Lần đầu tôi gặp Mỹ

New York Times

Tác giả: Bảo Ninh

Dịch giả: Lê Nguyễn Duy Hậu

5-9-2017

Tác giả Bảo Ninh. Nguồn: Vietnam Film Project/ Florentine Films

Lời người dịch: Đây là một bài khá dài và nặng nề nhưng rất bổ ích, cho mọi người. Điều thú vị là mình đang dịch sang tiếng Việt một bài viết tiếng Việt được dịch sang tiếng Anh.

Tôi đến Mỹ lần đầu tiên vào mùa hè năm 1998. Lúc đó, tôi được mời tham dự một hội nghị văn chương tại Montana cùng bốn tác giả Việt Nam khác. Chúng tôi khởi hành từ Hà Nội đến Đài Loan và sang Los Angeles. Tôi ngủ suốt hành trình bay xuyên Thái Bình Dương, qua nhiều múi giờ và chỉ bị đánh thức khi máy bay chạm mặt đất. Chúng tôi đi vào một sảnh rất to để kiểm tra hộ chiếu, và đó là lúc tôi cảm thấy giựt mình: bọn Mỹ khắp nơi, bao vây chúng tôi! Tôi không bao giờ quên được cảm giác kì lạ đó. Mọi thứ thật dễ sợ, không thể tin được, và siêu thực với tôi. Tôi, một cựu quân nhân của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, đang ở Hoa Kỳ, và xung quanh toàn là người Mỹ.

Lần đầu tiên tôi thấy Mỹ là khi tôi 12 tuổi. Nhưng đó không phải là những tên Mỹ tóc vàng, mắt xanh. Mỹ mà tôi thấy hôm đó là những chiếc oanh tạc cơ F-4 Phantom đang hung hãn đánh phá các thị trấn nhỏ dọc Vịnh Hạ Long. Hôm ấy là ngày 5 tháng 8 năm 1964 và tôi đang đi tham quan bãi biển cùng trường của mình, bơi lội đùa giỡn với bạn bè. Đó là thời điểm ngay sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, và Tổng thống Lyndon B. Johnson tuyên bố sẽ mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Việt Nam.

Sau ngày hôm đó, cuộc đời của tôi, cha mẹ, anh chị của tôi, cũng như của tất cả những người Việt Nam khác, đều bị đảo lộn. Kể từ đây, chúng ta phải sống dưới một bầu trời luôn vang rềnh tiếng phi cơ, bom nổ, và còi báo động. Hầm trú bom được đào khắp các nẻo đường và dưới mỏi căn nhà tại Hà Nội. Điện nước bắt đầu thiếu hút. Chúng tôi không được thắp sáng đèn vào ban đêm. Thức ăn, quần áo, xăng, giấy, tập vở và các nhu yếu phẩm khác đều bị thắt lưng buộc bụng, nhưng cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Người ta bắt đầu phải xếp hàng dài trước các tiệm mậu dịch. Trẻ con dưới 16 tuổi bị sơ tán đến vùng nông thôn và phải sống xa bố mẹ. Những trải nghiệm đó không khác mấy điều mà trẻ em Anh Quốc đã phải trải qua ở London năm 1940, chỉ khác là thế hệ ở Hà Nội đã phải chịu đựng dài hơn – từ năm 1964 đến 1973 – dưới một điều kiện khắc khổ hơn.

Gia đình tôi vốn gốc ở Đồng Hới, là một thị trấn nhỏ đầy hoa ở miền Trung Việt Nam và thường được ví von là “Thị Trấn Hoa Hồng.” Vào năm 1946, gia đình tôi ra Nghệ An, ở Bắc Việt Nam, và đó là nơi tôi ra đời vào năm 1952. Sau Hiệp Định Geneva năm 1954, bố mẹ lại đem tôi ra Hà Nội. Vào những ngày đầu của cuộc không kích, quê tôi ở Đồng Hới gần như bị san phẳng; những gì còn sót lại chỉ là bức tường cũ kỹ của một nhà thờ chánh điện và ngọn tháp trữ nước. Chỉ riêng trong năm 1965, bom đạn của Hạm Đội Bảy Hoa Kỳ đã lấy đi sinh mạng của 32 người trong dòng họ của tôi.

Tuy vậy, bất chấp mất mát và hy sinh, tôi không nghĩ là người dân có bao giờ bị nhụt chí. Trái với những gì mà Lầu Năm Góc tiên đoán, những trận không kích chỉ làm cho chúng tôi hang hái gia nhập quân ngũ hơn. Bản thân tôi muốn nhập ngũ ngay từ tháng 9 năm 1969, chỉ vài tháng trước sinh nhật lần thứ 18 của mình. Tại sao ư? Tôi muốn chiến đấu chống giặc ngoại xâm, và trở thành một người đàn ông chân chính, một công dân mẫu mực. Bố mẹ tôi thì muốn tôi đi học đại học và từ chối kí vào đơn để tôi nhập ngũ từ năm 17 tuổi. Nhưng trước sự kiên quyết của tôi, bố mẹ đành chiều lòng. Mẹ khóc hết nước mắt khi kí vào lá đơn cho tôi và quân ngũ.

Lúc đó, chiến tranh đã diễn ra được năm năm, và đang ở giai đoạn đỉnh điểm. Vào năm 1969, không ai ở Hà Nội thực sự tin vào những thông tin về cuộc chiến từ bộ máy tuyên truyền của chính phủ. Khi tôi tình nguyện nhập ngũ, tôi cũng không thực sự ảo tưởng về số phận của mình. Tôi không dũng cảm, không nhanh nhẹn, và cũng không thông minh. Tôi không phải là một chiến binh thực thụ. Tôi biết cơ hội sống sót của mình là rất ít. Nhưng bất chấp những gì có thể xảy ra với bản thân, tôi vẫn luôn tin rằng rốt cuộc thì người Việt Nam cũng sẽ đánh thắng quân xâm lược và thống nhất đất nước. Tôi không hy vọng rằng bản thân sẽ làm nên một chiến thắng vẻ vang như thế hệ cha ông tại Điện Biên Phủ, và tôi biết bọn Mỹ mạnh hơn bọn Pháp rất nhiều. Nhưng tôi có một lòng tin cũng như bao đồng chí khác của tôi vào những gì Hồ Chủ Tịch đã nói – rằng cuối cùng Hoa Kỳ sẽ bỏ cuộc và cuốn gói về nhà.

Vào tháng 1 năm 1970, sau ba tháng được huấn luyện sử dụng AK-47, súng phóng lựu và lựu đạn tại quân trường, đơn vị chúng tôi được gửi vào vùng Tây Nguyên chiến đấu bằng lối Đường Mòn Hồ Chí Minh. Chúng tôi đến Kon Tum vào tháng 5 và được phân vào các đơn vị chiến đấu khác. Tôi được phân về Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 10, đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tư Lệnh Mặt trận B3. (Vào năm 1973, tôi được điều chuyển về Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24 và ở đấy cho đến khi chiến tranh kết thúc.) Kẻ thù mà chúng tôi phải giáp mặt tại Tây Nguyên vào thời gian đó là các sư đoàn 22 và 23 của miền Nam Việt Nam, sư đoàn 4 Bộ Binh và sư đoàn Không Kỵ số 1 của quân đội Hoa Kỳ.

Thời điểm năm 1970, quân số Hoa Kỳ bắt đầu giảm trên chiến trường Việt Nam để phục vụ cho chiến lược “Việt Nam Hóa Chiến Tranh” của Richard Nixon, với lối mô tả đầy mỉa mai rằng nó sẽ “đổi màu da của những xác lính.” Nhưng sự ác liệt của chiến tranh thì không hề suy giảm, cũng như sự hiện diện của lính Mỹ trên chiến trường thì vẫn như vậy. Gần như hàng phút, hàng giờ, chúng tôi vẫn cảm nhận được sự tham chiến của Hoa Kỳ, với những phi vụ đánh bom từ 10.000 mét của B-52, hay các phi pháo 105 ly, 155 ly, và 175 ly liên tục nã xuống đầu chúng tôi. Một trận không kích B-52 hay một đợt hỏa pháo có thể san phẳng cả ngọn núi, lấp những dòng sông, hay đốt cháy cả các cánh rừng. Tôi lúc đó là một trinh sát và ít có dịp phải đọ súng trực tiếp với lính Mỹ. Phần lớn thời gian, tôi quan sát lính Mỹ từ xa bằng ống nhòm của mình.

Nhưng tôi thường thấy bọn Mỹ ở vị trí rất gần – đó là những phi đội trực thăng vũ trang. Chúng tôi phải chiến đấu với các phi đội này hàng ngày mỗi khi chúng trườn người ra cửa của trực thăng Cobra hay Huey và nã đại liên vào đơn vị chúng tôi. Trực thăng trinh sát OH-6 là dễ bị phát hiện hơn cả. Những chiếc trực thăng này chỉ bay cao hơn ngọn cây và lởn vởn cách nơi chúng tôi trú ẩn chỉ đôi ba mét. Phi đội của chúng sẽ bắn M-16 và ném lựu đạn vào chúng tôi, và chúng tôi có thể bắn trả bằng AK-47 hoặc trung liên của mình. Những tên lính Mỹ tinh ma nhưng dũng cảm đó đôi lúc bay thấp đến mức chúng tôi có thể thấy rõ mặt chúng, màu tóc của chúng, và thỉnh thoảng là cả màu mắt của chúng.

Lần cuối cùng tôi giáp mặt lính Mỹ trên bộ là vào một buổi sáng tháng 4 năm 1971, gần đèo An Khê. Tôi quan sát thấy một trung đội lính dù đang tuần tra trên Đại lộ 19. Nhóm lính này có vẻ không phòng bị gì, hành quân theo một hàng dọc gần căn cứ của mình. Chúng không biết là mình đang bị ba trinh sát chúng tôi âm thầm theo dõi, bí mật ngụy trang trên một ngọn đồi chỉ 100 mét cách đường lộ. Và chúng không biết rằng một đơn vị lính Bắc Việt vũ trang hạng nặng đang chờ chúng ở khúc quanh chỉ nửa cây số phía trước.

Cho đến hôm nay, tôi vẫn có thể nhớ rõ hình ảnh của những người lính đó. Tôi đặc biệt nhớ đến tên lính radio đeo theo một điện đài PRC-25 trên vai. Tôi không hiểu tại sao lính điện đài mà không đi cạnh đại đội trưởng của mình mà lại đi ra phía rìa, rơi lại đằng sau cả nhóm. Hắn có vẻ rất hờ hững, không mặc áo chống đàn, chẳng đội mũ, cũng không có súng M-16 hay phóng lựu bên mình, mà chỉ đeo mỗi chiếc điện đài. Hắn có mái tóc nâu ngắn, không để râu. Qua ống nhòm, tôi thấy hắn đang nhai cái gì đó, có thể là kẹo cao su. Hắn đi lửng thửng, quơ chân đá lon Coca trên đường. Mười lăm phút sau, tiếng súng nổ báo hiệu với tôi rằng trung đội Mỹ này đã rơi và ổ phục kích.

Tôi không biết số phận của tên lính điện đài đó thế nào, liệu hắn có thoát chết không. Vào năm 1998, trong chuyến thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên, hình ảnh tên lính trẻ đó và âm thanh của vỏ lon Coca lăn lốc trên đường lại xuất hiện trong đầu tôi mỗi lần tôi đến một trường đại học hay trung học nào đó và thấy những thanh thiếu niên Hoa Kỳ tại giảng đường hay chơi đùa tại bãi cỏ. Hắn chỉ là một đứa trẻ đang trên đường về nhà sau giờ học, nghịch ngợm với bất cứ thứ gì hắn thấy trên đường.

Chiến tranh đã qua rất lâu rồi nhưng khi ngủ, tôi vẫn mơ thấy ác mộng về cuộc chiến. Tôi vẫn nghe thấy tiếng rít của hàng trăm quả bom được B-52 thả xuống, tiếng rú của các khẩu đội pháo và tiếng xé gió của quạt trực thăng. Tôi vẫn thấy các trung đội Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ mặc áo chống đạn, đội mũ cối, quơ tiểu liên M-16 khi chúng đổ bộ từ các trực thăng Chinook.

Tệ nhất là tôi không thể quên kí ức khủng khiếp về dioxin. Vào mùa hè năm 1971, khi tôi đóng quân ở Tây Kon Tum, lính Mỹ đã thải Chất Độc Màu Da Cam liên tiếp vào chúng tôi. Tôi không biết những phi công Mỹ trên các phản lực C-123 Caribous có biết được mức độ tai hại khủng khiếp của chất hóa học chúng đã rải không, hay là chính các công ty sản xuất ra chất độc đó có biết hay không. Chúng tôi thì hiểu rõ sự tàn khốc của loại chất độc này. Ngay sau khi những chiếc Caribous bay qua đầu chúng tôi, bầu trời sẽ trở nên tối đen lại, đem theo một cơn mưa dầy, đặc quánh, và kì lạ. Cây cối xung quanh bắt đầu úa tàn, gẫy đổ, và rơi xuống đất. Lá, hoa, trái cây, ngay cả những mầm con, im lặng chết đi. Lá xanh trở thành đen và teo tóp lại. Cỏ úa màu và chết. Tôi đã chứng kiến nhiều khung cảnh tàn khốc của chiến tranh, nhưng chính sự thảm sát thiên nhiên đó lại là những gì ám ảnh tôi nhất trong giấc ngủ cho đến bây giờ.

Lần cuối cùng tôi thấy Mỹ là vào những ngày cuối của cuộc chiến. Đơn vị chúng tôi đã tiến rất sâu vào Sài Gòn và tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhứt. Cũng như tháng 8 năm 1964, Mỹ tôi thấy vào tháng 4 năm 1975 đang bay lượn trên trời, trong những chiếc F-4 Phantoms. Nhưng lần này, những chiếc oanh tạc cơ đó chỉ đang làm nhiệm vụ che chắn cho cuộc thoái lui của những binh lính, công dân, và nhân viên ngoại giao Mỹ còn xót lại tại miền Nam Việt Nam. Những người Mỹ cuối cùng di tản khỏi Sài Gòn vào rạng sáng 30 tháng 4 năm 1975. Đến trưa hôm đó, chế độ Sài Gòn tuyên bố đầu hàng. Cuộc chiến tranh tàn khốc tưởng chừng như không bao giờ hết đã chính thức chấm dứt.

Đơn vị của tôi ở lại Sài Gòn vài tuần cho đến giữa tháng 5 năm 1975 thì được chuyển về lại Tây Nguyên. Nhiệm vụ của chúng tôi lần này là tìm kiếm thi thể của các đồng đội còn nằm lại, quy tập hài cốt liệt sĩ. Vào cuối năm đó, sau 6 năm chiến đấu ở miền Nam, tôi được về nhà. Tôi không rõ con số thống kê nhưng trong 25 bạn cùng lớp của tôi ra chiến trường, chỉ có 11 người sống sót trở về. Trong ba thanh niên đăng lính tại khu tập thể nhà tôi tại Hà Nội, duy chỉ có tôi là về lại được nhà.

Giờ đây, sau 23 năm kể từ ngày trở về, tôi lại đang gặp những người Mỹ. Tôi sẽ không bao giờ quên những ngày chúng tôi cùng nhau tại giảng đường lớn của trường đại học ở Missoula, nơi các cựu binh Hoa Kỳ và Việt Nam ngồi kế nhau và thảo luận về văn học nước nhà, chia sẻ các tác phẩm của mình. Văn học quả đem đến sự kì diệu. Ở Missoula, lần đầu tiên tôi nghe những vần thơ nổi tiếng của Henry Wadsworth Longfellow trong bài “Mũi tên và Khúc hát”, được dịch sang tiếng Việt và đọc bởi nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Những vần thơ của Longfellow thật vừa vặn với không khí lúc đó: tình bạn, tình yêu cuộc đời và hòa bình.

Cùng tinh thần đó, Giáo sư Philip West, giám đốc Trung tâm Mansfield của Đại học Montana, cũng đọc một bản dịch tiếng Anh của tác phẩm “Chơi đền khán xuân” của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương: “Êm ái chiều xuân tới khán đài / Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai!” Những vần thơ của nữ thi sĩ Việt Nam nghe du dương như khúc nhạc và hòa vào không khí yên bình của Missoula. Tuy tôi không nói được tiếng Anh, nhưng tôi vẫn cảm nhận được tinh thần mà những bài thơ của người Mỹ đem lại.

Khi tôi gặp trực tiếp những tác giả Mỹ này, tôi đã phải cố giấu đi vẻ sửng sốt của mình. Chẳng lẽ Kevin Bower, người đàn ông trầm lặng với nụ cười thân thiện đang ôm chặt tay tôi, thực sự là một tay lính súng máy của Sư đoàn Không Kỵ số 1 đóng ở An Khê? Tiểu thuyết gia Larry Heinemann có gì giống với tên lính chiến của Sư Đoàn 25 Tia Chớp Nhiệt Đới đã từng rất hung hãn ở Tây Ninh? Làm sao tưởng tượng được Bruce Weigl, tác giả của những vần thơ lãng mạn, lại là một tên lính từng giúp giải vây cho trận Khe Sanh?

Hội nghị cũng quy tụ rất nhiều cựu chiến binh đến từ khắp nơi trên tiểu bang Montana để chứng kiến những trao đổi của các tác giả Việt Nam và Hoa Kỳ, và để thấy gặp chúng tôi, những người đã từng là kẻ thù của họ. Trưởng ty cảnh sát Missoula Peter Lawrenson từng tham chiến ở Việt Nam từ năm 1970 đến 1972 với tư cách là cố vấn cho quân đội Nam Việt Nam tại Kon Tum. Khi ông ta biết tôi là một cựu chiến binh của Sư đoàn 10 Bắc Việt đã từng chiến đấu chống lại đơn vị của ông, ông đã ôm chầm lấy tôi như thể một người bạn vong niên. Trong suốt thời gian tôi ở Montana, cảnh sát trưởng Lawrenson đã đích thân lái xe đưa bọn tôi tham quan Helena, Great Falls, và Billings.

Ở Missoula, chúng tôi được đưa đến đài tưởng niệm những người lính đã thiệt mạng tại Việt Nam. Đó là vào tuần lễ sau ngày lễ Tưởng Niệm và nhiều người vẫn đến thăm khu vực này. Dưới chân của một khối đá lớn khắc tên những người lính đã ngã xuống, người dân để lại hoa, bưu thiếp, ảnh kỷ yếu, những cuốn sổ nhật ký, la bàn quân đội, một số báo năm 1966 của tạp chí Stars and Stripes, một bi đông với hail y thủy tinh nhỏ và một bật lửa Zippo kiểu cũ. Chúng tôi thấy cả một cái bánh sinh nhật và nến trên đỉnh. Đài tưởng niệm ở Missoula nhỏ hơn nhiều so với Bức Tường ở Washington, nhưng nỗi buồn và cảm xúc nó đem đến cho người tham quan thì không khác mấy. Tôi đoán là đa số những người ở đây là người quen của ít nhất một ai đó có tên khắc trên phiến đá, còn số còn lại thì là khách tham quan.

Tôi gặp một giáo viên về hưu và tưởng lầm bà là mẹ của một người lính hy sinh. Thông dịch viên giải thích với tôi rằng bà đến từ San Francisco và từng dạy cấp ba ở Missoula nhiều năm. Mỗi khi có dịp quay lại, bà sẽ đến thăm Tommy. Tommy từng là học trò của bà, tốt nghiệp năm 1970, và ngay lập tức bị bắt tòng quân. Mùa hè năm tiếp theo, gia đình của Tommy nhận được giấy báo tử. Tommy chết chỉ chưa đầy một năm sau ngày tốt nghiệp. Tại sao cuộc đời của cậu lại ngắn ngủi như vậy? Vừa tròn 18, cậu tốt nghiệp phổ thông, trở thành lính và sau sáu tháng quân trường, cậu lên máy bay với bạn của mình, bay đến nơi cách nửa vòng trái đất, đóng quân ở một nơi nào đó ở Việt Nam, có thể là Đà Nẵng, mặc áo chống đạn và đội mũ cối và cấm súng ra chiến trường. Là một tân binh, có lẽ cậu bị giết chỉ vài phút ngay trong trận đánh đầu tiên của đời mình. Tôi tự hỏi không biết người lính yểu mệnh này có bao giờ được mừng sinh nhật lần thứ 19 của mình không, hay cậu có ở Việt Nam đủ lâu để một lần thấy mặt trời mọc.

Chúng tôi ở Mỹ hơn một tháng và tham quan Montana, Massachussetts, Rhode Island, New York, và Washington. Ở mọi nơi, từ các hội thảo đến những buổi gặp mặt nhà xuất bản, hiệu sách, độc giả, chúng tôi đều được chào đón nồng nhiệt. Sự ấm áp và hiếu khách của người Mỹ dành cho các tác giả Việt Nam khiến chúng tôi cảm thấy xót xa cho những người dân và đất nước của họ ngày hôm nay. Nó làm tôi nghĩ về tính phi nghĩa và tàn bạo của cuộc chiến mà người Mỹ đã tiến hành tại Việt Nam 25 năm trước.

Lúc đó tôi 46 tuổi, và tôi hiểu rõ thời gian trôi qua là không thay đổi được. Nhiều năm tháng trôi qua, cuộc chiến dần chìm vào quá khứ. Cuộc chiến có vẻ không còn phủ bóng lên đời sống hàng ngày ở Mỹ và Việt Nam nữa. Vết thương nó mang lại đang dần liền da. Nhưng suốt chuyến thăm Hoa Kỳ, những ký ức về cuộc chiến mà tôi ngỡ đã chôn vùi từ lâu bỗng chốc quay trở lại, rõ ràng và đau đớn hơn trước rất nhiều. Cho đến hôm nay, cuộc chiến vẩn ám ảnh tôi, bao phủ cuộc sống và văn của tôi. Như tất cả những ai đã trải qua chiến tranh, tôi mơ rằng thế hệ tương lai sẽ sống trong hòa bình và giã từ vũ khí. Nhưng tôi biết giấc mơ của tôi không thể thành hiện thực. Là một nhà văn và đặc biệt là một cựu binh, tôi biết rằng sâu thẩm bên trong những cánh đồng xanh hòa bình vẫn chất chứa những bộ hài cốt và tro tàn từ các cuộc chiến quá khứ và, tệ hơn nữa, là mầm mống cho những trận đánh trong tương lai.

Thế hệ của tôi, những người đã sống qua Chiến tranh Việt Nam, học được rất nhiều điều từ quá khứ u ám và đau buồn của mình. Tôi tự hỏi không biết những bài học mà chúng tôi đã phải trả giá rất đắt để có được liệu có truyền lại cho thế hệ mai sau? Nếu thế hệ tương lai không hiểu, hoặc quên đi những bài học này, liệu rằng có phải chúng ta sẽ lặp lại những sai lầm trong quá khứ, sẽ lại gây nên những tội ác tương tự, sẽ lại tạo ra những thảm họa giống như cha ông, và sẽ lại gieo rắt nỗi buồn như những gì mà thế hệ chúng tôi đã nếm trải?

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Đọc xong bài viết thấy thất vọng quá. Bảo Ninh cũng bị nhồi sọ như nhiều người khác, cũng sùng bái họ Hồ, cũng cho rằng cuộc chiến 54/75 là chống Mỹ. Chắc hẳn tay nầy chưa học câu nói của Lê Duẫn: Ta đánh là đánh cho LX và TQ.

  2. Ông cho tôi hỏi , thế cuộc chiến này do AI gây ra ? Ông nói huyên thuyên nhưng cái mấu chốt của vấn đề thì ông lại giả vờ !

  3. toi doc lan dau thay thich cang doc va phan tich , ban van la cai loa tuyen tryen nhu cao hon may thang du nuon vien , toi hoi ban, neu so sanh mien nam cam han nguoi bac nhieu hon ban cam han nguoi hoa ky, 1954, ten ho chi minh , chiu nam yen o phap , va dung theo cong san, tau, xay ra bien co cai cach dau ddo ruong dat 1954, se khong co mot trieu nguoi mien bac di cu, de danh nhau,
    truoc 1968 toi con cam tinh voi dam bieu tinh phan chien, sau1968, nha cua toi ,chinh may thang linh bac viet bat toi lay hot quet cho han va do binh dau lua dot nha toi ,nha nao cung bi dot, Phuong 4 hung phu quan tam ,mau than dot 2, tu do toi dang hoc phai bo hoc va dang linh toiac cua ho chi minh gay ra nhieu hon vn ch gay cho mien bac , sau 1975 cac ban lam gi ? lich su khong choi cai duoc cac ban se den toi truoc toa an diet chung quoc te , dden gio nay cac ban van ho hao cai dung con cai sai ,khong thay cac ban, nhan loi , nghia trang quan doi bien hoa , tran chien hoang sa , toi thay nguoi mien nam tuy that the nhung khong thua cac ban, mien nam thua vi thang kisinger khong muon boi thuong tai thiet chien tranh , nen cup vien tro , de cac ban lan luoc, hoa ky la con cao gia , cac ban bi mac bay va bi danh lua , hom nay cac ban di nam ni ke thu cho la thang ho , van co nay nguoi viet nam cong hoa biet cung dong kich luon cho vui chao mong ban viet ro ra nguyen do co chien tranh do ai ? mien nao khoi xuong va giet hai thanh nien viet nam, ke do phai bij xu truoc toa an quoc te moi cong binh cho dan toc viet nam chuc ban vui ve trong mot ngay chao

  4. Trích ” Sự ấm áp và hiếu khách của người Mỹ dành cho các tác giả Việt Nam khiến chúng tôi cảm thấy xót xa cho những người dân và đất nước của họ ngày hôm nay. Nó làm tôi nghĩ về tính phi nghĩa và tàn bạo của cuộc chiến mà người Mỹ đã tiến hành tại Việt Nam 25 năm trước…..

    Cuộc chiến nào mà người Mỹ tiến hành tại VN dzậy cha nội nhà văn Bảo Ninh ?
    Đến giờ phút nầy sau 42 năm chiến tranh chấm dứt mà nhà dzăng Bảo Ninh vẫn còn bị nhồi sọ tuyên truyền của đảng CSVN mặc dù rất nhiều tài liệu về chiến tranh VN đã được giải mã . Cứ sống mãi dưới đáy giếng thì làm sao khá được hởi nhà văn VC Bảo Ninh

    Nhắc lại : Từ năm 1954 đến 1965 không có người lính Mỹ nào đến VN
    và Từ tháng giêng 1973 đến 30 tháng 4 năm 1975 không còn người lính Mỹ nào còn ở VN . Chỉ còn lại Noth Việtnamese Army đánh nhau với QLVNCH thì cuộc chiến nào mà người Mỹ tiến hành ? Xạo ke

Comments are closed.