Sàng lọc COVID-19 toàn dân: “Lợi bất cập hại”

Nguyễn Hồng Vũ

6-7-2021

Vài tuần trước mình thấy cảnh đáng lo khi hàng ngàn bà con tụ tập lúc nhúc ở nhà thi đấu Phú Thọ để chích ngừa vaccine; vài ngày nay mình lại còn thấy cảnh đáng sợ hơn là bà con Tp.HCM chen chúc nhau để đi kiểm tra sàng lọc COVID-19 theo chiến lược “xét nghiệm toàn thành phố tìm F0”, hoặc các tiểu thương bán hàng ở chợ, những bác tài lái xe liên tỉnh phải chạy đôn chạy đáo đổ xô đi xét nghiệm COVID-19 để lấy giấy “thông hành”. Mình nhìn nhận những việc này ở Việt Nam là “lợi bất cập hại”!

Việc xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng (vài triệu người) để tìm ra được người nhiễm virus trong cộng đồng để cách ly/điều trị và giảm lây truyền virus cho người khác là một “ý tưởng” hay nhưng “rất khó” thực hiện. Cho đến nay, có 2 nơi đã thực hiện việc này đó là Slovakia và Liverpool vào khoảng tháng 11 năm ngoái nhưng cho thấy không hiệu quả như mong đợi, các ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng và nhiều nhà khoa học đã chỉ trích việc làm “tốn của mà vô ích” như thế này. Những “cái khó” để ý tưởng này thành sự thật đó là:

Kết quả xét nghiệm chỉ cho thấy kết quả của một thời điểm và người được xét nghiệm có thể nhiễm sau đó. Sự tương tác liên tục giữa vài triệu con người trong một cộng đồng là điều không thể tránh khỏi trong quá trình kiểm tra. Để có một bức tranh thật giống với thực tế trong một thời điểm nào đó, chúng ta phải test cho khoảng hàng triệu người trong thời gian rất ngắn -> điều này quá khó vì bị giới hạn về lượng nhân viên y tế, hóa chất, thiết bị, v.v…

Khi chúng ta làm với số lượng mẫu càng lớn thì sai số càng cao do nhân viên phải thực hiện quá nhiều mẫu, áp lực về thời gian và thậm chí phải sử dụng những nhân viên không lành nghề!

Phải lập ra những nơi lấy mẫu đủ tiêu chuẩn về vệ sinh, không gian đủ rộng, thông thoáng và thiết lập hệ thống đặt hẹn cho từng người để đảm bảo số lượng người đến những trung tâm này không quá tải, đảm bảo giữ khoảng cách, giảm thiểu “lây nhiễm chéo” giữa những người đến test.

Không có test nào hiện nay có thể đảm bảo 100% đúng! Đặc biệt các test nhanh (biết kết quả trong vòng 30 phút) có độ nhạy và độ đặc hiệu kém hơn các test RT-PCR! Dữ liệu thực tế từ thí điểm Liverpool cho thấy, bộ dụng cụ kiểm tra nhanh được sử dụng rộng rãi nhất ở các trường đại học, trường học và nhà chăm sóc ở Vương quốc Anh chỉ phát hiện 48,89% trường hợp nhiễm COVID-19 ở những người không có triệu chứng khi so sánh với xét nghiệm bằng RT-PCR!

Kết hợp với các sai số do con người kể trên thì sẽ có một số lượng không nhỏ người nhận kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả. Người nhận kết quả âm tính giả có thể chủ quan mà đi lây nhiễm cho nhiều người khác, trong khi đó người có kết quả dương tính giả thì phải tốn thời gian cách ly không cần thiết!

Ảnh tư liệu

Trở lại Việt Nam, mình thấy rằng việc “Sàng lọc COVID-19 trên toàn dân” trong thời gian này thực sự “vượt quá sức” của hệ thống y tế hiện nay. Nếu chúng ta ráng đâm đầu theo “chỉ tiêu” này thì chỉ “lợi bất cập hại” thôi.

Việc không đủ nhân viên lấy mẫu chuyên nghiệp và phải huy động thêm nhân viên “không chuyên nghiệp” đã tạo những sai số đáng kể.

Việc mọi người chen chúc nhau để làm cái test thì có thể biến nhiều “lợn lành thành lợn què” do lây nhiễm chéo.

Nếu tính số lượng vài triệu người ở thành phố và giá thành các kit test thì sẽ thấy một con số khủng khiếp phải tiêu tốn (chưa kể đến tiền công nhân viên và các hoạt động hỗ trợ khác).

Năm ngoái, lúc Mỹ vẫn chưa phê duyệt vaccine nào cả, có một bạn nhân viên trong phòng thí nghiệm của mình bị mắc COVID-19 nhưng không biết. Đến cuối tuần bạn đó mới bắt đầu có những biểu hiện của bệnh thì mới nghi ngờ và đi xét nghiệm thì cho thấy kết quả dương tính! Bạn ấy xin nghỉ để ở nhà tự cách ly và thông báo lại cho mọi người trong phòng thí nghiệm biết. Vì triệu chứng của bạn ấy xuất hiện khoảng cuối tuần thì có nghĩa là bạn ấy đã bị nhiễm ít nhất vài ngày trước đó hoặc cả tuần trước đó!

Mọi người trong phòng thí nghiệm lúc đó ai cũng khá lo lắng tuy nhiên khi test ra thì không ai bị lây nhiễm virus từ bạn ấy cả, vì tất cả mọi người trong phòng thí nghiệm đều thực hiện tốt việc đeo khẩu trang y tế liên tục trong lúc làm việc và giữ khoảng cách với nhau! Điều này cho thấy nếu ta thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm (đặc biệt là khẩu trang và khoảng cách) thì đã hạn chế rất nhiều việc lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng, điều mà đã được rất nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh trong thời gian qua và mình đã nhấn mạnh từ hồi đầu dịch!

Do vậy, việc thực hiện 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) như ở Việt Nam một cách nghiêm túc đã đủ để giảm thiểu việc lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Việc xét nghiệm chỉ nên dùng để thực hiện trên:

Những người có biểu hiện bệnh và nghi ngờ mắc COVID-19;

Những người tiếp xúc trực tiếp với F0 (nói chuyện ở khoảng cách gần và không khẩu trang);

Những nhân viên y tế tiếp xúc thường xuyên với các bệnh nhân có những bệnh nền, những người có nguy cơ cao bị bệnh nặng/tử vong khi bị COVID-19.

Giới hạn lại số người cần test như trên thì hệ thống y tế sẽ không bị quá tải, sẽ giúp người dân dễ thở hơn và dễ hợp tác hơn. Ngoài ra, việc này giúp tránh các tệ nạn nảy sinh như chạy chọt dịch vụ, giấy tờ giả, v.v… Số tiền khủng từ các kế hoạch mua kit test để “xét nghiệm toàn dân” sẽ được dùng tốt hơn nếu sử dụng vào mục đích hỗ trợ người dân bị thất nghiệp do dịch bệnh!

Tóm lại, mình hy vọng các lãnh đạo trong bộ Y Tế hãy bình tĩnh mà nhìn bức tranh một cách rộng hơn để biết hướng đi nào cho đúng, an toàn nhất và giảm thiệt hại nhiều nhất! Đừng tốn nhân lực và tài lực vào những việc không cần thiết, “lợi bất cập hại” như việc “sàng lọc COVID-19 toàn dân” hoặc “cấp giấy thông hành” cho người đi làm bằng “xét nghiệm nhanh âm tính” mà hãy tạo điều kiện “dãn cách”, hỗ trợ người dân thực hiện tốt 5K và dồn lực vào việc đẩy mạnh tỉ lệ người chích vaccine trong cộng đồng, một việc mà đã được chứng minh là hướng đi hiệu quả nhất để giảm thiểu việc lây nhiễm virus trong cộng đồng!

Bảo trọng nhe bà con!

*Thông tin tham khảo:

https://www.thelancet.com/journals/lanmic/article/PIIS2666-5247(20)30205-6/fulltext (Mass testing for COVID-19)

https://www.bmj.com/content/371/bmj.m4916 (Covid-19: Mass testing is inaccurate and gives false sense of security, minister admits)

https://www.brookings.edu/blog/usc-brookings-schaeffer-on-health-policy/2020/10/27/sars-cov-2-testing-what-tests-to-use-when-why-and-why-not/ (What tests to use, when, why—and why not? Pitfalls of mass testing for COVID-19)

https://tuoitre.vn/tp-hcm-xet-nghiem-toan-thanh-pho-tim-f0-20210629084357441.htm

https://vnexpress.net/tieu-thuong-cho-binh-dien-chen-nhau-lay-ket-qua-xet-nghiem-4304744.html

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Học Giả Nguyễn Duy

    Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân
    (ca dao)

    1.
    Thời Mắc Dịch phải chăng Thời Siêu Thực
    âm dương lập lờ ảo ảo hư hư
    không có giấc mơ
    chỉ toàn ác mộng

    mập mờ như ngủ như thức
    người và ma lẫn lộn tù mù
    ta thu bóng ngồi uống trà với gió
    chén rượu suông cụng với chính hồn mình.

    2.
    Nghe rầm trời tiếng dân đen kêu than

    đứt ruột.

    tiếng thở dồn người chống dịch xả thân

    thắt ruột.

    tiếng chim lồng trơn lưỡi véo von

    sốt ruột.

    tiếng mặt lì lảm nhảm ti-vi

    lộn ruột.

    3.
    Gói hàng mã mùa này gửi cho người âm
    thêm hộp khẩu trang bộ áo choàng y tế
    mâm cúng cô hồn ngoài ngõ còn nguyên
    cô hồn năm nay không được phép lang thang lêu lổng

    hồn vía quay quay cuồng cuồng
    đột quị con đường chen chúc sống

    chen chúc chợ đời chen chúc hồi hương

    chen chúc tiêm phòng chen chúc nhà thương

    chen chúc thở

    chen chúc lò thiêu xác.

    4.
    Có cái chết trống không như chết lậu
    không trống không kèn không đèn không nhang
    mùi tử khí ám ươn nhà ổ chuột
    đau kiếp người sống chui chết chui.
    ta thành kính vấn an linh hồn lạc

    chỉ về Trời mới thật có tự do
    tự do nhẹ như gió
    tự do bềnh bồng như mây
    tự do trong như giọt mưa trong
    tự do nặng trĩu như lòng.

    5.
    Ta lăn lê gần hết đời người
    nỗi buồn khổ nuốt tươi niềm vui sướng
    ta thèm khát vô tư như cỏ
    mong thảnh thơi chấm mút phút nhẹ lòng
    ta đã liều mình lao vào đạn bom
    trẻ liều chết nay về già liều sống.

    6.
    Gió sục sạo khắp trần gian dài rộng
    biết chăng con người sống để làm gì?
    giết chóc triền miên suốt nhiều nghìn năm
    tích tụ máu có thể làm thuỷ điện?

    bức tử nước bức tử rừng bức tử bầu khí quyển
    bức tử trời xanh hay bức tử chính mình?

    dịch bệnh bung toang không hề hư vô
    là kiếp nạn hay đòn trừng phạt?
    lời sấm truyền ngày tận thế tự thân
    hay điềm báo Trời thay nhân loại khác?

    con người hiền lương con người nhân đức
    gian ác vừa thôi kẻo hết đất làm người!

    7.
    Thời mắc dịch ngồi uống trà với gió
    lời ruột gan ta tự vấn hồn mình…

    Nguồn Mạng

Comments are closed.