Học tập tư duy sử học qua câu chuyện Chính phủ Trần Trọng Kim

VOA

Nguyễn Lương Hải Khôi

1-9-2021

Trên VOA Tiếng Việt, ngày 24/8, nhà nghiên cứu Cù Huy Hà Vũ đăng bài “Độc lập giả hiệu của Đế quốc Việt Nam”, phản biện một công trình của nhà nghiên cứu Phạm Cao Dương, một sử gia tại Đại học Sư phạm Sài Gòn trước 1975 và UC at Berkeley và một số đại học khác ở Mỹ sau 1975 (cuốn sách “Bảo Đại – Trần Trọng Kim và Đế quốc Việt Nam”, Truyền thống Việt, 2017).

Trong công trình nghiên cứu nói trên, sử gia Phạm Cao Dương cho rằng chính phủ Đế Quốc Việt Nam do Trần Trọng Kim làm thủ tướng, ra đời vào tháng 4 năm 1945 và kết thúc vào tháng 8 năm đó, là một chính phủ độc lập của một nước Việt Nam độc lập. Tác giả Cù Huy Hà Vũ phản biện kết luận của sử gia Phạm Cao Dương (chú thích số 6 trong bài), cho rằng nền độc lập của Việt Nam mà chính phủ Đế Quốc Việt Nam đại diện chỉ là “giả hiệu”, bản thân chính phủ Đế Quốc Việt Nam chỉ là “bù nhìn”.

Trong bài viết này, chúng tôi không nhắm đến mục đích đưa ra kết luận về Chính phủ Trần Trọng Kim (“bù nhìn” hay “độc lập”), mà chỉ phân tích các lập luận của tác giả Cù Huy Hà Vũ trên cơ sở phương pháp khoa học lịch sử, và nhường kết luận về Chính phủ Trần Trọng Kim cho người đọc. Kết luận của phân tích này là: Bài viết của tác giả Cù Huy Hà Vũ sai về mặt logic tư duy, cả trong mạch lập luận chung của cả bài lẫn trong những chi tiết cụ thể. Đặt bài viết của tác giả Cù Huy Hà Vũ trong mạch giáo dục lịch sử ở Việt Nam 7 thập niên qua, chúng tôi sẽ nêu một vài vấn đề về giáo dục lịch sử ở Việt Nam hiện nay.

Sai trong toàn bộ mạch lập luận chủ yếu

Đơn giản hóa ý kiến mình phản biện

Ở phần đầu bài viết, tác giả Cù Huy Hà Vũ liệt kê các sự kiện sau đây:

  1. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp
  2. Ngày 10/3, Đại sứ Nhật tại Đông Dương gặp Hoàng đế Bảo Đại, nói “Tôi được trao nhiệm vụ dâng nền Độc lập của Việt Nam lên Hoàng thượng”
  3. Ngày 11/3, Bảo Đại ký một đạo dụ tuyên bố độc lập của Việt Nam
  4. Hai ngày sau, báo chí cả ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ đều đăng tin “Đế Quốc Việt Nam tuyên bố độc lập”.
  5. Ngày 17/4/1945, Chính phủ Đế quốc Việt Nam được thành lập với 11 thành viên.

Sau đó, tác giả kết luận:

“Trên cơ sở các sự kiện chính trị trên, có ý kiến cho rằng Việt Nam thời Đế quốc Việt Nam đã được độc lập và chính phủ Trần Trọng Kim là chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (6).”

Ở phần chú thích (số 6), Cù Huy Hà Vũ dẫn đến tác phẩm của sử gia Phạm Cao Dương kể trên.

Sự thực, công trình nghiên cứu của sử gia Phạm Cao Dương không đơn giản như cách trình bày giản lược hóa của Cù Huy Hà Vũ. Cách trình bày của Cù Huy Hà Vũ làm người đọc (những người chưa đọc cuốn sách của sử gia Phạm Cao Dương) hiểu nhầm rằng kết luận “Chính phủ Trần Trọng Kim là một chính phủ độc lập” là một kết luận đơn sơ, chỉ dựa trên một số sự kiện mà tác giả Cù Huy Hà Vũ liệt kê trong bài.

Để chứng minh Chính phủ Trần Trọng Kim không phải là chính phủ “tay sai” và “bù nhìn” mà là một chính phủ “độc lập”, cuốn sách “Bảo Đại – Trần Trọng Kim và Đế quốc Việt Nam” của sử gia Phạm Cao Dương dài gần 800 trang, gồm 19 chương, trích dẫn hơn 200 tài liệu, nhiều phụ lục và trình bày các tư liệu gốc, khảo sát về quá trình hình thành, cấu trúc, toàn bộ hoạt động, thành tựu và di sản của chính phủ Trần Trọng Kim.

Cuốn sách chứng minh Chính phủ Trần Trọng Kim là độc lập, hoàn toàn không đơn giản chỉ bằng cách căn cứ vào những sự kiện mà Cù Huy Hà Vũ trình bày lại để phản biện.

Muốn phản biện công trình nghiên cứu của sử gia Phạm Cao Dương, tác giả Cù Huy Hà Vũ cần phải trình bày trung thực và chính xác các luận điểm của người mình phản biện, xem xét các tư liệu lịch sử mà cuốn sách đó sử dụng cũng như cách xử lý, phân tích các tư liệu đó.

“Tay sai”?

Muốn chứng minh chính phủ Trần Trọng Kim là “tay sai” của Nhật Bản, người nghiên cứu phải:

  1. Thu thập sử liệu để liệt kê những công việc mà Chính phủ Nhật (hoặc quân đội Nhật ở Đông Dương) muốn chính phủ Đế quốc Việt Nam thực hiện.
  2. Chứng minh rằng Chính phủ Đế quốc Việt Nam đã làm theo yêu cầu của Nhật.
  3. Chứng minh rằng những việc đó chỉ phục vụ lợi ích của Nhật, đồng thời xâm hại lợi ích của Việt Nam.

Tuy nhiên, không ai có thể tìm thấy bất kì bằng chứng nào như vậy.

Tác giả Cù Huy Hà Vũ cũng không trình bày được bất kỳ bằng chứng nào như vậy trong bài. Để chứng minh Chính phủ Trần Trọng Kim là “tay sai” và “bù nhìn”, như trình bày ở các phần tiếp theo, tác giả đã dùng cách diễn giải sai văn bản, sự kiện và gán ghép.

Sử gia Phạm Hồng Tung trong sách “Nội các Trần Trọng Kim, bản chất, vai trò và vị trí lịch sử” (NXB Chính trị Quốc gia, 2009) đã cũng thừa nhận: Chính phủ Trần Trọng Kim không phải là tay sai của Nhật. Bởi lẽ không có bằng chứng nào để kết luận như vậy cả. (trang 347)

“Bù nhìn”?

Muốn chứng minh Chính phủ Trần Trọng Kim là “bù nhìn”, người ta phải thu thập các sử liệu để chứng minh:

  1. Nhật Bản can thiệp vào nhân sự của Chính phủ, trong thực tế nắm quyền ra quyết định.
  2. Liệt kê các hoạt động của Chính phủ Trần Trọng Kim, chứng minh rằng Chính phủ này không được làm việc và không làm việc được, chỉ ngồi ăn bánh uống trà, hoặc chỉ làm những việc có tính thứ yếu, không quan trọng. Những việc quan trọng do người Nhật đảm trách.

Bài viết của Cù Huy Hà Vũ hoàn toàn không thực hiện những thao tác có tính phương pháp luận căn bản đó.

Công trình nghiên cứu của sử gia Phạm Cao Dương dành 6 chương để khảo sát các hoạt động và thành tựu của Chính phủ Trần Trọng Kim trong vòng hơn 4 tháng tồn tại, tính từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 8: xây dựng các biểu tượng quốc gia, Việt hóa giáo dục và văn hóa, chống nạn đói, nỗ lực khôi phục hệ thống giao thông nam bắc, xây dựng lực lượng thanh niên [lực lượng quốc phòng ẩn danh để Nhật không kiểm soát được], đấu tranh giành lại Nam Kỳ thành công, thu hồi 3 thành phố Hà Nội – Hải Phòng – Đà Nẵng, bổ nhiệm các thị trưởng người Việt, giải cứu các nhà hoạt động cách mạng bị Nhật – Pháp bắt thuộc các phe phái khác nhau trong đó có cả Việt Minh, xây dựng nền tảng pháp lý cho chế độ tự do dân chủ [quyền tự do lập hội, tự do hội họp, tự do lập nghiệp đoàn], thành lập các hội đồng soạn Hiến pháp, cải cách tư pháp, cải cách giáo dục và hoạt động thanh niên.

Cù Huy Hà Vũ muốn phản biện sử gia Phạm Cao Dương, chứng minh Chính phủ Trần Trọng Kim là bù nhìn, thì không được bỏ quên 5 chương sách nói trên trong công trình mình phản biện, ngược lại, phải đối diện với nó, khảo sát các bằng chứng và lập luận của sách, liệt kê đầy đủ bằng chứng để chứng minh rằng:

  1. Các thành tựu nói trên không quan trọng, chỉ là thứ yếu. Các việc quan trọng do Nhật làm.
  2. Các thành tựu nói trên là những “bản nhạc” do Nhật làm “nhạc trưởng”, Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ “múa phụ họa.”

Ở chú thích số 5 trong bài, Cù Huy Hà Vũ liệt kê thành viên nội các của Chính phủ Trần Trọng Kim. Tất cả đều là các nhà trí thức nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ 20, không có bất kỳ người Nhật nào lọt vào nội các, dù là với danh nghĩa “cố vấn”.

Cù Huy Hà Vũ cũng không chứng minh được người Nhật điều khiển hoạt động của Chính phủ Trần Trọng Kim thông qua các công cụ gián tiếp.

Công trình của sử gia Phạm Hồng Tung

Sử gia Phạm Hồng Tung trong cuốn sách nhắc đến ở phần trên đưa ra luận điểm sau: Chính phủ Trần Trọng Kim không phải là “tay sai” nhưng là “bù nhìn”. Để bàn về tính chất “bù nhìn” của Chính phủ Trần Trọng Kim, ông đã chấp nhận thực tế lịch sử sau là tiền đề:

  • Cách mạng Tháng 8 không lật đổ ách thống trị của người Nhật. Thực tế không ở đâu trên toàn quốc, Việt Minh có thể giành được chính quyền từ Nhật, hoặc bắt Nhật giao chính quyền.
  • Thực tế Việt Minh giành chính quyền từ tay Chính phủ Trần Trọng Kim

Sau đó, tác giả đặt ra mục đích nghiên cứu: Cần khảo sát vai trò, bản chất của hoạt động của “chính quyền bù nhìn” do Bảo Đại và Trần Trọng Kim đứng đầu, bởi vì chỉ có thế thì “chúng ta mới làm rõ được tầm vóc, tính chất và ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng 8”. (Sdd, trang 331)

Điều đó có nghĩa, trước khi khảo sát đối tượng, sử gia đã có sẵn kết quả nghiên cứu rồi. Trước khi nghiên cứu, sử gia đã có sẵn kết luận rằng Chính phủ Trần Trọng Kim là bù nhìn. Mục đích của sử gia là nghiên cứu tính chất bù nhìn này để làm rõ “tầm vóc” của cuộc cách mạng lật đổ nó. Nếu làm việc theo cách đó, sử gia đang thực hiện một nhiệm vụ chính trị, không còn thực thi thiên chức của sử gia, bởi lẽ, đối với học thuật, đã có sẵn kết quả nghiên cứu thì việc nghiên cứu trở nên vô nghĩa.

Nhưng Phạm Hồng Tung khác Cù Huy Hà Vũ ở một điểm: là sử gia chuyên nghiệp, Phạm Hồng Tung không thể loại bỏ các sử liệu liên quan đến thành tựu của Chính phủ Trần Trọng Kim. Vậy làm thế nào để chứng minh đây là một chính phủ “bù nhìn” khi phải xử lý những tư liệu liên quan đến thành tựu của nó? Cuốn sách của sử gia Phạm Hồng Tung xử lý vấn đề này bằng một phong cách sử học khá thú vị. Phân tích công trình nghiên cứu của Phạm Hồng Tung ở đây sẽ làm lạc đề bài viết. Tôi xin dành câu chuyện này vào một dịp khác.

Sai ở từng chi tiết lập luận

Tác giả Cù Huy Hà Vũ không chứng minh được Chính phủ Trần Trọng Kim là chính phủ “tay sai” hay “bù nhìn” bằng các bằng chứng trực tiếp. Tuy vậy, ông đã dùng nhiều cách để cố gắng đi đến kết luận này. Các cố gắng này của ông đều sai về phương pháp khoa học.

Khẳng định mà không có bằng chứng

Cả hai hồi ký “Con rồng An Nam” của Bảo Đại và “Một cơn gió bụi” của Trần Trọng Kim đều khẳng định người chọn Trần Trọng Kim làm thủ tướng là Bảo Đại, không phải Nhật. Cù Huy Hà Vũ khẳng định Nhật “chọn” Trần Trọng Kim mà không đưa ra bằng chứng nào.

Giả sử chúng ta tạm thời chấp nhận suy luận của Cù Huy Hà Vũ là có thể có tính logic thực tế (Nhật đã đưa Trần Trọng Kim và Dương Bá Trác đi Singapore trước đó để tránh bị Pháp bắt), lập luận sau đây của tác giả hoàn toàn không dựa trên bất kỳ một chứng cứ lịch sử nào:

“Nhật không thể chọn một chính khách để lập chính phủ vì một người như vậy với kinh nghiệm chính trị của mình dễ trở nên bất trị. (…) Thay vào đó Nhật đã chọn nhà giáo và nhà sử học Trần Trọng Kim, tức một người thuần túy chuyên môn, để rồi tác giả Việt Nam Sử Lược đưa vào nội các của mình những nhân sĩ, trí thức chưa từng nắm chức vụ chính quyền cũng như không có chân trong bất cứ đảng phái chính trị nào.”

Lập luận này rõ ràng nằm trong mạch lập luận với hàm ý Nội các Chính phủ Trần Trọng Kim là “bù nhìn” vì không có năng lực thực tế.

Lập luận này hoàn toàn tư biện. Không thiếu những chính khách chuyên nghiệp cầm quyền nhưng không làm được gì. Và cũng không thiếu nhân sỹ cầm quyền đã đem lại những thành tựu to lớn. Nếu muốn phủ nhận các thành tựu của Chính phủ Trần Trọng Kim mà sử gia Phạm Cao Dương trình bày, Cù Huy Hà Vũ cần phân tích bản thân các thành tựu đó để phủ nhận chúng.

Cù Huy Hà Vũ không trả lời các nghiên cứu của sử gia Phạm Cao Dương về thành tựu của Chính phủ này trong hơn 4 tháng tồn tại, được trình bày trong 5 chương sách, chỉ khẳng định mà không có luận cứ đi kèm để làm rõ luận điểm của mình.

Vấn đề Nam Kỳ và cách diễn giải sai ý nghĩa văn bản

Tiếp đó, Cù Huy Hà Vũ dẫn một tư liệu đã được sách vở và báo chí tuyên truyền trong nước nói nhiều lần: Tuyên bố của Toàn quyền Nhật Bản tại Đông Dương là Minoda.

Trong một cuộc họp với công chức người Việt ở Long Xuyên ngày 30/3/1945, Minoda huỵch toẹt bằng tiếng Pháp:

“Có một sự hiểu lầm lớn về sự độc lập ở Đông Dương. Sự độc lập này là hoàn toàn ở dưới sự kiểm soát quân sự của Nhật Bản. Sự độc lập của đế chế Trung kỳ và cũng như của Cao Miên đã được tuyên bố. Nam kỳ chẳng những ở dưới sự kiểm soát quân sự mà còn dưới cả sự cai trị quân sự của Nhật Bản. Vậy thì không có sự độc lập của Nam kỳ” (8).

Cù Huy Hà Vũ cho rằng câu nói này của Minoda “cho thấy rõ nền độc lập mà Nhật trao cho Việt Nam nói riêng, Đông Dương nói chung, giả hiệu như thế nào.”

Tác giả không phân tích văn bản, chỉ đơn giản là lặp lại sách báo tuyên truyền của nhà nước, mà không nhận ra rằng, chính câu nói đó của Minoda đã chứng minh cho nền độc lập của Việt Nam đương thời, trong bối cảnh trước đó, Nam Kỳ bị sáp nhập vào lãnh thổ Pháp, còn Bắc và Trung Kỳ chịu chế độ bảo hộ.

Như đã biết, Pháp tách Việt Nam làm 3 kỳ với 3 chế độ chính trị khác nhau, sáp nhập chung vào Liên bang Đông Dương, trong đó Nam Kỳ là lãnh thổ thuộc Pháp, áp dụng trực tiếp luật pháp của nước Pháp chính quốc.

Lập luận của Minoda là:

  • Nhật Bản sau khi đảo chính Pháp thì chỉ trao trả độc lập cho Trung Kỳ và Bắc Kỳ, tức vùng lãnh thổ nhà Nguyễn cai quản nhưng thực dân Pháp bảo hộ (nay Pháp đã bị loại bỏ).
  • Còn Nam Kỳ thì vốn không thuộc cai quản của nhà Nguyễn dưới chế độ thuộc địa nên Nhật không trả.

Minoda nhấn mạnh “sự kiểm soát quân sự” và thậm chí “sự cai trị quân sự của Nhật Bản” là dành cho Nam Kỳ, không phải cho vùng lãnh thổ đã trả lại cho nhà Nguyễn. Tuy vậy, Cù Huy Hà Vũ diễn giải nó như là sự kiểm soát dành cho Chính phủ Trần Trọng Kim mà Bảo Đại là hoàng đế.

Cả hai hồi ký của Bảo Đại và Trần Trọng Kim đều thuật lại quá trình họ đấu tranh với Nhật ngay từ ngày đầu tiên tiếp xúc (10/3 giữa Bảo Đại và Nhật) về vấn đề Nam Kỳ. Câu nói trên của Minoda, như chính Cù Huy Hà Vũ trích dẫn, là vào ngày 30/3, tức khi Chính phủ Trần Trọng Kim còn chưa chính thức nắm quyền (ngày 17/4), và cũng chỉ nhắm đến mục đích giữ lại Nam Kỳ, chứ không phủ nhận sự độc lập của chính thể quản lý 2 vùng lãnh thổ còn lại, thậm chí, khẳng định sự độc lập của nó.

Như vậy, về mặt logic của ngôn ngữ và logic thực tế, dữ liệu mà Cù Huy Hà Vũ sử dụng đã bác bỏ luận điểm của chính ông.

Về mặt thực tế, Chính phủ Trần Trọng Kim đã đấu tranh ngoại giao liên tục trong suốt hơn 4 tháng tồn tại, để Nhật trả lại Nam Kỳ và các thành phố chủ chốt. Đến đầu tháng 8, Nhật đã phải đồng ý. Sự thực là Chính phủ Trần Trọng Kim đã thống nhất 3 miền về mặt hành chính chỉ ít ngày trước khi giải tán sau khi Việt Minh tuyên bố kiểm soát chính quyền. Cuốn sách của sử gia Phạm Cao Dương đã trình bày đầy đủ quá trình đấu tranh ngoại giao vào đi tới thắng lợi này của họ nhưng Cù Huy Hà Vũ không nhắc đến, không phản bác.

Diễn giải sai luật pháp quốc tế

Để chứng minh Chính phủ Trần Trọng Kim là tay sai của Nhật, Cù Huy Hà Vũ viện dẫn luật pháp quốc tế.

“một khi phe Đồng Minh xác định Nhật phát xít là “kẻ thù” thì dĩ nhiên mọi nền độc lập được Nhật trao là vô giá trị cũng như mọi chính thể/chính quyền thành lập tại lãnh thổ bị Nhật cưỡng chiếm hoặc chiếm đóng là bất hợp pháp, thậm chí những người đứng đầu chính thể/chính quyền này có thể bị coi là tội phạm chiến tranh.:

Nhận xét: Đây là chỉ là một suy luận có tính chất tư biện, không tuân theo quy tắc lập luận của khoa học pháp lý. Nếu dùng luật pháp quốc tế để kết tội một chính phủ, người ta phải:

  • Trích dẫn luật pháp quốc tế hoặc án lệ quốc tế tương tự.
  • Phân tích để soi chiếu đối tượng với điều luật đó
  • Chứng minh có thể áp dụng điều luật / án lệ quốc tế đó cho đối tượng

Ở đây, Cù Huy Hà Vũ không làm như vậy nên tôi không bàn tiếp được. Vấn đề là, khi chưa xây dựng xong tiền đề cho lập luận, thì bài viết đã đi đến hệ luận:

“Điều này đồng nghĩa nền độc lập Việt Nam mà Nhật trao cho Bảo Đại là vô giá trị, Đế quốc Việt Nam cũng như chính phủ Trần Trọng Kim là bất hợp pháp, bản thân Thủ tướng Trần Trọng Kim và các thành viên nội các thậm chí có thể bị coi là tội phạm chiến tranh (11).”

Trong các lập luận pháp lý, một hệ luận không có tiền đề là một hệ luận chưa có giá trị.

Tiếp tục diễn giải sai luật pháp quốc tế

Tiếp tục, bài viết viện dẫn luật pháp quốc tế:

Đối với Đồng Minh và tiếp đó Liên Hiệp quốc mà phe này là trụ cột, có ba cách để một dân tộc đạt được độc lập.

Một là, thực hiện quyền dân tộc tự quyết, được ghi tại Điều 55 Hiến chương Liên Hiệp Quốc do 50 quốc gia ký ngày 26/6/1945 tại San Francisco, Hoa Kỳ. Đáng lưu ý là quyền tối cao này của một dân tộc thường được thực hiện dưới hình thức chiến tranh giành độc lập.

Hai là, được một nước không đối địch với phe Đồng Minh trong Chiến tranh thế giới II trao trả độc lập.

Ba là, được Hội đồng quản thác Liên Hiệp Quốc trao trả độc lập.

Nhận xét:

Hiến chương Liên Hiệp quốc không hề nói quyền dân tộc tự quyết thường được thực hiện dưới hình thức chiến tranh giành độc lập, như Cù Huy Hà Vũ gợi ý.

Ngược lại, Điều 55 của Hiến chương này (nơi nhắc đến quyền dân tộc tự quyết), khẳng định mục đích của quyền dân tộc tự quyết là xây dựng hòa bình, nền tảng của quyền dân tộc tự quyết là sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là các quyền con người và quyền tự do cơ bản của con người.

Như trên đã nói, sử gia Phạm Cao Dương đã chứng minh rằng, một trong những thành tựu sớm nhất của Chính phủ Trần Trọng Kim trong hơn 4 tháng tồn tại là xây dựng nền tảng pháp lý để bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản của con người, tức là hoàn toàn tiến bộ như tinh thần của Hiến chương Liên Hiệp quốc.

Về “cách độc lập” thứ 2 mà Cù Huy Hà Vũ nói tới (được một nước không đối địch với phe Đồng Minh trong Chiến tranh thế giới II trao trả độc lập) thì tác giả không nói mình nghe thấy điều này ở đâu, không dẫn nguồn, nên tôi không khảo sát được.

Còn “cách độc lập” thứ 3, (được Hội đồng quản thác Liên Hiệp Quốc trao trả độc lập) thì tác giả cũng không trích dẫn các văn bản và hoạt động liên quan của Hội đồng này để chứng minh cho luận điểm của mình. Thực tế, nó hình thành khá trễ sau thế chiến (cuối 1946) và họp phiên đầu tiên vào tháng 3 năm 1947. Toàn bộ chức năng và nhiệm vụ của Hội đồng này được nêu trong Hiến chương Liên Hiệp quốc kể trên, tại Chương XII và XIII (điều 75 đến 91). Trong đó, không có câu chữ nào nói rằng nó có chức năng trao trả độc lập. Chức năng của Hội đồng này là sẽ hỗ trợ cho một số loại lãnh thổ, trong đó có những lãnh thổ tách ra từ “các quốc gia thù địch”, có thể hiểu là Nhật, Đức, Ý, (Điều 77), sau khi chiến tranh kết thúc, để phát triển kinh tế xã hội, phát triển quyền con người và các quyền tự do cơ bản, hướng đến tự quản hoặc độc lập trong tương lai (Điều 76).

Diễn giải sai sự kiện và thời điểm

Sau khi viện dẫn luật pháp quốc tế như trên, Cù Huy Hà Vũ viết:

“Điều này giải thích vì sao Bảo Đại đã không nhận được hồi âm nào từ Tổng thống Mỹ Truman, Quốc Vương Anh George VI, Thống chế Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch và Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp, Tướng De Gaulle sau khi gửi điện cho họ yêu cầu công nhận nền độc lập của Việt Nam.”

Trong hồi ký “Con rồng An Nam” của Bảo Đại mà Cù Huy Hà Vũ trích dẫn, Bảo Đại đã nói rõ thời điểm ông soạn thư để cho các nước trên thông báo về nền độc lập: Ngày 18/8/1945.

Đây là thời điểm soạn thư. Cù Huy Hà Vũ bỏ qua vấn đề thời gian:

  • Ở bối cảnh đó, để thư đi từ Huế đến được London, Washington DC, Nam Kinh, Paris thì mất bao lâu?
  • Ngay ngày hôm sau, Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội. Một tuần sau thì Bảo Đại thoái vị. Làm sao các nước trên có thể hồi âm cho một chính phủ không còn tồn tại?

Coi “Con rồng An Nam” là một sử liệu, nhưng Cù Huy Hà Vũ khi trích dẫn sử liệu này thì đã bỏ qua thông tin về thời điểm gửi thư, gây ra một nhận thức sai về lịch sử (Các nước không hồi âm Bảo Đại vì ông là “tay sai” của Nhật) để nhằm chứng minh Chính phủ Trần Trọng Kim là “tay sai”.

Về vấn đề hồi âm thư của các nước lớn đối với Việt Nam, tác giả Cù Huy Hà Vũ cũng quên mất rằng, sau khi lật đổ Chính phủ Trần Trọng Kim, thì Chính phủ Hồ Chí Minh cũng gửi thư cho tất cả các nước lớn, kể cả Liên Xô, nhưng không hề được ai hồi đáp.

Sự im lặng này của quốc tế, bao gồm cả Liên Xô, đối với Chính phủ Hồ Chí Minh kéo dài 5 năm. Vậy trong trường hợp Chính phủ Trần Trọng Kim, các nhà nghiên cứu ngày nay có thể sử dụng việc “không nhận được thư hồi đáp” soạn ngay trước khi bị lật đổ 1 ngày/ hoặc 1 tuần như là bằng chứng của sự lệ thuộc, “tay sai” hay không?

Đồng nhất Chính phủ Trần Trọng Kim với một chính phủ có bản chất hoàn toàn khác

Không có bất kỳ một bằng chứng nào để chứng minh Chính phủ Trần Trọng Kim là “tay sai” của Nhật, sau khi viện dẫn luật pháp quốc tế và diễn giải sai sự kiện như trên, tác giả Cù Huy Hà Vũ dùng phương pháp đồng nhất Chính phủ Đế quốc Việt Nam với Chính phủ Đế quốc Mãn Châu mà Nhật Bản thành lập năm 1932.

Sau khi trình bày lo lắng của Bảo Đại và Trần Trọng Kim, khi chuẩn bị thành lập chính phủ, về khả năng (chúng tôi nhấn mạnh: chỉ là một “khả năng”) có thể bị phe Đồng minh coi là “tay sai” của Nhật, Cù Huy Hà Vũ viết:

“Sự lo lắng này của Bảo Đại đã được thực tế chứng minh là có cơ sở. Ngay sau khi Nhật đầu hàng, các chính thể/chính phủ được thành lập dưới sự chiếm đóng của Nhật như Đại Mãn Châu Đế quốc, Chính phủ Uông Tinh Vệ, Mông Cương quốc, Đệ nhị Cộng hòa Philippines… sụp đổ hoặc bị lực lượng Đồng Minh giải thể. Những người đứng đầu các chính quyền này nếu bị bắt sẽ bị giam cầm bất luận có bị xét xử hay không, Phổ Nghi, Hoàng đế Đại Mãn Châu Đế quốc là ví dụ cho trường hợp này”

Thực vậy, Chính phủ Đế quốc Mãn Châu có đầy đủ đặc điểm của một chính phủ bù nhìn.

  1. Chính phủ này có thủ tướng và các bộ trưởng là người Mãn hoặc người Hán, nhưng thứ trưởng một loạt bộ quan trọng là người Nhật, và những người Nhật này nắm quyền ra quyết định.
  2. Chính phủ này có Bộ trưởng Quốc phòng là một người Hán, có thành lập Quân đội Đế quốc Mãn Châu, nhưng hàng loạt tướng lĩnh chủ chốt lại là người Nhật (tướng lĩnh của cả Quân đội Nhật lẫn Quân đội Mãn Châu). Quân đội Nhật trực tiếp chỉ huy và điều động Quân đội Đế quốc Mãn Châu trong chiến tranh với Đảng Cộng sản, Quốc Dân đảng Trung Quốc và Liên Xô sau đó.

Muốn nêu trường hợp Chính phủ Đế quốc Mãn Châu với hàm ý Chính phủ Trần Trọng Kim cũng tương tự như thế, tác giả Cù Huy Hà Vũ cần chứng minh Chính phủ Trần Trọng Kim có các đặc điểm tương tự: Người Nhật có mặt trong Nội các, dù với danh nghĩa cấp phó, cố vấn hay cận vệ nhưng là người nắm thực quyền, lập kế hoạch và thực thi công việc, hoặc chứng minh người Nhật không có mặt trong Nội các nhưng điều khiển Chính phủ Trần Trọng Kim một cách gián tiếp.

Không ai có thể tìm thấy những bằng chứng như vậy. Tác giả Cù Huy Hà Vũ cũng chỉ nêu trường hợp Mãn Châu để so sánh với Chính phủ Trần Trọng Kim, cũng chỉ khẳng định “trong con mắt của Nhật, chính phủ tương lai của Đế quốc Việt Nam sẽ không có quyền gì khác ngoài tuân lệnh nước này. Nói cách khác, đó sẽ là một chính phủ bù nhìn”, nhưng không chứng minh được hai chính phủ này giống nhau, không đưa ra được bất kỳ một dữ kiện nào cho thấy Chính phủ Trần Trọng Kim “tuân lệnh” Nhật Bản.

Không những thế, hai hồi ký của Bảo Đại và Trần Trọng Kim mà Cù Huy Hà Vũ trích dẫn, cũng như hành động thực tế của họ, lại cung cấp những chứng cứ ngược lại.

  1. Họ tự quyết định nhân sự của chính phủ. Họ tự quyết việc thành lập và giải tán nó.
  2. Họ tự quyết định các vấn đề trọng đại của chính phủ, đạt được những thành tựu to lớn, mà sử gia Phạm Cao Dương đã trình bày trong công trình nghiên cứu của mình và tôi có tóm lược ở trên.
  3. Họ không phục vụ cho bất kỳ một yêu sách nào của Nhật.
  4. Nội các chính phủ không có bất kỳ Bộ trưởng nào có quá khứ thân Nhật, từng hợp tác hay có mối liên hệ nào với Nhật (ngoại trừ Trần Trọng Kim có một mối liên hệ trước đó: Trong hồi ký của mình, ông kể rằng mình đã bị/hay được Nhật mang đi an trí ở Singapore cùng chí sĩ Dương Bá Trác để tránh bị Pháp bắt).
  5. Họ chống lại Nhật ở vấn đề dân sinh quan trọng nhất: Yêu cầu Nhật chấm dứt chính sách họ thực hiện sau khi vào Đông Dương 5 năm trước đó là thu mua thóc tạ. Họ cũng chống lại chính sách duy trì việc tách Nam Kỳ khỏi Việt Nam từ thời Pháp.
  6. Về mặt quân sự, nhu cầu Nhật quan tâm nhất lúc đó, Chính phủ Trần Trọng Kim lo sợ quân Nhật sử dụng mình nên đã không thành lập Bộ Quốc phòng và quân đội (để quân Nhật không thể lợi dụng) mà lập Bộ Thanh Niên do Phan Anh lãnh đạo, thành lập Trường Thanh Niên Tiền Tuyến đào tạo sĩ quan quân sự. Trường Thanh Niên Tiền Tuyến là trường quân sự trá hình, học viên được chọn lọc trong thành phần “tinh hoa” của xã hội đương thời. Di sản mà trường quân sự này để lại cho thấy sự đầu tư nghiêm túc của Chính phủ Trần Trọng Kim cả về mặt vật chất lẫn tuyển chọn học viên cho trường quân sự hiện đại đầu tiên của Việt Nam: nhiều người về sau trở thành tướng lĩnh của Chính phủ Hồ Chí Minh, như Phan Tử Lăng (hiệu trưởng đương thời), Cao Văn Khánh, Đặng Văn Việt, Lê Tự Đồng, Nguyễn Thế Lâm, Cao Pha, Mai Xuân Tần, Võ Quang Hồ, Đoàn Huyên, Phan Hàm, Đào Hữu Liêu. Việt Nam Cộng hòa có ông Nguyễn Hữu Hanh (Thống đốc Ngân hàng Quốc gia, Tổng trưởng Kinh tế Tài chánh) cũng xuất thân trường quân sự này.

Những đặc điểm trên của Chính phủ Trần Trọng Kim được thể hiện rõ trong chính những tư liệu mà tác giả Cù Huy Hà Vũ cũng sử dụng trong bài, nhưng không nhắc đến.

Nguyên tắc cơ bản của học thuật là xử lý tất cả các dữ liệu liên quan đến đối tượng nghiên cứu một cách khách quan, không loại bỏ những dữ liệu chống lại giả thuyết của mình, không duy nhất chỉ sử dụng những dữ kiện phù hợp với niềm tin của mình.

Kết tội bằng phương pháp gán ghép gián tiếp

Sự “giả trá” của Nhật không có nghĩa là chính phủ Đế Quốc Việt Nam là bù nhìn, ngây thơ, nhu nhược. Muốn phê phán chính phủ Trần Trọng Kim, người phê phán cần tập trung vào chính đối tượng phê phán, không thể mượn việc phê phán một đối tượng này (Nhật Bản) để kết luận gián tiếp về đối tượng khác (Chính phủ Trần Trọng Kim). Đó là phương pháp thường dùng trong “đấu tố” Cải Cách Ruộng Đất, nơi người ta phê phán cha để kết tội con, phê phán anh để kết tội em.

Cù Huy Hà Vũ phê phán Nhật:

“Trên mới là cảm nhận, còn đây mới là bằng chứng cụ thể về sự giả trá của Nhật trong việc trao nền độc lập Việt Nam: Đại sứ Yokoyama lặng im đối với vấn đề Nam Kỳ trong khi sự thống nhất của Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam Kỳ là cốt lõi của một nước Việt Nam thực sự độc lập. Cựu Hoàng tiếp tục thổ lộ:

“…đối với Nam Kỳ, nếu họ ngại không dám nói, đó là họ muốn giữ lấy phần cho chính họ hầu có thể dùng làm con bài trao đổi, khi cần đến. Liệu tôi có thể bỏ qua không chấp nhận cái đề nghị độc lập khi được người ta đưa tặng. Nền độc lập vốn là mộng ước của tất cả mọi người Việt Nam”.

Lời nói này của Bảo Đại là tính toán của ông khi ở giai đoạn thành lập chính phủ. Sự tính toán này hoàn toàn sáng suốt, không hề ảo tưởng về thái độ của Nhật.

Muốn biết chính phủ Trần Trọng Kim có ảo tưởng về Nam Kỳ hay không, phải xem có quyết tâm đòi bằng được Nam Kỳ hay chấp nhận mất nó. Như trên đã nói, họ đã kiên trì thông qua ngoại giao để đòi được Nam Kỳ sau đó, thống nhất Việt Nam sau gần 8 thập kỷ bị chia cắt. Cù Huy Hà Vũ viện dẫn chính vấn đề Nam Kỳ để chứng minh chính phủ Trần Trọng Kim bù nhìn, trong khí đó, chính vấn đề Nam Kỳ lại là bằng chứng cho thấy đó là một chính phủ độc lập.

Trần Trọng Kim là người có công lớn xây dựng chủ nghĩa dân tộc địa lý ở Việt Nam, xây dựng ý thức về lãnh thổ quốc gia. Bất chấp sự chia cắt của Pháp, người cha của sử học hiện đại Việt Nam đã khẳng định tính thống nhất về lãnh thổ, văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử của cả 3 miền, trong công trình sử học hiện đại đầu tiên của Việt Nam bằng chữ quốc ngữ. Ông lặp lại điều đó trong bộ “Quốc văn giáo khoa thư” cho trẻ em ở thập niên 1920s. Với tư cách là một nhà lãnh đạo giáo dục của nền cộng hòa thực dân, Trần Trọng Kim đã dùng chính nền giáo dục thực dân để xây dựng ý thức về lịch sử và lãnh thổ dân tộc trong hệ thống giáo dục. Sau này, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “nước Việt Nam là một…” mà được người dân hưởng ứng thì cần nhớ, người xây dựng nền tảng tinh thần cho xã hội thông qua hệ thống giáo dục chính thức trong nhà trường thực dân trước đó, chính là Trần Trọng Kim.

Tiếp tục diễn giải sai văn bản

Cù Huy Hà Vũ trích dẫn “Một cơn gió bụi” của Trần Trọng Kim, nhưng loại bỏ những thông tin liên quan đến hoạt động và thành quả của Chính phủ Đế quốc Việt Nam, trích dẫn một đoạn văn thể hiện tinh thần độc lập của Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ để kết luận đó là chính phủ bù nhìn.

Đoạn văn tác giả trích dẫn nằm ở chương IV (“Ra Huế lập chính phủ”), nói về tình thế của Chính phủ ở ngay những ngày mới ra đời, và những nỗ lực của chính phủ để xây dựng một hệ thống hành chính hiệu quả, không phải với mục đích “đưa ra dẫn chứng cho thấy Đế quốc Việt Nam không phải là một quốc gia độc lập theo đúng nghĩa đen của từ này” như Cù Huy Hà Vũ giải thích.

“Khi còn chính phủ bảo hộ thì có hai chính phủ, mọi việc quan hệ đến chính trị trong nước thì do chính phủ bảo hộ định đoạt, chính phủ Nam Triều có vua và triều đình nhưng chỉ đặt ra để thi hành những mệnh lệnh của chính phủ bảo hộ mà thôi, chứ không có quyền hành gì cả. Nay phải hợp nhất cả hai chính phủ này, bắt các quan ở các tỉnh chỉ được trực tiếp với chính phủ Việt Nam mà thôi và cấm không cho gửi văn thơ về sở tối cao cố vấn Nhật nữa… Ấy là chỉ nói việc sửa đổi cai trị thôi, còn các cơ quan trọng yếu về chính trị như công an, sở tuyên truyền công văn hãy còn ở trong tay người Nhất cảViệc binh bị trong nước là việc quan trọng đến vận mạng cả nước, mà lúc ấy quân lính và súng ống không có… Việc phòng bị do quân Nhật đảm nhận hết”.

Nhận xét: Ở đoạn văn trên, Trần Trọng Kim nói những vấn đề sau.

  • Thời Pháp thuộc, hệ thống quan lại chỉ quen nghe mệnh lệnh của chính phủ bảo hộ, không có quyền hành, không có tinh thần độc lập. (Đây là nhận xét của Trần Trọng Kim về giai đoạn Pháp thuộc trước, là di sản mà ông phải đối mặt và sửa chữa, chứ không phải là nói về bản chất của chính phủ của ông).
  • Cách giải quyết của ông: Bắt các quan tỉnh chỉ được làm việc trực tiếp với chính phủ Việt Nam, “cấm không cho gửi văn thơ về sở tối cao cố vấn Nhật nữa”. Đây là một chính sách thể hiện rõ tinh thần độc lập của Chính phủ Trần Trọng Kim đối với Nhật. Tinh thần đó rõ ràng đến nỗi không còn gì để giải thích.
  • Chỗ có dấu ba chấm (…) trong đoạn mà Cù Huy Hà Vũ trích lại là một câu mà Cù Huy Hà Vũ đã cắt bỏ. Câu văn bị Cù Huy Hà Vũ cắt bỏ là: “May lúc đó đƣợc viên Tối Cao Cố Vấn Nhật là ông Yokohama, một ngƣời am hiểu tình thế và nhã nhặn, cho nên mọi việc cũng giải quyết được dễ dàng.” Câu văn bị Cù Huy Hà Vũ cắt bỏ này một lần nữa cũng là câu cho thấy Chính phủ Trần Trọng Kim là chính phủ độc lập. Tối Cao Cố Vấn Nhật Yokohama tôn trọng các quyết sách của Chính phủ Trần Trọng Kim. Khi trích dẫn sử liệu, người nghiên cứu không nên cắt bỏ những đoạn, những ý bất lợi cho niềm tin của mình.
  • Khó khăn ở buổi đầu xây dựng chính phủ: Lực lượng vũ trang không có, vũ khí không có. Quân Nhật thì vũ trang hùng mạnh. Trần Trọng Kim đứng trước một nan đề: Không lập quân đội thì không được vì đó là “vận mạng” của đất nước, nhưng lập quân đội thì có khả năng bị quân Nhật lợi dụng. Và quyết sách của họ không thể đúng hơn trong tình thế đó: Thành lập quân đội trá hình với hình thức hội đoàn thanh niên, thành lập trường quân sự trá hình với tên gọi “Trường Thanh niên Tiền tuyến”.

Cù Huy Hà Vũ trích dẫn lời nói của Bảo Đại và Trần Trọng Kim cho thấy họ không tin người Nhật. Họ hiểu ý đồ của Nhật thì điều đó không có nghĩa là họ đương nhiên thành tay sai của Nhật như cách lập luận của tác giả. Đó chỉ là tư biện. Họ hiểu Nhật thì có thể dẫn đến nhiều khả năng:

  • Họ tuân theo ý đồ đó.
  • Họ không đi theo ý đồ đó.
  • Họ hiểu ý đồ của kẻ trao độc lập cho mình để dẫn dắt Việt Nam đi theo hướng khác.

Người nghiên cứu muốn biết họ lựa chọn con đường nào thì phải phân tích hành động cụ thể của họ. Đây là điều sử gia Phạm Cao Dương đã phân tích trong cuốn sách của mình. Cù Huy Hà Vũ đã không nhắc đến những khảo sát đó.

Kết thúc bài viết bằng cách diễn giải sai văn bản

Phần cuối bài viết, Cù Huy Hà Vũ trích dẫn Chiếu thoái vị của Bảo Đại, “muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Từ nay Trẫm lấy làm sung sướng được là Dân tự do, trong một nước độc lập.” và hô khẩu hiệu “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm” để kết luận Chính phủ Đế quốc Việt Nam trước đó là bù nhìn.

Nhận xét: Chiếu Thoái vị của vua Bảo Đại khá dài, không phải chỉ đơn giản kêu gọi các đảng phái đoàn kết xung quanh Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi tuyên bố “sung sướng được làm dân tự do”, như trình bày của Cù Huy Hà Vũ. Mạch lập luận của Bảo Đại là:

  • Đây là thời điểm quan trọng, dân tộc Việt Nam phải đoàn kết, còn tranh giành lẫn nhau thì chết.
  • Nếu Trẫm đợi trưng cầu dân ý rồi mới thoái vị thì có thể xảy ra xung đột giữa hai miền Nam và Bắc.
  • Quyết định thoái vị, trao quyền cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
  • Yêu cầu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 3 việc: tôn trọng lăng miếu, tôn trọng các đảng phái khác, lấy tình huynh đệ để đối xử với các đảng phái khác ý thức hệ với mình nhưng đều đấu tranh cho độc lập quốc gia, phải để cho họ tham gia chính phủ; yêu cầu các đảng phái đoàn kết với tân chính phủ.
  • Sung sướng làm dân một nước tự do hơn là làm vua một nước nô lệ.

Với mạch lập luận trên đây của Chiếu thoái vị, có thể coi Chiếu thoái vị này là bằng chứng để cho thấy Chính phủ Trần Trọng Kim trước đó là bù nhìn không? Có thể, nếu chúng ta tách ra một vài câu chữ khỏi văn bản, rồi định hướng cho người đọc hiểu theo cách mình muốn.

Cũng trong hồi ký này, ở ngay trang tiếp theo, Bảo Đại chép lại thông điệp gửi cho hoàng gia, nói rõ lý do thoái vị: Muốn trao quyền cho một chính phủ “có khả năng hướng mọi tiềm năng quốc gia” vào việc “củng cố nền độc lập này” (“Con rồng Việt Nam”, Sdd, trang 195). Thông điệp gửi cho hoàng gia của Bảo Đại đã nói rõ cách nhìn của ông về việc chuyển giao chính quyền cho Việt Minh:

  • Nền độc lập của Việt Nam đã có rồi, nhưng cần được củng cố.
  • Tin rằng Việt Minh sẽ là một lực lượng chính trị đoàn kết được tất cả các đảng phái khác nhau vì lợi ích của dân tộc.

Khi phân tích sử liệu, người học sử không được loại bỏ những nội dung trái với định kiến của mình, lại càng không được bóp nặn sử liệu để cấp cho nó những nội dung nó không có.

Sử học và giáo dục

Sách giáo khoa sử một thời

Việt Minh, trong báo “Cờ Giải phóng” (số 13, ngày 18/4/1945) đã tấn công Chính phủ Trần Trọng Kim, chỉ một ngày sau khi nó ra đời (17/4), là “bọc nhung vào ách Nhật, đầu độc đồng bào”, “ca ngợi giặc Nhật, vào hùa với giặc, áp bức bóc lột nhân dân”. (Dẫn lại từ: Trần Văn Giàu, Giai cấp công nhân Việt Nam – Từ Đảng Cộng Sản thành lập đến cách mạng thành công, in trong: Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, quyển I, NXB KHXH, 2003, trang 1627)

Chính phủ mới ra đời được 1 ngày, chưa có hoạt động gì, làm sao có thể đủ dữ liệu để báo Cờ Giải phóng kết tội to lớn đến thế?

Nhưng những ngôn từ tuyên truyền chính trị, tấn công đối thủ, vốn chỉ nhắm đến mục đích chính trị ngắn hạn trong một bối cảnh nhất định, lại được ngành giáo dục lịch sử đóng đinh vào sách giáo khoa như là bản thân thực tại.

Cho đến ít nhất năm 2001, Sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn viết tương tự báo “Cờ Giải phóng” chỉ một ngày sau khi Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời, dùng ngôn từ thóa mạ chính trị thay vì ngôn ngữ chuẩn mực của một cuốn sách giáo dục: “Bọn thân Nhật Trần Trọng Kim”, “làm ra vẻ ái quốc ái quần nhưng chúng nhanh chóng tỏ ra bất lực”, “chúng trở thành những tên tay sai ngoan ngoãn để cho chủ mới là Nhật càng thêm dễ dàng lừa bịp và vơ vét”, “chỉ sau một thời gian ngắn (…) bộ mặt tay sai bỉ ổi của bọn bù nhìn thân Nhật đã bị bóc trần” (trang 58-59)

Đến năm 2009, Sách giáo khoa Sử lớp 12 đã cắt bỏ những đoạn như vậy. Có lẽ đó là do ảnh hưởng của những nhận thức mới trước đó về Chính phủ Trần Trọng Kim được in trong sách “Trường Thanh Niên Tiền tuyến Huế năm 1945 – Một hiện tượng lịch sử” (NXB Công an Nhân dân, 2008). Trong sách này, sử gia Đinh Xuân Lâm đã viết rằng nếu nói Chính phủ Trần Trọng Kim “là bù nhìn thì e rằng không thật đúng” (trang 15)

Giáo dục tư duy sử học

Qua những câu chuyện đề cấp đến ở trên, bài viết này không nhắm đến kết luận Chính phủ Trần Trọng Kim là “bù nhìn” hay “độc lập” mà muốn gửi một thông điệp về tư duy sử học.

Gần đây, ở Việt Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương là người lên tiếng một cách kiên trì về vấn đề giáo dục lịch sử trong nhà trường: Theo ông, mục đích của giáo dục lịch sử là xây dựng phương pháp tư duy sử học. Nhưng phát biểu của Nguyễn Quốc Vương có phần đơn độc, vì chưa thấy các nhà giáo dục lịch sử ở Việt Nam lên tiếng.

Hơn nửa thế kỷ trước, giáo dục lịch sử ở Việt Nam Cộng hòa không chỉ dạy học sinh một bức tranh lịch sử do các sử gia hay nhà nước vẽ ra, mà còn dạy học sinh tư duy sử học, tức phương pháp suy nghĩ khoa học để tự mình tư duy về lịch sử, tự mình đánh giá bức tranh lịch sử do người khác vẽ ra, một cách độc lập và có chất lượng.

Sách “Luận đề về Trần Trọng Kim” (Bạn Trẻ xuất bản) của tác giả Kiêm Thêm dành cho học sinh trung học (đệ tứ) xuất bản năm 1960 ở Sài Gòn theo chương trình khung của Bộ Giáo dục đương thời, đã dạy học sinh các bước của thao tác của tư duy sử học như sau:

  1. Sưu tầm sử liệu
  2. Khảo sát sử liệu
  3. Phê bình sử liệu
  4. Xây dựng bức tranh lịch sử (trang 24, 25)

Từng bước nói trên đều phải được thực hiện một cách khách quan để có thể đi đến một nhận thức đúng về lịch sử. Đó là gợi ý của bài viết này.

(Ghi chú của VOA Tiếng Việt: Tấm hình trong bài này trước đây VOA ghi là “Nội các Trần Trọng Kim.” Chú thích này không đúng. Theo lời tiến sĩ Đinh Xuân Quân, người mà thân phụ của ông, Thẩm phán Đinh Xuân Quảng, có mặt trong bức hình này, thì hình này là nội các Hoàng thân Bửu Lộc, chụp tháng giêng 1954 tại dinh Gia Long Sài Gòn.

Từ trái sang phải, nhận diện như một hàng: Người thứ 1: không rõ tên họ; người thứ 2: Luật sư Đạm; người thứ 3: GS Luật khoa Nguyễn Quốc Định; người thứ 4: Hoàng thân Bửu Lộc; người thứ 5: BS Thú Y Phạm văn Huyến; người thứ 6: không rõ; người thứ 7: BS Phan Huy Quát; người thứ 8: Bảo Đại; người thứ 9: Lê Thăng; người thứ 10: Nguyễn Hữu Đệ; Người thứ 11: Nguyễn Tấn Tài; người thứ 12: không rõ ; người thứ 13: thẩm phán Đinh Xuân Quảng; người thứ 14: không rõ; người thứ 15: GS Kinh tế học Vũ Quốc Thúc; người thứ 16: không rõ.)

Bình Luận từ Facebook