“Nghề báo như đi trên dây, lệch là chết”!

FB Ben Nguyễn

26-6-2017

Ảnh minh họa. Nguồn: Chris Mugarura/Al Jazeera

Làm điều tra va chạm với tiền là thường xuyên. Mỗi lần ngồi uống với anh em làm mảng này đều được cập nhật vô số võ. Chẳng đánh giá đạo đức gì, nhưng nhiều anh em sống bằng nghề nhận tiền để không đăng bài nhiều hơn là đăng bài rồi mới đi dọa nạt. Đa phần những vụ việc lên trang chỉ là quá lắm phải “tiền binh, hậu lễ” cho nó biết mặt, hoặc án điểm, lấy số, chứ ngu gì mà nhẩy múa với nguy hiểm, rủi ro. Nếu là đánh án ở tỉnh, phải tìm hiểu cho thật kỹ, đánh giá đúng tình hình chứ tinh vi về địa phương dễ chết như chơi.

Mình thì chỉ nhớ nhất lần vào Thanh hoá làm phim vụ một công ty của Bộ quốc phòng chôn trộm hoá chất thuốc trừ sâu. Trước khi vào địa bàn bèn qua Đài tỉnh nắm tình hình, cô PV phó phòng Thời sự hào phóng cho mình xin tư liệu nhưng mở ra xem chỉ toàn cảnh lãnh đạo tỉnh đi thăm thú, sơ sài, phát biểu chỉ đạo chứ chịu chẳng được cảnh dân tình khổ cực, cảnh hoá chất bị đào bới.. kèm với đó dặn mình qua Sở Tài nguyên môi trường trước. Cũng nhờ cô này, mình biết hiện trường thuộc địa giới hành chính của xã Cẩm Vân, nên nhắc chớ có qua bên đó, họ sẽ không hợp tác. Muốn gặp dân thì qua xã bên (Yên Lâm), nằm ở phía xuôi của nguồn nước, xã này ảnh hưởng nặng nề nhưng không thu được tiền từ doanh nghiệp, cán bộ mới chịu hợp tác.

Gặp GĐ sở TNMT, nhưng ông không trả lời phỏng vấn như nhận định. Trò chuyện hơn 1 tiếng, trước khi chia tay, ông nói giọng như nấc, bảo có 2 cán bộ Sở sau khi đi địa phương về đều bị dàn cảnh đâm xe, gãy chân đang nằm viện. Thế nên, khuyên mình đừng làm gì. Chẳng biết đúng hay sai, nhưng chột dạ ra phết.

Sau khi đột nhập vào khu vực hiện trường đang bị công an bảo vệ, tóm được tay giám đốc DN Quốc phòng, phỏng vấn xong thì chuồn. Khi ra đến xe đã thấy gã chạy theo, mở cửa xe vứt nguyên cọc tiền vào ghế. Mình cầm lấy dúi lại vào tay, vừa lách người ngồi vào xe đã thấy gã ném lại. Bèn cầm ném qua cửa xe rồi chuồn. Đêm đấy, không dám ngủ dưới thị xã (cách đấy 3km) mà phải lộn ra ngoài huyện cách cũng hơn 20km ăn ngủ, để sáng sau quay vào đi gặp dân. Cũng ngay hôm sau, được thông tin từ xã, công an đã được tăng cường bảo vệ hiện trường, và để chặn phóng viên từ xa.

Ba bốn ngày trời sau đó cày xới cả hai xã, sáng sớm vào hiện trường, tối về huyện, không dám ăn, chẳng dám ngủ tại địa phương, cũng chẳng dám tin ông cán bộ nào. Vụ đó lớn, hàng nghìn dân đập phá nhà máy, công an địa phương cởi áo, mũ,.. đòi bỏ việc, lại liên quan đến DN Bộ QP đang ăn nên làm ra, quy mô khắp cả nước. Chẳng đùa được.

Rồi sau này phim phát sóng, anh em công an xã (phía bên ủng hộ – Yên Lâm) gặp lại, ngồi uống rượu cùng, kể chuyện mới biết mình đi đến đâu cũng bị 3,4 ông theo sát nách, chỉ bỏ đi khi mình ra khỏi địa bàn. Công an nghĩ mình giống như các Pv khác, quay 1 ngày rồi lượn, nên không có biện pháp kiểm soát mình. À, mà viết tút này cũng có 1 ông trưởng công an xã giờ làm chủ tịch đang đọc không chừng.

Giờ thì mình không còn làm điều tra. Nhưng đi đủ nhiều để biết nguyên tắc cơ bản khi đến địa phương làm việc. Nhất là địa phương đang có phốt. Nghề báo là nghề thú vị. Sơ sảy với nghề là chuyện thường. Có ông anh ví, nghề báo như đi trên dây, lệch là chết. Nhiều ông chết oan chết ức, cũng đã bỏ nghề. Nhưng có nhiều cái chết không giống nhau. Khốn nạn nhất là không chết ở chiến trường mà chết ở “vũng bùn”, chỗ có những kẻ xảo trá mang tên “đồng nghiệp”.

Dù sao thì ở toà soạn nào cũng vậy, phóng viên làm điều tra là đội quân xứng đáng được yêu mến và tôn trọng nhất! Phải không các đồng nghiệp?

Bình Luận từ Facebook