Địa Chính Trị – Belarus

Lê Minh Nguyên

17-7-2021

Alexander Lukashenko, Tổng thống độc tài của Belarus, biết rằng ông sẽ không phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng từ Liên Âu khi chặn máy bay Ryanair của Liên Âu (Ireland) hôm 23/5/2021 bay từ Athens qua Lithuania để bắt nhà báo bất đồng chính kiến Roman Protasevich.

Đó là bởi vì ông ta biết vận dụng lợi thế địa chính trị của Belarus. Ông biết người châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga, mà gần 1/4 trong số đó đi qua lãnh thổ Belarus.

Sự phụ thuộc của Liên Âu vào các cơ sở chuyển vận khí đốt của Belarus, mà khí đốt lại là một nguồn tài nguyên khó vận chuyển, mang lại cho Lukashenko một đòn bẩy đầy lợi thế với Liên Âu và ông ta biết rõ lợi thế này.

Về địa chính trị, Belarus cũng như Ba Lan nằm trên con đường bằng phẳng từ Âu sang Á, cho nên các đại cường không thể bỏ qua, nhất là khi có chiến tranh, từ Napoleon đến Hitler hay Stalin… Ba Lan lớn và nằm gần Tây Âu hơn nên tương đối dễ giữ độc lập hơn. Belarus nhỏ với dân số chỉ 9.5 triệu, diện tích đất bằng 2/3 VN (207,600 cây số vuông) và lại nằm ngay biên giới tiến tây của Nga nên nó là cửa ngõ phát triển của Nga, tựa như VN là cửa ngõ tiến nam của TQ. Cho nên lúc nào nó cũng bị Nga tìm cách khoá tay.

Sau 7 thập kỷ với tư cách là một trong 15 nước hợp thành Liên Xô, Belarus sau đó được độc lập vào năm 1991 nhưng vẫn giữ mối quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ với Nga hơn bất kỳ nước cộng hòa Liên Xô cũ nào khác. Belarus và Nga đã ký một hiệp ước liên minh vào ngày 8/12/1999 với mục tiêu hội nhập chính trị và kinh tế nhiều hơn.

Mặc dù Belarus đã đồng ý khuôn khổ để thực hiện hiệp định, nhưng việc thực thi nghiêm túc vẫn chưa diễn ra và các cuộc đàm phán hiện tại về hội nhập sâu hơn vẫn còn nhiều tranh cãi. Biểu tình chống gian lận bầu cử 2020 và biến cố chặn máy bay Ryanair là những cơ hội để Putin đưa ra các điều kiện khoá tay Lukashenko chặt hơn.

Kể từ khi đắc cử vào tháng 7/1994 với tư cách là tổng thống được bầu trực tiếp đầu tiên và duy nhất của Belarus, ông Lukashenko đã liên tục củng cố quyền lực thông qua các biện pháp độc tài và hệ thống kinh tế tập trung. Các hạn chế của chính phủ đối với các quyền tự do chính trị và dân sự, tự do ngôn luận và báo chí, hội họp ôn hòa và tôn giáo vẫn được duy trì dù Liên Xô đã sụp đổ.

Belarus là một quốc gia không có biển. Thời băng tuyết sau cùng (Quaternary Ice Age) bắt đầu cách nay khoảng 2.58 triệu năm và chấm dứt cách nay khoảng 10,000 năm, đường đi của băng hà làm cho địa hình của Belarus bằng phẳng với khoảng 11,000 hồ nước ngọt.

Người Belarus chiếm đa số (83,7%), người Nga chừng 8,3%, người Ba Lan chừng 3,1% và người Ukraine chừng 1,7%. Nhưng trớ trêu thay, ngôn ngữ Nga được chính thức công nhận và tiếng Nga được 70,2% dân chúng nói, trong khi tiếng Belarus tuy cũng chính thức nhưng chỉ có 23,4% dân chúng sử dụng. Đa số dân theo Chính thống giáo (48,3%), Công giáo chỉ 7,1%.

Belarus có khoảng 15 đảng phái chính trị mà trong đó có 7 đảng thân chính quyền và 8 đảng đối lập.

Belarus có tổng sản lượng GDP khoảng 63 tỷ đôla (2019) và lợi tức bình quân đầu người khoảng $19,150 đôla (2019). Belarus xuất khẩu chính yếu sang Nga (42%), Ukraine (13%) và Anh (7%) theo data 2019.

Địa chính trị là một yêu tố lâu dài, nó ảnh hưởng sâu rộng vào hiện tình chính trị của một quốc gia. Những chính trị gia nào nắm bắt được yếu tố địa chính trị của đất nước mình thì dễ tiến tới quyền lực hơn và dễ thành công hơn.

Địa chính trị của VN là bán đảo và nằm trên giao lộ quốc tế. Nếu các vua triều Nguyễn quan tâm đến nó thì đã không bế quan toả cảng, tạo ra thảm cảnh “Chiều chiều bắt két nhổ lông/ Két kêu bớ Tự sao mày bất nhân” (Két là các ông cố đạo đi truyền giáo, Tự là vua Tự Đức) và VN hôm nay là một VN rất khác.

Đảng CSVN hiện nay dường như đang lặp lại lỗi lầm của các vua triều Nguyễn, một mực hướng về Thiên Triều mà quên rằng, địa chính trị là cái mà các chính trị gia không thay đổi được và phải vận hành ở bên trong nó.

Bình Luận từ Facebook