Nhà báo

Huy Đức

17-6-2021

Ảnh: FB tác giả

Năm 2013, điều sợ hãi sâu xa nhất trong lòng tôi là không thể quay về VN sau một năm trải nghiệm ở Harvard. Tôi nhận được rất nhiều lời khuyên ở lại, kể cả những người có quyền lực trong nước và bạn bè Mỹ. Tôi nói với các Nieman Fellows 2013, họ gồm 12 nhà báo Mỹ và 12 nhà báo đến từ phần còn lại của thế giới, “Tôi không có việc gì để làm ở đây cả”.

Tôi là một nhà báo chỉ sử dụng thông thạo tiếng Việt và những gì tôi viết là chỉ cho người Việt.

Phải làm việc, tranh luận với các nhà báo đến từ nhiều nơi trên thế giới, mới thấy, tự do ngôn luận, tự do báo chí là điều kiện tiên quyết để minh bạch một quốc gia. Tuy nhiên, mục tiêu của tự do không phải là có thể chửi tổng bí thư mà là để đi đến tận cùng sự thật. Tôi không nghĩ là ở trong các quốc gia thực sự dân chủ, đi đến tận cùng sự thật là một công việc dễ dàng, nhưng càng ở những quốc gia ít dân chủ hơn càng cần các nhà báo dám đi tới tận cùng sự thật.

Những nhà báo dám thách thức miếng cơm manh áo của mình thật là dũng cảm [kể cả các nhà báo trở thành anh hùng sau khi về hưu]. Nhưng đừng tưởng tất cả những người giữ mình trong hệ thống báo chí nhà nước là chỉ vì miếng cơm manh áo. Có không ít sự thật họ đã không thể nói ra nhưng nhiều nhà báo (có thẻ) đã phanh phui rất nhiều sự thật. Những sự thật mà chỉ khi công bố trên báo chí nhà nước nó mới gây tác dụng.

Đừng tưởng phải nói văng mạng thì mới là tự do. Đừng tưởng là ở trong các quốc gia tự do, các nhà báo cũng dễ dàng làm được thế. Bạn muốn lên MXH nói cho sướng miệng hay bạn muốn thực sự hữu ích đó là quyết định trách nhiệm không chỉ với bản thân mình.

Tôi là nhà báo không có cơ hội được qua trường lớp. Đi Mỹ học hai lần, mỗi lần một năm chỉ tập trung học chính sách công. Học nghề bằng việc đọc và quan sát các nhà báo đàn anh. Chính vì thế, làm nghề hơn 30 năm mà tôi không có “học trò” hay “đệ tử”. Nhiều khi, nhìn những nhà báo như Lê Đức Dục (Le Duc Duc), Lê Thanh Phong… sai bảo em út cũng rất chạnh lòng.

Tuy nhiên, tôi có một cuộc đời làm nghề khá hài lòng. Đã từng vào Nguyễn Cảnh Chân phỏng vấn tổng bí thư. Lại đã từng vào Chí Hòa phỏng vấn một tướng cướp tay bị còng ngồi bên trong song sắt (Phước Tám Ngón). Các đồng nghiệp trẻ đừng hỏi tôi phỏng vấn ai oai hơn. Tiêu chí của tôi là viết những gì có nhiều thông tin chứ không phải là viết về những điều vĩ đại hay đứng bên cạnh những người quan trọng nhất.

Chúc các đồng nghiệp của tôi luôn giữ được ngọn lửa đam mê và hành nghề trách nhiệm.

***

Huy Đức: Thân phận người Việt

Chúng tôi đã từng mượn thuyền của người Việt sống dọc bờ sông Mekong và Biển Hồ Campuchia để đi đánh cá linh, cá cơm. Họ sinh ra ở đây, nhiều người không biết gốc gác Việt Nam của mình ở đâu. Họ nói tiếng Khmer rành hơn tiếng Việt. Nếu Hun Sen đứng đầu một chính quyền có văn hóa thì phải coi cộng đồng ấy là “người Campuchia gốc Việt” chứ không phải là “người Việt”. Nhưng, cũng không nên chỉ trách Hun Sen.

Trong khoảng từ 2013 -2015, trong quá trình Campuchia soạn thảo chính sách ngoại kiều nhắm vào người Việt Nam. Chính phủ VN biết và trong thời gian đấy, nhiều cơ quan VN đã làm việc với CPC, nhưng, Nghị định 129 do Hun Sen ban hành năm 2016 đã làm bàng hoàng cộng đồng người Việt.

160 nghìn người CPC gốc Việt, hầu hết sinh ra và lớn lên ở CPC đã bị đối xử phân biệt: 90 nghìn người bị coi là bất hợp pháp, Hun Sen có thể đuổi bất cứ lúc nào; 70 nghìn người dù đã có CMND, sổ gia đình, passport của CPC… bị coi là “ngoại kiều”, họ phải chi 62 USD/ người để làm thẻ. Chính phủ Việt Nam thay vì bảo hộ thành công, đã chi cho 70 nghìn “khúc ruột trăm dặm” này mỗi người 62 USD để Hun Sen cấp thẻ ngoại kiều.

Nhà nổi ở sông Tonle Sap, gần Phnom Penh (Campuchia). Ảnh: REUTERS

Các bạn có biết là trong khoảng thời gian kể từ khi VIệt Nam rút quân, có bao nhiêu người Trung Quốc ở CPC không? Không ai biết. Nhưng, số người Hoa đã có quốc tịch CPC, kể từ 1991 đã vượt qua con số triệu từ lâu lắm.

Bình Luận từ Facebook

8 BÌNH LUẬN

  1. Huy Đức:”Tôi là một nhà báo chỉ sử dụng thông thạo tiếng Việt và những gì tôi viết là chỉ cho người Việt”

    Báo quân lụi viết về đời làm báo của Bác “Báo ra cả thẩy được 38 số. Khổ lớn, tên báo bằng chữ Pháp đặt ở giữa, chữ Ả Rập bên trái và chữ Hán bên phải, do Bác viết“. i guess Bác Hồ thông thạo tiếng Hán, nên những gì Bác viết là chỉ cho người Việt .

    “Các bạn có biết là trong khoảng thời gian kể từ khi VIệt Nam rút quân, có bao nhiêu người Trung Quốc ở CPC không? Không ai biết. Nhưng, số người Hoa đã có quốc tịch CPC, kể từ 1991 đã vượt qua con số triệu từ lâu lắm”

    Hổng hiểu phần này trong bài của Huy Đức có “định hướng” gì . Ghen tuông hay kỳ thị chủng tộc ?

    “đã ủng hộ VN vào năm 1978 đưa quân qua Cao Miên đánh bọn Khmer đỏ của tên ác quỉ đỏ Pol Pot” vs “Tôi không chấp nhận chế độ cộng sản ở Miền Bắc trước năm 1975 và ở Việt Nam sau năm 1975”

    Không nên đánh đồng Cộng Sản với Việt Nam . Make sense bác ủng hộ TT Trump, chính vì đôi lúc có (quá) nhiều người Việt hải ngoại đánh đồng Cộng Sản với Việt Nam .

    • Việt Nam theo chủ nghĩa cộng sản và đảng cộng sản Việt Nam áp dụng chế độ cộng sản ở Việt Nam. Tôi chỉ chống những lảnh đạo của đảng cộng sản đang cai trị hơn 98 triệu người dân gồm có gần 5 triệu người theo đảng cộng sản.

  2. Khoảng gần cuối thập niên sáu mươi(1960), nhật báo Thần Chung ở Saigon (tờ báo uy tín , mà độc giả quan tâm thời cuộc và cả giới trí thức ưa thích chọn đọc) có tiểu tựa : ” Làm báo khó hay dễ ? ” trong mục phóng sự (!?) , để luận chuyện một nhà báo vừa ngã xuống vì nghề báo…
    Liên kết giữa bài ấy và bài nầy , thiển nghĩ , làm báo là rất khó ! Vì thế , cần lắm ở sự thông cảm .Như bao nghề chân chính khác ,cái khó đầu tiên là ” chén cơm , manh áo ” , là sinh tồn gia đình , sự học của con…
    Cuộc sống bao giờ cũng đặt chúng ta trước sự lựa chọn , dù việc lớn hay nhỏ .Lương tâm chức nghiệp đòi hỏi công minh chính trực , đạo lý , nhân nghĩa ..do vậy , có thể xảy ra mâu thuần giữa chúng với thế lực kim tiền luôn giăng bẫy . Nghề báo hội đủ những thứ ấy như bao nghề khác , cộng thêm sự hiểm nguy có thể đến vong mạng ! (như phóng viên tin tức thời sự , y tế , chiến trường..)
    Có chứng kiến cảnh báo bị tịch thu ở Saigon dưới thời tổng thống Thiệu , (đôi khi trước cả phát hành , ngay khi còn ở nhà in ), hoặc ” tự ý đục bỏ ” (1) những đứa con tin thần của mình, mới thấy nỗi khó khăn và sự dằn dặt phải lựa chọn giữa ” chén cơm” và ” lương tâm” của người làm báo chân chính
    Thiển nghĩ , đã chọn nghề báo , nhà báo phải chân chính, nghĩa là loan tin đúng sự thật ; bình luận khách quan , đúng bản chất sự việc và đầy ” tầm nhìn”. ” Tâm” phải trong sáng, yêu lẽ phải , công bằng … Có thể nói ,hơn ai hết, nhà báo thường chạm đến câu : ” bần tiện bất năng di , uy vũ bất năng khuất” , cho nên nếu ở hoàn cảnh phải xử lý theo cách “gặp thời thế , thế thời phải thế ” ,thì ít ra cũng còn nhớ ” giấy rách phải giữ lấy lề ” ! Xin cảm ơn !
    (1) một hình thức kiểm duyệt báo chí

  3. Bảo Nguyễn Văn viết (nguyên văn) về bài này của Huy Đức như sau:
    “Mày đi hay ở hoặc ở lại nước ngoài thì kệ bố mày chứ. Đăng bài để khoe hàng à”.

    Có lẽ Bảo Nguyễn Văn có mối thù hận cá nhân với Huy Đức từ nhiều đời trước truyền lại.

  4. “Tuy nhiên, tôi có một cuộc đời làm nghề khá hài lòng. Đã từng vào Nguyễn Cảnh Chân phỏng vấn tổng bí thư. Lại đã từng vào Chí Hòa phỏng vấn một tướng cướp tay bị còng ngồi bên trong song sắt (Phước Tám Ngón).”

    * Anh nầy ví von xỏ lá hahaha; tbt sao lại để cạnh tướng cướp?!

    *Campuchia viết tắt là CPC; China Communist Party thì khác chút, vt là CCP. Không xa lạ mấy…
    Liệu có lúc các mẫu tự CPC sẽ xích tới xích lui cho cùng họ hàng không nhỉ?
    Thảo nào chúng ưa nhau!

    Mười năm xương máu hoá công cốc.
    Cứu đc rồi đc cũng cứ hận thù, phản phúc.
    Ngăn ngừa kẻ thù từ phía tây nam, rồi cuối cùng giặc cũng đến sát bên hông, khi chúng đã ngang nhiên rước chủ mới đến Dara Sakor và căn cứ Ream!

    Nếu không tiến vào Campuchia 23/12/1978, liệu có có chiến tranh 17/2/1979?

    • Cám ơn anh đã dám nói ra những sự kiện mà nhiều người né tránh hay khg chấp nhận…

  5. Tận cùng của sự thật là người cộng sản khi đối diện với sự thật, họ bảo rằng đó không phải là sự thật.

  6. Nói chung, nhà báo cách mạng Việt Nam muốn sống thì phải như con chó ấy, phải cơ hội, phải luồn, phải lách, phải thủ đoạn.
    Chứ cứ như Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang, Trương Châu Hữu Danh… thì chỉ có vào tù.

Comments are closed.