26-6-2017
YÊN BÁI, Việt Nam (NV) – “Quá vụng,” đó là nhận định chung của nhiều người về vụ bắt giữ ông Lê Duy Phong. Khác với nhiều lần trước, lần này, dường như báo giới Việt Nam sẽ theo đuổi việc bảo vệ đồng nghiệp tới cùng.
Tư dinh của giám đốc Công An tỉnh Yên Bái. (Hình: Báo Giáo dục Việt Nam)
Ông Lê Duy Phong, 32 tuổi là trưởng Ban Công Tác Bạn Đọc của báo Giáo Dục Việt Nam. Tại Việt Nam, Ban Công Tác bạn đọc của các cơ quan truyền thông là nơi tiếp nhận – điều tra các khiếu nại, tố cáo do độc giả, khán giả, thính giả gửi tới.
Ông Phong vốn là tác giả hai loạt bài điều tra trên báo Giáo Dục Việt Nam khiến dư luận rúng động.
Loạt bài thứ nhất liên quan tới tư dinh của ông Phạm Sĩ Quý, giám đốc Sở Tài Nguyên – Môi Trường tỉnh Yên Bái, em ruột bà Phạm Thị Thanh Trà, tân bí thư tỉnh Yên Bái. Tư dinh này là một quần thể kiến trúc với các biệt thự có nhiều kiểu khác nhau, vườn hoa, hồ nước,…
Ngoài những thắc mắc liên quan đến chuyện ông Quý đào đâu ra tiền để tạo lập tư dinh trị giá cả trăm tỉ như thế, ông Phong còn chỉ ra nhiều điểm bất thường khác đáng chú ý hơn là tại sao chính quyền thành phố Yên Bái lại ký tới sáu quyết định, cho phép gia đình ông Quý chuyển đổi các phần đất vốn là rừng, ruộng, vườn,… thành thổ cư rồi cấp giấy phép xây dựng một cách dễ dàng, nhanh chóng như vậy?
Loạt bài thứ hai của ông Phong liên quan đến tư dinh của ông Đặng Trần Chiêu, giám đốc Công An tỉnh Yên Bái. Xét về quy mô và giá trị tư dinh của ông Chiêu còn lớn hơn tư dinh của ông Quý. Tầm vóc thuộc loại lớn nhất tỉnh Yên Bái, thậm chí vượt cả các công thự vốn đã rất xa hoa, bề thế ở tỉnh này.
Sau hai loạt bài vừa kể, báo Giáo Dục Việt Nam loan báo sẽ tiếp tục công bố các “sai phạm động trời” của giới lãnh đạo tỉnh Yên Bái.
Có lẽ nên nhắc lại rằng cách nay mười tháng, hôm 18 Tháng Tám, 2016, ông Đỗ Cường Minh, chi cục trưởng Chi Cục Kiểm Lâm tỉnh Yên Bái đã vào trụ sở tỉnh ủy, rút súng bắn ông Phạm Duy Cường, bí thư tỉnh và ông Ngô Ngọc Tuấn, trưởng Ban Tổ Chức Tỉnh Ủy Kiêm Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Dân Tỉnh, chết ngay tại phòng làm việc của cả hai…
Ngày 23 Tháng Sáu vừa qua, công an tỉnh Yên Bái chủ động cung cấp thông tin và hình ảnh cho báo chí Việt Nam chuyện vừa “bắt quả tang” ông Lê Duy Phong “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.” Theo đó, ông Phong đã lợi dụng tư cách nhà báo để dọa nạt rồi nhận của một doanh nghiệp 250 triệu đồng.
Ngày 24 Tháng Sáu, nhiều tờ báo tại Việt Nam dẫn lời ông Nguyễn Tiến Bình, Tổng Biên Tập báo Giáo dục Việt Nam, khẳng định, việc công an tỉnh Yên bắt ông Phong là bất thường: (1) Trước khi ông Phong bị bắt, cả ông lẫn Ban Biên Tập báo Giáo Dục Việt Nam cùng bị áp lực để gỡ các bài điều tra đã đăng, ngưng điều tra – công bố tiếp những vấn đề liên quan tới các viên chức lãnh đạo tỉnh Yên Bái, trong đó có cả bí thư và giám đốc Công An tỉnh này, song tờ báo không chấp nhận. (2) Tuy công an tỉnh Yên Bái chủ động cung cấp, thông tin hình ảnh cho báo giới nhưng không hề thông báo cho báo Giáo Dục Việt Nam. (3) Công an tỉnh Yên Bái cố tình che giấu chuyện ông Phong đã dọa nạt để nhận tiền của doanh nghiệp nào. (4) Thông tin từ nhân chứng khác hoàn toàn với thông tin mà công an tỉnh Yên Bái công bố.
Đó có thể là lý do công an tỉnh Yên Bái tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 26 Tháng Sáu. Theo tường thuật của tờ Pháp Luật TP.HCM thì công an tỉnh Yên Bái đính chính, ông Phong chỉ “chiếm đoạt 50 triệu chứ không phải 250 triệu như loan báo trước đó.” Khoản 250 triệu là tiền mà ông Phong đã “chiếm đoạt” của nhiều cá nhân, doanh nghiệp.
Công an tỉnh Yên Bái nói thêm là ông Phong đã nhận hàng trăm triệu đồng của một số cá nhân, doanh nghiệp khác ở Yên Bái. Công an tỉnh Yên Bái từ chối tiết lộ tên của doanh nghiệp được xác định là “bị hại” vì “cần phải bảo vệ doanh nghiệp” này. Đại diện công an tỉnh Yên Bái từ chối trả lời những câu hỏi kiểu như: Ông Phong dọa nạt doanh nghiệp từ khi nào, dọa nạt ra sao? Tại sao công an tỉnh Yên Bái có sẵn serial number của từng tờ giấy bạc mà doanh nghiệp đưa cho ông Phong để đối chiếu với số tiền là tang vật thu được tại hiện trường?… do “đang điều tra.”
Tuy chưa có tờ báo nào cung cấp thêm những thông tin khác với nội dung cuộc họp báo vừa kể nhưng một số facebooker hiện là nhà báo đã chia sẻ tờ tường trình của một nhân chứng vốn là người tháp tùng ông Phong từ Hà Nội đến Yên Bái, trực tiếp chứng kiến “vụ án” từ đầu đến cuối.
Theo đó, chuyến đi Yên Bái hoàn toàn là công việc. Cuộc gặp tại nhà hàng nơi trở thành hiện trường “vụ án” là ngoài dự định vì có một nhà báo tên Công Làm Việc tại Đài Phát Thanh – Truyền Hình tỉnh Yên Bái gọi điện thoại mời ông Phong dùng cơm, với lý do cả hai từng là đồng môn đã lâu không gặp. Sau đó thì có thêm một người tự xưng là Hoàng Trung Thực nhập cuộc. Ông Thực tự giới thiệu từng làm việc tại công an tỉnh Yên Bái, sau khi nghỉ hưu thì mở một doanh nghiệp vận tải. Tuy gia đình vẫn còn nhiều người đang làm việc tại công an tỉnh Yên Bái nhưng ông Thực vẫn cần báo chí… tư vấn, hỗ trợ.
Cũng theo nhân chứng thì trong bữa cơm, ông Công và ông Thực liên tục mời ông Phong cạn ly, cả hai còn cho biết đã đặt phòng và mời ông Phong ở lại để hàn huyên thêm nhưng ông Phong từ chối. Suốt bữa cơm, ông Công và ông Thực thay nhau nghe – gọi điện thoại và cuối cùng, ông Thực chủ động móc ra một gói tiền trao cho ông Phong giống như quà. Ông Phong từ chối thì ông Thực tìm đủ cách để nhét tiền vào túi ông Phong. Khi tiền đã lọt vào túi ông Phong thì công an ập vào “bắt quả tang.”
Nhân chứng cho biết chỉ trong một buổi chiều, công an tỉnh Yên Bái đã lấy lời khai của nhân chứng đến bốn lần, cố tình ép nhân chứng phải khai rằng ông Phong đã dọa nạt doanh nghiệp để nhận tiền… (G.Đ)