23-9-2021
Tiếp theo Phần 1 — Phần 2 — Phần 3 — Phần 4 — Phần 5 — Phần 6
Mở đầu chuyện lan man hôm nay cũng lại là chuyện chọc ngoáy. Ông bạn nhà báo về hưu của tui vừa đưa lên trang của anh về chuyện anh đã được ngoáy lần thứ 5, nghe hãi thật. Lại thêm, đọc tin này lại ngơ ngác tự hỏi tại sao thế?
Tin có tít như thế này: Người TP.HCM được xét nghiệm như thế nào đến 30.9? Theo đó, học sinh, giáo viên, cán bộ công nhân viên tại trường học sẽ được xét nghiệm Realtime PT-PCR mẫu gộp tần suất 7 ngày một lần. Nhân viên y tế và bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện, cán bộ công nhân viên các đơn vị thường xuyên lưu trú đông người như doanh trại quân đội, công an, trại giam… cũng ngoáy theo tần suất thế. Nhân viên, người phục vụ sân bay, bến xe, bến tàu, ga, đường sắt được test nhanh kháng nguyên mẫu gộp tần suất 3 ngày/lần.
Tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhóm nhân viên, tiểu thương được test nhanh kháng nguyên mẫu gộp tần suất 3 ngày/lần. Riêng lái xe, phụ xe hàng sẽ được test nhanh kháng nguyên mẫu gộp cho toàn bộ người theo xe mỗi ngày.
Tại bệnh viện, bệnh nhân trước khi vào khám sẽ xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên mẫu đơn.
Lực lượng thường trực tại các chốt giao thông, lực lượng shipper giao hàng được test nhanh kháng nguyên mẫu gộp từ 1 đến 3 ngày/lần tùy theo đặc điểm dịch tễ khu vực.
Khối cơ quan hành chính sự nghiệp, khu công nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh, toàn bộ công nhân viên xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên mẫu gộp.
Thành phố cũng triển khai xét nghiệm thần tốc cho đến 30.9. Theo đó, các “vùng đỏ, cam” sẽ lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn toàn bộ người dân, tần suất lấy mẫu lặp lại 2 ngày, liên tục 3 lần trong 7 ngày.
Tóm lại là cho đến cuối tháng, toàn dân thành phố sẽ tiếp tục được chọc ngoáy liên tục nhằm tìm diệt F0. Anh chị em sẵn sàng chuẩn bị nhé. Cứ ngước mặt lên và chịu chọt, ai chịu không thấu thì cứ la cho hả giận, thế thôi. Lực lượng này vừa được tăng cường thêm 4.000 quân nhân. Nghe nói 800 người từ Bắc vào và 3.200 là của các quân khu trong Nam.
Cũng nghe nói là lực lượng này đã có kiến thức về y tế và cũng đã được tập huấn nên hi vọng tránh được những điều đáng tiếc khi xét nghiệm. Chỉ có băn khoăn là đã có lắm người có chuyên môn phát biểu không nên xét nghiệm rộng và dài hơi như thế. Dân cũng nghĩ thế. Nhưng rồi chẳng có ai nghe. Công cuộc chọc ngoáy vẫn tiếp tục, liên tục và thần tốc he he…
Theo các chuyên gia y tế, để mở cửa trở lại sau thời gian dài giãn cách, có 2 tiêu chí quan trọng cần lưu tâm là tỷ lệ người chích vaccine và số người nhập viện, tử vong vì nhiễm dịch. Chuyện xét nghiệm để tìm F0 chỉ thực hiện trong khu vực có nguy cơ và những người già có bệnh nền. Trên thế giới, kể cả những nước giàu không ai bỏ tiền ra để test rộng như ở ta vì nó vô ích, chẳng giúp gì trong việc phòng chống dịch. Mà lại tốn lắm tiền.
Bởi khi đã chấp nhận sống chung với virus, không còn lý do gì quan tâm đến con số ca mắc mới nữa. Cơn đại dịch do bệnh truyền nhiễm sẽ không còn đáng quan tâm khi phần lớn đã có kháng thể đặc hiệu với bệnh sẽ làm giảm đáng kể số ca mới, và giảm hẳn số ca tử vong.
Do vậy, để có thể mở cửa sớm cứu nền kinh tế đang suy thoái và lòng dân đang bất ổn vì giản cách kéo quá dài. Chính quyền nên tập trung và cố gắng tăng tỷ lệ phủ vaccine để nhiều người có kháng thể. Bên cạnh đó, phải tăng cường các biện pháp để số ca tử vong và nhập viện ở mức thấp hay mức chấp nhận được. Khi con số tử vong hàng ngày chỉ là một con số, chúng ta chấp nhận xã hội vẫn có người nhiễm bệnh nhưng giảm người phải vào bệnh viện. Một đại dịch gọi là kết thúc khi căn bệnh không gây nhiều tử vong, số người nhập viện giảm và không còn ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của toàn xã hội.
Trong thông báo 256/TB-VPCP ngày 23.9, kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp với các nhà khoa học về phòng, chống dịch có yêu cầu nghiên cứu đề xuất, góp ý với việc thực hiện việc cách ly, giãn cách xã hội nhanh nhất có thể, ở phạm vi nhỏ nhất có thể với các giải pháp linh hoạt, mềm dẻo.
Thế nhưng hiện nay, dù ông Phó Giám đốc Sở Y tế bảo rằng đưa F0 cách ly là “hiểu nhầm” của các cán bộ địa phương, nhưng thành phố vẫn còn những trung tâm cách ly thiếu thốn mọi phương tiện. Điển hình như khu cách ly ở Trường Nguyễn Trãi, Phường 13, quận Gò Vấp. Tại đây, rất nhiều người già, trẻ con đang được đưa vào đây trong tình trạng thiếu thốn mọi phương tiện sinh hoạt. Tất cả trải chiếu nằm dưới sàn nhà, ăn uống kham khổ, cũng chẳng được chăm sóc. Thế tại sao không cho họ tự cách ly và chữa trị tại nhà theo ý kiến của Sở Y tế và của cả Thủ tướng lẫn các nhà khoa học.
Như thế, để thành phố có thể giảm giãn cách vào cuối tháng này, vẫn là chuyện vaccine. Hiện giờ để chích mũi 2 cho có một tỷ lệ nhất định có thể chấp nhận, thành phố lại thiếu vaccine. Cả nước cũng thiếu vaccine. Ngay từ đầu, nhà nước đã thiếu chuẩn bị nên đưa đến tình trạng này. Và bây giờ lại cuống cuồng tìm mọi cách để kiếm xin lẫn mua, nhưng cũng chẳng dễ.
Vừa rồi ông Vương Đình Huệ cùng đoàn tuỳ tùng đi Châu Âu chỉ xin được 200.000 liều. Cũng trong chuyến đi đó, Tập đoàn T&T Group đã ký kết một loạt biên bản và hợp đồng hợp tác với các đối tác tại châu Âu để thử nghiệm lâm sàng, mua và nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng virus Vũ Hán, kit xét nghiệm Covid-19 Realtime RT-PCR.
Cụ thể, Công ty TNHH Dược phẩm T&T (T&T Pharma – đơn vị thành viên của Tập đoàn T&T Group) và Công ty HIPRA Human Health S.L.U của Tây Ban Nha đã ký thỏa thuận hợp tác thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng Covid-19 HIPRA SARS-CoV-2 (do Công ty HIPRA sản xuất) tại Việt Nam.
Đồng thời, T&T Pharma ký hợp đồng mua 50 triệu liều vaccine HIPRA SARS-CoV-2, với tổng giá trị là 375 triệu Euro (tương đương với 10.500 tỷ đồng) sau khi loại vaccine này được Bộ Y tế phê duyệt đưa vào sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam.
Công ty HIPRA cũng cam kết sau khi vaccine được cấp phép tại Việt Nam, sẽ chuyển giao toàn bộ công nghệ sản xuất, bản quyền; cung cấp dây chuyền và máy móc, trang thiết bị, nguyên liệu, và đào tạo nhân lực để T&T Group có thể tự sản xuất được loại vaccine này với quy mô tối thiểu 50 triệu liều/năm, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn châu Âu.
HIPRA SARS-CoV-2 là loại vaccine protein tái tổ hợp, được thiết kế để tạo ra phản ứng trung hòa mạnh cùng với hệ miễn dịch tế bào tốt phản hồi, có mức độ an toàn cao, cung ứng thuận lợi, không yêu cầu bảo quản lạnh sâu mà chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C. Vaccine đã được Công ty HIPRA nghiên cứu và thử nghiệm đạt kết quả tốt ở giai đoạn 1 và 2, đặc biệt có hiệu quả với biến chủng Delta.
Hiện vaccine đang được tiếp tục thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2a tại Tây Ban Nha; tới tháng 10-2021 sẽ triển khai thử nghiệm giai đoạn lâm sàng 2b, 3 tại các quốc gia khác ở châu Âu và sau đó dự kiến sẽ được Cơ quan quản lý dược châu Âu (EMA) cấp giấy phép.
T&T Pharma cũng đã ký hợp đồng hợp tác sản xuất và nhận chuyển giao công nghệ sản xuất kit xét nghiệm Covid-19 Realtime RT-PCR từ Công ty GERBION GmbH&Co.KG của Đức. Theo đó, đối tác sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất kit xét nghiệm Realtime RT-PCR Virella SARS-CoV-2 seqc và hợp tác với T&T Pharma để sản xuất loại kit xét nghiệm này tại Việt Nam (Tin báo).
Trong tháng 8 vừa rồi, Vingroup nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine của Arcturus Therapeutics (Mỹ) là đơn vị nghiên cứu phát triển vắc xin phòng dịch theo công nghệ mRNA. Theo thoả thuận Arcturus sẽ cấp giấy phép độc quyền và Công ty CP Công nghệ Sinh học VinBioCare (công ty thành viên của Vingroup) sẽ tiến hành sản xuất vaccine có tên VBC-COV19-154 (dựa trên sáng chế vaccine ARCT-154 của Arcturus).
Đồng thời, Arcturus sẽ tiến hành chuyển giao cho VinBioCare quy trình sản xuất, bao gồm: Bí quyết công nghệ; Đào tạo, chuyển giao, thực hành và kiểm định sản phẩm; cung cấp nguyên liệu đầu vào theo công nghệ độc quyền của Arcturus. Tiến độ chuyển giao dự kiến từ đầu tháng 8.2021.
VinBioCare cũng được Arcturus cấp quyền sản xuất tất cả vaccine khác của hãng như ARCT-021 (1 mũi) và các vaccine trong tương lai để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam.
Theo lộ trình, tháng 8.2021, VinBioCare sẽ phối hợp với Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo của Bộ Y Tế Việt Nam đưa vắc xin VCB-COV19-154 vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam trên quy mô 20.000 người. Tháng 12.2021, VinBioCare dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ và gửi Bộ Y tế xin cấp phép khẩn cấp có điều kiện để sử dụng VCB-COV19-154 tại Việt Nam. Dự kiến, lô vaccine đầu tiên sẽ được xuất xưởng vào đầu năm 2022.
Như vậy, cộng thêm vaccine Nanocovax của Công ty Nanogen, sơ sơ Việt Nam ta chuẩn bị có thêm 3 loại vaccine nữa góp mặt thêm 8 loại vaccine đã được phép sử dụng. Có lẽ trên thế giới, chưa có nước nào xài nhiều chủng loại vaccine như ở ta. Đồng thời cũng cho thấy cuộc chiến vaccine của các đại gia Việt. Nanogen với Nanocovax lo tới độ phải mời thầy cúng là phải rồi.
Trong đại dịch kit test với vaccine là 2 món hái ra tiền. Trên thế giới cũng vậy mà. Cho nên cuộc chiến vaccine là một cuộc chạy đua, ai đến đích trước là thắng. Cũng có điều hơi băn khoăn là ngoại trừ vaccine sản xuất trong nước, mấy loại vaccine bỏ tiền ra mua sao không mua các loại có sẵn, đã được thử nghiệm và sử dụng toàn thế giới rồi. Vì lý do gì lại chơi canh bạc mạo hiểm đặt cọc mua loại vaccine đang thử nghiệm chưa có kết luận và cũng chưa được công nhận như vaccine HIPRA SARS-CoV-2 của Tây Ban Nha. Lỡ như kết luận thử nghiệm không đạt kết quả thì sao?
Ta lại lỡ cuộc không mua được các loại khác cho kịp lúc. Đã nghèo lại chơi phiêu lưu. Mà cũng có điều lạ nữa là ở ta vaccine cũng như kit test đều do công ty, tập đoàn tư nhân mua là sao nhỉ? Sao nhà nước không đứng ra mua trực tiếp mà phải ủy quyền cho doanh nghiệp mua? Cái này cũng hơi lạ so với các nước. Còn nếu nhà nước mua thì toàn mua của Nga hay của Trung Quốc.
Vừa rồi, Chính phủ đồng ý áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, theo Luật Đấu thầu, để mua 20 triệu liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm Trung Quốc. Thế là sắp tới ta lại có thêm 20 triệu vaccine Tàu. Tha hồ xài nhé, anh chị em nào chưa chích hoặc chích mũi 1 là Sinopharm thì an tâm nhé. Không có bị chích trộn như Moderna với Pfizer đâu mà lo hão.
Mối lo bây giờ là kinh tế. Giãn cách vì đại dịch kéo dài đã khiến cho sản xuất đình trệ. Năm ngoái, nhờ kiểm soát dịch tốt, giúp Việt Nam trở thành một trong những trung tâm đón làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc. Nhờ đó, Việt Nam cũng lần đầu lọt vào danh sách 20 nền kinh tế nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất với 16 tỷ USD đổ vào. Nhưng rồi dịch kéo vào, bùng phát mạnh ngay tại những tỉnh thành trọng điểm khiến cho việc mất đơn hàng FDI vào tay nước bạn không còn là nguy cơ, mà là thực tế đang xảy ra.
Khảo sát từ giữa tháng 8 của Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam cho thấy, 20% trong số này đã chuyển một phần đơn hàng ra khỏi Việt Nam, 14% đang ở bước dự định. Bên cạnh đó, 13% đã ngừng hoạt động, 50% hoạt động dưới 50% công suất.
Tương tự, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu cũng cho biết 20% doanh nghiệp đã chuyển một số hoạt động sản xuất tại Việt Nam sang các thị trường khác.
Trong tình hình đó, nếu thành phố và các tỉnh lân cận không mở cửa sớm, kinh tế sẽ thiệt hại nặng nề và khó kéo lên được. Đã có lắm người chết vì đại dịch, đã có hàng triệu người lâm vào cảnh khó khăn cũng vì đại dịch. Không thể lại hi sinh kinh tế khi tiếp tục phong toả. Dân cũng đã đến lúc sức tàn lực kiệt, thành phố cũng đã cố gắng tận cùng. Lối thoát duy nhất bây giờ chỉ là mở cửa càng sớm càng tốt. Chấm dứt ngay việc xét nghiệm rộng khắp, củng cố lại nhân lực và thiết bị tại các bệnh viện. Tập trung để giảm con số tử vong và tăng tỷ lệ tiêm chủng. Đó là những việc phải làm để trả lại bình thường cho thành phố này. Chỉ có lối thoát đấy thôi.