28-1-2022
Tin đang lan khắp các trang mạng của Trung Quốc, cũng như nhiều tờ báo của nhà nước, cho hay những người theo chủ nghĩa dân tộc quá khích Trung Quốc – thành phần bị gọi là “cực đoan đỏ” – đang kêu gọi tẩy chay phim The Matrix Resurrections, sau khi Keanu Reeves xác nhận sẽ tham gia buổi hòa nhạc gây quỹ từ thiện có liên quan đến Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng bị chính phủ Trung Quốc coi là một kẻ ly khai nguy hiểm, luôn bị truyền thông của Bắc Kinh bôi nhọ, can thiệp ngoại giao, thậm chí là tổ chức ám sát.
Lời kêu gọi chống Keanu Reeves và bộ phim do anh thủ vai đã bùng nổ ra vào cuối tuần qua – khoảng một tuần sau khi phiên bản phim Matrix mới nhất ra rạp Trung Quốc – khi có tin tức rằng Reeves sẽ là một trong những nghệ sĩ có mặt và trình diễn tại 2022 Tibet House US Benefit Concert, dự kiến diễn ra vào ngày 3 Tháng Ba.
Được tổ chức hàng năm nhân dịp Tết Tây Tạng, chương trình hòa nhạc gây quỹ này được tổ chức bởi Tibet House US (THUS), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New York được thành lập theo yêu cầu của Đức Đạt Lai Lạt Ma vào năm 1987 nhằm bảo tồn văn hóa Tây Tạng. Trên trang web chính thức của mình, sự kiện này được THUS giới thiệu như là một cách để gìn giữ phong tục truyền thống Lễ hội Cầu nguyện Monlam, kéo dài từ ngày thứ tư đến ngày thứ mười một của tháng đầu tiên theo lịch Tây Tạng. Lễ hội này đã bị Cộng sản Trung Quốc nghiêm cấm kể năm 1959.
Để tôn vinh truyền thống này, được coi là điều quan trọng đối với cộng đồng người Tây Tạng lưu vong trên toàn thế giới, THUS đã bắt đầu tạo ra buổi hòa nhạc gây quỹ từ năm 1993. Trong suốt lịch sử của mình, sự kiện này đã có một danh sách nghệ sĩ nổi tiếng tham dự ủng hộ, bao gồm cả David Bowie và Iggy Pop, và điều mà Bắc Kinh căm ghét nhất, là chương trình này nhận được dự bảo trợ từ các nhà hoạt động tôn giáo, xã hội và nhân quyền nổi tiếng, bao gồm cả Đức Đạt Lai Lạt Ma. Để chuẩn bị cho lễ hội này, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có thông điệp video cá nhân phát đi vào đầu buổi hòa nhạc năm ngoái. Ngoài sự tham gia của Keanu Reeves, danh sách tham gia chương trình thứ 35 THUS còn có Patti Smith, Laurie Anderson và những người khác, do người phụ trách kiêm giám đốc nghệ thuật Philip Glass lựa chọn.
Mặc dù các chi tiết cụ thể về màn trình diễn của Reeves chưa được tiết lộ và không rõ liệu Đức Đạt Lai Lạt Ma có đủ sức khỏe để xuất hiện trong buổi hòa nhạc năm nay hay không, nhưng tin tức đã gây ra phản ứng giận dữ từ giới “cực đoan đỏ” trên các trang mạng Trung Quốc. Đám đông kích động này tin rằng sự tham gia của nam diễn viên trong sự kiện là một dấu hiệu ủng hộ nền độc lập của Tây Tạng và sự ngưỡng mộ đối với Đạt Lai Lạt Ma.
“Tôi từng là một fan hâm mộ của Reeves không chỉ vì anh ấy là một diễn viên tuyệt vời mà còn vì anh ấy có mang dòng máu Trung Quốc trong người. Nhưng rõ ràng là chúng tôi có những quan điểm khác nhau về các vấn đề Tây Tạng và tôi không có lý do gì để ngừng thích anh ấy vì điều đó, ”một người dùng mạng xã hội Weibo (bằng tiếng Trung) hiếm hoi ủng hộ Keanu Reeves viết.
Theo thói quen của các cuộc tấn công kiểu cộng sản trên các hệ thống trực tuyến, giới “cực đoan đỏ” bắt đầu sục tìm quá khứ, chi tiết đời sống và bịa đặt để mạ lỵ Keanu Reeves. Thậm chí tín ngưỡng cá nhân cũng bị kéo ra để chửi bới. Nhưng cũng từ những tư liệu này, chẳng hạn qua bài phỏng vấn trên tờ Rolling Stones đã chỉ ra, người ta thấy rõ nam diễn viên này “có truyền thống lâu đời gắn bó với tâm linh và triết học”. Trong Little Buddha, một bộ phim truyền hình năm 1993 kể về câu chuyện của một nhóm các nhà sư Tây Tạng đang tìm kiếm sự tái sinh của vị thầy Phật giáo của họ, Reeves đã vào vai Thái tử Siddhartha, Đức Phật trước khi giác ngộ. Giới “cực đoan đỏ” lôi các sự kiện liên quan về giai đoạn này như một chứng cứ – mặc dù bản thân bộ phim là phi chính trị – nhưng chi tiết Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tham dự buổi ra mắt của nó tại Paris, nơi ông được cho là đã nắm tay đạo diễn trong suốt bộ phim và tuyên bố rằng nó “tuyệt vời”, đã trở thành đề tài chỉ trích Keanu Reeves và Đức Đạt Lai Lạt Ma không ngớt.
Phải đào thoát khỏi quê hương của mình, lưu vong ở Ấn Độ sau cuộc nổi dậy thất bại chống lại sự cai trị của Bắc Kinh vào năm 1959, Đạt Lai Lạt Ma – người đoạt giải Nobel hòa bình – từ lâu đã bị các quan chức Trung Quốc coi là một người theo chủ nghĩa độc tôn, người mà họ cho rằng đang âm mưu phá hủy chủ quyền của đất nước bằng cách thúc đẩy độc lập của Tây Tạng. Trong những năm qua, Bắc Kinh đã công khai một danh sách dài trừng phạt những người nổi tiếng và chính trị gia phương Tây, bao gồm cả cựu Thủ tướng Vương quốc Anh David Cameron và ca sĩ Iceland Bjork, vì mối quan hệ của họ với Đạt Lai Lạt Ma và vì sự ủng hộ đối với quyền tự trị và tự do tôn giáo của người Tây Tạng.
Sự phẫn nộ của thành phần “yêu nước” Trung Hoa đang ngày càng tăng đối với Reeves trên mạng xã hội Trung Quốc có thể làm tổn hại thêm đến thu nhập phòng vé của The Matrix Resurrections, bộ phim đã được quảng cáo rầm rộ ở Trung Quốc khi công chiếu, nhưng hiện mới chỉ thu về 7,5 triệu USD. Trên mạng, một số tay hacker Trung Quốc còn hăm dọa là tin tức “đáng thất vọng” về Reeves khiến họ muốn ăn cắp bản quyền bộ phim thay vì xem tại rạp.
The Matrix Resurrections không phải là bộ phim phương Tây đầu tiên đối mặt với sự phẫn nộ của chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc do những tranh cãi chính trị xung quanh đạo diễn hay diễn viên của nó. Ví dụ, Nomadland, một bộ phim phi chính trị ở Mỹ năm 2020 đã đưa đạo diễn gốc Bắc Kinh Chloé Zhao (赵 婷 Zhào Tíng) trở thành người phụ nữ gốc Á đầu tiên giành giải Quả cầu vàng cho Đạo diễn xuất sắc nhất, đã không thể ra rạp ở Trung Quốc sau khi Người dùng internet đã tìm thấy một cuộc phỏng vấn cũ nhiều năm trước của bà, trong đó Zhao mô tả Trung Quốc là “một nơi mà sự dối trá ở khắp mọi nơi”. Phát hiện này đã dẫn đến phản ứng dữ dội của chủ nghĩa dân tộc và sự kiểm duyệt đối với nhà làm phim và bộ phim đoạt giải của cô trên mạng xã hội Trung Quốc.
Các nhà bình luận điện ảnh nói cuộc tranh cãi xung quanh Reeves đã bắt đầu thu hút sự chú ý từ các trang tin lớn như Huanqiu.com (bằng tiếng Trung), ấn bản trực tuyến của tờ Thời báo Dân tộc chủ nghĩa quá khích, thì có khả năng phản ứng đấu tố sẽ chỉ ngày càng dữ dội và độc hại hơn. Nhưng có người nói vẫn có chỗ để chuộc lỗi, nếu Reeves đi theo cách của những ngôi sao đã làm: Năm ngoái, John Cena đã chứng minh rằng một lời xin lỗi và tuyên bố tình yêu dành cho Trung Quốc có thể đủ để khiến những tranh cãi như vậy tạm dừng. Năm 2014, nghệ sĩ saxophone Kenny G cũng đã phải lên tiếng và hủy bỏ những nhận xét mang tính ủng hộ phong trào tranh đấu Dù Vàng ở Hồng Kông để có thể được tiếp tục vào biểu diễn ở đại lục.
Đã đến lúc cả thế giới cần tẩy chay Tàu+ để xem ai sẽ bị cô lập. Những người vì đồng tiền mà nhượng bộ Tàu+ thật đáng khinh.