13-7-2021
Từ ngày 11/7/2021, một sự kiện cực kỳ hy hữu trên hòn đảo này, hàng chục ngàn người dân Cuba đã xuống đường biểu tình phản đối những cuộc khủng hoảng xã hội và lên án chế độ của Chủ tịch Miguel Diaz-Canel.
Quá bực tức vì khủng hoảng kinh tế, người dân Cuba đã biểu tình trên khắp đất nước. Họ hô vang những khẩu hiệu “Tự do!” và “Đả đảo chế độ độc tài!”. Điều chưa từng thấy trong hơn nửa thế kỷ tại đây. Cứ như thể, người dân đã không còn sợ hãi trước sự đàn áp và khủng bố của chế độ độc tài
Chủ tịch Miguel Diaz-Canel đã kêu gọi những người ủng hộ ông cũng xuống đường. “Lệnh chiến đấu đã được đưa ra, trên đường phố, các nhà cách mạng!”, trong một bài phát biểu trên truyền hình, Miguel Diaz-Canel, đã cáo buộc “mafia Cuba-Mỹ” đứng sau cuộc nổi dậy này. “Chúng tôi kêu gọi tất cả những người cách mạng trong nước, tất cả những người cộng sản, hãy ra đường, ngay bây giờ và trong những ngày tới, nơi những hành động khiêu khích đang xảy ra. Và hãy đối mặt với chúng một cách kiên quyết, vững vàng và can đảm.”
Washington đã cảnh báo Cuba về bất kỳ hành vi sử dụng bạo lực nào đối với những người biểu tình. Cố vấn An ninh Hoa Kỳ, Jake Sullivan, cho biết trên Twitter: “Hoa Kỳ ủng hộ quyền tự do ngôn luận, quyền tập họp ở Cuba, và sẽ lên án mạnh mẽ bất kỳ hành động bạo lực nào nhắm vào những người biểu tình ôn hoà, thực hiện các quyền phổ quát của họ”.
Đại dịch Covid-19 đã đẩy Cuba vào một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, tồi tệ nhất trong 30 năm qua, khiến tình trạng thiếu lương thực và thuốc men trở nên trầm trọng hơn, đồng thời gây ra tình trạng bất ổn xã hội mạnh mẽ. Kinh tế khó khăn đã khiến chính quyền phải cắt điện vài giờ trong ngày.
Những cuộc biểu tình rầm rộ đã diễn ra trong bối cảnh một Cuba gặp nhiều biến đổi lịch sử trong nội bộ đảng cộng sản từ hơn 5 năm qua.
Fidel Castro, biểu tượng của chế độ cộng sản Cuba đã mất từ năm 2016. Em trai ông, Raúl Castro, rút lui khỏi chức Chủ tịch nước vào tháng 4/2018 và vào tháng 4/2021, ông đã từ chức Bí thư thứ nhất đảng cộng sản Cuba. Hai chức vụ quan trọng nhất đã thuộc về Miguel Diaz-Canel, vốn không xuất thân từ dòng họ Castro và cũng không trải qua cuộc Cách mạng 1959.
Trong bài phát biểu nhậm chức vào tháng 4/2021, Miguel Diaz-Canel đã cho dư luận thấy rằng ông ta vẫn thuộc lớp bảo thủ, ít cấp tiến, khi tuyên bố “điều quan trọng nhất của cuộc Cách mạng là luôn bảo vệ Đảng cũng như Đảng phải là lực lượng bảo vệ vĩ đại nhất của Cách Mạng”.
Sự kiện từ chức của Raúl Castro đã đánh dấu sự chấm dứt của “triều đại” Castro trong hơn 50 năm cầm quyền tại Cuba. Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế vẫn tỏ ra cẩn thận về một sự lột xác tức thời trên phương diện chính trị. Theo Norman McKay, của tờ The Economist Intelligence Unit, khó có sự thay đổi đột nhiên trong phương cách cầm quyền của đảng cộng sản. Nhưng theo ông, “Internet phải tạo điều kiện thuận lợi cho các yêu cầu về sự minh bạch và tự do, tạo ra những thách thức đối với chính phủ mà đảng cộng sản sẽ khó có thể bỏ qua”.
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ gốc Cuba, Marco Rubio cũng cho rằng việc “Raúl Castro nhường lại quyền lãnh đạo không phải là một sự thay đổi thực sự”. Nhưng ông vẫn tin rằng “dù sao thì sự thay đổi thực sự đang được tiến hành”, bởi theo ông, nó mang mầm mống từ những tình trạng hỗn loạn xã hội. Đối với nhà phân tích chính trị Harold Cardenas, “có một cảm giác mệt mỏi lớn trong xã hội Cuba”, đó là các tác động về sự pha trộn của các chính sách của chính quyền của cựu Tổng thống Trump về việc gây áp lực tối đa lên Cuba và sự thiếu tự tin đối với các dự án và lời hứa của giới lãnh đạo Cuba ”. Đây là điều mà “phe đối lập chính trị đang cố gắng tận dụng”.
Chỉ trong vòng 3 tháng kể từ ngày Raúl Castro rời khỏi chức vụ Bí thư thứ nhất của đảng, sự bất mãn của người dân đã gia tăng ngày càng mạnh, vượt qua cả những nhận định hay tiên đoán của giới quan sát quốc tế. Từ việc cho rằng Raúl Castro tuy rời bỏ mọi chức vụ quan trọng nhưng vẫn hiện diện đằng sau chính trường để có thể can thiệp khi cần thiết cho đến sự bảo thủ ngoan cố của Miguel Diaz-Canel, có một yếu tố được đề cập đã tạo nên sự tăng tốc cho sự bất mãn của người dân, đó chính là Internet và mạng Internet di động (vốn chỉ được đưa vào sử dụng tại Cuba vào năm 2018). Các mạng xã hội đã góp phần hình thành nên những tổ chức, những tập hợp của những tiếng nói bất mãn về chế độ. Người dân đã cảm thấy tự tin và tự do hơn khi trao đổi hay tranh luận thậm chí phê phán chế độ qua các mạng xã hội.
Phe đối lập đã nhanh chóng hiểu được vai trò, tác dụng quan trọng của Internet và các mạng xã hội để chỉ trích trực diện chế độ và kêu gọi người dân tham gia bày tỏ nguyện vọng của họ về một xã hội dân chủ. Trước những đòi hỏi chính đáng, nhà cầm quyền, rơi vào thế kẹt, chỉ biết sử dụng vũ lực để đàn áp phe đối lập.
Thông qua các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Telegram và WhatsApp được cài đặt trên các điện thoại thông minh, giới trẻ đã tiếp cận được nhiều sự thật về xã hội Cuba dưới sự cai trị của đảng cộng sản. Cộng đồng người Cuba tại Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin đa chiều thông qua các mạng xã hội trên cho người dân trong nước.
Có thể nói rằng chính các mạng xã hội đã và đang làm rúng động chế độ độc tài toàn trị tại Cuba. Đó là yếu tố đã tạo nên những cuộc xuống đường chống nhà cầm quyền nhanh hơn những tiên đoán của các nhà bình luận chính trị quốc tế.
Kết cục sẽ ra sao? Tương lai Cuba sẽ chuyển biến nhanh chóng vào con đường dân chủ? Có lẽ vẫn còn sớm để có được câu trả lời chính xác. Nhưng khi người dân xuống đường vì sự đói khát, vì sự mệt mỏi trước bộ máy quan liêu, vì những đòi hỏi chính đáng, chính quyền Cuba khó có thể tiếp tục làm ngơ và sử dụng bạo lực để đáp trả (cảnh sát tại một số vùng đã từ chối can thiệp vào các cuộc biểu tình). Thói quen vu cáo mọi cái xấu cho Hoa Kỳ (như cấm vận từ năm 1962) và cộng đồng người Cuba tại Mỹ đã trở nên lố bịch và phản tác dụng khi người dân đã tiếp cận được sự thật qua Internet.
Khi người dân đã can đảm chỉ đích danh thủ phạm của mọi vấn nạn chính là chế độ cộng sản, đó là một bước tiến dài, thật dài, khiến cho họ vượt qua mọi nỗi sợ hãi. Một bước tiến sau hơn 60 năm bị nhiều áp bức và khủng bố.
Hình ảnh người dân Cuba xuống đường biểu tình khiến cho không ít người Việt thầm hy vọng một viễn cảnh như thế sẽ xảy ra tại Việt Nam một ngày không xa. Tại sao không, dẫu trên phương diện địa chính trị, Cuba có một lợi thế rất quan trọng là không nằm bên cạnh một nước láng giềng “cộng sản” như Việt Nam. Thật vậy, Trung Quốc là một cản trở cực lớn trong tiến trình dân chủ hoá Việt Nam. Tuy người dân nhận thức được sự nguy hiểm cũng như sự thao túng chính trị của Bắc Kinh, chính quyền cộng sản Việt Nam lại vẫn phải thuần phục Trung Quốc để được tồn tại.
Tuy nhiên bài học từ Cuba chính là Internet và các mạng xã hội, nơi mà người dân có thể tiếp cận sự thật và bày tỏ sự bất mãn đối với chế độ. Đó là yếu tố đã khiến người dân Cuba đang thực hiện một cuộc Cách mạng làm chao đảo nhà cầm quyền. So với Cuba, người dân Việt Nam được sử dụng Internet sớm hơn, dẫu cũng bị kiểm duyệt và ngăn chặn. Có thể đó sẽ là một hướng đi để tạo nên một cuộc Cách mạng trong tương lai tại Việt Nam.
Thời đại số và toàn cầu hoá, thông tin đa chiều cần được truyền tải đến với người dân, để giúp họ vượt qua mọi sự sợ hãi để giành lại quyền được Sống trong một xã hội dân chủ và phồn thịnh.
Không phải chỗ để Ruồi Muỗi bu vào