Vài suy nghĩ về clip bà đại diện Hội phụ huynh học sinh ở trường An Hội

Đỗ Duy Ngọc

13-10-2022

Đã từ lâu, hồi các con tôi còn đi học, tôi đã có ác cảm cái gọi là Hội Phụ huynh học sinh. Theo tôi cái Hội này thực chất chỉ là đám cò mồi tay sai của Ban Giám hiệu để bóc lột tiền của cha mẹ học sinh. Ban Giám hiệu muốn thu tiền càng nhiều càng tốt, một hình thức tham nhũng trong nhà trường. Tuy nhiên ngại dư luận, sợ vi phạm quy định nên dùng Hội này nói thay. Kiểu này khi bị phản ánh sẽ báo cáo đây là do phụ huynh tự nguyện, do Hội kêu gọi, nhà trường không dính líu.

Một số phụ huynh hám danh, muốn mang cái mác Hội trưởng. Có người còn in vào danh thiếp của mình cái chức vụ này nữa kia. Phần đông là đám trọc phú, có tiền nhưng thiếu danh, muốn có cái danh để khoe. Cũng là nơi khoe giàu. Ban Giám hiệu rất khôn, không ra mặt, cứ để cho các ông các bà ấy phát động, ngậm miệng ăn tiền.

Vừa rồi trên mạng phổ biến một clip ghi lại phát ngôn của một bà Hội trưởng Hội Phụ huynh học sinh Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp – TP.HCM). Bà này dùng cách nói rất khó lọt tai lúc có mặt Hiệu trưởng và giao viên chủ nhiệm. Bà nói rằng: “Cuối năm lớp 2 Tuyến (tên bà này) có thông báo xin nhà trường cho lớp đi lên một tập thể lớp học bán trú phải không ạ? Các anh chị lên tiếng giùm em. Thứ 2, em cũng có nói với anh chị là các anh chị ơi, em xây dựng năm nay lớp bán trú chúng ta có cơ sở vật chất tốt nhất, các con được tốt nhất có thể, em có thông báo không ạ… chị T.A có nói, phụ huynh nắm được hết các hoàn cảnh khó khăn của phụ huynh, các anh chị đã biết được chưa… Nếu anh chị nói chưa được, em Tuyến đây xin đại diện nói giúp. Em cũng từng nói, NHỮNG PHỤ HUYNH THẬT SỰ KHÓ KHĂN, ĐỪNG CÓ THEO CHUNG CÁC LỚP NÀY VÌ THỰC SỰ ĐÓNG KHÔNG CÓ NỔI“.

Sau đó bà kêu tên, chỉ mặt từng người “Khó khăn nhất trong lớp, gồm có: em, chị nhớ mặt em. Hoàn cảnh em khó khăn lắm, đi chiếc xe đạp rất tội nghiệp. Chị có nói cuối năm em không theo không? Tại sao nay em vẫn theo, đóng góp như vậy mà em không có một lời nào?...”. Rồi thì: “Đứng lên em, nói lớn lên, hoàn cảnh khó khăn, nói lớn lên… Em M.T cũng khó khăn, nói lớn lên, đọc tên cho chị nghe… Rồi mẹ T.K, hoàn cảnh khó khăn cực kỳ. Cuối năm chị có nói em không, đứng lên cho cô hiệu trưởng thấy mặt“.

Đúng là bỉ ổi. Ai cho phép bà này lớn tiếng bảo gia đình nào khó khăn thì đừng học lớp này? Bà nhân danh cái gì nà nêu tên những phụ huynh nghèo ra giữa lớp? Bà lấy quyền gì vậy? Quyền của Hội Phụ huynh à? Ai cho bà cái quyền hạ nhục người khác? Khốn nạn nhất là Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm ngồi im thin thít. Không im sao được khi có người huy động tiền cho mình. Thật sự khốn nạn! Nhà trường biến thành nơi bán chữ. Người thầy thành kẻ đi buôn.

Không thể chấp nhận hành vi của bà này, cũng không thể chấp nhận những kẻ mang danh giáo chức mà vì đồng tiền biến thành kẻ đớn hèn như thế. Mới lớp 3 mà đã gieo vào đầu đám trẻ con khinh rẻ người nghèo, phân chia giàu nghèo trong lớp học. Thật ra trong nhà trường hiện nay, thầy cô giáo chịu rất nhiều áp lực. Đủ thứ công việc đổ lên đầu giáo viên và khó nhất là phải kêu gọi, phát động làm sao để thu được tiền nhiều nhất. Thu kém không đủ chỉ tiêu sẽ bị đánh giá thi đua. Tất cả chạy theo thành tích, kể cả thành tích bóc lột cha mẹ học sinh. Nạn nhân cuối cùng là đám học trò ngây thơ và cha mẹ chúng.

Thế mà khi dư luận và clip được lan truyền, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp Trịnh Vĩnh Thanh, khi phóng viên hỏi đã biết nội dung đoạn clip chưa. Ông Thanh ban đầu cho rằng trường báo cáo rồi, xảy ra từ năm ngoái nhưng không hiểu sao giờ này lại xuất hiện. Tức là tìm cách chối, khi người ta bảo năm trước dịch Covid có học hành chi đâu mà có họp phụ huynh. Nói dối không xong, Trưởng Phòng GD-ĐT Quận Gò Vấp thừa nhận sự việc đúng xảy ra năm nay, ở lớp 3. Theo ông Thanh, phụ huynh tên Tuyến trên nằm trong ban đại diện từ lớp 1 đến 3. Hèn thế!

Học sinh bây giờ đi học đóng đủ thứ tiền: tiền đồng phục, tiền huy hiệu, tiền khăn lau bảng, tiền chổi quét phòng, tiền nước uống, tiền giấy làm bài, tiền ghế ngồi khi lễ lạc, chào cờ, tiền mua máy phát, tiền sắm máy lạnh, máy chiếu… đủ thứ tiền. Có trường còn thu tiền điện lúc ở lại trường buổi trưa.

Nhiều thứ tiền phi lý bỏ mẹ. Lúc nhập học đóng tiền sắm máy lạnh. Qua năm mới lên lớp mới lại phải đóng tiền máy lạnh, thế thì những máy lạnh cũ đem bỏ đi à? Ăn đủ thứ, gì cũng ăn được. Đến xây cầu tiêu cho học sinh cũng kiếm ăn. Một cầu tiêu đơn giản xây hết 800 triệu đến một tỷ. Kinh chưa?

Người ta biếu không cây cảnh để trang trí trường cũng tính tiền mua, rồi tiền bảo trì, chăm sóc. Bởi thế các ông, các bà Hiệu trưởng mới giàu, xe hơi, nhà đẹp, con học nước ngoài chứ lương tháng hơn chục triệu thì lấy tiền đâu? Đến khi thanh tra thì cứ bảo đấy là do công vận động của Hội Phụ huynh, là cha mẹ học sinh tự nguyện.

Nhiều lần lên vùng sâu, vùng xa, vùng cao thấy các cháu đi học với chiếc áo rách, trời lạnh căm mà chỉ có bộ ắo quần phong phanh, chân trần. Trường học chỉ là những căn nhà lá tạm bợ, xiêu vẹo trong cơn gió lạnh. Thầy Cô giáo phải vượt hàng trăm cây số đèo, dốc để đến với học trò. Nhìn cảnh ấy lại ngùn ngụt cơn giận lũ người đang vơ vét từng đồng bạc của học sinh ở những trường nơi phố thị, trường lớp tiện nghi.

Theo tôi, nên dẹp mẹ cái gọi là Hội Phụ huynh học sinh ở các trường đi. Hội này chỉ làm khổ cha mẹ học sinh chứ chẳng ích lợi gì. Chỉ có lợi cho nhà trường có cớ vơ vét. Con nhà nghèo bây giờ đi học, muốn kiếm cái chữ cũng rất khó khăn. Nội học phí và ba cái linh tinh Hội và nhà trường tạo ra cũng là bức tường chặn không cho phép những học trò nghèo không được đến trường.

Chúng ta căm phẫn khi xem clip với những lời nói nghịch nhĩ của bà Hội trưởng An Hội, nhưng rồi muốn con được đi học cũng đành nghiến răng, nhịn ăn mà đóng cho đủ để chúng chia nhau. Khốn nạn thế đấy!

Nền giáo dục giờ đây nằm tận dưới hố rồi, không còn cách nào để vực lên được nữa. Khi nào không còn những thứ thi đua vô bổ, không còn là cái chợ mua bán chữ, không còn những kẻ tìm đủ cách để chia chác nhau, không còn đám chim mồi mang lốt Hội Phụ huynh học sinh tỏ ra có quyền uy, khi không còn những kẻ đớn hèn vì sinh kế mà cúi đầu nhẫn nhục. Lúc đó mới mong trường học mới đúng nghĩa là trường dạy chữ, dạy làm người.

Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. Học giả NĐK

    (“Hội phụ huynh” là cách gọi trước đây, còn tên chính thức trên văn bản giấy tờ bây giờ là “Ban đại diện cha mẹ học sinh”, giống kiểu như “thu phí” với “thu giá” vậy).

    Với kinh nghiệm 3 năm liền làm Trưởng ban đại diện CMHS lớp, Phó trưởng ban đại diện CMHS trường (ở một trường tiểu học tại TP.HCM) tôi cho rằng Bộ Giáo dục & Đào tạo nên cân nhắc bỏ hẳn cơ cấu “Ban đại diện CMHS” hiện nay tại tất cả các trường công.

    Theo dõi câu chuyện lạm thu hơn 15 năm nay ở các trường (kể từ khi mới bước chân vào nghề báo, cho đến khi thực tham gia trực tiếp vào hoạt động của ban đại diện CMHS mới đây) tôi thấy hoạt động chủ yếu, tích cực và xuyên suốt của hầu như tất cả các ban đại diện chỉ có một, đó là: THU TIỀN QUỸ.

    Thực ra cũng không cần trải nghiệm thực tế, chỉ để ý quan sát một chút cũng thấy ngay, đầu mối của tất cả các khoản lạm thu được phản ánh trên báo chí những năm trước và thời gian gần đây đều ở một chỗ đó là: BAN ĐẠI DIỆN CMHS (HỘI PHỤ HUYNH).

    Vậy mà, thật đáng ngạc nhiên, bấy lâu nay chưa thấy ai đặt câu hỏi về việc có nên hay không để tồn tại một cơ cấu ban đại diện CMHS này trong các trường công?

    Qua trải nghiệm ba năm trong ban đại diện của mình quả thực tôi thấy vai trò của ban đại diện CMHS trong việc phối hợp, hỗ trợ nhà trường trong việc nuôi – dạy các con là vô cùng hạn chế. Hạn chế đến mức, tôi có thể nói chắc rằng có hay không ban đại diện CMHS cũng không ảnh hưởng gì đến chất lượng dạy – học và hoạt động của học sinh tại trường.

    Vậy tại sao các Ban đại diện CMHS vẫn được lập ra? Và ai sẽ là người sốt sắng lập nên Ban đại diện CMHS này nhất? – Xin thưa, tất cả những ai từng có con học trong hệ thống trường công đều có thể dễ dàng trả lời ngay đó là: BAN GIÁM HIỆU.

    Như đã nói ở trên, nếu không có cơ cấu gọi là ban đại diện CMHS các ban giám hiệu các trường chắc chắn sẽ gặp khó khăn với các khoản tiền cần “xã hội hóa” hàng năm để: mua máy chiếu, mua tivi, mua rèm cửa… vân vân và vân vân. (Một điều kỳ lạ là năm nào cũng có những khoản kiểu như thế này, như thể sau mỗi năm học, qua một kỳ nghỉ hè, ngôi trường lại rơi vào thế giới của Kafka, trang thiết bị năm cũ đột nhiên biến mất hết không một dấu tích vậy).

    Mỗi lần nghe các vị lãnh đạo các trường lên báo chí giải thích về các khoản thu của cha mẹ học sinh đều là “tự nguyện”, “đồng thuận”… nói thật tôi thấy buồn nôn kinh khủng (“mắc ói dễ sợ” – nói theo kiểu miền Nam).

    Cái gọi là “tự nguyện”, là “đồng thuận” của quý vị là gì?

    – Là bóng gió gợi ý (nhiều khi là thẳng tuột luôn), là giả đò lấy ý kiến, rồi phổ biến cho ban đại diện trường, rồi đưa xuống cho giáo viên chủ nhiệm, đưa xuống cho ban đại diện lớp, rồi lấy biểu quyết ở lớp theo cùng một mô-típ như sau: Sẽ có vài vị phụ huynh có điều kiện đứng lên ủng hộ nhiệt thành, thậm chí còn đòi tăng thêm các khoản đóng góp. Sẽ một vài ý kiến yếu ớt chất vấn, hay phản đối. Sẽ nói qua nói lại một hồi, rồi hết thời gian họp phụ huynh. Biểu quyết. Đa số đồng ý. Xong.

    Khốn thay, trong một trường, hay một lớp học bao giờ cũng thế, những gia đình, những phụ huynh có điều kiện nhất là những người mạnh miệng (lớn tiếng) nhất. Ở chiều ngược lại, những gia đình, những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn nhất lại chính là những người ít có tiếng nói nhất. Họ là những người yếu thế. Họ không dám lên tiếng. Hoặc có thể tệ hơn, vừa nghe đến những khoản thu kiểu như vậy thì họ đã ngay lập tức xây xẩm mặt mày, vội nghĩ cách xoay xở cho ra cái khoản đó để kịp đóng góp cho con, chứ làm gì đã nghĩ đến chuyện lên tiếng phản đối hay chất vấn.

    Như thế, cái gọi là “tự nguyện”, là “đồng thuận” của quý vị thực ra chỉ là “ném đá giấu tay”, mượn tay ban đại diện thực hiện các mục tiêu của mình, và lấy đa số (to tiếng) áp đặt thiểu số (yếu thế) không có tiếng nói.

    Nói đến đây tôi chắc phải dừng lại một chút, để có vài lời thanh minh. Thứ nhất, tôi không nói tất cả các trường, các ban giám hiệu đều như thế (bản thân tôi cũng đã có may mắn gặp được những thầy, cô giám hiệu thực sự hết lòng vì các con), nhưng hầu như chắc chắn các trường có chuyện lạm thu phụ huynh đều như thế. Thứ hai, có lẽ mọi phụ huynh đều nghĩ những khoản quỹ đóng góp cho ban đại diện CMHS là để lễ tết thầy cô, để tỏ lòng biết ơn. Nhưng thực tế, như cá nhân tôi nhìn nhận, quả tình thầy cô cũng không có mặn mà gì với các món quà của phụ huynh đâu, họ thường cảm thấy miễn cưỡng, khó xử khi nhận được các món quà này hơn là thích thú. Trong đa số trường hợp, thầy cô, nhất là thầy cô chủ nhiệm cũng là nạn nhân của nạn lạm thu này (vừa chịu o ép từ trên ban giám hiệu, vừa phải chịu tiếng oan o ép phụ huynh)

    Nói tiếp về chuyện lạm thu. Việc lạm thu của Ban đại diện CMHS diễn ra ở tất cả các cấp học, nhưng nó đặc biệt tệ hại với cấp tiểu học và trung học cơ sở. Nhà nước đã chủ trương miễn học phí để mọi trẻ em đều có thể đến trường, phổ cập tiểu học (tiến tới phổ cập trung học cơ sở), thế nên, việc lạm thu đầu năm ở các trường không gì khác là phá hoại chính sách đúng đắn, nhân văn này.

    Điều cuối cùng, nếu cần có tiếng nói, có sự tham gia của cha mẹ học sinh trong việc giáo dục con cái tại trường, chúng ta có thể cân nhắc thiết lập một mô hình khác hiệu quả hơn đó là thiết lập các học khu (có thể phân theo phường, xã), mội học khu sẽ có một Ban giám học là đại biểu nhân dân, giáo chức về hưu hoặc những nhà chuyên môn khác có quan tâm đến giáo dục, để hỗ trợ, theo dõi, giám sát hoạt động giáo dục tại tất cả các trường công trong phạm vi học khu của mình. Tôi tin, “Ban giám học” này sẽ có nhiều chuyên môn, trách nhiệm và sẽ có khả năng mang lại hiệu quả hỗ trợ, giám sát, nâng cao chất lượng giáo dục các trường công tốt hơn nhiều các “Ban đại diện CMHS” hiện nay.

    Nguồn Mạng.

  2. Học Giả Thái Bá Tân.

    Trên cổng một trường nọ
    Ở Nam Phi, người ta
    Khắc câu nói nổi tiếng
    Của Nelson Mandela.

    “Muốn hủy diệt một nước,
    Không cần bom hạt nhân.
    Tên lửa và đại bác,
    Tàu chiến cũng không cần.

    Chỉ cần ngành giáo dục
    Của nước ấy suy đồi.
    Chuẩn thấp, chất lượng thấp
    Gian lận điểm và rồi

    Các bác sĩ nước ấy
    Sẽ giết chết bệnh nhân,
    Và các nhà chính trị
    Hoang phí tiền của dân.

    Mua bằng, gian lận điểm,
    Kỹ sư, nhà mới xây
    Nứt lún hoặc sụp đổ,
    Hoặc thẩm thấu suốt ngày.

    Cũng vì lý do ấy,
    Trong tay các quan tòa
    Công lý bị bóp méo,
    Gây hậu quả xót xa.

    Khi giáo dục xuống cấp,
    Trí thức thành lưu manh.
    Tôn giáo sẽ xung đột.
    Đất nước sẽ chiến tranh.

    Vì vậy, để sụp đổ
    Ngành giáo dục nước nhà,
    Tức là tự cho phép
    Sụp đổ một quốc gia.

    Nguồn Mạng.

  3. Học Giả: BÙI CHÍ VINH

    Xưa học hành miễn phí
    Giờ vượt 7 hàng rào
    Chẳng lẽ tiên học lễ
    Hậu học toàn gươm đao

    Xưa không có đồng nào
    Vẫn ung dung đến lớp
    Giờ không có hầu bao
    Thì coi như trớt quớt

    Xưa vua quan sĩ tốt
    Đều trên dưới một lòng
    Bệnh có nhà thương thí
    Học có trường vì dân

    Không phải đóng tiền ăn
    Không đóng tiền mua sữa
    Đến trường khỏi băn khoăn
    Nghèo giàu đều như rứa

    Giờ thì đóng thả cửa
    Hết tiền xây dựng trường
    Rồi đến tiển quỹ lớp
    Đủ thứ tiền bất lương

    Tiền bán trú không buông
    Tiền đồng phục cũng lấy
    Tiền chìm hội phụ huynh
    Tiền nổi có trời thấy

    Tiền bảo hiểm y tế
    Tai nạn cũng bảo kê
    Tiền, tiền, chết mặc kệ
    Không có tiền thì… về

    Xưa học ở đồng quê
    Trẻ con còn huýt sáo
    Giờ học chốn thị thành
    Trẻ con toàn mất máu

    Xưa, đâu thèm nói xạo
    Thời Đệ Nhất Cộng Hòa
    Chỉ cần đi đến lớp
    Học trò là… bông hoa !

    Nguồn Mạng.

  4. Bộ GD phải can thiệp trực tiếp vụ việc này, bằng cách cắt chức vụ hiệu trưởng của bà kia (ko nhớ tên), và xử lí vi phạm “Lạm dụng chức quyền” của bà Tuyến – phó ban đại diện hội PHHS + vĩnh viễn bà ấy ko dc làm bất kì chức vụ gì trong ban đại diện tất cả các trường, từ cấp 1 đến cấp 3. Nền giáo dục là nền tảng cơ bản để các con em học tập và phát triển đất nước, nền giáo dục mà ko vững thì chắc chắn đất nước ko bao giờ phát triển nổi

  5. Sự khốn nạn của một bộ phận không nhỏ các quan chức trong ngành giáo dục đang làm băng hoại nền giáo dục nước nhà. Đất nước này, dân tộc này đã đang và sẽ phải chịu hậu quả vì loại quan chức khốn nạn đó.

    Đã có hiệu trưởng dẫn gái là học trò cho quan trên, hiệu trưởng ngồi trên taxi vào trường làm gãy chân học trò nhưng lại trơ trẽn tìm cách chối tội đến hiệu trưởng chủ trương thu tiền mỗi suất nghỉ trưa 15.000 đồng thì không còn gì để nói về một bộ phận không nhỏ các quan chức quản lý nền giáo dục nước nhà. Ai cho phép vị hiệu trưởng trường trên biến các lớp học của trường thành phòng trọ rẻ tiền?. Còn biết bao nhiêu vị hiệu trưởng từ cấp tiểu học đến cấp đại học đang biến trường học thành nơi mình thực hiện uy quyền và trục lợi khi đang tại chức? Ai phải chịu trách nhiệm vì đã đề bạt, bổ nhiệm những kẻ thiếu nhân cách lên làm hiệu trưởng?. Những hiệu trưởng khốn nạn đó học trò biết, phụ hunh biết, giáo viên biết lẽ nào quan chức giáo dục các cấp cao hơn không biết!

    Thưa các thầy các cô ở những trường có loại hiệu trưởng khốn nạn nói trên, lẽ nào các vị không thấy xấu hổ với học trò mình, không thấy xấu hổ với con cái mình? Thiếu sự dũng cảm phê phán những việc làm sai trái tới mức khốn nạn của lãnh đạo trường liệu các vị có đủ tư cách dạy cho trò cách làm người tử tế?

    Nguồn Mạng.

  6. “Theo tôi cái Hội này thực chất chỉ là đám cò mồi tay sai của Ban Giám hiệu để bóc lột tiền của cha mẹ học sinh. Ban Giám hiệu muốn thu tiền càng nhiều càng tốt, một hình thức tham nhũng trong nhà trường. Tuy nhiên ngại dư luận, sợ vi phạm quy định nên dùng Hội này nói thay. Kiểu này khi bị phản ánh sẽ báo cáo đây là do phụ huynh tự nguyện, do Hội kêu gọi, nhà trường không dính líu.” ( Trích ĐDN )
    – Hoàn toàn chính xác bác ạ . Hội phhs là cánh tay dài của BGH, họ núp vào đó để bóc lột cha mẹ HS . Hội chỉ có mục đích giúp BGH thu các loại tiền mỗi năm học thôi, ngoài ra họ đâu còn vai trò gì nữa.
    Họ làm gì đã có BGH che rồi, Gv không dám có ý kiến gì đâu . Gv nào dám lên tiếng phản đối, BGH sẽ chụp cho cái mũ “chống lại chủ trương, chính sách” của nhà trường .
    Cái sự tệ hại nầy xuất phát từ chủ trương của Bộ GD, cho phép lập hội phhs.

  7. Cũng thật buồn khi những phụ huynh nghèo không biết tự bảo vệ cái quyền tự chủ của mình, răm rắp tuân theo chỉ thị của người khác dù họ không được phép, dù họ làm nhục mình, chính vì vậy chúng mới có cơ hội phát huy cái sở trường nịnh bợ hầu con cái chúng hưởng lợi từ những thày cô giáo ngậm miệng ăn tiền!!! Đã có trường hợp con chúng không còn học ở trường lớp cũ nhưng vẫn có tên làm hội trưởng hội phụ huynh của lớp để làm tiền! Cô giáo chủ nhiệm và hiệu trưởng không thể vô can, chính họ đỡ đầu chọ bọn này

Comments are closed.