Tương Lai
10-9-2017
Mênh mông thế sự để gió cuốn đi. Số 12
Chuyện đời, thì còn dài lắm. Biết thế nào mà nói hay nói dở một cách quyết đoán chỉ bằng vào cảm tính và mong muốn chủ quan. Thế giới đang biến đổi quá nhanh vượt khỏi mọi tính toán của những cái đầu thông minh nhất, khiến cho một phương thức vừa tạo nên thành công hôm nay thì cũng bằng chính nó có thể sẽ dẫn đến thất bại khi đem vận dụng cho một toan tính sắp tới.
Mà thật ra, chịu khó ngẫm lại thì do thấm nhuần triết lý phương đông, các cụ ta xưa cũng từng đưa ra những lời răn liên quan xa gần đến điều này còn thâm thúy hơn nhiều:
“Thế gian phú quí hoa gian lộ
Thế thượng công khanh hải thượng âu”
Tạm dịch: Giàu sang ở đời chớp nhoáng như giọt sương trong hoa
Quyền lực ở đời mong manh như bọt nước đầu ghềnh
Không chỉ “quyền lực”! Mà sự tồn vong của một chế độ (triều đại) nối tiếp nhau cũng chỉ như hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ [thịnh suy như lộ thảo đầu phô]!
Cho nên mọi đấu đá tranh giành quyền lực, quyết triệt hạ bằng được đối thủ chính trị bất chấp thế nước như trứng treo đầu đẵng, kẻ thù xâm lược đang diệu võ giương oai ngay sát nách vẫn dồn hết tâm lực cho những toan tính của kẻ tiểu nhân đắc chí, đến nỗi bất chấp cả luật pháp quốc tế, ngang nhiên chà đạp lên thể diện quốc gia, thì e rồi cũng sẽ nhanh chóng kết thúc thôi.
Có lẽ vì vậy mà các cụ ta dạy “Nhậm vận thịnh suy vô bố úy” [Ngẫm và hiểu cái lý của thịnh suy, lòng không sợ hãi. Cũng có thể hiều: khi đã đạt đến bậc “nhậm vận” thì thịnh hay suy đều chẳng có gì đáng để quá bận tâm] *
Nhắc lại lời răn dạy của ông cha để làm sao cho trí óc có được sự an nhiên, tự tại mà nhìn vào thế sự! Và cũng bằng sự an nhiên tự tại đó mà không quá câu nệ trong các giải pháp để rồi quá bận tâm đến những đoán định đúng sai, hơn thua, thành tâm khuyên răn hay buông lời “dạy bảo” cần phải thế này, cần phải thế khác. Vì ngẫm cho kỹ, thì thật ra những phán, bảo răn dạy đó chẳng có ý nghĩa bao nhiêu với việc dồn tâm huyết thúc đẩy sự phát triển.
Vả chăng, đa dạng hoa cấu trúc là tiền đề của phát triển. Tôn trọng tính đa nguyên cũng là tôn trọng sự khác biệt, nhiều ý kiến khác nhau, trái nhau cũng là sự biểu hiện sinh động tính đa dạng của cuộc sống. Đương nhiên, nếu có được một xu hướng mang tính đại đồng tiểu dị thì càng tốt. Vì tìm được một mẫu số chung thì dễ tập trung được nguồn lực hướng tới mục tiêu.
Chính vì vậy tôi bình thản đón nhận mọi sự phê phán thẩm bình chê khen về quyết định đưa ra lời tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với cái đảng do Nguyễn Phú Trọng thao túng để tiếp tục chiến đấu với tư cách một đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam như ngày tuyên thệ đứng vào hàng ngũ Đảng của Hồ Chí Minh. Tôi đã và sẽ chiến đấu trong tư thế, và chỉ bằng tư thế đó của một đảng viên của Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo suốt mấy chục năm qua. Khi đưa ra lời tuyên bố ấy, lương tâm tôi thanh thản.
Giọt nước tràn ly từ cái quyết định xuẩn ngốc một cách tội nghiệp và rất ấu trĩ nọ chỉ là một ngẫu nhiên ngớ ngẩn mà xem ra lại chính là một nhân tố thúc đẩy đưa tới một tình thế đã chín muồi nhằm biểu đạt tính nhất quán trong nhận thức và hành động của tôi. Lẽ dĩ nhiên, chẳng cái ngẫu nhiên nào lại không hàm chứa trong nó cái tất yếu, và cái đó cũng chính là nỗi đau thế cuộc! Ở đây là nỗi nhục của thân phận chư hầu mà những kẻ quyết bám giữ cái ghế quyền lực đã giành được bằng mọi giá đã buộc phải làm. Trong nỗi đau đó, tôi đón nhận mọi ý kiến khác với quan điểm và nhận thức của tôi như những gì tôi đã dự liệu. An nhiên tự tại không hề mâu thuẫn với nghiêm túc và cẩn trọng.
Tôi nhớ đến một lời ca giàu chất triết lý của Trịnh Công Sơn: “Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng”. ** Nhưng xét đến cùng, rồi sự “độ lượng” ấy sẽ được thực hiện bằng sự sòng phẳng của cuộc đời. Sự sòng phẳng của cuộc đời cũng chính là sự sòng phẳng của lịch sử. Mà lịch sử chính là con người nhân với thời gian. Những cái rễ của tư tưởng con người đều cắm sâu vào một quá khứ, tức là vào lịch sử. Khi chúng đơm hoa, thời gian đã chuẩn bị cho mùa nở rộ! Những ai muốn phủ định lịch sử đã không hiểu được rằng mình đang phủ định chính mình.
Vào tuổi 15, tôi khoác ba lô vươt Trường Sơn, trèo đèo lội suối xuyên rừng trong sáu tháng trời để lên Việt Bắc theo khát vọng tự do, ngôi nhà tuổi thơ đã bị địch chiếm cùng với một cụm nhà khác biến thành bốt đồn Tây với bịt bùng hàng rào lông nhím tua tủa chọc lên trời. Chúng tôi đi nương theo dấu chân của anh tôi trong đoàn đại biểu Bình Trị Thiên ra khu IV dự Đại hội Đảng. Chính con đường này mười năm sau, những chàng trai miền Bắc khoác ba lô đi ngược trở lại để cùng bà con miền Nam phá bốt diệt đồn Tây xưa với bịt bùng hàng rào kẽm gai Mỹ.
Ra đi là để trở về. Đúng một phần tư thế kỷ tôi trở về đứng bên mảnh đất ngôi nhà tuổi thơ nay chỉ còn lại nền nhà cỏ mục um tùm! Những giọt nước mắt của mẹ tôi lăn trên gò má của người khi thẫn thờ bên kỷ niệm xưa đã như những giọt chì nóng bỏng đốt cháy trái tim tôi. Anh tôi đã hy sinh, cũng như bao đồng chí đồng đội của anh mà tôi từng nhận được sự dìu dắt khi làm nhiệm vụ, nay cỏ cũng đã phủ kín những nấm mộ của họ. Máu của những người tôi nhớ được tên và của bao người tôi chưa hề gặp đã thấm đẫm trên những nẻo đường đất nước tôi đã đi và đang đi.
Vọt từ suối ra đều là nước, chảy từ huyết quản ra đều là máu. Mà máu người đâu có thể trở thành nước lã một cách phũ phàng bằng những trào lưu thời thượng trăm dâu đổ đầu tằm, do phẫn nộ, căm ghét lũ người vong ân bội nghĩa, bất tài vô tướng chỉ chăm chăm cái ghế quyền lực đã đẩy đất nước đi vào ngõ cụt khiến người ta muốn phủ định sạch trơn. Mỗi lời mỗi chữ tôi viết trong cuộc đấu tranh hôm nay tuyệt đối không thể bằng nước lã mà phải thấm đẫm nước mắt của mẹ tôi, máu của anh tôi cùng với triệu triệu người đã đổ ra cho Tổ quốc với mấy ngàn năm lịch sử vẻ vang. Tôi viết trong niềm khát khao “những gì ta yêu phải cứu thoát ra/ tự mình ta tự mình ta”!
Vì vậy, tôi trân trọng tính trung thực khách quan của lịch sử, và đó là nguồn suối mát thanh lọc tâm hồn tôi, một người thuộc lớp những người ngoài tuổi 80 đang thực hiện sứ mệnh lót đường cho thế hệ mới đang xuất hiện, Họ sẽ vứt bỏ tất cả những điều mà theo quan niệm hiện nay họ phải làm: họ sẽ tự biết cần phải làm như thế nào như tôi đã viết trong tuyên bố ngày 2.9 vừa rồi.Thế rồi thật vui về câu chuyện hai người bạn vừa đến thăm tôi chiều hôm qua kể về mấy bạn trẻ nọ đã thẩm bình về thời cuộc và nhận xét về những quan điểm của tôi.
Tôi xúc động nghĩ về họ và hiểu rằng mình đã tìm thấy điều mình ao ước. Tôi nhờ chị bạn gửi đến họ niềm xúc động ấy bằng một truyền thuyết giàu sức biểu cảm như sau:
Có con chim chỉ hót có một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi. Và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và hoạ mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính Thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại”.
Ngày 10.9.2017
*Thiền sư Vạn Hạnh “Bảo đệ tử”.
** Trịnh Công Sơn. “Một cõi đi về”.
*** Dẫn theo Colleen McCulough. “The Thorn Birds”
Ở cương vị một giáo sư, ông Tương Lai lđã thú nhận mình là fan cuồng của cái gọi là “bác Hồ”
Nay ông lại trích dẫn tư tưởng của hai nhân vật nổi cộm với thành tích “ăn cơm…thờ…” là thiền sư (mà không phải là hoà thượng?) Thích Nhất Hạnh, và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì tiếng nói của ông sẽ thuyết phục được bao nhiêu người? Ông là ai ?
Chợt nhớ 1 câu nói của Schopenhauer, xin mạo muội đóng góp coi như có Tây-Ta cho đủ mặt
Mọi chân lý đều đi qua 3 giai đoạn, lúc đầu bị chế diễu, kế đến bị chống lại 1 cách dữ dội, cuối cùng chấp nhận như 1 chân lý .
Tôi đoán những trò lừa lọc, dối trá thì đi chiều ngược lại . Ở đây không có phủ định quá khứ, mà chỉ là “đúng quy trình” của dối trá theo Schopenhauer thôi ạ .
“đang thực hiện sứ mệnh lót đường cho thế hệ mới đang xuất hiện”
Có ai nghĩ thế hệ mới đang xuất hiện là thế hệ của những Hoàng Thị Nhật Lệ, của Trần Nhật Quang and the likes? Về mức độ nhiệt tình cách mạng, họ xứng đáng là bản phiên mẫu của những người như Giáo sư Tương Lai ngày xưa đấy chứ . Biết đâu khi họ ở tuổi của bác Tương Lai bây giờ, họ sẽ nhớ tới ngày gia nhập Đảng của Nguyễn Phú Trọng, và sẽ có người bỏ Đảng của ai đó -1 cặp phạm trù Tương Lai/Nguyễn Phú Trọng mới- để đấu tranh với tư cách đảng viên của Đảng Nguyễn Phú Trọng, và họ cũng sẽ “thực hiện sứ mệnh lót đường cho thế hệ mới đang xuất hiện” ad infinitum e ad nauseam?
“Và cũng bằng sự an nhiên tự tại đó mà không quá câu nệ trong các giải pháp để rồi quá bận tâm đến những đoán định đúng sai”
&
““Nhậm vận thịnh suy vô bố úy” [Ngẫm và hiểu cái lý của thịnh suy, lòng không sợ hãi. Cũng có thể hiều: khi đã đạt đến bậc “nhậm vận” thì thịnh hay suy đều chẳng có gì đáng để quá bận tâm]”
Rất hay, rất triết lý, và rất cảm phục Giáo sư Tương Lai . Chúng ta nên học được thái độ an nhiên tự tại để đừng quá bận tâm tới những đoán định đúng sai . Chỉ biết đi theo tiếng gọi của con tim & lương tri của chính mình là đủ, không cần biết hậu quả sau này với đất nước & dân tộc ra sao . Hiểu được vận thịnh suy thì tâm lắng đọng . Đất nước & dân tộc có thịnh hay suy cũng chỉ là cơn gió thoảng, không có gì đáng để bận tâm . Ôi, triết lý cao siêu! Nhà văn Phạm Thị Hoài nói, đại ý, trí thức nước việt mình nếu không làm được sĩ phu sẽ trở thành đạo sĩ .
“Vì vậy, tôi trân trọng tính trung thực khách quan của lịch sử”
Tôi thì tôn trọng tính trung thực khách quan của những sử gia xã hội chủ nghĩa, và nó cũng là nguồn suối mát thanh lọc tâm hồn tôi . Vì vậy những gì sử gia xã hội chủ nghĩa nói & viết ra tôi tin cho bằng hết . Như 30-4 là giải phóng miền Nam khỏi sự kềm kẹp của dân chủ tư bẩn, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không bao giờ tuyển chiến binh 14-15 tuổi như ISIS “Vào tuổi 15, tôi khoác ba lô vươt Trường Sơn, trèo đèo lội suối xuyên rừng trong sáu tháng trời để lên Việt Bắc theo khát vọng tự do”. Đọc rất cảm động, tương tự như hồi ký của 1 chiến binh ISIS cũng khoảng ngần ấy tuổi . Mãi mãi tuổi 15.
The thorn bird, tiếng Việt không biết tên là gì, chỉ hót hay 1 lần trong đời . Hình ảnh tương đương là người trước khi qua đời thường nói lời khôn ngoan . Đọc bài này, tôi nghĩ Giáo sư Tương Lai còn rất thọ . Chúc mừng, chúc mừng!
tôi ko biết ông GS Tương Lai đã làm được gi cho đát nước VN, nhưng 80 tuổi mới ra khỏi đảng là kém. Nghe tin đồn ngày xưa ông này còn xúi TT V VK ko làm cầu MỸ THUẬN