Jackhammer Nguyễn
1-10-2022
Mùa thu năm 2022, tổng thống Putin của nước Nga tuyên bố sát nhập bốn tỉnh của Ukraine vào nước Nga, sau một cuộc “trưng cầu dân ý” được dàn dựng.
Mùa thu năm 1940, Stalin, nhà lãnh đạo Liên Xô, tuyên bố sát nhập ba nước vùng Baltic là Lithuania, Latvia, Estonia vào lãnh thổ Liên Xô. Việc sát nhập này cũng được tuyên bố sau những cuộc bầu cử dàn dựng của “quốc hội nhân dân” tại ba quốc gia này.
Nếu mặc định rằng người Nga là nòng cốt của mồ ma Liên Xô (Stalin là người Georgia), thì sau 82 năm, họ không khá hơn là mấy, với nỗi thèm khát lãnh thổ, tình cảm tự ti, tự tôn rất lộn xộn.
Ông Putin tuyên bố trên quảng trường Đỏ rằng phương Tây muốn chia rẽ nước Nga, không cần nước Nga, nhưng người Nga thì cần nước Nga!?
Việc sát nhập ba nước Baltic diễn ra giữa lúc thế chiến thứ hai mới bắt đầu, Liên Xô đang vất vả đối phó những đòn tấn công của quân Đức. Việc sát nhập bốn tỉnh của Ukraine diễn ra trong lúc đã có đến 80 ngàn lính Nga thương vong chỉ sau bảy tháng của cuộc xâm lăng.
Sự thèm khát lãnh thổ, mặc cảm tự ti, cùng với óc tổ chức kém cỏi của người Nga, làm cho họ luôn là quốc gia dẫn đầu trong việc… đếm xác chết. Trong thế chiến thứ nhất có hơn ba triệu người của đế quốc Nga thiệt mạng, trong thế chiến thứ hai có hơn 20 triệu người Liên Xô thiệt mạng, phần lớn là người Nga. Vì thế quân đội Nga, từ hơn thế kỷ nay, có hỗn danh là cái “cối xay thịt”.
Những người bênh vực Putin và nước Nga hay đưa ra lý lẽ rằng, nước Nga bị phương Tây o ép đủ thứ cho nên mới bực tức mà làm càn (tấn công Ukraine). Lý luận kiểu này phù hợp với đòi hỏi cái gọi là “trật tự mới”, trong đó hệ thống hiện nay do phương Tây dẫn đầu về kinh tế, xã hội… phải nhường cho sự “đa cực”, trong đó có các cực mới như Nga, Trung Quốc.
Cũng có không ít người Việt Nam ủng hộ lập luận kiểu này. Nhưng họ sẽ không trả lời được rằng các “cực” mới này có gì hay ho với tư cách là một hệ thống chính trị xã hội? Từ năm 1991, khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Nga cho đến nay, hơn 30 năm sau, người ta thấy hệ thống Nga là gì? Đó là một chế độ giả danh dân chủ (tương tự như cái gọi là “trưng cầu dân ý” mà họ vừa tổ chức ở Ukraine), với sự thống trị của đám tư bản bồ bịch, cùng với các giáo chủ chính thống giáo cuồng tín.
“Hệ thống” này dẫn tới một trạm xăng khổng lồ là nước Nga, với nền kinh tế chế tạo kém cỏi, kinh tế sáng tạo còn tệ hại hơn, tệ hại đến nỗi ngay cả công nghiệp quốc phòng cũng phải phụ thuộc vào chip điện tử phương Tây. Với một hệ thống như vậy mà Putin và nhiều người Nga đòi phương Tây phải nhường cho họ?! Trong cuộc cạnh tranh, phải sáng chế ra điều hay hơn người khác, chứ có đâu mà cứ đòi?!
Hôm 29-9-2022, Mỹ chính thức công bố trung tâm điều hợp chiến tranh Ukraine ở Đức. Một phần lớn hoạt động của trung tâm này sẽ là tổ chức sản xuất vũ khí khắp nơi trên thế giới để cung cấp cho Ukraine. Washington dự liệu rằng, cuộc chiến Ukraine sẽ kéo dài nhiều năm. Hoạt động sản xuất vũ khí này sẽ lại kéo nước Nga vào cuộc chạy đưa vũ trang mới, và khả năng nước Nga lại kiệt quệ như khi nó tham gia cuộc chạy đua vũ trang chiến tranh giữa các vì sao cách nay gần 40 năm.
Thử điểm lại lịch sử, có thể thấy các cuộc chiến tranh lớn mà Nga tham gia đều dẫn tới hai chuyện, đó là đống xác chết chồng chất và sự kiệt sức. Chiến tranh thế giới thứ nhất dẫn tới sự tan rã của đế chế Nga, để thiết lập đế chế cộng sản. Chiến tranh thế giới thứ hai những tưởng đưa đến sự huy hoàng của Liên Xô, nhưng hệ thống Xô Viết không cạnh tranh lại được với phương Tây trong hòa bình và chiến tranh lạnh, dẫn tới sự rã đám của Liên Xô.
Nay tới chiến tranh Ukraine, từng đoàn mugik Nga kém tổ chức, ăn đói chịu khát lại lên đường làm nguyên liệu cho cái cối xay thịt vĩ đại. Liệu họ có trở súng quay lại, theo một gã hoang tưởng như Lenin mà làm “cách mạng”?
Ba nước Baltic lại phục hồi nền độc lập của mình vào năm 1989 cùng lúc với sự sụp đổ của chế độ cộng sản Đông Âu. Liệu người Nga kềm giữ bốn tỉnh của Ukraine được trong bao lâu?
82 năm sau sự kiện Baltic, Nga lại hoàn Nga!
Chủ nào tớ nấy, chó nào chủ nấy; việt cộng thế nào, Nga thế nấy.