BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên có bài: Nguy cơ Trung Quốc tăng cường vũ khí hạt nhân ở Biển Đông. TS Satoru Nagao ở Viện Nghiên cứu Hudson chỉ ra hai nguy cơ TQ gia tăng số lượng vũ khí hạt nhân ở Biển Đông. Thứ nhất, TQ đã triển khai máy bay ném bom chiến lược H-6 và một số dòng máy bay tiêm kích đa nhiệm như J-10, J-11 ở Biển Đông. Các loại máy bay này đều có thể mang theo bom, tên lửa chứa đầu đạn hạt nhân. Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ phát triển phiên bản tên lửa đạn đạo DF-21 có thể được phóng từ máy bay H-6.
Mối nguy thứ hai là tàu ngầm hạt nhân. Theo một báo cáo gửi Quốc hội Mỹ trong năm 2020, TQ sở hữu 10 tàu ngầm tấn công hạt nhân. Ngay sau báo cáo này, đến cuối tháng 4/2020, TQ công bố, sự góp mặt của 2 tàu ngầm mới vào hải quân nước này, đều chạy bằng năng lượng hạt nhân và có thể mang theo tên lửa đạn đạo tích hợp đầu đạn hạt nhân.
VnExpress đưa tin: Trung Quốc giải thích việc vận tải cơ áp sát Malaysia. Trong cuộc họp báo ngày 2/6, Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ khẳng định, ngày 31/5 nhóm máy bay vận tải của nước này hoạt động gần không phận Malaysia, tiến hành “hoạt động huấn luyện thường lệ của không quân Trung Quốc” và “không nhằm vào bất cứ quốc gia nào”, tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế.
Họ Uông còn khẳng định, TQ đã trao đổi với Malaysia về vấn đề này. Còn đại sứ quán TQ tại Malaysia cũng đưa ra thông tin tương tự, đồng thời tuyên bố “máy bay quân sự Trung Quốc được hưởng quyền bay tự do trong vùng trời liên quan”. Một nguồn tin quân sự tiết lộ, nhóm máy bay vận tải TQ được điều đến Biển Đông để thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho các căn cứ tiền đồn của TQ, được xây dựng trên các thực thể vốn thuộc chủ quyền VN, nhưng không nghe phía VN lên tiếng phản đối.
Trang An Ninh Thủ Đô có bài cung cấp thông tin về nhóm máy bay TQ: Máy bay vận tải nội địa khổng lồ Trung Quốc vừa bị Malaysia điểm mặt trên Biển Đông. Đội máy bay TQ xâm phạm không phận Malaysia gồm 2 loại: Ilyushin Il-76 và Xian Y-20, nhưng về bản chất chỉ là một loại. Il-76 là máy bay vận tải từ thời Liên Xô cũ, còn Y-20 là máy bay được tập đoàn máy bay Tây An phát triển, dựa trên thiết kế khí động học và kiểu cánh đuôi của Il-76 của Nga, nên ngoại hình 2 loại máy bay này gần như giống nhau.
Các chuyên gia quân sự Mỹ cho biết, Y-20 là “đứa con lai” được pha tạp từ nhiều nguồn, sử dụng cánh của Il-76 của Nga, nhưng động cơ của Ukraine, trang bị hệ thống điện tử theo kiểu của máy bay vận tải C-17 Globemaster của Mỹ. Khả năng chở hàng của Y-20 vượt qua Il-76 phiên bản gốc, nhưng chỉ tương đương với biến thể Il-76MF của Nga.
VOA có clip: Malaysia phản đối Trung Quốc ‘xâm nhập’ không phận trên Biển Đông.
RFI đặt câu hỏi về tình hình ở Biển Đông và biển Hoa Đông : Những nguy cơ chiến tranh nào giữa Trung Quốc và Mỹ? Với Biển Hoa Đông, nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, ở Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) đưa ra luận điểm tương đồng với ông Kurt Campbell, điều phối viên của Nhà Trắng về chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương. Theo đó, Washington và Bắc Kinh chia sẻ cùng lập trường: Duy trì nguyên trạng xung quanh đảo Đài Loan ở một mức độ nhất định, nằm trong lợi ích của cả 2 cường quốc. Cho nên, Mỹ cam kết cung cấp vũ khí cho Đài Loan, nhưng không phản đối nguyên tắc “một TQ duy nhất”.
Về tình hình Biển Đông, nhà địa lý học François-Xavier Bonnet chỉ ra, bãi Đá Ba Đầu, khu vực bị TQ nhăm nhe từ đầu tháng 3 tới nay, là một phần của “cụm đảo quan trọng nhất tại Biển Đông”, là cụm đảo Sinh Tồn. TQ đã chiếm 2 bãi đá ngầm ở cụm Sinh Tồn và nếu kiểm soát được cả Đá Ba Đầu, nước này có thể xây dựng một khu căn cứ hải quân lớn cùng với oanh tạc cơ, có khả năng tấn công đến đảo Guam của Mỹ.
VOV có bài: Tính toán của Philippines khi trì hoãn gia hạn thỏa thuận quân sự với Mỹ. Biểu hiện của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong vụ tranh chấp Đá Ba Đầu cho thấy thái độ ngầm khuất phục TQ, nhưng ông này vẫn tìm cách “đi hai hàng” với Mỹ. Hiện Philippines và Mỹ vẫn chưa thống nhất về việc có nên tiếp tục gia hạn Thỏa thuận các Lực lượng thăm viếng (VFA) hay không, sau các cuộc đàm phán kéo dài trong vài tháng qua. Nếu VFA không được gia hạn, Mỹ sẽ phải rút quân khỏi Philippines.
Mời đọc thêm: G7 nêu sáng kiến đối đầu Trung Quốc (ĐV). – Trung Quốc bác cáo buộc ‘xâm phạm không phận’ của Malaysia (TG&VN). – Trung Quốc biện minh vụ 16 máy bay áp sát không phận Malaysia (PLTP). – Indonesia ngừng hoạt động trục vớt chiếc tàu ngầm bị chìm (TTXVN). – Indonesia dừng chiến dịch trục vớt xác tàu ngầm nổ tung dưới đáy biển (TP).
Bao giờ mới điều tra xong vụ Sáu Cang?
VKS lại trả hồ sơ vụ ông Tất Thành Cang liên quan sai phạm ở Sadeco, Zing đưa tin. Viện KSND TP HCM trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung ông Tất Thành Cang và 18 đồng phạm trong vụ án “Tham ô” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí xảy ra tại Công ty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco)”.
Đây là lần trả hồ sơ thứ 2, lần này VKS tiếp tục yêu cầu làm rõ trách nhiệm từng cá nhân trong vụ án; điều tra, xem xét vai trò đồng phạm của một số người khác. Trước đó, ngày 11/5, Cơ quan CSĐT công an TP HCM đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, chuyển VKS cùng cấp, đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang và đồng phạm. Sau gần một tháng “ngâm” hồ sơ, phía VKS tiếp tục trả hồ sơ.
Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi: Vì sao Viện kiểm sát trả hồ sơ vụ ông Tất Thành Cang và đồng phạm? VKS đưa ra các lý do, phải “làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong vụ án”, với tội tham ô, VKS đề nghị làm rõ hành vi của một số đối tượng khác và xem xét lại tội danh. Toàn bộ các ý dài dòng này có thể được diễn giải là: “Bằng mọi giá phải chia nhỏ tội trạng của Sáu Cang ra cho các đồng phạm cùng gánh”.
Nếu VKS muốn đổ hết tội danh, trách nhiệm lên Sáu Cang, thì bản kết luận điều tra của công an thành Hồ vào ngày 12/1 đã đủ đáp ứng được. Nhưng sau khi “ngâm” hồ sơ gần 2 tháng, VKS không vừa ý và trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại vụ Sáu Cang vào ngày 10/3. Đó là lần trả hồ sơ thứ nhất. Công an thành Hồ mất hơn 2 tháng để điều tra lại cho đúng ý của VKS, hoàn tất kết luận điều tra vào ngày 11/5, đề nghị giảm nhẹ trách nhiệm cho Sáu Cang.
Sau gần một tháng “ngâm” bản kết luận điều tra giảm nhẹ tội cho Sáu Cang, VKS vẫn chưa vừa ý. Nếu VKS chấp nhận bản kết luận điều tra ngày 12/1 của phía công an thì Sáu Cang đã nhận án, nhưng VKS liên tục “câu giờ”, có lẽ chờ “người đốt lò” ngủm chăng?
Mời đọc thêm: Lại trả hồ sơ vụ án Tất Thành Cang cùng đồng phạm (SGGP). – Viện kiểm sát tiếp tục trả hồ sơ vụ án liên quan ông Tất Thành Cang (TP). – Viện Kiểm sát Nhân dân tiếp tục trả hồ sơ điều tra lại vụ ông Tất Thành Cang (RFA). – Vụ án Tất Thành Cang: Làm rõ vai trò đồng phạm của Công ty Nguyễn Kim (GDTĐ).
Cán bộ chống buôn lậu kiêm nghề… buôn lậu
Cơ quan CSĐT công an TP HCM vừa bắt tạm giam một cán bộ công an chống buôn lậu cầm đầu đường dây buôn lậu, báo Tiền Phong đưa tin. Đó là ông Hoàng Duy Tiến, cán bộ thuộc Đội phòng chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả (đội 7), của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC03) thuộc công an TP HCM, vừa bị tạm giam và khởi tố cùng 4 đồng phạm về hành vi “buôn lậu”. Nơi ở của ông Tiến đã bị khám xét trong đêm 2/6, công an đã thu giữ nhiều tang vật, tài liệu liên quan hàng điện máy, điện tử.
Theo kết quả điều tra ban đầu, lợi dụng nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực phòng, chống buôn lậu, bị can Tiến đã phối hợp với một số đồng phạm ngoài ngành để hình thành một đường dây buôn lậu hàng điện máy, điện tử. Nhóm này đã thành lập nhiều doanh nghiệp, do các đồng phạm và người tình của Tiến đứng tên đại diện pháp luật.
Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Cán bộ công an chống buôn lậu bị bắt đã buôn hàng cũ, cấm nhập. Bị can Tiến bị bắt vì đã nhập hàng cũ quá hạn về VN, đều là hàng cấm nhập. Trước đó, công an đã kiểm tra và bắt quả tang 6 container chứa hàng đã qua sử dụng, là hàng cấm nhập tại kho hàng ở Cảng Cát Lái. Tiếp tục điều tra, công an xác định, 6 container này đều do một công ty nhập về trái quy định, có liên quan đến Bị can Tiến và các đồng phạm.
Mời đọc thêm: Khởi tố, bắt tạm giam nguyên cán bộ Công an và các đồng phạm buôn lậu (Tin Tức). – Công an TP.HCM bắt cảnh sát chống buôn lậu tổ chức đường dây buôn lậu (VNN). – TP.HCM: Bắt cán bộ chống buôn lậu lập công ty cho người khác buôn lậu (VTC).
***
Thêm một số tin: Lộ bí mật thông tin cá nhân: lỗ hổng ở đâu? (RFA). – Vụ hoán đổi đất công ở quận 3, TP HCM: Không có căn cứ điều tra bổ sung! (NLĐ). – Đề xuất thuế tối thiểu toàn cầu của Mỹ là yếu tố “thay đổi cuộc chơi” (TTXVN). – Doanh nhân xã hội Sandy Đặng và giấc mơ mang tự do cho người tị nạn (VOA). – Belarus đóng biên giới và chỉ cho người có thẻ định cư ở nước ngoài xuất cảnh (BBC).