Bữa tiệc đầu tiên

Thái Hạo

5-11-2021

Từ vụ “rắc muối”, nhớ đến một chuyện xưa cũ, đó là năm thứ nhất đại học. Sau buổi đại hội, tôi “được” các bạn bầu làm bí thư của lớp. Đại hội, tất nhiên rồi, thành công tốt đẹp.

Chúng tôi được dắt đến một nhà hàng. Tôi từ nông thôn lên thành phố đi học, cái nhà hàng và bữa tiệc như thế khá xa lạ với tôi. Tôi áng chừng, với đồ ăn, bia bọt… như thế bữa tiệc này có thể bằng mấy tháng tiền cha mẹ chu cấp cho mình ở thời điểm đó. Lúc ấy, tôi ngồi cạnh một anh năm 4 là bí thư liên chi đoàn. Tôi hỏi anh “Mình đi nhậu thế này, là tiền ai?”, anh ấy trả lời “Tiền quỹ đoàn”.

Sau này, vì cứ thắc mắc mãi trong lòng, tôi mang chuyện này hỏi thầy tôi, rằng tại sao “cán bộ” đi nhậu mà lại dùng tiền quỹ của đoàn viên đóng góp, tiền ấy đáng ra phải được sử dụng vào những việc công và hữu ích chứ…”. Thầy tôi nói một câu dường như rất lạc đề: “Em là người chưa tha hóa”.

Lúc ấy tôi không hiểu, mãi về sau mới dần dần cảm nhận được ẩn ý của thầy khi đã nhìn thấy, đọc thấy, nghe thấy đủ nhiều. Chính cái “bữa tiệc đầu tiên ấy” đã ở lại mãi trong tâm trí tôi, nó khiến tôi nhìn và luôn nhìn vào cái cách tổ chức, cách vận hành và cách xài tiền công, về cả căn bệnh “vua tập thể”, nó dẫn tôi đến ngó sâu hơn vào cả nạn tham nhũng, tệ mua quan bán tước, ăn trên ngồi trước… Viết đến đây bỗng nhớ bài thơ “Sở kiến hành” (Những điều trông thấy lúc đi đường) của Nguyễn Du, miêu tả hai hình ảnh trái ngược của quan và dân:

“Thức ăn thừa đổ đi
Chó no ngấy món ngon,
Biết đâu bên đường quan,
Có mẹ con cực khổ!”

Đến nay, những hình ảnh như thế dường như càng được tô đậm hơn bởi những bất công oan nghiệt giữa thế kỷ 21 này.

Tiêu tiền của người khác dĩ nhiên là không thể chấp nhận được rồi, điều ấy không cần phải bàn nữa; nhưng hoang phí tiền bạc của chính mình cũng vẫn là một điều tệ hại. Tôi không khuyến khích sự khổ hạnh, nhưng có những giá trị phổ quát mà cả nhân loại thừa nhận và nỗ lực giữ gìn, xiển dương, như là đức khiêm cung, là sự tiết độ. Xã hội chỉ lành mạnh khi con người sống lành mạnh và giàu có về tâm hồn.

Từ những bữa tiệc cò con ở cấp thôn xã lên tiệc sang của cấp huyện tỉnh, rồi đại yến… Nó không phải chỉ đơn thuần là câu chuyện lãng phí hay tiêu tiền chùa. Sự hưởng thụ vật chất vô độ chỉ chứng tỏ một tinh thần nghèo nàn thảm hại. Sự trống rỗng của cái đầu và trái tim phải được bù đắp bằng sự đầy ắp của cái bụng và cái đít.

Hoang phí bằng lối sống xa hoa phè phỡn là biểu hiện của sự tha hóa nhân tính. Đối với một triều đại thì đó là dấu hiệu của suy tàn và diệt vong.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. THỜI ĐẠI ĐẦY TANH TƯỞI, MÃI LƯU TRUYỀN SỬ XANH

    Thi Sĩ: BÙI CHÍ VINH

    Dân thì không có ăn
    Mở mắt là chạy gạo
    Tiền cứu trợ nhập nhằng
    Cúm Tàu khô hết máu

    Quan thì như bầy cáo
    Ngó đâu cũng thấy vàng
    Họp hành rồi sục sạo
    Giá xăng dầu bắc thang

    Đã nghèo còn chơi sang
    Tặng không năm ngàn tỷ
    Nước Anh cũng bàng hoàng
    Tưởng hồng ân của quỷ

    Dân Việt đang đột quỵ
    Trẻ em chết không nhà
    Người già thiêu không xác
    Vậy tiền chùa đâu ra ?

    Vậy mà tiệc xa hoa
    Bò dát vàng rắc muối
    Quan ông lẫn quan bà
    Coi dân như rác rưởi

    Nhìn quan ăn, mắc ói
    Miếng thịt, máu dân lành
    Thời đại đầy tanh tưởi
    Mãi lưu truyền sử xanh !

    Nguồn mạng

  2. Nhà Thơ: Trần Đức Thạch

    Mái đầu tôi mỗi ngày càng nhanh bạc.
    Với câu hỏi đất nước sẽ về đâu?
    Thế hệ chúng tôi tội lỗi ngập đầu
    Nhìn con cháu lòng muôn hổ thẹn…

    Thế hệ chúng tôi một thời chinh chiến.
    Thắng lợi mang về là xua đuổi văn minh.
    Thắng lợi mang về là làm khổ dân mình.
    Để đểu cáng lên ngôi gây tội ác.

    Thế hệ chúng tôi hoàn toàn lầm lạc.
    Quên dân tộc mình theo chủ nghĩa Mác Lê Nin.
    Bệnh hoạn tư duy méo mó cách nhìn.
    Gieo thù hận trong lòng con cháu.

    Thế hệ chúng tôi đổ bao xương máu.
    Chẳng ý nghĩa gì khi dân tộc điêu linh.
    Chẳng ý nghĩa gì khi đất nước tanh bành.
    Lãnh thổ giang sơn bị ngoại bang gậm nhắm.

    Thế hệ chúng tôi cuộc đời cay đắng lắm.
    Mất chính mình mang tội ác với tương lai.
    Gần đất xa trời mới thấy được cái sai.
    Không phải thơ mà những lời sám hối…

    Xin ngàn lần triệu lần chịu tội.
    Trước băn khoăn đất nước sẽ về đâu ???

    Nguồn Mạng

  3. Đảng ta, nhà nước ta đã tha hóa hết rồi .
    Nhưng theo lời bác cả Lú, tất cả vẫn đang còn rất rất trọng danh dự. Sự suy tàn và diệt vong có thể đến, nhưng cái danh dự của đảng cộng sản Việt Nam thì vẫn còn tinh khôi đấy ạ !

  4. “Đối với một triều đại thì đó là dấu hiệu của suy tàn và diệt vong.” (Trích TH)
    – Lịch sử cũng đã chứng minh, triều đại nào tha hóa đến cùng cực thì ắt dẫn đến tiêu vong. Chỉ có điều, nó đến sớm hơn hay muộn hơn mà thôi .

Comments are closed.