Hồ Bạch Thảo
16-9-2017
Tiếp theo phần I; phần II và phần III
IV. Đời Tống
1. Tống Sử [宋史, History of Song] do Thừa tướng Thoát Thoát đời Nguyên Chủ biên; tại quyển 96, phần Địa Lý Chí ghi đảo Hải Nam thuộc Quảng Nam Tây Lộ. Đảo gồm một châu tức Quỳnh Châu, và 3 quân: Nam Ninh, Vạn An, Cát Dương.
“- Quỳnh Châu chia làm 5 huyện:
Quỳnh Sơn, hạng trung; năm Hy Ninh thứ 4 [1071] cho Xá Thành nhập vào; có 2 sách: Cảm Ân, Anh Điền Trường.
Trừng Mại, hạng dưới. Năm Khai Bảo thứ 5 [972] phế Nhai Châu, đem Xá Thành, Văn Xương lệ vào.
Văn Xương, hạng dưới.
Lâm Cao, hạng dưới, đầu năm Thiệu Hưng [1131] dời vào Mạc Thôn.
Lạc Hội, hạng dưới, đặt ra từ đời Đường; xung quanh là động Lê, Ký Trị, Nam Quản. Năm Đại Quan thứ 3 [1109] cắt vào quân Vạn An, sau đó vào Quỳnh Châu. ”
[宋史 卷九十 志第43 地理六
瓊州,. . 。縣五:瓊山,中。熙寧四年,省舍城入焉。有感恩、英田場二柵。
澄邁。下。開寶五年廢崖州,與舍城、文昌並來隸。
文昌,下。
臨高,下。紹興初,移于莫村。
樂會。下。唐置,環以黎洞,寄治南管。大觀三年,割隸萬安軍,後復來屬]
“– Quân Nam Ninh, xưa gọi là quân Xương Hoá…Chia làm 3 huyện:
Nghi Luân, hạng dưới, đời Tuỳ là huyện Nghĩa Luân, đầu năm Thái Bình Hưng Quốc [976] đổi tên.
Xương Hoá, hạng dưới; năm Hy Ninh thứ 6 [1073] bỏ, năm Nguyên Phong thứ 3 [1080] đặt lại. có trại Xương Hoá.
Cảm Ân, hạng dưới, năm Hy Ninh thứ 6 [1073] bỏ, năm Nguyên Phong thứ 4 [1081] đặt lại. ”
[南寧軍,舊昌化軍,…。縣三:宜倫,下。隋義倫縣。太平興國初改。
昌化,下。熙寧六年省,元豐三年復。有昌化砦。感恩。下。熙寧六年省,元豐四年復。]
“- Quân Vạn An…chia làm 2 huyện:
Vạn Ninh, hạng dưới, sau gọi là Vạn An.
Lăng Thuỷ, hạng dưới; năm Hy Ninh thứ 7 [1074] là trấn, năm Thiệu Hưng thứ 6 [1136] thuộc Quỳnh Châu, năm thứ 13 [1143] thuộc trở lại Vạn An”.
[萬安軍,…。縣二:萬寧,下。後復名萬安。
陵水。下。熙寧七年為鎮,元豐三年復。紹興六年隸瓊州。十三年,復來隸。]
“- Quân Cát Dương…Thời Nam Tống chia làm 2 huyện:
Ninh Viễn, hạng dưới; năm Thiệu Hưng thứ 6 [1136] trở thành huyện thuộc Quỳnh Châu, năm thứ 13 [1143] thuộc quân Cát Dương.
Cát Dương, hạng dưới; Năm Hy Ninh thứ 6 [1073] phế thành trấn Đằng Kiều, thuộc Quỳnh Châu, năm Thiệu Hưng thứ 6 [1136] trở lại thuộc quân Cát Dương. ”
[吉陽軍,…南渡後,縣二:寧遠,下。紹興六年復縣,隸瓊州。十三年,復來屬。
吉陽。下。熙寧六年,廢為藤橋鎮,隸瓊州。紹興六年復。]
Như đã trình bày tại phần trên, Địa Lý Chí trong Tổng Sử ghi nhận Hải Nam là đảo độc nhất tại đông nam Trung Quốc.
2. Đời Tống có tác phẩm Chư Phiên Chí [諸蕃志] của Triệu Nhữ Quát [趙汝適], đề cập đến mấy chục nước châu Á xưa, khởi đầu là nước Giao Chỉ [Việt Nam], cuối là nước Nuỵ [Nhật]. Đặc biệt tại quyển hạ có phần nghiên cứu đảo Hải Nam [海南], cũng rõ ràng như phần Địa Lý Chí ghi trong Tống Sử. Riêng Triệu Nhữ Quát cung cấp thêm về vị trí khoảng cách các đơn vị hành chánh trên đảo Hải Nam như sau:
Châu Quỳnh theo hướng tây 236 lý đến trị sở quân Xương Hoá.
Từ quân Xương Hoá hướng nam 340 lý đến biên giới quân Cát Dương.
Từ quân Cát Dương theo hướng đông 120 lý đến quân Vạn An.
Quân Cát Dương vị trí tương đương với Tam Á thị ngày nay; được Triệu Nhữ Quát đề cập như sau:
“Còn về quân Cát Dương là chỗ tận cùng đến biển, không còn đường đất nào tiếp theo nữa. Ngoài có châu gọi là Ô Lý, Tô Cát Lãng. Đối diện phía nam là nước Chiêm Thành, phía tây đến nước Chân Lạp, đông có Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Sàng, xa xôi vô bờ, trời nước một màu. Chỉ có cách dùng kim nam châm làm bằng, ngày đêm trông coi cẩn thận, sai đi trong hào ly, quan hệ đến sự sống chết. ”
[至吉陽,乃海之極,無複陸塗。外有洲曰烏里、曰蘇吉浪。南對占城,西望真臘;東則千里長沙、萬里石床,渺茫無際,天水一色。舟舶來往,惟以指南針為則;晝夜守視唯謹,毫厘之差,生死系焉。]
Đoạn văn nêu trên mô tả quân Cát Dương là đất tận cùng phía nam Trung Quốc; từ đó nhìn ra các phía nam, tây, đông tại nơi xa xôi có nước Chiêm Thành, nước Chân Lạp, rồi đến Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường. Thiết tưởng mô tả như vậy là khá rõ ràng, nhưng trong NQNHCĐSLHB (1) Hàn Chấn Hoa nhận xét rằng:
“Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường” chỉ chung các đảo Nam Hải; sớm tại triều Tống đã thuộc phạm vi quản hạt của Quỳnh Quản [tức Quảng Nam 4 châu quân] thuộc Quảng Nam Tây Lộ. ”
Người nghiên cứu “Chư Phiên Chí” thấy rõ đây chỉ là câu văn tả cảnh vị trí phương xa của quân Cát Dương; còn nếu bảo Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Ðường nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, như vậy cả Chiêm Thành và Chân Lạp được đề cập trong lời trích dẫn, cũng cùng chung số phận nằm trong lãnh thổ Trung Quốc ư!
3. Tăng Công Lượng đời Tống trong Vũ Kinh Tổng Yếu [武經總要] kể qua thủy trình của nhà Tống đi xuống Chiêm Thành, họ đi từ núi Ðồn Môn thuộc tỉnh Quảng Ðông, chờ gió đông hải trình theo hướng tây và Nam, qua 7 ngày đến Cửu Nhũ Loa Châu, rồi đi tiếp 3 ngày đến núi Bất Lao [ Cù Lao Chàm] thuộc Chiêm Thành. (2)
Cũng như đã từng gán cho Tượng Thạch là đảo Tây Sa [Paracel]; một lần nữa Hoàng Chấn Hoa trong NQCĐSLHB lại gán cho Cửu Nhũ Loa Châu là Tây Sa (3), mà không chứng minh. Họ Hàn khổ công làm như vậy, vì muốn chứng tỏ rằng hàng hải xưa có đi qua Tây Sa mà thôi.
Thực ra thủy trình này cũng tương tự như Chu Khứ Phi đời Tống, kể lại trong Lãnh Ngoại Ðại Ðáp [嶺外代答] rằng thuyển đến các nước Phiên phương nam đều đi theo hướng tây đến biển Giao Chỉ, rồi tiếp tục đi xuống phía nam:
Ba dòng nước xoáy
Bốn quận phía tây nam đảo Hải Nam có biển lớn gọi là Giao Chỉ dương. Tại biển có 3 dòng nước xoáy, nước cuộn lên chia thành 3 dòng; dòng thứ nhất chảy về phía nam dẫn đến biển thuộc các nước Phiên ; dòng thứ 2 chảy lên phía bắc qua vùng biển Quảng Ðông, Phúc Kiến, Chiết Giang; dòng thứ 3 chảy vào nơi mù mịt không bờ gọi là Ðông Ðại Dương. Tàu thuyền đi về hướng nam phải qua ba dòng nước xoáy, nếu gặp một chút xíu gió thì vượt được,nếu vào chổ hiểm đó mà không có gió thuyền không ra được, ắt phải vỡ chìm trong ba dòng nước xoáy. Nghe truyền rằng biển lớn phía đông có Trường Sa Thạch Ðường rộng vạn dặm, nước thủy triều thi triển đẩy vào chốn cửu u . Trước kia đã có thuyền bị bão phía tây thổi, trôi dạt đến biển lớn phía đông này, nghe tiếng ba đào chấn nộ hung hãn, trong khoảng khắc gặp gió lớn thuận chiều nên may thoát được .
Qua các sử liệu đã dẫn, chứng tỏ thuyển Trung Quốc xuống phương nam thường đi theo ven biển Việt Nam, họ không dám ra đến Trường Sa Thạch Ðường hay quần đảo Tây Sa như họ Hàn đã quả quyết.
4. Ngô Tự Mục [吳自牧] đời Nam Tống trong sách Mộng Lương Lục [夢梁錄] cho biết thuyền buôn từ Phúc Kiến xuống các nước Đông Nam Á đều đi qua Thất Dương Châu:
“Nếu muốn dùng thuyền đi buôn bán ngoại quốc, có thể tiện ra biển từ châu Tuyền, lòng vòng qua Thất Châu Dương, từ trên thuyền đo nước sâu khoảng hơn 7,8 trượng. ”
[若欲船泛外國買賣則自泉州便可出洋迤旖邐過七州洋舟中測水約有七十餘丈]
Trong NQCĐSLHB (4) Hàn Chấn Hoa khẳng định rằng Thất Châu Dương tức quần đảo Tây Sa [Paracel]; luận điệu này đã được nhà biên khảo Trung Quốc Ðàm Kỳ Tương phản đối trong bài Thất Châu Dương Khảo [七洲洋考] (5). Ngoài ra sách Ðông Tây Dương Khảo [東西洋考](6) của Trương Tiếp đời Minh xác nhận rằng:
“Theo Quỳnh Châu Chí [瓊州志] Thất Châu Dương tại phía đông huyện Văn Xương 100 lý” [ 七 州 洋, 瓊 州 志 曰 在 文 昌 東 一 百 里. ]
Trên bản đồ Google phóng to, nếu nhìn từ Văn Xương [Wenchang] đảo Hải Nam, theo hướng đông khoảng 40 km. thấy được Qizhou Liedao tức Thất Châu Liệt Đảo [七州列島], như vậy hợp với sự mô tả trong Quỳnh Châu Chí. Riêng Văn Xương đến quần đảo Paracel [ Trung Quốc gọi Tây Sa] khoảng 400 km tức gần 700 lý xưa; như vậy tính cả phương hướng và khoảng cách Thất Châu Dương không thể là Tây Sa [Paracel].
5. Tống Sử [宋史, History of Song ] (7) chép việc quân Mông cổ truy kích vua Tống Ðoan Tông vào năm Chí Nguyên thứ 14 [1278] như sau:
Ngày Bính Tý tháng 12 [16/1/1278], Chính [Ðoan Tông] đến Tỉnh Áo, gặp bão hư thuyền, một số bộ hạ bị chết trôi, nên nhiễm bệnh. Hơn tuần sau quân lính từ từ đến tụ tập, 10 phần chết còn 5,4. Ngày Ðinh Sửu [17/1/1278] Lưu Thâm truy kích Chính đến Thất Châu Dương, bắt được Du Như Khuê rồi rút lui. Tháng giêng năm thứ 15 [2- 3/1278] đại quân phá thành Quảng Châu, Trương Thế Kiệt sai quân đánh Lôi Châu, không chiếm được.
十二月丙子,昰至井澳,颶風壞舟,幾溺死,遂成疾。旬余,諸兵士始稍稍來集,死者十四。丁丑,劉深追昰至七州洋,執俞如珪以歸. 十五年正月,大軍夷廣州城。張世傑遣兵攻雷州,不克.
Xét về thời gian và địa điểm đề cập trong sử liệu này không thể cho Thất Châu Dương là Tây Sa [Paracel], vì thời gian từ ngày Bính Tý sang ngày Đinh Sửu không thể di chuyển từ Tỉnh Áo thuộc tỉnh Quảng Đông đến Tây Sa; lại càng không có khả năng sau đó từ Tây Sa xa xôi để trở về Lôi Châu, vị trí đối diện với đảo Hải Nam qua eo biển. Vậy Thất Châu Dương đúng là Qizhou Liedao tức Thất Châu Liệt Đảo [七州列島] trên bản đồ hiện đại.
Chú thích:
- Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编], sđd, trang 33.
- Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编], sđd, trang 37.
- Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编], sđd, trang 38.
- Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编], sđd, trang 44.
- . Xem Nam Hải Chư Đảo Luận Chứng Khảo Tập, trang 1- 6
- Trương Tiếp, Ðông Tây Dương Khảo, quyển 9.
- Tống Sử, quyển 47, Doanh Quốc Công Bản Kỷ.