Khó khăn bên trong vẫn phải cảnh giác bên ngoài

Trần Văn Thọ

14-7-2021

Trong nước tình hình dịch bệnh đang nghiêm trọng, đặc biệt Thành phố HCM bị lockdown đã 5 ngày. Cả nước đang lo chống dịch, phòng dịch lây lan, và cứu giúp những người đặc biệt khó khăn đột nhiên mất hết thu nhập vốn đã ít ỏi. Chúng ta cảm thông, chia sẻ khó khăn với những người đang cần giúp đỡ, biết ơn những người đang ở tuyến đầu chống dịch, nhất là nhũng bác sĩ, y tá, khán hộ; cảm ơn những người tích cực làm từ thiện; và hợp tác với chính phủ trong các nỗ lực phòng chống dịch. Nhưng hôm nay tôi muốn mọi người không quên một vấn đề khác, cũng quan trọng không kém.

Hôm kia, 12/7, đánh dấu 5 năm ngày ra đời của Phán quyết La Haye, bác bỏ Đường Lưỡi Bò phi lý mà Trung Quốc xem đó là lợi ích cốt lõi của họ. Trung Quốc chẳng những không thừa nhận phán quyết này mà còn ra sức đẩy mạnh xây dựng các căn cứ quân sự , tăng cường pháo đài, lập bến cảng, lập đường băng cho máy bay đáp, hạ cánh, v.v..

Trong 5 năm nay, kểt từ ngày có Phán quyết La Haye, Trung Quốc đã xây thêm 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa, và gần đây cho máy bay loại oanh tạc chiến lược huấn luyện đáp, hạ cánh ở Hoàng Sa. Ngoài ra có tin Trung Quốc vừa hoàn thành xây dựng con tàu được xem là phòng thí nghiệm di động cỡ lớn trên biển, dự định sẽ đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong tháng 10 tới nói là để thăm dò tài nguyên và nghiên cứu thủy văn ở Biển Đông. Đặc biệt trong lúc thế giới đang bận chống dịch Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động xâm lấn, xây dựng các căn cứ.

Nhân kỷ niệm 5 năm ngày ra đời Phán quyết La Haye, các nước nhắc lại sự kiện và bàn về hành động của Trung Quốc để kêu gọi cảnh giác. Ở Nhật, ngày 12/7 Bộ trưởng Ngoại giao Motegi Toshimitsu ra tuyên bố nhấn mạnh ý nghĩa của phán quyết này và cho rằng Trung Quốc không thừa nhận phán quyết là hành động đi ngược lại nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế trong đó có Điều ướ về Luật hải dương của Liên Hiệp Quốc.

Báo Nikkei, tờ báo chuyên về kinh tế, gần đây đăng nhiều bài phân tích chiến lược của Trung Quốc, không chỉ liên quan Biển Đông mà còn về các hành động mua thuê đất lâu dài, đầu tư trực tiếp, thâu tóm sáp nhập doanh nghiệp ở nước ngoài, cho vay xây dựng hạ tầng, v.v. Đặc biệt theo số báo ra ngày 11/7/2021, trong 10 năm qua (2010-2020), Trung Quốc đã mua hoặc thuê dài hạn đất rừng, đất nông nghiệp và đất khoáng sản tại nhiều nước trên thế giới với tổng diện tích lên tới 6,5 triệu ha. Bài báo có kể doanh nghiệp Trung Quốc thuê đất lâu dài ở Bình Phước (75 ha) và nhiều vùng ở Trung và Bắc bộ Việt Nam.

Nhật Bản và nhiều nước khác đã sửa các luật về tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài để đề phòng bị Trung Quốc chi phối.

Việt Nam ta ở vị trí địa chính trị đặc biệt. Hiện nay đang tập trung chống dịch nhưng không nên xao nhãng việc cảnh giác đối với bên ngoài để khỏi mất an ninh kinh tế nói riêng và an ninh quốc gia nói chung. Đặc biệt nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn hiện nay dễ trở thành đối tượng mua bán sáp nhập từ doanh nghiệp nước ngoài./.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Để phản biện bài này, không gì bằng lấy lời của Jackhammer Nguyễn

    “mô hình cộng sản, tức là mô hình nhà nước Lenin-Stalin-Mao mang trong mình tính chất phản động, chống lại sự phát triển bình thường. Vì thế, đảng cộng sản ở các nước còn lại như Trung Quốc và Việt Nam có tính chất phản động, kể cũng không lạ … Cả hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam đều hoạt động bí mật trong hàng chục năm đầu đời của họ. Sự bí mật, cộng với tính chất phản động của họ làm cho họ luôn có khuynh hướng giấu giếm sự thật … Vì thế, họ luôn coi dân chúng là “đối tượng”, cần phải “đấu tranh”, phải giấu giếm dân chúng mọi điều … đừng ngạc nhiên khi nhà cầm quyền cộng sản có thể coi dân là giặc. Sự sợ hãi và thói quen giấu giếm của đảng Cộng sản Việt Nam, làm cho họ trở nên phản động”

Comments are closed.