Blog RFA
Gió Bấc
9-8-2021
“Bó đuốc sống” Lê Văn Tám hơn 70 năm qua vẫn lừng lững ngự trị trong sách giáo khoa, trên công viên, trường học, cổ xúy cho việc lấy thân xác trẻ em làm vũ khí khủng bố. Nhân mùa Covid, truyền nhân Lê Văn Tám đã ra mắt, rút ống thở của cha mẹ già nhường cho một sản phụ sinh đôi. Thương thay, chỉ sau đêm 7-8 anh hùng Lê Văn Chín đã bị cộng đồng mạng bóc mẻ, chết non chưa kịp dựng tượng đài, ra bài hát, đưa vào sách giáo khoa, đặt tên đường phố.
Quả bom thối truyền thông Bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ để nhường sự sống cho sản phụ sinh gây chấn động cộng đồng mạng xã hội và báo chí lề phải. Nhiều cây cao bóng cả trong làng báo như nguyên Tổng Biên Tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế cúi đầu ngưỡng mộ, Phó TBT báo Pháp Luật TP. HCM đương nhiệm phát loa phủ sóng trên Facebook, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ rơi nước mắt bi ai.
Hàng trăm ngàn lượt view theo dõi các thông tin ngày. Ngược lại, một làn sóng hoài nghi, phẫn nộ bóc mẻ những tình tiết phi lý bất nhân và chỉ trong một nốt nhạc, cú lừa bị lật tẩy.
Đảng cảm động, dân phẫn nộ xem là tội ác
Ngay cả báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của nhà đỏ, vốn nổi tiếng khệnh khạng chỉ thông tin nghị quyết lễ lạt của quan chức cũng khai trương mục kiểm tin và mở hàng bằng đề tài nóng bỏng này. “Như vậy, một câu chuyện cảm động được nhiều tài khoản facebook lan truyền, coi bác sĩ Khoa như người truyền cảm hứng nhưng lại là câu chuyện giả dối, đã làm giảm ý nghĩa của những điều tốt đẹp trên thực tế đang được rất nhiều y, bác sĩ và các lực lượng phòng chống dịch âm thầm cống hiến”. (1)
Báo Nhân dân đã dùng cụm từ “cảm động” đến hai lần và chỉ xem cú lừa này chỉ làm giảm ý nghĩa những điều tốt đẹp của các y bác sĩ chống dịch.
Nhưng cộng đồng mạng xã hội lại có cách nhìn khác. Nhiều người xem đây là câu chuyện phi nhân cho dù nó có thật. Facebooker Phạm Nguyên Vũ, từng là sinh viên Báo Chí Tuyên Truyền, đau đáu nhận xét: “Ta chờ đợi gì một xã hội xem việc giết người mà chính là Mẹ ruột của mình như là một sự vĩ đại, đáng ca ngợi? Điểm chung những người đó đều là tin vào đảng”. (2)
Luật sư Đặng Đình Mạnh thì cho rằng, nếu có thật, thì đây là hành vi phạm pháp, câu chuyện của bác sĩ Khoa chính là bằng chứng buộc tội. “Trong ngành y Việt Nam hiện nay, luật pháp không cho phép sự tồn tại của câu chuyện rút ống thở của người này giúp cho người kia khi mà việc rút ống thở đồng nghĩa với việc gây nên cái chết của bệnh nhân. Trừ khi, người bị rút ống thở không còn cần đến nữa do đã chết hoặc sức khỏe đã hồi phục đến mức không cần ống thở nữa”. (3)
Như vậy, đây không chỉ là câu chuyện cảm động không có thật như báo Nhân Dân nhận định, nghiêm trọng hơn, đó là việc truyền bá, cổ xúy cho hành vi vô nhân đạo và phạm pháp.
Kiếm tiền từ thiện?
Nhưng vì sao người ta lại thêu dệt nên câu chuyện bác sĩ Khoa? Do tính chất bất thường trong diễn biến sự kiện, những người tham gia phát tán thông tin này đều có tham gia hoạt động, quỹ từ thiện, và cung cách tung hứng thông tin của họ chừng như là có ý đồ mục đích nào đó. Nhà báo Hàn Ni, phóng viên nội chính của báo Sài Gòn Giải Phóng, một trong những người đầu tiên hoài nghi và bóc mẻ cú lừa này đã đặt vấn đề: “Đây là câu chuyện lòng tin, tình thương xã hội có bị lạm dụng hay không, rất cần ngành TTTT, ngành Y tế, Công an vào cuộc để những hoạt động nghĩa tình tốt đẹp đi vào đúng nghĩa. Những quỹ từ thiện cần được kiểm tra, sao kê minh bạch… chứ không phải quỹ nhà nước mới kiểm toán, thanh tra, còn quỹ xã hội thì muốn làm gì cũng được” (4).
Việc không minh bạch trong hoạt động kêu gọi hỗ trợ từ thiện của giới nghệ sĩ và những người nổi tiếng ở Việt Nam đang là chuyện thời sự qua tố cáo của bà Nguyễn Phương Hằng. Nghi vấn của nhà báo Hàn Ni là có cơ sở nhất định.
Tương tự, nhà báo Võ Văn Tạo đặt câu hỏi cụ thể hơn về nhà báo Nguyễn Đức Hiển, người không chỉ phát tán thông tin câu chuyện của bác sĩ Khoa đồng thời có thông tin tương tác qua lại với bác sĩ Khoa tăng thêm tính xác thực, sinh động cho câu chuyện. Trong stt “SAO LẠI LÀ TÀI KHOẢN CÁ NHÂN?”, ông Võ Văn Tạo viết “Mình lấy làm lạ là Nguyễn Đức Hiển hiện là Phó Tổng Biên tập báo Pháp luật TP HCM, mà tại sao không kêu gọi bá tánh gởi tiền vô TK của tòa soạn báo, hoặc TK của thân nhân em Nhã, mà lại là TK cá nhân của Hiển?”
Nhà báo Võ Văn Tạo còn nhắc kỷ niệm riêng tư về việc Đức Hiển đã “bán đứng” ông trong vụ điều tra sai phạm của Nguyễn Đức Chi ở Khánh Hòa nhiều năm trước. Với thực tế ấy, nhà báo Võ Văn Tạo khẳng định không tin Đức Hiển.
Xung phong theo chỉ đạo?
Ở góc độ khác, ông Tạo nhắc lại những vết đen trong nghề nghiệp của Đức Hiển mà mọi người đều biết. “Mọi người còn nhớ vụ Hiển “lập công dâng đảng” bằng hung hăng. xung phong “đánh” Huy Đức trên báo Pháp luật TP HCM, khi “Bên thắng cuộc” vừa ra mắt?
Rồi vụ Formosa đầu độc biển VN gây sốc cả nước, Hiển mò ra địa bàn, diễn trò ăn 5 con mực cùng bộ trưởng 4T tham nhũng Trương Minh Tuấn, rồi khoe lên mạng, bị cộng đồng mạng đang giận dữ, tẩy chay Formosa đặt cho cái biệt danh không mấy hay ho: “Năm mực”.” (5)
Nhà báo Trương Quang Vĩnh, nguyên Phó Tổng Biên Tập báo Tuổi Trẻ cũng có dòng trạng thái trên Facebook cá nhân, lưu ý về vết nhơ này với lời dặn dò đau đáu: “MÙI TANH CỦA 5 CON MỰC FORMOSA VẪN CÒN, NHƯNG CỨ NHẮM MẮT “XUNG PHONG” THEO CHỈ ĐẠO THÌ TA SẼ KHÔNG CÒN LÀ TA NỮA!” (6)
Tôi chỉ đồng ý 50% với nhà báo Trương Quang Vĩnh. Việc Nguyễn Đức Hiển ăn mực Formosa cùng bộ trưởng Trương Minh Tuấn, chụp hình đăng báo để biện minh Formosa không làm ảnh hưởng môi trường biển, nước biển vẫn sạch quả có mùi tanh, quá tanh là khác, nhưng Đức Hiển không “nhắm mắt” xung phong, mà là một tính toán, chọn lựa kỹ càng và chính xác. Sau bữa tiệc máu ấy không lâu, Đức Hiển – Năm Mực đã được vinh thăng lên Phó Tổng Biên Tập Báo PLTP. Mới đây lại được đảng chọn ứng cử vào HĐND TP. Việc thất cử chẳng qua do dân trí TP.
Năm Mực vẫn muôn đời là Năm Mực, vẫn luôn trung thành tận tụy và nhạy cảm sáng tạo xung phong theo chỉ đạo của đảng và nhà nước.
Đảng và nhà nước luôn cần những tấm gương điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh vừa mở cuộc vận động sáng tác, dàn dựng và phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật với chủ đề “Chung một niềm tin chiến thắng”.
Cuộc thi nhằm giới thiệu những tác phẩm đóng góp tích cực vào công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19, góp phần lan tỏa những giá trị cao đẹp đến đông đảo công chúng. “Qua đó, kêu gọi toàn dân chung sức, đồng lòng vượt qua những khó khăn; tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và các chính sách, giải pháp hiệu quả của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19”. (6b)
Theo đường lối của đảng thì những tấm gương ấy phải đáp ứng nhu cầu cấp thời của tình thế, đạt đươc lợi thế cho đảng, bất chấp sự man rợ, nhân tính, bất chấp những tác hại xã hội lâu dài. Những Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng, Tô Vĩnh Viện lấy thân mình lấp lỗ châu mai…
Thây ma giả Lê Văn Tám
Trong 90 năm tồn tại, đảng đã nặn ra biết bao nhiêu tấm gương như vậy. Độc đáo nhất là tấm gương Lê Văn Tám.
Hàng chục năm qua, trẻ em Việt Nam cắp sách đến trường, đến tuổi quàng khăn đỏ là phải thuộc lòng bài hát Lê Văn Tám.
Em nhớ nhất một chuyện năm xưa
Ở miền Nam, một ngày kia bỗng kho xăng giặc cháy tan tành
Ai đã ghi công đầu nơi đây thật liệt oanh
Tuổi mười ba chín tên gọi Lê Văn Tám
Bó đuốc sống sáng ngời
Soi đường cho Đội em tiến nhanh
Chuyện Lê Văn Tám đươc đưa vào sách giáo khoa, tên Lê Văn Tám đươc đặt cho công viên, cho biết bao nhiêu ngôi trường học. Mãi gần đây, giáo sư Phan Huy Lê tiết lộ ra chuyện, ông Trần Huy Liệu (Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, mất năm 1969) đã tự viết về nhân vật Lê Văn Tám, một thiếu nhi tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng giặc Pháp ở Thị Nghè. Ông Liệu đã nói với ông Lê rằng: “Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa”.
Ông Trần Trọng Tân, nguyên Trưởng Ban Tuyên Giáo TƯ và một số người khác có bài viết phản biện nhưng gượng gạo không logic, cho rằng Lê Văn Tám có thật nhưng không đốt kho xăng Nhà Bè, mà đốt kho đạn Thị Nghè.
Giáo sư Phan Huy Lê đã bảo lưu ý kiến và cho rằng, ”mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học khách quan, chân thực”.
Nhưng nhà khoa học Phan Huy Lê chỉ được đến mức đó, ông cán bộ Phan Huy Lê lại cho rằng “dù Lê Văn Tám không phải là một tên thật nhưng ‘phản ánh một sự kiện lịch sử có thật, một tinh thần hy sinh vì Tổ quốc có thật. Tôi nghĩ rằng tất cả các đường phố, trường học, công viên… mang tên Lê Văn Tám vẫn để nguyên, vẫn được tôn trọng như một biểu tượng với nội dung giải thích đúng sự thật’.” (7)
Như vậy hóa ra cái tên Lê Văn Tám trên các trường học, đường phố hiện nay chỉ là một thây ma giả, chết chưa chôn.
Giá trị của hình tượng Lê Văn Tám trong thời chiến là kích động, xúi dục trẻ thơ tham gia vào bạo lực với mức độ bạo liệt bất nhân cao nhất là tự hủy diệt chính bản thân mình. Xem ra còn tàn bạo hơn cả những chiến binh Hồi Giáo cực đoan đánh bom liều chết hiện nay. Dù sao họ vẫn chưa dùng đến sinh mạng trẻ em.
Duy trì những tên trường Lê Văn Tám, cho các em học tập gương “bó đuốc sống sáng ngời” mà bảo không xảy ra bạo lực học đường mới là chuyện lạ.
Bác sĩ Khoa là Lê Văn Chín
Với câu chuyện bác sĩ Khoa, nếu không bị cộng đồng mạng bóc mẽ, truy vấn, phát hiện ra tông tích ảo, thì câu chuyện có thể tạo ra hiệu ứng gì?
Bác sĩ Võ Xuân Sơn đặt vấn đề, ở Mỹ, người ta thống kê, có đến 80,84% số ca tử vong do con virus Vũ Hán là trên 65 tuổi. Tức là càng già mà nhiễm virus Vũ Hán thì càng dễ chết. Trong câu chuyện, cha mẹ BS Khoa bác sĩ lớn tuổi trực tiếp tham gia chống dịch và nhiễm bệnh.
“Ấy thế nhưng, Bộ Y tế nước ta lại tha thiết kêu gọi các bác sĩ về hưu ra tuyến đầu chống dịch. Chuyện này thật 100% nhé, và mới toanh luôn. Phần còn lại, lớn tuổi rồi, vô mấy chỗ đó thì dễ nhiễm lắm, nhất là bác sĩ thường, ít khi tiếp xúc với những bộ đồ bảo hộ, không biết cởi ra đúng cách thì nhiễm như chơi. Mà nhiễm thì dễ trở nặng. Quá hợp lí. Hoàn toàn có thể có thật. Rất có thể trong câu chuyện thực, cả cha và mẹ của BS Khoa đều xung phong ra tuyến đầu chống dịch theo lời kêu gọi của Bộ Y tế nước ta”. (8)
Thông tin báo chí cho biết, đến ngày 6/8, có khoảng 7.000 người đã tình nguyện đăng ký tham gia chống dịch theo lời kêu gọi của Bộ Y Tế. Trong đó, gần 800 cán bộ y tế, hiện đang công tác tại các cơ sở y tế tư nhân và công lập, có cả đội ngũ cán bộ y tế đã về hưu.
Suy nghĩ của bác sĩ Võ Xuân Sơn hoàn toàn đúng đắn về y học lẫn nhân học là không nên vận động người già dấn thân vào chỗ chết. Nhưng hiệu ứng của lòng thương xót đâu chỉ dừng lại ở đó! Đã có quỹ vaccine, tại sao không có quỹ máy thở, trong khi máy thở đang thiếu khắp nơi? Từ câu chuyện thương tâm này sẽ có thêm cuộc vận động mới và sẽ có những bà cụ bán rau thiếu gạo, vét tiền hậu sự, có những thương binh rút tiền chính sách góp quỹ máy thở, nhiều và rất nhiều tấm gương của quần chúng anh hùng.
Phải chăng vô tình hay hữu ý, câu chuyện bác sĩ Khoa lừa bịp này phù hợp với những điển hình kiểu theo ý đảng?
Trở lại với nhận định của nhà báo Trương Quang Vĩnh, một lần nữa, có thể khẳng định rằng Đức Hiển – Năm Mực – không “nhắm mắt”, mà chủ động xung phong và ta vẫn cứ là ta. Con đường quan lộ của Năm Mực vẫn tiếp tục hanh thông rộng mở. Năm Mực có thể thăng tiến lên Tổng Biên Tập hay cao hơn nữa, vẫn đường hoàng bước lên giảng đường thao thao bất tuyệt về đạo đức báo chí, kỹ thuật điều tra. Vì tuy có khuyết điểm diễn không khéo, để Lê Văn Chín chết non trong một ngày tuổi, nhưng tấm lòng trung trinh ấy đáng giá bằng mười. Đức Hiển sẽ không bị trả giá, không bị mất mát gì như nhà báo Quang Vĩnh dự báo. Sự thật vụ việc sẽ không bao giờ đươc làm rõ, xử lý ráo riết như mong muốn của cộng đồng.
Đúng như tôi suy đoán, khi viết những dòng cuối cùng này thì báo Tuổi Trẻ đã đưa tin sở Thông tin – Truyền thông đã làm việc và xử hai chủ tài khoản Facebook “Nguyễn Đức Hiển” và “Hoàng Nguyên Vũ” với đánh giá vi phạm như phủi bụi là chia sẻ thông tin vụ “bác sĩ Khoa” rút ống thở là chưa chính xác nhưng là hành vi vô ý vì thiếu kiểm chứng (9).
Cùng trong thời điểm ấy, một giảng viên trường Đại Học Duy Tân đã bị cho thôi việc và bị cơ quan an ninh điều tra mời làm việc chỉ vì đã nói một điều thật: “Có dân nước nào chạy 1. 500km về quê, như vậy hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém đúng không? Cô cảm thấy rất nhục nhã vì điều đó. Khi dịch đến, những quốc gia trên thế giới người ta được hỗ trợ rất nhiều, kể cả việc tiếp cận vắc xin, còn chúng ta thì thế nào? Em lên thử đèo Hải Vân coi, đó mới là sự nhục nhã”. Một tương lai đen tối đang phủ trước mắt cô giáo dám nói với học trò về những điều rất thật mà ai cũng biết (10).
Nén hương này xin thắp viếng anh Lê Văn Chín, đã chết non oan uổng vì kịch bản dàn dựng quá tồi và khóc cho một nền truyền thông cộng sản nuôi dưỡng, vun trồng tội ác. Khóc cho cộng đồng mạng đã uổng công điều tra tìm sự thật và mong chờ công lý.
2- https://www.facebook.com/profile.php?id=100025474742676
3- https://baotiengdan.com/2021/08/08/rut-ong-tho-duoi-khia-canh-phap-ly/
4- https://www.facebook.com/hannisggp/posts/1785310694988035
5- https://www.facebook.com/tao.vovan.1/posts/4557134284302752
6- https://www.facebook.com/profile.php?id=1680451129
7- https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2009/10/091016_levantam_discussion
8- https://www.facebook.com/xuanson.vo.5/posts/2095864333904015
Cảm ơn tác giả đã chỉ ra tên thật ( để mọi người được biết ) của những khuông mặt trâng tráo, trơ trẽn, trí trá, trần trụi khi bị bóc mẽ . Còn hơn là một vài bài cũng đề cập đến dự kiện nầy mà chỉ úp úp, mở mở rằng “nhà báo nầy”, “nhà báo nọ” mà chẳng dám gọi tên ra . Rõ chán !
Năm Mực học tập và làm theo tấm gương nhà báo CB, tác giả bài báo “Địa chủ ác ghê ” bất hủ.
Lê văn 8 ,Lê văn 9,Lê văn 10.11…còn nhiều lắm trong nền báo chí cách mang VN!