấp chức vụ bị cắt bỏ khi viên chức không còn đảm nhiệm chức vụ đó nữa, song với phần lớn công chức hạng A, không giữ chức vụ chỉ huy này thì giữ chức khác.

Giấy chứng nhận đình trả lương cấp cho một viên chức thuyên chuyển từ tỉnh Kiên Giang đến Cơ sở Hành chánh Côn Sơn. Căn cứ vào chứng chỉ này, cơ quan nơi tiếp nhận tiếp tục trả lương và phụ cấp cho đương sự. Trong chứng chỉ này, ta thấy lương căn bản đã trừ 6% tiền đóng góp vào quỹ Hưu bổng văn giai. Lúc này, phụ cấp gia đình còn ở mức cũ: vợ 800 đ, con 500 đ – Phụ cấp chức vụ đã tăng gấp đôi, từ 900 đ lên 1.800 đ.
Những năm cuối thập niên 1960 là cao điểm của lạm phát, vật giá gia tăng dữ dội, chính phủ đặt thêm phụ cấp đắt đỏ, trợ cấp bổ sung vào lương cho giới quân nhân-công chức. Ảnh tư liệu

C) PHỤ CẤP NHÀ Ở VÀ ĐIỆN NƯỚC

Phụ cấp này được chi trả cho những viên chức từ cấp Chánh sự vụ Sở trở lên. Trên nguyên tắc, những viên chức này được cấp nhà ở và ngân sách công chi trả chi phí điện nước, song do số công ốc không đủ đáp ứng nhu cầu của số người thụ hưởng nên phụ cấp nhà ở và điện nước được chi trả cho những người tự túc các khoản này. Như vậy, ngoài phụ cấp gia đình (nếu có), một Chánh sự vụ Sở được lãnh các phụ cấp sau:

– phụ cấp chức vụ: 1.500đ

– phụ cấp nhà ở: 500đ

– phụ cấp điện nước: 200đ

Cộng: 2.200đ

Vào nửa sau thập niên 1970, khoản phụ cấp này được tăng gấp đôi, là 4.400 đ, gồm phụ cấp chức vụ 3.000đ, phụ cấp nhà ở 1.000đ, phụ cấp điện nước 400đ.

D) PHỤ CẤP GIAO TẾ PHÍ VÀ KINH LÝ PHÍ

Đây là loại phụ cấp dành cho 3 chức vụ chỉ huy tại địa phương: Quận trưởng, Phó Tỉnh trưởng, Tỉnh trưởng, các cấp khác từ Trưởng ty, Phó Quận trưởng trở xuống không được hưởng phụ cấp này, bù lại, họ được hưởng phụ cấp chức vụ, còn Quận trưởng, Phó Tỉnh trưởng, Tỉnh trưởng không có phụ cấp chức vụ.

Như tên gọi, phụ cấp giao tế phí và kinh lý phí dành cho các viên chức thụ hưởng sử dụng cho các cuộc tiếp xúc trong khi thi hành công vụ và đi kinh lý các đơn vị thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mình: quận, xã, ấp. Mức cụ thể phụ cấp giao tế phí và kinh lý của các giới chức này, người viết không nắm được.

E) PHỤ CẤP TRÁCH NHIỆM

– Đây là phụ cấp dành cho các công chức mà phần hành chính là thu tiền, giữ tiền và nộp tiền cho cơ quan có thẩm quyền. Viên chức lớn nhất tại cấp tỉnh giữ nhiệm vụ này là Trưởng ty Ngân khố (bây giờ là Kho bạc nhà nước), nếu thất thoát tiền bạc trong công việc, ông ta có thể phải bồi thường khoản thiếu hụt, mất mát, còn nếu sự thất thoát công quỹ lên cao quá, đây sẽ là một vấn đề hình sự, bị điều tra và truy tố. Chính vì trách nhiệm nặng nề về tiền bạc như thế nên Trưởng ty Ngân khố tỉnh, ngoài phụ cấp chức vụ 900 đ/ tháng, ông ta còn được thanh toán thêm phụ cấp trách nhiệm 1.000 đ/tháng.

Ngoài ra, do công việc tại Ngân khố tỉnh rất căng, nơi đây được sự hợp tác của các “trung gian viên ngân khố” là nhân viên của Tòa hành chánh tỉnh và một số cơ quan khác. Dù chỉ là kiêm nhiệm, các nhân viên này cũng được ngành tài chánh (cụ thể là Tổng Nha Ngân khố) bổ nhiệm với sự thỏa thuận của chính quyền tỉnh và được hưởng một khoản phụ cấp trách nhiệm.

F) PHỤ CẤP GIA NHÂN

Vào thập niên 1970 khi hầu hết các khoản phụ cấp đã tăng gấp đôi, cũng cùng là Giám đốc Nha, song phụ cấp của một Giám đốc Nha ít Sở (từ 2-3 sở trở xuống) ít hơn của một Giám đốc Nha có nhiều Sở (từ 3-4 sở trở lên) đến … 4.000đ. Cụ thể như sau:

* Phụ cấp của Giám đốc Nha ít sở:

– Phụ cấp chức vụ: 4.000đ

– Phụ cấp nhà ở: 1.000đ

– Phụ cấp điện nước: 400đ

CỘNG: 5.400 đ

* Phụ cấp của Giám đốc Nha có nhiều sở = 5.400 đ + 4.000 đ = 9.400 đ !

Lý do sai biệt: Giám đốc Nha nhiều sở có thêm phụ cấp gia nhân 4.000 đ, còn Giám đốc Nha ít sở thì không.

Sự sai biệt này gây một ấn tượng mạnh nên người viết còn nhớ rất rõ đến bây giờ.

Như vậy, có thể kết luận rằng, khoản phụ cấp gia nhân chỉ dành cho công chức cao cấp từ Giám đốc Nha có nhiều sở trở lên (Tổng Thư ký Bộ, Tổng Giám đốc), từ Giám đốc Nha ít sở trở xuống (Chánh Sở, Chủ sự phòng, Trưởng ban) không được hưởng khoản phụ cấp này. Tiền thuê và nuôi ăn một người giúp việc nhà lên đến 4.000 đ/tháng.

Tài liệu của Viện QG Thống kê VNCH những năm 1971-1972. Xem bảng kê các số liệu, có thể thấy trong 8-9 năm dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm, vật giá khá ổn định, chỉ gia tăng ở mức vừa phải. Vào nửa sau thập niên, chiến tranh mở rộng, lệnh Tổng động viên được ban hành, chi phí quân sự tăng vọt (lương, quân trang, quân dụng…), lạm phát phi mã, chỉ trong 4 năm (1966-1970), giá nhiều mặt hàng đã tăng từ 300% đến 400% (heo, bò, cá, gạo…). Ảnh tư liệu

Ngày nay, kinh tế tư nhân phát triển mạnh, người ta phong nhau Giám đốc, Tổng Giám đốc loạn xạ, còn trước 1975, kinh tế tư nhân chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, trong sinh hoạt công quyền, các chức danh đồng đều nhau ở trung ương cũng như địa phương, Chánh Sở của bộ này bằng với Chánh Sở của bộ khác, Giám đốc Nha của bộ này tương đương Giám đốc Nha của bộ khác, ngay cả với Giám đốc Nha nhiều Sở và ít Sở, chỉ phân biệt khi thanh toán phụ cấp mà thôi, trong sinh hoạt nội bộ hay giao dịch với bên ngoài, không có sự phân biệt nào.

G) PHỤ CẤP VÃNG PHẢN

Trong từ Hán-Việt, “vãng” là đi qua, “phản” là trở lại, phụ cấp vãng phản là khoản tiền cấp cho những công chức đi công tác quá 1 ngày và cách trụ sở làm việc ít nhất 20 km. Vào thập niên 1960, phụ cấp vãng phản của công chức hạng A là 150đ/ ngày, của công chức hạng B là 110 đ/ngày, bao gồm tiền thuê chỗ ở và hai bữa ăn chính.

Tài liệu của Viện QG Thống kê VNCH những năm 1971-1972. Xem bảng kê các số liệu, có thể thấy trong 8-9 năm dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm, vật giá khá ổn định, chỉ gia tăng ở mức vừa phải. Vào nửa sau thập niên, chiến tranh mở rộng, lệnh Tổng động viên được ban hành, chi phí quân sự tăng vọt (lương, quân trang, quân dụng…), lạm phát phi mã, chỉ trong 4 năm (1966-1970), giá nhiều mặt hàng đã tăng từ 300% đến 400% (heo, bò, cá, gạo…). Ảnh tư liệu

Khi đi công tác, người công chức được cấp một Sự vụ lệnh (hay Nhiệm vụ lệnh), ghi rõ họ tên, chức vụ, lý do công tác, địa điểm công tác, thời hạn công tác. Kèm theo Sự vụ lệnh là một “Lộ trình thư” (tiếng Pháp: Feuille de route), mặt trước ghi nội dung như trong Sự vụ lệnh, mặt sau có nhiều mẫu in sẵn, nội dung như nhau. Khi viên chức đến nơi công tác, tại một tỉnh chẳng hạn, ngoải chuyện làm việc trực tiếp với đơn vị có trách nhiệm, anh ta sẽ liên lạc với Văn phòng Tỉnh trưởng hay Ty Tài chánh để nhờ nơi đây ghi vào mặt sau Lộ trình thư, chứng nhận đương sự đến tỉnh vào ngày nào, lúc mấy giờ, rời tỉnh ngày nào, lúc mấy giờ. Những chi tiết đó là cơ sở để cơ quan tài chánh nơi trả lương cho người công chức tính toán để thanh toán phụ cấp vãng phản cho anh ta.

H) PHỤ CẤP ĐẮT ĐỎ

Như đã trình bày ở trên, chỉ số đắt đỏ là một trong những yếu tố chính trong tính toán lương căn bản của người công chức, song vào nửa sau thập niên 1960, chiến tranh bùng phát mạnh, chi phí tăng cao, lạm phát phi mã, thu nhập của giới quân nhân, công chức bị sa sút, chính phủ đặt thêm khoản phụ cấp đắt đỏ phụ vào lương, khoản này thay đổi tùy theo lương bổng của mỗi hạng công chức và tùy thời điểm áp dụng.

Ngoài những khoản phụ cấp phổ biến và áp dụng rộng rãi như trên, các bộ tùy theo chức năng riêng (được phép) đặt ra các khoản phụ cấp cho ngành nghề của mình như phụ cấp sư phạm (ngành giáo dục), phụ cấp nguy hiểm, độc hại (ngành y)…

Trước 1975, tại miền Nam, “Quỹ hưu bổng văn giai” là cơ chế được vận dụng trong việc trả hưu bổng cho các công chức đã về hưu. Để có kinh phí điều hành quỹ, hàng tháng, bộ phận trả lương tự động khấu trừ 6% lương căn bản (không tính các khoản phụ cấp) của mỗi công chức, cộng thêm 10% trợ cấp của ngân sách quốc gia nữa là 16%, góp vào Quỹ hưu bổng văn giai (xin xem thêm “chứng chỉ đình chỉ lương” kèm theo). Tính đến ngày 30.4.1975, người viết bài này đã đóng góp cho quỹ đúng 10 năm.

Sau ngày này, quỹ hưu bổng văn giai được sung vào “ngân quỹ cách mạng”, một số không nhỏ công chức đã đóng góp vào quỹ nhiều năm được đền bù bằng những năm tháng học tập miễn phí tại nhiều nơi trên cả nước…

Bình Luận từ Facebook