Vài suy nghĩ về tọa đàm “Những chiến lược mới trong chống dịch và phát triển kinh tế”

Nguyễn Ngọc Chu

27-5-2021

1. LẮNG NGHE THƯỜNG XUYÊN?

Chiều 26/5/2021 Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức toạ đàm “Những chiến lược mới trong chống dịch và phát triển kinh tế”.

Như vậy, toạ đàm được tổ chức bởi Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Điều này dường như báo hiệu rằng các toạ đàm sẽ được tổ chức định kỳ thường xuyên. Có nghĩa là Chính phủ sẽ lắng nghe ý kiến thường xuyên?

Xin nhắc lại, thời Cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã có “Ban nghiên cứu của thủ tướng” hoạt động thường xuyên. Đến thời cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì bị giải thể. Tiếp đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì có “Tổ tư vấn Kinh tế của thủ tướng”.

2. LẮNG NGHE ĐA CHIỀU?

Trong buổi toạ đàm chiều ngày 26/5/2021 các thành viên toạ đàm bao gồm: Ông Vũ Tiến Lộc, ông Lưu Bình Nhưỡng, ông Nguyễn Sỹ Dũng, ông Lê Thanh Vân – đều là những nhân vật đã khá quen biết trên nghị trường và trên truyền thông.

Có thể đợi chờ rằng trong các cuộc toạ đàm tới, những thành viên tham gia sẽ thay đổi, nhằm mục đích để Chính phủ nghe được nhiều ý kiến khác nhau. Nhất là những ý kiến khác lạ, thậm chí khó nghe?

3. NỘI DUNG ĐÓNG GÓP

Những người tham gia toạ đàm chiều 26/5/2021 đã trả lời và đóng góp ý kiến xung quanh các câu hỏi nêu trước của chủ trì toạ đàm. Đây là thể thức phổ biến. Các câu hỏi đó là:

1. Cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo diễn ra sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII được kỳ vọng sẽ tiếp tục đưa đất nước phát triển, nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế, hiện thực hóa khát vọng “Việt Nam hùng cường” vào giữa thế kỷ 21. Các vị khách mời đánh giá như thế nào về bối cảnh đất nước sau bước chuyển giao này?

2. Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được công bố cuối tháng 4 vừa qua, năm 2021 dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 6,7% và đến tháng 4/2022 là 7%. Tuy nhiên, việc chuyển tiếp, tiếp quản công tác chỉ đạo điều hành về kinh tế-xã hội giữa hai nhiệm kỳ Chính phủ diễn ra và hoàn thành đúng lúc dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Tình hình này đặt ra những vấn đề cấp thiết và thách thức ra sao, thưa các vị khách mời?

3. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra quan điểm, tinh thần chỉ đạo mới: “Chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công”. Bên cạnh đó, Thủ tướng khẳng định tinh thần kiên định thực hiện mục tiêu kép. Tinh thần, quan điểm chỉ đạo này đã tạo ra những tiền đề quan trọng nào để hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, thưa ông Lê Thanh Vân?

Nhìn chung, tất cả các thành viên toạ đàm đều đánh giá tích cực về Chính Phủ. Trong đó Có 3 điểm sau:

– Chính phủ đã hành động đúng trong chống dịch và phát triển kinh tế.

– Chính phủ mới là Chính phủ hành động, Chính phủ nói ít làm nhiều.

– Cách thức điều hành của Chính phủ sẽ mang lại cơ hội thu hút FDI.

4. TIẾP THU Ý KIẾN

1/ Tiếp thu ý kiến và sử dụng ý kiến mới là quan trọng. Còn nếu tổ chức toạ đàm chỉ để cho người tham gia toạ đàm nghe thì giá trị thực dụng vô cùng bé.

Thời cố Thủ tướng Phan Văn Khải, trước khi Chính phủ ban hành bất cứ văn bản nào, Thủ tướng cũng đều chuyển cho Ban Nghiên cứu xem trước và có ý kiến. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng thường xuyên làm việc với các thành viên thường trực của Tổ tư vấn. Bởi thế các đóng góp của các thành viên Ban nghiên cứu và Tổ tư vấn mới có giá trị.

2/ Điều quan trọng khác là tóm tắt các ý kiến đã đóng góp. Thủ tướng không có thời gian để nghe tất cả các thành viên phát biểu. Bản thân các thành viên tham gia cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau.

Bởi thế phải cô đọng các ý kiến đóng góp về các điểm cốt lõi. Các thành viên tham gia toạ đàm phải thống nhất các đề xuất. Đó phải là các đề xuất với các biện pháp thực thi cụ thể.

Chúng ta đã từng chứng kiến việc lãnh đạo đến nghe cả hội trường hàng trăm người đóng góp ý kiến. Các ý kiến đóng góp như thế đều tan vào không trung.

3/ Các câu hỏi toạ đàm cần yêu cầu nêu các biện pháp cụ thể giúp cho Chính phủ hành động, tránh khuyến khích việc trả lời chung chung với những lời “có cánh”. Chính phủ hành động là Chính phủ cần biện pháp.

5. KỲ VỌNG

Nghe người ca ngợi thì dễ. Nghe người nói ý kiến khác chiều mới là khó. Nói chung chung thì dễ. Nêu biện pháp cụ thể mới là khó. Bởi thế, tránh nghe lời ngợi ca, siêng nghe lời chỉ trích, chối bỏ lý thuyết suông mà chuộng biện pháp cụ thể.

Sinh ra lớn lên và cả đời sống trên mảnh đất này, đã là người Việt không ai không yêu quê hương đất nước. Chỉ có điều mức độ yêu khác nhau, cách yêu khác nhau, nhận thức khác nhau mà dẫn đến các đòi hỏi khác nhau, cách nhìn khác nhau, hành động khác nhau. Đó là những điều không nằm ngoài quy luật biến hoá của vũ trụ.

Cho nên chính kiến khác nhau không phải là thù địch. Chính kiến khác nhau là động lực của phát triển.

Đã quá nhiều bài học đau thương. Cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, chống xét lại, cải tạo công thương, cải tạo sau 30/4/1975…tất cả đều là những vết thương chí tử. Những vết thương như thế không bao giờ được lặp lại.

Khi người cầm quyền cái thế thì tầm nhìn cái thế. Tầm nhìn cái thế bao quát được các tầm nhìn khác hướng. Bởi thế mà dung nạp được các chính kiến khác chiều, dung nạp được cả chỉ trích lẫn phản kháng.

Nhớ lại có lần cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nói đại ý: “Ngoài đó các ông hay bỏ tù nhau lắm”. Đó là vì không có tầm nhìn cái thế, không dung nạp được chính kiến khác chiều, chứ chưa nói đến chỉ trích và phản kháng.

Kỳ vọng Chính phủ mới dung nạp được ý kiến muôn màu sắc khác biệt của đồng bào, để đất nước phát triển mạnh mẽ.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “Những vết thương như thế không bao giờ được lặp lại”

    Ơ, thía là hổng tôn chọng những ý kiến khác nhau rùi

    “dung nạp được cả chỉ trích lẫn phản kháng”

    Cả phản động lẫn thế lực thù địch, kể cả những ngừ mún chống đối & đòi lật đổ

    “Chỉ có điều mức độ yêu khác nhau, cách yêu khác nhau, nhận thức khác nhau mà dẫn đến các đòi hỏi khác nhau, cách nhìn khác nhau, hành động khác nhau. Đó là những điều không nằm ngoài quy luật biến hoá của vũ trụ”

    Thía nàm thao để phân biệt được cách iu đúng, nhận thức cao, mà hổng phải là chống đối, là đòi lật đổ ? Có ngừ wan niệm Cứu Đảng là cứu nước, có ngừ nghĩ ngược lại, Cứu Đảng là bán nước . Có chít hông chứ lại. Nàm thao để dung hòa 2 ý mún trái ngược nhao ? Méc công an như 10 điều răn biểu tình đề nghị?

    “chối bỏ lý thuyết suông mà chuộng biện pháp cụ thể”

    Thía nào là lý thuyết suông, và khác với biện pháp cụ thỉa chỗ nào ? 1 ngừ rao giảng zìa chủ nghĩa tư bửn rùi đề ra những biện pháp cụ thỉa để hy vọng lật đổ chủ nghĩa xã hội, ngừ kia làm ngược lại . Toán lý thuyết chỉ toàn lý thuyết suông thui, bói toán cũng thía . Nhưng 2 ngành đó ở VN được trọng vọng nên thường nhìu ngừ thường kết hợp . Hoàng Duy Phú là 1 ví dụ .

    Còn zìa “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ đã đề xuất các chiên da nghiên kíu mô hình “sống chung với giặc”. “Đổi Mới” quả có khác!

    Giá 1 liều pfizer ở Mỹ là 37 USD, ra tới nước ngoài … the sky’s the limit. Có mót cầu thì cung sẽ tăng giá . Trên mạng có ngừ tính zìa tới đất nước iu dấu của chúng ta, mỗi liều có thỉa lên tới 100 USD với điều kiện nước ta được phép mua, trong khi ở Pháp là 32 EUR. Kinh tía thị chường hổng có định hướng xã hội chủ nghĩa nó khốn nạn thía đấy .

  2. Những cái mặt trong chính phủ Phạm Minh Chính, không cái nào có khả năng dung nạp ý kiến khác biệt.
    Vụ Đồng Tâm còn mới.
    Cũng là một hội đồng chuột mà thôi.

Comments are closed.