Hồ Bạch Thảo
16-9-2017
Tiếp theo phần I; phần II; phần III; phần IV và phần V
VI. Đời Minh
1. Địa Lý chí trong Minh Sử [明史, History of Ming] do bọn Trương Đình Ngọc biên soạn, là tư liệu quan phương có giá trị nhắm tìm hiểu chủ quyền Trung Quốc về biển đảo. Lãnh thổ đảo Hải Nam hiện nay, tức phủ Quỳnh Châu thời Minh là đảo cực nam, chép trong quyển 45, được dịch và dẫn nguyên văn như sau:
“Phủ Quỳnh Châu đời Nguyên là Càn Ninh Quân Dân An Phủ Ty, tháng 10 năm thứ 2 năm Nguyên Thống [1334] đổi thành Càn Ninh An Phủ Ty, thuộc Hải Bắc Hải Nam Đạo Tuyên Phủ Ty. Tháng 10 năm Hồng Vũ thứ nhất [1368] đổi thành phủ Quỳnh Châu; năm thứ 2 [1369] giáng thành châu, năm thứ 3 [1370] thăng trở lại thành phủ; có 3 châu, 10 huyện:
– Huyện Quỳnh Sơn, dựa vào phủ; phía bắc là biển có cảng Thần Ứng, cũng gọi là bến Hải Khẩu; có Thủ ngự hải khẩu thiên hộ sở đặt vào tháng 10 năm Hồng Vũ thứ 20 [1387]. Phía tây nam có thôn Thuỷ Tiêu, năm Vạn Lịch thứ 28 [1597], đặt Thuỷ ngự thiên hộ sở tại đó. Nam có Thạch Sơn, lại có Ty tuần kiểm Thanh Lan, nay đã phế.
– Huyện Trừng Mại tại phía tây phủ, phía bắc là biển, nam có sông Lê Mẫu, đông có sông Trừng, tây bắc có ty Tuần kiểm Trừng Mại, trị sở tại đô Quắc, nam có ty Tuần kiểm Thố Dĩnh trị sở tại đô Gia Đông, sau dời đến đô Nam Lê rồi bỏ. Tây nam có ty Tuần kiểm Đồng Cổ, trị sở tại đô Tân An, sau dời đến đô Tây Lê, rồi bỏ. Lại có ty Tuần kiểm Na Tha sau dời đến huyện Tây Lâm Sơn Thị, rồi bỏ.
– Huyện Lâm Cao tại phía tây phủ, phía bắc là biển, nam có sông Lê Mẫu. Phía nam có ty Tuần kiểm Điền Bài sau dời đến gò Phần Hoành. Lại phía đông có 2 ty Tuần kiểm Định Nam, Bác Phố, nay đã bỏ.
– Huyện An Định, phía nam phủ, đặt vào tháng 6 năm Chí Nguyên thứ 29 [1292]; tháng 10 năm Thiên Lịch thứ 2 [1329] thăng thành châu Nam Kiến; tháng 10 năm Hồng Vũ thứ nhất [1368] đặt trở lại thành huyện. Phía nam có núi Ngũ Chỉ, cũng gọi là núi Lê Mẫu, dân Lê sống xung quanh núi, bên ngoài là Thục Lê, bên trong là Sinh Lê. Bắc có sông Kiến Giang, chảy qua phía tây và bắc lãnh thổ quận, rồi nhập vào sông Nam Độ. Đông có Thiên hộ sở đồn điền Đàm Lãm, lập đời Nguyên, thời Minh Hồng Vũ thể theo, đến năm Vĩnh Lạc thứ 4 [1406] thì bỏ; phía tây có ty Tuần kiểm Thanh Ninh; đông lại có ty Tuần kiểm Ninh Thôn, trị sở tại thôn Đàm Lãm, sau dời đi đến đô Nam Tư tại phía đông nam huyện, vẫn giữ tên cũ.
– Huyện Văn Xương tại phía đông phủ, phía tây bắc có núi Thất Tinh [đảo Thất Châu], nam có núi Tử Bối, đông bắc giáp biển. Phía đông nam có sông Văn Xương, chảy ra biển. Phía đông bắc lại có Thiên hộ sở thủ ngự Thanh Lan đặt vào tháng 8 năm Hồng Vũ thứ 27 [1394]; năm Vạn Lịch thứ 9 [1581] dời huyện về thôn Trần Gia, phía đông nam đô Nam Mao. Phía tây bắc có ty Tuần kiểm Phố Tiền; phía đông bắc có ty Tuần kiểm Thanh Lam Đầu; sau dời huyện đến phía đông cảng Bảo Lăng.
– Huyện Hội Đồng tại phía đông nam phủ, đặt vào tháng 6 năm Chí Nguyên thứ 29 [1292]. Đông giáp biển, tây có khe Lê Bồn, đông có ty Tuần kiểm Điêu Hiêu, trị sở tại đô Đoan Triệu, rồi dời đến thôn Nam Thương phía đông nam huyện.
– Huyện Lạc Hội tại phía đông nam phủ, phía tây có núi Bạch Thạch, đông giáp biển. Phía tây bắc có sông Vạn Toàn, có sông Lê Bồn chảy vào.
– Châu Đam nguyên là quân Nam Ninh, thuộc đạo Hải Bắc Hải Nam Tuyên Uỷ Ty; vào tháng 10 năm Hồng Vũ thứ nhất [1368] đổi thành châu Đam, thuộc phủ. Vào tháng 6 năm Chính Thống thứ 4 [1439] phế huyện Nghi Luân nhập vào châu trị. Tây bắc có núi Long Môn, tây giáp biển; bắc có sông Luân; tây nam có 2 ty Tuần kiểm Trấn An và An Hải; đông lại có ty Tuần kiểm Qui Khương đã phế; cách phủ 370 lý về phía đông bắc, lãnh 1 huyện:
Huyện Xương Hoá tại phía nam châu, thành cũ tại phía đông nam, đặt vào năm Hồng Vũ thứ 25 [1392]; tháng 5 năm Chính Thống thứ 6 [1441] dời đến Thủ ngự sở Xương Hoá; phía tây giáp biển, nam có sông Xương Giang.
– Châu Vạn nguyên là quân Vạn An, thuộc đạo Hải Nam Hải Bắc; tháng 10 năm Hồng Vũ thứ nhất [1368] đổi thành châu Vạn, thuộc phủ. Tháng 6 năm Chính Thống thứ tư [1439] cắt huyện Vạn An cho vào châu. Bắc có núi Lục Liên, sông Long Cổn phát nguyên từ đó. Phía đông tại biển Nam Hải có đảo Độc Châu sơn. Đông có ty Tuần kiểm Liên Đường, sau bỏ. Cách phủ 470 lý về phía tây bắc, lãnh 1 huyện:
Huyện Lăng Thuỷ tại phía nam châu Vạn, phía đông bắc là trị sở thành huyện cũ; thành ngày nay tại Thủ ngự Thiên hộ sở núi Nam Sơn; lập vào năm Hồng Vũ thứ 27 [1394], thời Chính Thống dời đến. Phía tây có núi Tiểu Ngũ Chỉ, đông giáp biển, trên biển có đảo Song Nữ, đông bắc có ty Tuần kiểm Ngưu Lãnh.
– Châu Nhai nguyên là quân Cát Dương, thuộc đạo Hải Nam Hải Bắc Tuyên Uỷ Ty; tháng 10 năm Hồng Vũ thứ nhất [1368] đổi thành châu Nhai, thuộc phủ; tháng 6 năm Chính Thống thứ 4 [1439] phế huyện Ninh Viễn cho sáp nhập vào. Nam có núi Nam Sơn, bắc có sông Đại Hà, phân dòng từ núi Ngũ Chỉ chảy ra biển. Đông có Đằng Kiều, tây có Bảo Tuế, phía tây bắc lại có 3 ty Tuần kiểm tại Thông Viễn; phía bắc cách phủ 1410 lý, lãnh 1 huyện:
Huyện Cảm Ân tại phía tây bắc châu, trước kia thuộc châu Đam, vào năm Chính Thống thứ 5 [1440] mới thuộc châu hiện nay. Phía tây giáp biển, nam có sông Tương Nam phát nguyên từ núi Lê Mẫu chảy về phía tây nam rồi ra biển; phía đông nam có ty Tuần kiểm Diên Đức. ”
[瓊州府元乾寧軍民安撫司。元統二年十月改爲乾寧安撫司,屬海北海南道宣慰司。洪武元年十月改爲瓊州府。二年降爲州。三年仍升爲府。領州三,縣十。東北距布政司千七百五十里。
瓊山倚。南有瓊山。北濱海,有神應港,亦曰海口渡,有海口守禦千戶所,洪武二十年十月置。又西南有水蕉村,萬曆二十八年置水會守禦千戶所於此。南有石山。又有清瀾巡檢司,廢。
澄邁府西。北濱海。南有黎母江。東有澄江。西北有澄邁巡檢司,治石矍都。南有兔穎巡檢司,治曾家東都,後遷南黎都,廢。西南有銅鼓巡檢司,治新安都,後遷西黎都,廢。又有那拖巡檢司,治那拖市,後遷縣西森山市,廢。
臨高府西。北濱海。南有黎母江。南有田牌巡檢司,後遷墳橫岡。又東有定南、北有博鋪二巡檢司,廢。
安定府南。元至元二十九年六月置。天曆二年十月升爲南建州。洪武元年十月復爲縣。南有五指山,亦曰黎母山,黎人環居山下,外爲熟黎,內爲生黎。北有建江,繞郡境西北流,入南渡江。東有潭覽屯田千戶所,元置,洪武中因之,永樂四年廢。西有青寧巡檢司。又東有寧村巡檢司,治潭覽村,後遷縣東南南資都,仍故名。
文昌府東。西北有七星山。南有紫貝山。東北濱海。東南有文昌江,入於海。又東北有清瀾守禦千戶所,洪武二十七年八月置,萬曆九年遷縣東南南毛都陳家村。西北有鋪前巡檢司。東北有青藍頭巡檢司,後遷縣東抱凌港。
會同府東南。元至元二十九年六月置。東濱海。西有黎盆溪,東有調囂巡檢司,治端趙都,尋遷縣東南南滄村。
樂會府東南。西有白石山。東濱海。西北有萬泉河,有黎盆水流入焉。
儋州元南寧軍,屬海北海南道宣慰司。洪武元年十月改爲儋州,屬府。正統四年六月以州治宜倫縣省入。西北有龍門嶺。西濱海。北有倫江。西南有鎮南、又有安海二巡檢司。又東有歸姜巡檢司,廢。東北距府三百七十里。領縣一:
昌化州南。舊城在東南,今城本昌化守禦千戶所,洪武二十五年置。正統六年五月徙縣治焉。西濱海。南有昌江。
萬州元萬安軍,屬海北海南道。洪武元年十月改爲萬州,屬府。正統四年六月以州治萬安縣省入。北有六連山,龍滾河出焉。東南海中有獨洲山。東有蓮塘巡檢司,後廢。西北距府四百七十里。領縣一:
陵水州南。東北有舊縣城,今治本南山守禦千戶所,洪武二十七年置。正統間,遷縣於此。西有小五指山。東濱海,海中有雙女嶼。東北有牛嶺巡檢司。
崖州元吉陽軍,屬海北海南道宣慰司。洪武元年十月改爲崖州,屬府。正統四年六月以州治寧遠縣省入。南有南山。北有大河,自五指山分流,南入海。東有滕橋、西有抱歲、又西北有通遠三巡檢司。北距府千四百一十里。領縣一:
感恩州西北。舊屬儋州。正統五年來屬。西濱海。南有南湘江,源自黎母山,西南入於海。東南有延德巡檢司。
2. Phần Địa lý chí tại Minh Sử nêu trên, chỉ ghi Độc Châu Sơn và đảo Song Nữ nằm trong lãnh thổ châu Vạn; nhưng Hàn Chấn Hoa trong NQCĐSLHB trích dẫn một câu trong Quỳnh Ðài Ngoại Kỷ [瓊台外紀] của Vương Tá đời Minh, để gán cho Trường Sa Thạch Đường nằm trong châu Vạn. Câu trích dẫn nguyên văn như sau (1):
“洲東長沙石塘環海之地每遇鐵颶挾潮漫屋洽田則利害中宇民矣”
Chữ Hán vốn không có dấu chấm câu, theo văn lý chúng tôi phiên âm, chấm câu và dịch như sau:
[Châu đông Trường Sa Thạch Đường. Hoàn hải chi địa, mỗi ngộ thiết cụ (2) hiệp triều, mạn ốc hợp điền, tắc lợi hại trung vu dân hĩ. ]
“Phía đông châu là Trường Sa Thạch Ðường. Đất xung quanh [châu] là biển; mỗi khi gặp phong ba thủy triều, nước ngập cả nhà ruộng, sự lợi hại người dân gánh chịu. ”
Hàn Chấn Hoa cố tình hiểu sai, rồi lớn tiếng lập luận rằng “Trường Sa, Thạch Đường chỉ quần đảo Nam Sa [Spratly], Tây Sa [Paracel] thuộc Nam Hải, chúng là những đảo xung quanh biển tại châu Vạn; có thể thấy rằng tại thế kỷ thứ 15, các đảo Nam Hải đã lả bộ phận của châu Vạn, Hải Nam”
Xét nguyên văn câu trích dẫn của Vương Tá nêu trên, nội dung không có chỗ nào chỉ ra rằng các đảo Trường Sa Thạch Đường là bộ phận của châu Vạn. Huống hồ đứng vào mặt văn bản, Quỳnh Ðài Ngoại Kỷ [瓊台外紀] nay đã thất truyền, dẫn lại từ Vạn Châu Chí [萬州志] của Hồ Đoan Thư; độ tin cậy không thể so sánh với bộ sử triều đình Minh Sử [明史, History of Ming] đã đề cập ở phần trên.
Nguyên Giới, một vị quan từng trấn nhậm tại phủ Quỳnh Châu dưới thời Minh, soạn sách Hải Tra Dư Lục [海槎餘錄] nghiên cứu về địa lý phong tục vùng này. Trong sách, ông xác nhận Thiên Lý Thạch Đường ngoài biển châu Nhai 700 lý, là nơi đầy nguy hiểm, chỉ có thuyền dân Phiên tức dân phía nam Trung Quốc từng quen tại đó mới biết cách tránh:
Thiên Lý Thạch Ðường tại ngoài biển Nhai Châu 700 lý. Truyền rằng đá tại biển này dưới mức nước biển 8, 9 thước [1thước=1/3 mét]; thuyền đi qua tránh xa mà đi, một lần đâm vào thì không thể ra được. Vạn Lý Trường Ðê ở phía nam,sóng nước chảy gấp, thuyền vào trong đó không thể thoát được. Thuyền dân Phiên đã quen nơi này, biết cách tránh, tuy gặp gió bão cũng không lo.
[千里石塘在崖州海面之七百里外,相传此石比海水特下八九尺,海舶必远避而行,一堕既不能出矣。万里长堤出其南,波流甚急,舟入回溜中,未有能脱者。番舶久惯,自能避,虽风汛亦无虞]
Sử liệu vừa trình bày xác nhận vị trí Thiên Lý Thạch Đường xa cách châu Nhai, đó là nơi nguy hiểm, dân đi thuyền lo tránh xa; và Vạn Lý Thạch Đường là vùng đảo quen thuộc của dân Phiên Di, nhưng xa lạ với người Trung Quốc.
3. Phí Tín, tác giả Tinh Tra Thắng Lãm [星槎勝覽] (3), đảm nhiệm chức Thông sự [Phiên dịch], theo phái đoàn Trịnh Hoà 4 lần xuống Tây Dương. Từng đi qua các quốc gia tại Đông Nam Á và Ấn Độ Dương ; trong đó có 5 vùng thuộc lãnh thổ Việt Nam hiện nay, như: Chiêm Thành, Linh Sơn [Phú Yên], Tân Đồng Long [Phan Rang, Bình Thuận], Thuỷ Chân Lạp [Nam Phần], và Côn Lôn Sơn tức Côn Đảo. Ông mô tả Côn Lôn Sơn như sau:
“Núi này đứng giữa biển rộng, làm tiêu chuẩn cho Chiêm Thành, Đông Tây Trúc [Pulau Aur] cùng nhìn vào, núi cao mà vuông, gốc rễ mạch núi rộng và xa, biển này gọi là biển Côn Lôn. Phàm thuyền bè [từ Trung Quốc] đến Tây Dương phải chờ lúc thuận gió, đi 7 ngày đêm có thể đến nơi này. Tục ngữ rằng “Phía trên thì sợ Thất Châu, phía dưới thì sợ Côn Lôn, cầm lái sai hướng, người và thuyền không còn. ” Núi này không có vật lạ, không có nhà ở ; nhưng có thể dùng cá, tôm, trái cây để ăn, sống trên cây hoặc trong hang. ”
[崑崙山. 其山節然瀛海之中,與占城及東、西竺鼎峙相望。山高而方,根盤曠遠,海之名曰崑崙洋。凡往西洋商販,必待順風,七晝夜可過。俗云:「上怕七洲,下怕崑崙,針迷舵夫,人船莫存。」此山產無異物,人無居室,而食山果魚蝦,穴居樹巢矣。]
Riêng Minh Sử [明史, History of Ming] quyển 324, phần Liệt Truyện quyển 212, xếp Côn Lôn Sơn vào nước Tân Đồng Long, lãnh thổ nay thuộc miền nam Trung Phần, Việt Nam. Như vậy Minh Sử công nhận Côn Lôn Sơn thuộc chủ quyền Việt Nam từ xưa rồi.
Vị trí Côn Lôn hay Côn Đảo cả thế giới đều biết, nhưng những cây bút Trung Quốc, như nhóm biên soạn Ngã Quốc Nam Hải Chư đảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编] đã không ngượng bút, dám chú thích rằng:
“Núi Côn Lôn, biển Côn Lôn ; chỉ Nam Sa quần đảo cùng khu vực hàng hải nguy hiểm xung quanh. ” (4)
Vì các đoàn đi sứ và các thương thuyền thời xưa chỉ đi qua Côn Lôn mà thôi, chứ chưa từng đến cái gọi là Nam Sa [Spratly Islands] ; nên một số nhà nghiên cứu Trung Quốc cố tình gán cho Côn Lôn là Nam Sa, để chứng tỏ các phái đoàn như Trịnh Hoà đã từng qua đó. Nhưng qua thực tại Spratly là chỗ nước cạn, nhiều đá ngầm, tàu thuyền thời xưa phải tránh và những điều mô tả trong Tinh Tra Thắng Lãm nêu trên, đã chứng minh ngược lại.
4. Sau đây là sử liệu liệu về việc Ngô Huệ đi sứ Chiêm Thành vào đời Minh Anh Tông năm Chính Thống thứ 6 [1441]; ghi trong Thù Vức Chu Tư Lục [殊域周咨綠] của Nghiêm Tòng Giản:
Vào năm Chính Thống thứ 6 [1441] Quốc vương Chiêm Thành mất, người con nối dõi là Ma Ha Quí Do xin phong tước và ban chiếu sắc. Bèn sai Cấp sự trung họ Dư (khuyết tên) làm Chánh sứ, cùng Hành nhân Ngô Huệ đi sứ. Ngày 23 tháng 12 năm đó khởi hành từ huyện Ðông Hoàn [Quảng Ðông], ngày hôm sau đến biển Ô Trư [cửa sông Châu Giang gần Quảng Châu], lại ngày hôm sau đến Thất Châu Dương [phía đông huyện Văn Xương 100 lý], xa thấy núi Ðồng Cổ [thuộc huyện Văn Xương Hải Nam], ngày hôm sau đến núi Ðộc Trư [ thuộc châu Vạn, Hải Nam] nhìn thấy núi Ðại Châu, ngày hôm sau đến địa giới Giao Chỉ, có một bãi lớn chắn ngang biển, đá nhọn, nếu thuyền va vào đó có thể bị phá nát. Người trong thuyền rất sợ, trong phút chốc gió mạnh vượt qua được, ngày hôm sau đến biển Ngoại La thuộc Chiêm Thành. (5)
[正统六年,国王卒,嗣子摩诃贵由请袭爵。上赐敕诏,遣给事中舒某(失其名)为正使,及副使行人吴惠往封之。是冬十二月廿三日,发东管。次日过乌猪洋,又次日过七州洋,见铜鼓山。次日至独猪山,见大周山。次日至交界,有巨州横绝海中,怪石廉利,风横,舟触之即靡碎,舟人甚恐。须臾风急过之。次日至占城外罗洋。]
Qua sử liệu này, Hàn Chấn Hoa xác nhận Thất Châu Dương chỉ các đảo Thất Châu tại phía đông huyện Văn Xương (6). Như vậy trước mắt họ Hàn có 2 Thất Châu Dương; một Thất Châu Dương khác, tại mục số 4 đời Tống đã nêu ở trên, thì họ Hàn cho là Tây Sa [Hoàng sa]. Lối lập luận “nói lấy được”, khiến người đọc phải đánh giá đức tính cẩn trọng nghiêm túc của nhà biên khảo này. Còn chỗ được gọi là bãi lớn (cự châu) thì họ Hàn cũng cho là Tây Sa ( Paracel) mà không nêu bằng chứng, như vậy chẳng lẽ Tây Sa sát với vùng duyên hải Giao Chỉ sao?
5. Thật ra tuyến hàng hải dưới thời nhà Minh, từ Trung Quốc đến các nước Ðông Nam Á được các thư tịch mô tả khá rõ ràng và chính xác, đó là nhờ sự cải tiến của kim chỉ nam. Tuy rằng kim chỉ nam [chỉ nam châm 指南針] được sáng chế trước thời nhà Tần, nhưng mãi cho đến đời Tống dụng cụ này còn khá đơn giản, chỉ có hai hướng nam bắc mà thôi. Bắt đầu từ đời Nguyên, kim chỉ nam được phân định 48 hướng; nhờ vậy sử dụng vào việc hàng hải đáng tin cậy hơn. Kim chỉ nam thời nay dùng 360 độ, trước kia có 48 hướng, như vậy vào thời ấy khoảng cách giữa 2 hướng kế tiếp là 7. 5 độ [360:48=7. 5]
Vào gần cuối triều Minh, một bộ sách nỗi tiếng về hàng hải ra đời vào năm Vạn Lịch thứ 45 [1617], được đưa vào TỨ KHỐ TOÀN THƯ. Sách mang tên Ðông Tây Dương Khảo [東西洋考], tác gỉả là Trương Tiếp. Ông người đất Long Khê, đậu Cử Nhân năm Vạn Lịch thứ 23 [1595]. Ðể hoàn thành tác phẩm, tác giả đã tham khảo hàng trăm bộ sách nỗi tiếng, cùng nhiều loại Hải Ðạo Châm Kinh [海道針經] tức tài liệu dẫn đạo hàng hải; bao quát chi tiết về chỉ nam châm, thiên văn, và thủy văn các chuyến hải trình. Phần lớn tư liệu trong bộ sách này thiên về thực dụng, trong quyển 9, mục Châu Sư Khảo [舟師考] cung cấp các tài liệu hàng hành cho các thuyền Trung Quốc dưới thời nhà Minh hàng hải đến các nước vùng Đông Nam Á. Trương Tiếp cho biết trên mỗi thuyền phải có một châu sư [navigator], căn cứ vào tài liệu có sẵn, hướng dẫn thuyền đi đúng hải trình. Tài liệu cung cấp 3 yếu tố căn bản, buộc các châu sư phải lưu ý:
– Phương hướng: trên thuyền có kim chỉ nam, lẽ dĩ nhiên không dùng độ như ngày nay, nhưng nếu chịu khó tìm hiểu cũng có thể đổi [decode] ra được; ví như hướng đơn Hợi=330 độ; hướng Nhâm Tý=352. 5 độ.
– Khoảng cách: không tính bằng dặm, mà tính bằng canh; một ngày một đêm có 10 canh. Mỗi canh nếu gặp gió trung bình, được ước tính là 60 lý [34 km].
– Ðộ sâu: không tính bằng thước mà tính bằng sải tay. Ðây cũng thiên về thực dụng, lúc thủy thủ dòng dây từ thuyền xuống đáy biển, khi kéo dây lên dùng sải tay đo đếm dễ dàng, mỗi sải tay khoảng 1. 6 m.
Trương Tiếp cung cấp tư liệu về hải hành từ tỉnh Quảng Ðông đến Chiêm Thành và các nước phía nam như Tiêm La, Bành Hanh và Bột Nê; tương tự như chuyến đi Chiêm Thành của Ngô Huệ đã nêu trên, nhưng chi tiết hơn:
Bản đồ 1: Hàng hải từ Trung quốc đến các nước Ðông Nam Á:
– Ô Trư sơn: [tại cửa sông Châu Giang tỉnh Quảng Ðông] Trên có miếu Ðô Công, khi thuyền qua biển này, mang lễ vật cúng lạy từ đằng xa, xin thần phối hưởng,dùng thuyền giấy rực rỡ tống tiễn thần. Từ biển này theo dòng nước 10 sải tay, hướng đơn Thân [240 độ], đi 13 canh đến Thất Châu Dương.
– Núi Thất Châu, Thất Châu dương:Quỳnh Châu Chí [瓊州志] chép Thất Châu Dương tại phía đông huyện Văn Xương 100 lý; trên biển có 7 ngọn núi nhô lên liên tiếp, trong có nước suối ngọt có thể uống được. Thời nhà Nguyên, Lưu Thâm truy kích Tống Đoan Tông, bắt thân thuộc là Du Ðình Khuê tại nơi này. Tục truyền thời xưa có 7 châu chìm xuống dưới biển; thuyền đến mang súc sinh và cháo cúng thần, không tuân sẽ biến thành ma đói. Thuyền đi qua rất nguy hiểm, lệch sang hướng đông phạm vào Vạn Lý Thạch Ðường; nơi mà Quỳnh Chí [瓊志] chép là phía đông châu Vạn có biển Thạch Ðường, thuyền đến đó ít có chiếc nào thoát hiểm. Từ châu Thất Dương theo hướng Khôn Mùi [217. 5 độ], thời gian 3 canh đến Ðồng Cổ Sơn.
– Ðồng Cổ sơn: Quảng Ðông Thông Chí [廣東通志]chép núi tại phía đông bắc huyện Văn Xương. Dân Liêu đúc đồng thành trống lớn, treo trước đình; gặp giặc thù đến thì đánh trống báo động, mọi người đến đông đúc. Sau đó vùi vào núi này, dân địa phương đào lấy được nên có tên như vậy; Quỳnh Châu Chí nói biển Ðồng Cổ thực thâm hiểm. Theo hướng Khôn Mùi [217. 5 độ], thuyền đi 4 canh đến Ðộc Châu Sơn.
– Ðộc Châu sơn: tên tục là Ðộc Trư sơn; Quỳnh Châu Chí chép Ðộc Châu sơn [獨州山] còn có tên là Ðộc Châu sơn [獨珠山], tại phía đông nam châu Vạn. Ðỉnh núi cao trên biển, chu vi 5,6 chục lý; các nước phương Nam đến cống, thủy trình lấy núi này làm chuẩn, biển này gọi là Ðộc Châu dương; người đi thuyền nói trên núi có miếu Linh Bá, khách vãng lai thường tế hiến. Theo dòng nước 65 sải tay, hướng Khôn Mùi [217. 5 độ], thời gian 10 canh đến biển Giao Chỉ.
Bản đồ 2: Hàng hải từ Trung quốc đến các nước Ðông Nam Á:
– Từ biển Giao Chỉ theo hướng Khôn Mùi [217. 5 độ], thời gian 11 canh [ 1 canh= 2giờ 24 phút] đến núi Ngoại La. Núi này trông xa như một cửa thành, đến gần thấy phía đông cao, phía tây thấp, có hồ Liễu Tử, phía tây có hòn Cổ Lão.
Căn cứ vào khoảng cách, phương hướng và sự mô tả; Ngoại La Sơn có thể là cù lao Ré, tức huyện đảo Lý Sơn, vì tại đây có hòn lớn và hòn bé, ngoài biển từ xa nhìn vào như hai cột của cửa thành. Ngoài ra sách Việt Sư Cương Giám Khảo Lược [越史綱鍳考畧] của Nguyễn Thông chép về đảo Lý Sơn có câu 理山島又名外岣嶗 俗稱外嶗 Ðảo Lý Sơn lại có tên là Ngoại Cù Lao,dân thường gọi là Ngoại Lao; phải chăng người Trung Quốc đọc chệch hai chữ “Ngoại Lao” thành “Ngoại La”?
– Từ Ngoại La Sơn thuyền men theo phía tây, theo luồng nước sâu 45 sải tay, hướng Bính Ngọ [172. 5 độ], thời gian 3 canh đến cầu Mã Lăng, trong đó là Ðề Di, một huyện của Giao Chỉ.
Sách Ðại Nam Nhất Thống Chí [大南一統志] (10), của Việt Nam chép: “Tấn Ðề Di ở phía đông bắc huyện Phù Cát [Bình Ðịnh], rộng 11 trượng, thủy triều lên sâu 6 thước, thủy triều xuống sâu 4 thước, phía tây có đầm nước ngọt, thuyền buôn thường đỗ tại đây, thủ sở tại địa phận thôn An Quang…. ”
– Từ cầu Mã Lăng tại Ðề Di theo luồng nước sâu 25 sải tay, bờ phía nam có đá ngầm, khi ra khỏi theo hướng Bính Ngọ [172. 5 độ], thời gian 4 canh đến bán đảo Giao Bôi, tức cảng Tân Châu. Tại đây hình thế 2 bán đảo như 2 chén giao nhau, nên có tên là Giao Bôi.
Ðịa danh Tân Châu, được xác định trong Minh Thực Lục [明實錄]; khi tường thuật việc phái đoàn nhà Minh cầm đầu bởi Cấp sự trung Trần Tuấn đi sứ Chiêm Thành để phong Vương cho Bàn La Trà Duyệt, theo thông lệ ghé đến cảng Tân Châu [ gần thành Chà Bàn, Qui Nhơn ], thì được biết vùng này đã bị An Nam chiếm. Bèn hàng hải tiếp đến Linh Sơn thì được tin cả nhà Bàn La Trà Duyệt bị An Nam bắt. Vì trên thuyền chở nhiều hàng hóa nên phải hành trình tiếp đến Mãn Thứ Gia [ thuộc vùng đất Mã Lai hiện nay ] để bán hàng, rồi mới trở về Trung Quốc:
Ngày 14 tháng 12 năm Thành Hóa thứ 10 [21/1/1475]
Công khoa Cấp sự trung Trần Tuấn đi sứ Chiêm Thành không vào được, bèn nạp trở lại những thứ đã mang đi như chiếu sắc, ấn mạ vàng bạc, các vật như lụa, đoạn. Bọn Tuấn đi sứ Chiêm Thành để phong cho Quốc vương Bàn La Trà Duyệt, khi hàng hải đến cảng Tân Châu, Chiêm Thành; quân phòng thủ từ chối không cho vào, người Thông dịch cho biết đất này đã bị An Nam chiếm, còn Quốc vương Chiêm Thành tỵ nạn tại Linh Sơn. Khi đến Linh Sơn thì được biết cả nhà Bàn La Trà Duyệt bị An Nam bắt và đất Chiêm Thành bị đổi tên thành châu Giao Nam. Bọn Tuấn không dám ghé vào; nhưng thuyền chở hàng hóa tư, cùng nhiều thương nhân, nên giả lấy cớ bị gió bão rồi hàng hải tiếp đến Mãn Thứ Gia buôn bán, lại dụ Vương nước này sai sứ đến triều cống. Đến nay trở về tâu đầy đủ việc An Nam chiếm cứ Chiêm Thành, cùng việc Quốc vương Mãn Thứ Gia cung cấp thức ăn và các nhu yếu phẩm khác, đối đãi lễ nghi rất đầy đủ…
(Minh Thực Lục v. 45, t. 2553- 2554; Hiến Tông quyển 136, trang 6a- 6b).
Bản đồ 3: Hàng hải từ Trung quốc đến các nước Ðông Nam Á:
– Từ phía trong cảng Tân Châu theo dòng nước sâu 18 sải tay, nhắm hướng Bính Ngọ [172. 5độ], thời gian 3 canh đến Bán Dự. Tại Bán Dự có tháp bằng đá, có thể ghé thuyền. Phía trong theo luồng nước sâu 8,9 sải tay, ngoài sâu 20 sải, phía nam có đá ngầm không thể đến gần, theo hướng Bính Ngọ [172. 5 độ], thời gian 3 canh đến Yên Ðổng. Ðây là nơi phân giới giữa Giao Chỉ và Chiêm Thành, nhìn lên thấy mây như ống khói nên đặt tên như vậy; tuy trời tạnh nhìn lên núi vẫn thấy khí mây bao phủ.
Tuy hai địa danh Bán Dự và Yên Ðổng không ghi trong Ðại Nam Nhất Thống Chí [大南一統志], nhưng căn cứ thời gian hàng hải có thể đoán rằng Bán Dự tức bán đảo Hòa Lợi thuộc huyện Sông Cầu, Phú Yên; ngoài ra chữ “bán dự” cũng có nghĩa là bán đảo. Riêng Yên Ðổng có thể là vịnh Xuân Ðài, giáp giới huyện Tuy An, Phú Yên; nơi này gần núi cao, mây bao phủ nên gọi là Yên Ðổng chữ này cũng có nghĩa là mây tuôn như ống khói. Ngoài ra theo văn bản Minh Thực Lục nêu trên, thì đất Tân Châu đã bị An Nam chiếm, vua Chiêm trốn về Linh Sơn, vậy thời gian cuối thế kỷ thứ 15, Yên Ðổng có khả năng là nơi phân giới giữa An Nam và một phe Chiêm Thành (8). Riêng Ðại Nam Nhất Thống Chí [大南一統志], xác nhận biên giới lúc bấy giờ tại núi Thạch Bi huyện Tuy Hòa; núi Thạch Bi cao, có chi nhánh chạy ra biển; vậy phải chăng các địa danh Yên Ðổng, Thạch Bi đều chỉ chung một rặng núi.
– Từ Yên Ðổng theo hướng Bính Ngọ [172. 5 độ], thời gian 3 canh đến Linh Sơn. Nơi đây là một thắng cảnh, núi đảo liên tiếp, dưới thì sông suối quanh co như dây đai, trên có núi hình như đầu Phật nên có tên là Linh Sơn. Thuyền bè vãng lai, người sùng đạo Phật tụng kinh, thả đèn hình giống thuyền trên sông, để cầu khỏi tai họa trên biển.
Theo sự mô tả nêu trên, cùng Minh Thực Lục [明實錄], thì địa danh Linh Sơn thuộc tỉnh Phú Yên ngày nay. Từ đó tiếp tục cuộc hải hành như sau:
– Từ Linh Sơn theo luồng nước sâu 6o sải tay, nhắm hướng đơn Ngọ [180 độ], thời gian 2 canh đến Già Nam Mạo. trong cảng này có 3 đảo nhỏ, lúc thủy triều lên thì không thấy. Qua núi, theo luồng nước sâu 15 sải tay, nhắm hướng Khôn Mùi [217. 5 độ] thời gian 5 canh từ Khuê Long vào La Loan Ðầu tức cảng Chiêm Thành.
Căn cứ vào thời gian hàng hải phỏng đoán rằng Giả nam Mạo tức bãi biển Na tại phía bắc tỉnh Khánh Hòa, còn cảng Chiêm Thành tức thành phố Nha Trang.
– “Từ La Loan Ðầu theo luồng nước sâu 50 sải tay, nhắm hướng Khôn Thân [232. 5 độ], thời gian 5 canh tới Xích Khảm Sơn. Ðời Tống vua Chiêm Thành trốn Giao Chỉ thường dời đến ở đây. ”
Theo hướng kim chỉ nam được ghi nhận dưới đây, từ Xích Khảm Sơn theo hướng 210 độ đến đảo Côn Lôn; như vậy ngược lại từ đảo Côn Lôn đến Xích Khảm Sơn là [210- 180=30] 30 độ. Trên bản đồ hãy dùng kim chỉ nam đặt tâm điểm tại Côn Sơn, theo hướng 30 độ sẽ dẫn tới Phan Rang; vậy Xích Khảm Sơn tức thị xã Phan Rang.
– “Từ Xích Khảm Sơn theo hướng đơn Mùi [210 độ], thời gian 15 canh đến núi Côn Lôn. Ðây không phải địa danh Côn Lôn trên nguồn sông [chỉ núi Côn Lôn tại Trung Quốc], mà chính là thắng cảnh Côn Lôn trên biển cả. Nơi đây núi cao mà vuông, chân núi rộng; tục ngữ cảnh báo dân đi biển rằng: thượng phạ Thất Châu, hạ phạ Côn Lôn (sợ nhất là Thất Châu, rồi đến Côn Lôn); vì qua những nơi này nếu không cẩn thận đi lệch hướng kim nam châm hoặc lạc tay lái, có thể đâm vào chốn nguy hiểm khó tồn tại. Tại Côn Lôn theo hướng đơn Canh [255 độ] và Canh Dậu [262. 5 độ] sẽ đến Tiểu Côn Lôn. ”
Theo Tập Bản Ðồ Hành Chính 64 Tỉnh, Thành Phố Việt Nam (9), tại đảo Côn Sơn có núi An Hải cao 577 mét, từ đảo chính theo hướng 255 độ có đảo Hòn Bà.
Bản đồ 4: Hàng hải từ Trung quốc đến các nước Ðông Nam Á:
– Từ núi Côn Lôn theo hướng Khôn Thân? [232. 5 độ] cùng Canh Dậu? [262. 5 độ], thời gian 30 canh đến Cát Lan Châu. Cát Lan Châu là bến cảng của nước Ðại Nê . Xưa gọi là Bột Nê [Borneo 渤泥], nước này thường đến triều cống Trung Quốc qua tỉnh Phúc Kiến.
– Từ núi Côn Lôn theo hướng Tân Dậu [277. 5 độ] thời gian 26 canh đến Lục Khôn, đó là thuộc quốc của nước Tiêm La.
– Lại từ núi Côn Lôn theo hướng Khôn Mùi [217. 5 độ] thời gian 30 canh đến Ðấu Dự, lại theo hướng Ðinh Ngọ [187. 5 độ] đến nước Bành Hanh [tức Pahang thuộc Mã Lai].
6. Sách Hải Ngữ [海語] (10) của Hoàng Trung cũng mô tả hướng đi Tiêm La như sau:
Nước Tiêm La tại phía biển Nam Hải. Từ cửa Nam Ðình thuộc huyện Ðông Hoàn [Quảng Ðông] ra khơi. Nam đến Ô Trư, Ðộc Trư, Thất Châu ( có tên Tam Dương) la bàn theo hướng Khôn Mùi [212. 5 độ] đến Ngoại La, lấy Khôn Thân [232. 5] vượt 45 trình, đến cảng cũ Chiêm Thành ; rồi đến Linh Sơn nước sùng Phật trên núi có phong hoả đài (11) là đất thuộc Giao Chỉ. Lại theo hướng Mùi [210. ]đến Côn Lôn; từ đó dùng Khôn Mùi [217. 5] đến bãi Đồi Mồi; từ ngạch Đồi Mồi tại Qui Sơn theo hướng Dậu [270. ] vào cảng Tiêm La.
[暹羅國在南海中自東管之南亭門放洋南至烏瀦獨瀦七洲三洋名星■〈船上皿下〉坤未針海天無際舶行莫知方位惟以星■〈船上皿下〉針定子午而赴之至外羅坤申針四十五程至占城本古越裳氏之界舊港經大佛靈山其上烽墩則交趾即安南屬也又未針至昆■〈山屯〉山又坤未針至玳瑁洲玳瑁額及於龜山酉針入暹羅港]
Hoàng Trung trong Hải Ngữ và Trương Tiếp trong Đông Tây Dương Khảo mô tả hải trình từ Quảng Đông, Trung Quốc đến các nước Đông Nam Á tương tự như nhau: cả hai đều mô tả băng qua Tam Dương [Ô Trư Dương, Thất Châu Dương, Ðộc Trư Dương] để từ đó đến Ngoại La sơn [Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi] theo hướng Khôn Mùi [212. 5]; cả hai đều ghé vào Chiêm Thành, Linh Sơn nghĩ ngơi, lấy thực phẩm, nước uống; cả hai đều dùng Côn Lôn làm đích, để đi xuống vùng Đông Nam Á. vv…
Khác với những nhà nghiên cứu Trung Quốc hiện đại, như Hàn Chấn Hoa trong Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编] gán cho Trường Sa Thạch Đường nằm trên đường hàng hải từ Trung Quốc xuống vùng Đông Nam Á. Các thư tịch xưa như Lãnh Ngoại Đại Đáp đời Tống, Đông Tây Dương Khảo, Hải Ngữ đời Minh đều chủ trương rằng Trường Sa Thạch Đường là nơi tối nguy hiểm cần phải tránh. Đặc biệt sách Hải Ngữ [海語] dành riêng quyển cuối với nhan đề Uý Đồ [畏途] tức Con Đường Đáng Sợ trong đó chép Trường Sa Thạch Đường với lời cảnh cáo nặng nề như sau:
“Vạn Lý Thạch Ðường tại phía đông biển Ô Trư và Thạch Trư. Tại đó tuy trời nắng nhưng vẫn âm u, không giống như trong cõi trần; thổ sản nhiều xà cừ. Chim có nhiều loại quỉ xa, có thứ 9 đầu, có thứ 3,4 đầu, rãi rác khắp biển; tiếng kêu gào ầm ỉ đến mấy dặm; tuy kẻ ngu và loại hung hãn không ai là không thất sắc, mồ hôi toát ra. Châu sư hàng hải trên thuyền lỡ tay lái thất thế, đâm vào đá tảng, thì hàng trăm mạng biến thành quỉ!
Vạn lý Trường Sa tại phía đông nam Vạn Lý Thạch Ðường, tức Lưu Sa Hà của giống Di đông nam. Gió thổi ào ào, ngày trong sáng mà trời như đầy tuyết. Lái thuyền lỡ đi lẩm vào, thì bị dính vào không ra được; nếu may nhờ gió đông nam mạnh mới thóat khỏi.”
- Một bộ sách về hải đạo châm kinh của Trung Quốc vào đời Minh, hướng dẫn về hàng hải mang tên là Thuận Phong Tương Tống [顺风相送], được lưu giữ tại thư viện Bodliean, Anh Quốc. Trong sách ghi chép rất nhiều chỉ dẫn hàng hành từ các hải cảng Trung Quốc xuống các nước vùng Đông Nam Á; đặc biệt chuyến đi nào cũng qua lãnh thổ Việt Nam hiện nay; chứng tỏ từ xưa tới nay người Trung Quốc đã sử dụng lãnh hải Việt Nam, tức Biển Đông, làm đường giao thông qua lại nhiều nước Á Châu. Đơn cử chuyến đi từ đảo Ngô Dự tỉnh Phúc Kiến đến Đại Nê, nước Mã Lai, Thuận Phong Tương Tống chép về hàng hành qua lãnh hải, lãnh thổ Việt Nam như sau:
“…Từ Độc Trư Sơn [Hải Nam, Trung Quốc] thuyền theo hướng Khôn Mùi [217. 5 độ], thời gian 20 canh đến Ngoại La Sơn [Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam], đi qua mép bên ngoài. Từ Ngoại La Sơn theo hướng Bính Ngọ [172. 5], qua 7 canh đền đảo Giao Bôi, đảo Dương [thị xã Qui Nhơn, Bình Định]. Thuyền theo hướng Bính Ngọ [172. 5], thời gian 5 canh, đến Linh Sơn tượng đại Phật [Tuy Hoà, Phú Yên]; thuyền theo hướng Ngọ [180. ], thời gian 3 canh đến núi Già Nam Mạo [bãi biển Na, Khánh Hoà]; thuyền theo hướng Đinh Ngọ [187. 5] thời gian 5 canh đến La Loan Đầu [Nha Trang]; thuyền theo hướng Đơn Khôn [225. ] cùng Khôn Mùi [217. 5] thời gian 5 canh đến Xích Khảm Sơn [Phan Rang]; thuyền theo hướng Khôn Mùi [217. 5 thời gian 15 canh đến Côn Lôn [Việt Nam], đi theo hướng bên ngoài. Thuyền theo hướng Khôn Thân [232. 5] cùng Canh Dậu [262. 5], thời gian 30 canh đến cảng Cát Lan Đơn [ Kelantan Mã Lai]; chỗ này có nhiều bùn có thể làm hại thuyền. Theo hướng Đơn Thân [240. ] đi tiếp 7 canh đến Đại Nê [Mã Lai]. ”
[浯嶼往大泥吉蘭丹…用坤未針二十更船取外羅山外過。用丙午針七更取校杯嶼及羊嶼。用丙午針五更船取靈山大佛。用單午針三更船取伽亻南貌山。用丁午針五更取羅灣頭,用單坤及坤未針五更船取亦坎。用坤未針十五更船取崑崙山外過。用坤申及庚酉針三十更船收吉蘭丹港口。是泥地拋船。用單申針七更船六坤,坤身尾有淺,過西邊入港是大泥。]
Chú thích:
- Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编], sđd, trang 50.
- Thiết cụ: gió bão lớn.
- Phí Tín soạn Tinh Tra Thắng Lãm vào năm Minh Chính Thống thứ nhất [1433]
- Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编], sđd, trang 54.
- Thù Vức Chu Tư Lục [殊域周咨綠], quyển 7, Nam Man, mục Chiêm Thành.
- Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编], sđd, trang 57.
- Ðại Nam Nhất Thống Chí, bản dịch của Viện Sử Học, tập 3, trang 47.
- Theo sử Việt, sau khi đánh bắt Trà Toàn, vua Lê Thánh Tông chia Chiêm Thành thành 3 nước nhỏ.
- Tập Bản Ðồ Hành Chính 64 Tỉnh, Thành Phố Việt Nam, NXB Bản Đồ, 2005.
- Hải Ngữ [海語] Hoàng Trung, quyển thượng, Tiêm La.
- Phong hoả đài: đài báo động trên núi bằng cách đốt lửa.