Vợ sau của cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh rút hết vốn khỏi Tập đoàn Minh Tâm

Nhà Đầu Tư

Cựu ĐBQH Đỗ Thị Huyền Tâm thoái hết vốn khỏi Tập đoàn Minh Tâm

14-9-2017

Cựu TBT Nông Đức Mạnh và bà Đỗ Thị Huyền Tâm. Ảnh: internet

Tỷ lệ sở hữu của bà Đỗ Thị Huyền Tâm tại Tập đoàn Minh Tâm giảm từ 81% về 0% theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi ngày 22/8/2017.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, bà Đỗ Thị Huyền Tâm – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tâm (Minh Tâm Group) – vừa thoái hết vốn khỏi doanh nghiệp này.

Cụ thể, sau khi công ty tăng vốn từ 99 tỷ đồng lên 126 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của bà Đỗ Thị Huyền Tâm đã giảm mạnh từ 81% về 0%.

Cựu Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các khoá XII và khoá XIII là cái tên gắn liền với gần 2 thập kỷ phát triển của Minh Tâm Group.

Minh Tâm Group tiền thân là Công ty TNHH Minh Tâm được thành lập năm 2001, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Dưới sự lãnh đạo của bà Đỗ Thị Huyền Tâm, Minh Tâm Group đến nay đã trở thành một nhóm các doanh nghiệp hàng đầu tỉnh Bắc Ninh, hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực bất động sản, giáo dục, kinh doanh khách sạn, sản xuất phân bón, bao bì, thức ăn chăn nuôi…

Chưa rõ động thái rút vốn có đồng nghĩa với việc vị cựu ĐBQH thoái lui khỏi Minh Tâm Group, hay chỉ đơn thuần là chiến thuật tái cơ cấu cổ phần của bà Đỗ Thị Huyền Tâm và những người liên quan.

Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật hiện nay của Minh Tâm Group là bà Hoàng Thị Bình Yên, sinh năm 1989, trú tại Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội.

Những ông chủ họ Đỗ ở trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ

Trong danh sách cổ đông sáng lập của Minh Tâm Group còn có một cái tên họ Đỗ khác là ông Đỗ Ngọc Minh (trú tại Hà Nội).

Tại thời điểm 2014, ông Đỗ Ngọc Minh là cổ đông lớn nhất của CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng Minh Phát – “Ông chủ” của dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ.

Cụ thể, năm 2014, Công ty Minh Phát thực hiện tăng vốn điều lệ từ 369 tỷ đồng lên 568 tỷ đồng, trong đó ông Đỗ Ngọc Minh góp 312,4 tỷ đồng, tương đương 55%.

Một cá nhân họ Đỗ khác là ông Đỗ Minh Đức cùng bà Nguyễn Thị Cẩm Tú (cùng trú tại một địa chỉ ở Hà Nội) góp lần lượt 39% và 6% vốn tại Công ty Minh Phát.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú cũng đồng thời là Tổng giám đốc của Công ty cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ – doanh nghiệp dự án sở hữu trạm BOT cùng tên, nơi Công ty Minh Phát sở hữu 65% vốn.

Nhóm các thể nhân này còn sở hữu một doanh nghiệp rất lớn cũng hoạt động trong lĩnh vực BOT là CTCP Đầu tư và Xây dựng giao thông Công Thành.

Công ty Công Thành được thành lập vào tháng 6/2014. Đến giữa năm 2015, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 1.556 tỷ đồng, với các cổ đông sáng lập là ông Đỗ Minh Đức góp 52% vốn, bà Nguyễn Thị Cẩm Tú góp 33%.

Dù chỉ mới hoạt động và chưa có tên tuổi trong ngành xây dựng cầu đường, song Công ty Công Thành tháng 5/2015 đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án Đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long – Mông Dương theo hình thức hợp đồng BOT, có tổng mức đầu tư lên tới 14.000 tỷ đồng.

Bà Đỗ Thị Huyền Tâm sinh ngày 17/10/1966 tại TP. Bắc Ninh. Bà có bằng cử nhân kinh tế Ngoại thương, trình độ thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Bà Huyền Tâm từng là Đại biểu Quốc hội các khoá XII và khoá XIII, đồng thời là uỷ viên Uỷ ban Kinh tế và uỷ viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Bình Luận từ Facebook