Ưu tiên

Phạm Thị Hoài

10-8-2021

May còn là hư cấu, song câu chuyện của một bác sĩ Khoa nào đó báo hiệu một kịch bản hoàn toàn có thể trở thành hiện thực cho hệ thống y tế Việt Nam: Khi các bệnh viện phải đứng trước lựa chọn sàng lọc tàn nhẫn (triage), quyết định ai được ưu tiên sống, như đã từng xảy ra ở Ý trong đợt dịch đầu tiên năm ngoái.

Nhân phẩm không cho phép đem sinh mệnh của mỗi con người ra so hơn kém. Trước luật pháp, quyền sống và giá trị sinh mệnh của cụ già 100 tuổi và em bé mới ra đời là ngang nhau. Luật pháp ở Đức cấm hành vi lấy mạng người này thay thế mạng người khác, vì bất cứ động cơ nào (cho nên cũng loại trừ tư duy “công lý” kiểu mạng đổi mạng, ân trả ân oán trả oán). Vậy phải làm gì trong những tình huống mà hệ thống y tế buộc phải phân biệt, sàng lọc và ưu tiên sinh mệnh này bằng cách từ chối sinh mệnh kia?

Mỗi xã hội, quốc gia hay cộng đồng chỉ có thể trả lời câu hỏi đó trong điều kiện và khuôn khổ phù hợp với mình. Kẹt giữa một bên là nguyên lý về giá trị bình đẳng của mọi sinh mệnh cũng như bổn phận y đức là cứu mọi mạng sống không phân biệt, và bên kia là thực tế không thể không sàng lọc khi hệ thống quá tải, nhiều chuyên gia luật và triết học đạo đức cho rằng cuối cùng chỉ có đấng ngẫu nhiên là thẩm quyền công bằng nhất để phán bản án tử khi sàng lọc. First come first serve, hay trâu chậm uống nước đục trong tiếng Việt, như trong mọi tình huống cung ít hơn cầu, hay đơn giản là rút thăm. Song muốn thế nào cũng không thể lấy cảm xúc và những quan niệm lý tưởng – hay đúng hơn: những hình dung lãng mạn – về đạo đức làm cơ sở.

Ngay cả trong ba đợt dịch Covid-19 với tổng số ca nhiễm gấp 20 lần Việt Nam, hệ thống y tế ở Đức vẫn may mắn không bị quá tải tới mức phải áp dụng triage, song chủ đề này đã được truyền thông rộng rãi và đạt được một số đồng thuận căn bản. Chẳng hạn, nguyên tắc lấy triển vọng hồi phục của bệnh nhân làm tiêu chí quyết định: Một bệnh nhân cao tuổi nhưng khỏe mạnh, nhiều khả năng hồi phục, sẽ được ưu tiên so với một bệnh nhân trẻ nhưng nhiều bệnh nền trầm trọng, ít hy vọng hồi phục hơn.

Trong trường hợp triển vọng hồi phục tương đương thì ưu tiên thời lượng sống cao hơn: Hai bệnh nhân nặng như nhau thì bệnh nhân trẻ được ưu tiên, vì nếu hồi phục thì một thời lượng sống cao hơn được cứu. Các tiêu chí không được phép áp dụng là sắc tộc, quốc tịch, địa vị xã hội, thu nhập, chế độ bảo hiểm y tế, trình độ học vấn, nghề nghiệp, giới tính và tuổi tác.

Các bác sĩ rất cần một giàn giáo đạo đức, song không phải để trở thành anh hùng lương tri, mà để không bị sụp đổ dưới gánh nặng lương tri khi buộc phải quyết định khước từ một số sự sống vì lợi ích sống còn tối ưu trong điều kiện giới hạn của cộng đồng. Nhưng họ còn cần một bệ đỡ khác quan trọng hơn: một giàn giáo pháp lý. Hành động như bác sĩ Khoa, theo luật pháp ở Đức là phạm tội làm chết người, luật hình sự.

Chưa kể việc vi phạm quy trình bệnh viện và hợp đồng điều trị giữa bệnh viện và bệnh nhân (một mình tự tiện rút ống thở của bệnh nhân), đó là hành vi chủ động chấm dứt sinh mệnh một con người, thuộc thực tiễn sàng lọc sau (ex post triage), không thể được miễn tố như hành vi thụ động, không thể cứu vì không còn phương tiện, như ở sàng lọc trước (ex ante triage). Sàng lọc dự phòng (preventive triage), từ chối một số bệnh nhân “không đáng cứu” để dành nguồn lực dự trữ cho những bệnh nhân “đáng cứu” hơn sắp tới là thực tiễn tuyệt đối không được chấp nhận.

Mấy ngày trước có bài thơ ưu tiên vaccine xuất hiện trên mạng: “Pfizer là của vua quan/ Moderna là của trung gian, nịnh thần/ Astra là của thương nhân/ Sino là của nhân dân anh hùng”.

“Ưu tiên” là một trong những khái niệm đáng ngờ nhất trong từ vựng tiếng Việt. Nếu chẳng may thực sự cần sàng lọc ưu tiên trong đại dịch, câu hỏi không phải là bác sĩ nào sẽ hy sinh máu mủ để ưu tiên người dưng, khiến người Việt một lần nữa ngây ngất về nhân cách cao cả của người Việt, như thể đạo đức đi vay có thể bù cho vắc-xin hay vắc-mượn. Mà câu hỏi là: Việt Nam đã chuẩn bị gì cho kịch bản triage?

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Bà Hoài đang đặt ra một vấn nạn rất thiết thực: cần phải chuẩn bị một năng lực y tế đủ để đối phó với khả năng khủng hoảng nguồn lực khi số bệnh nhân nguy kịch vượt quá mức chịu đựng hiện tại về nhân lực y tế, những y cụ phi truyền thống, như máy thở, lượng oxy tồn kho và bình chứa đã sạc đầy oxy, cùng nhiều loại vật tư y tế đặc dụng cho dịch covid – 19…

    tất cả phải sẵn sàng đáp ứng nhu cầu có thể tăng đột biến khủng khiếp bởi các sinh mạng đang nguy kịch theo cấp số nhân.
    Và năng lực y tế đó nhất thiết phải kèm theo một chức năng xưa cũ đã có từ thời các cuộc chiến tranh do Hoàng đế Napoleon đệ Nhất gây ra ở Châu Âu:
    chức năng sàng lọc ưu tiên những bịnh nhân nào có hy vọng cứu và được điều trị, hàm nghĩa ghê gớm với quyết định bệnh nhân nào tuyệt vọng phải bị bỏ rơi chờ chết!
    Đó là một tình huống phải được một hệ thống luật lệ dựa trên đạo đức và lẽ phải khôn ngoan được cân nhắc kỷ lưỡng, thành văn, và phải được thông qua bởi liên ngành lập pháp, tư pháp và hành pháp có sự giám sát của dư luận xã hội qua truyền thông dòng chính lẫn trực tuyến mạng xã hội…ra đời càng sớm càng tốt…trước khi trở tay không kịp!
    Để nước tới chân mới nhảy là sẽ khủng hoảng nhân đạo đưa đến rối loạn xã hội, chính trị.
    Và quốc gia suy nhược sẽ là mồi ngon cho kẻ thù.

    Tình huống nầy có đầy tiền lệ, cảnh báo từ nhiều nước đã và đang lún sâu trong thảm kịch, như Ấn độ 1 năm trước, và Indonesia hiện đang.
    Thế đã đủ đánh thức lương tâm và trách nhiệm của vua quan nước nầy chưa, không ai biết!

    Mặc dù ý kiến bà đưa ra rất hợp tình hình hiện nay ở VN, vẫn còn khá nhiều trục trặc trong bài viết nầy:

    *“First come first serve” chỉ có thể áp dụng trong dịch vụ sinh hoạt bình thường hằng ngày với các nhu cầu ăn uống, du hý, đi lại, tiện ích…,
    tuy thế, cũng phải chửng lại ở y tế, khi xã hội không thể bắt người tàn tật, người già, thai phụ… phải nhanh mạnh, cùng bình đẳng đua nhau sớm nhất để được đáp ứng nhu cầu theo nguyên tắc nói trên.
    Xã hội CS tại VN hiện nay cũng ưu tiên cho người già vào trước, nhận trước, giải quyết trước. Đây là một thực tế miễn thắc mắc.
    Nhưng tất cả hiện vẫn còn trong tình trạng bình thường, người ta còn quan tâm chuyện tăm tiếng, thể thống…”Quan trên nhắm xuống người ta trông vào”, và vì còn ngại đám nợ đời fb nữa; mệt với nó khi có chuyện khiếu nại kêu ca.
    Nhưng khi khẩn cấp, hoảng loạn, tràn ngập nạn nhân…thì giới cầm quyền đất nước nầy vẫn chưa biết làm sao!

    Đây là lúc nhà chức trách phải nghiêm túc tri hành hợp nhất khái niệm bà Hoài vừa nêu,
    triage, sàng lọc ưu tiên
    trong đại dịch ở mức độ cực kỳ nghiêm trọng mà lực lượng y tế cơ hữu không kham nổi, cục diện gần đi đến vỡ trận, thảm hoạ.

    Triage : sàng lọc (chọn lựa theo trật tự ưu tiên cấp cứu y tế, gốc tiếng Pháp, tiếng Anh mượn và đọc như Pháp)
    là công tác lượng định nhanh chóng chính xác công tâm mức độ khẩn cấp của thương tích hoặc bịnh trạng một bệnh nhân để quyết định trình tự
    đưa bn đó đi gặp bác sĩ điều trị ngay / đưa vào phòng cấp cứu chờ đến lượt gọi gặp bs / đi điều trị sau / hoặc loại bỏ (!) vì đã tuyệt vọng, không thể điều trị được nữa (để giành nguồn lực và thời gian khẩn trương quí báu cho những ca còn hy vọng cứu sống)

    Đây là nhiệm vụ chuyên nghiệp khó khăn đòi hỏi nhân viên y tế có trình độ, có đức hạnh tận tuỵ vô tư, và có năng khiếu chuyên môn nhạy bén để nhanh chóng xác định tình trạng cấp cứu với có thể ít dữ liệu bịnh lý nhất, trong tình trạng khẩn trương vì chiến tranh hoặc đại dịch đang hoành hành.

    Bà Hoài viết:
    “…nguyên tắc lấy triển vọng hồi phục của bệnh nhân làm tiêu chí quyết định: Một bệnh nhân cao tuổi nhưng khỏe mạnh, nhiều khả năng hồi phục, sẽ được ưu tiên so với một bệnh nhân trẻ nhưng nhiều bệnh nền trầm trọng, ít hy vọng hồi phục hơn.”

    *Vì là một quyết định giữa sống/chết, đoạn nầy cần nói chi tiết thêm chút nữa để có tính thuyết phục, hơn là buông lời đơn giản, vô cảm như thế,
    sẽ tạo hiểu lầm rằng triage là một quyền sinh sát gây ghê sợ, và có thể phát sinh nhiều nghi vấn về lạm dụng, thiên vị hoặc không đáng tin tưởng cơ chế quyết định quyền sống sót nầy.
    Người có trách nhiệm làm triage đối với ca “cứu già bỏ trẻ” bà Hoài đưa làm thí dụ phải dựa trên các xét nghiệm để nắm mọi chỉ số bệnh lý đương sự, cùng với dữ liệu huyết học, ion đồ, xét nghiệm hình ảnh nội tạng, lấy nhiệt độ huyết áp, nhịp tim/phổi…để đủ cơ sở phán rằng bệnh nhân trẻ kia đã tuyệt vọng, không thể lãng phí thì giờ, nguồn lực y tế cần cho người khác có hy vọng sống sót hơn.

    Trích
    “Trong trường hợp triển vọng hồi phục tương đương thì ưu tiên thời lượng sống cao hơn: Hai bệnh nhân nặng như nhau thì bệnh nhân trẻ được ưu tiên, vì nếu hồi phục thì một thời lượng sống cao hơn được cứu. Các tiêu chí không được phép áp dụng là sắc tộc, quốc tịch, địa vị xã hội, thu nhập, chế độ bảo hiểm y tế, trình độ học vấn, nghề nghiệp, giới tính và tuổi tác.”

    *Giả thử cuộc “cạnh tranh” bất đắc dĩ nầy xảy ra giữa một công nhân cơ khí với một vị giáo sư ngành nguyên tử tử lực, hoặc đang phụ trách một nghành khoa học quốc phòng (hoả tiễn, vệ tinh…)…
    Thì sự lựa chọn có phớt lờ được “trình độ học vấn, nghề nghiệp” không?
    Sự mất mát nào lớn hơn, bất chấp nhân danh bình đẳng của cái gọi là “địa vị xã hội”, thực chất là một giá trị có quyền đòi hỏi xét lại yếu tố
    “sống lâu hơn vô ích” với “sống ngắn hơn nhưng vô cùng cần thiết để phục vụ mục đích quốc gia tối thượng: sự sống còn của đất nước”?

    *trong sàng lọc, không thể coi thường yếu tố “trình độ học vấn, nghề nghiệp” trước cái chết cưỡng bức chỉ bởi một nhân viên y tế.

    *Vấn đề dùng chữ thiếu chính xác hoặc thiếu thoả đáng của tác giả

    Trích:
    “Các bác sĩ rất cần một giàn giáo đạo đức, song không phải để trở thành anh hùng lương tri, mà để không bị sụp đổ dưới gánh nặng lương tri khi buộc phải quyết định khước từ một số sự sống vì lợi ích sống còn tối ưu trong điều kiện giới hạn của cộng đồng. Nhưng họ còn cần một bệ đỡ khác quan trọng hơn: một giàn giáo pháp lý.”

    *Giàn giáo là một thực thể rất tạm thời và không ổn định: có thể tháo ra lắp vào, thay đổi hình dáng, độ cao thấp, dài ngắn, vuông góc, lệch góc; cuối cùng xếp xó trong kho.
    Giá trị của giàn giáo là tạm thời.
    Rất cần nhưng không đáng quý, chẳng bao lăm giá trị, chỉ là những ống sắt tiền chế, lắp ghép lại một cách đơn điệu cứng nhắc và đều đều nhàm chán bởi những phụ hồ quen vất vả không cần học hành gì nhiều cũng ghép được.

    Sao lại dùng giàn giáo để liên kết với phạm trù đạo đức, luật pháp…vốn phải có nền tảng bền vững để các chế độ chính trị dựa vào đó bảo vệ mạng sống và quyền con người, và các giá trị nhân văn ổn định, bất biến, bền vững, mà chỉ có thể thay đổi có tính thừa kế tiến lên cấp độ văn minh hơn, tiên tiến tốt đẹp hơn, và quá trình đó phải được toàn xã hội chuẩn nhận

    *Đạo đức lại có thể tháo gỡ, đổi thay, phục vụ cho nhu cầu khác nhau tuỳ tiện ư?

    Trong học thuật, có từ Scaffold Law (Luật Giàn giáo), nhưng hoàn toàn không dính líu gì với giàn giáo pháp lý của bà Hoài.
    Scaffold Law là một đạo luật đòi hỏi các ông chủ thầu xây dựng và các chủ đầu tư công trình hoàn toàn phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu một thợ xây bị thương do té ngã khi đang làm việc trên giàn giáo mà không được bảo đảm thích đáng về độ an toàn của giàn giáo. Thế thôi.
    Hy vọng bà tác giả không gợi hứng từ chữ “Luật giàn giáo” nói trên để đưa ra khái niệm “giàn giáo pháp lý”, bà con với ggđđ!

    Trích:
    “Chưa kể việc vi phạm quy trình bệnh viện và hợp đồng điều trị giữa bệnh viện và bệnh nhân (một mình tự tiện rút ống thở của bệnh nhân), đó là hành vi chủ động chấm dứt sinh mệnh một con người, thuộc thực tiễn sàng lọc sau (ex post triage), không thể được miễn tố như hành vi thụ động, không thể cứu vì không còn phương tiện, như ở sàng lọc trước (ex ante triage).”

    *ex(perience) post triage
    và ex “ “ ante triage
    được tg dịch là “thực tiễn sàn lọc sau” và sàng lọc trước.

    Không thể hiểu được một người ăn cơm Tây lâu năm như bà Hoài mà lại dịch các prefixes post/ante trước các common nouns như thế.
    Người ta dịch post-war/ante-war (có dấu nối hoặc viết dính nhau) để làm descriptive adjective mô tả cho noun, có nghĩa là trước chiến tranh, sau chiến tranh (tiền chiến, hậu chiến), chứ hoàn toàn không dịch “chiến tranh trước, chiến tranh sau”.
    Bởi dịch như thế sẽ gây nghĩa nghịch với ý bà Hoài muốn nói;

    nếu bà dịch “sàng lọc trước, sàng lọc sau”, thì sàng lọc trước tức là đã sàng lọc, sàng lọc sau tức chưa sàng lọc; nó khác với “trước sàng lọc” (post triage) nghĩa là chưa sàng lọc.
    Hoàn toàn gây ra lỗi contresens.

    Trừ vài thiếu sót trên, bài viết là một đánh động hữu ích cho ai có trách nhiệm tại VN hiện nay.

    Tuy nhiên vẫn còn đó sự hằn học với dân tộc VN, khi Phạm thị Hoài vẫn không chịu phân biệt cái ngu của những người pro Vietcong, loại người thường bị xem là bò đỏ, với sự đau khổ của toàn thể dân tộc Vietnam đang xót xa vô vọng vì dịch cs, khi bà chửi với trước kết thúc bài viết…
    “…bác sĩ nào sẽ hy sinh máu mủ để ưu tiên người dưng, khiến người Việt một lần nữa ngây ngất về nhân cách cao cả của người Việt,…”
    Chúng tôi chả ngây ngất gì đâu, chỉ ngất ngư thôi, bà đầm sans patrie ni frontieres ạ!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây