BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên có bài: Trò hai mặt của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước khi TQ công bố thông tin về cuộc tập trận ở Biển Đông có sự tham gia của hàng chục tiêm kích bom JH-7, TS Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc gia của Trung Quốc về Biển Đông đã có bài viết kêu gọi ASEAN hợp tác với TQ ở Biển Đông. Họ Ngô đổ lỗi cho Mỹ, là một “thế lực bên ngoài” tìm cách can dự vào tình hình nội bộ ở Biển Đông, trong khi TQ luôn chìa “cành oliu” với các nước ASEAN.
Phía Mỹ cho biết, TQ đang thúc đẩy việc phát triển tên lửa đạn đạo đối hạm (ASBM) để đe dọa tàu chiến của Mỹ và nhiều nước hiện diện ở khu vực. Cuối tháng 8/2020, TQ đã bắn thử 2 tên lửa ASBM đến Biển Đông, gồm một tên lửa Đông Phong 21 (DF-21) được bắn từ tỉnh Chiết Giang và 1 tên lửa Đông Phong 26 (DF-26) được bắn từ tỉnh Thanh Hải.
Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Trung Quốc chỉ trích Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin liên lạc với người đồng cấp TQ Ngụy Phương Hòa ba lần nhưng không được hồi đáp, ngày 25/5, Bắc Kinh lên tiếng phủ nhận vụ việc và khẳng định, đã tìm cách liên lạc với Bộ trưởng Austin không lâu sau khi ông nhậm chức, đồng thời đề nghị sắp xếp một cuộc đối thoại giữa hai người.
Hoàn Cầu Thời báo khẳng định, văn phòng của Bộ trưởng Austin vẫn chưa hồi đáp lời đề nghị đối thoại với Bộ trưởng Ngụy. Một quan chức giấu tên của TQ tiết lộ, Mỹ từ chối lời mời nói chuyện với Bộ trưởng Ngụy, nhưng lại tìm cách liên lạc với Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương TQ Hứa Kỳ Lượng. Phía TQ cho rằng, đó là “một hành động thiếu chuyên nghiệp và thiếu thân thiện khi coi thường nghi thức ngoại giao và thông lệ chung quốc tế”.
VTC đặt câu hỏi: Điểm nóng và sức mạnh quân sự toàn cầu đang chuyển từ Tây sang Đông? Các mục tiêu chiến lược của Mỹ ở nước ngoài đã đi đến một bước ngoặt, Tổng thống Joe Biden quyết định rút tất cả binh sỹ Mỹ từ Afghanistan về nước trước tháng 9/2021. Tuyên bố chung hội nghị thượng đỉnh giữa ông Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đề cập đến vấn đề hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan.
Đài ABC có clip: Cuộc đối đầu căng thẳng giữa TQ và Philippines khiến ngư dân sống trong sợ hãi.
Báo Thế Giới và VN đưa tin: Nhật Bản-Thái Lan ủng hộ duy trì tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế trong tranh chấp trên biển. Nobuo Kishi, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật điện đàm với Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-Cha, bàn về tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trong cuộc điện đàm, lãnh đạo hai nước khẳng định, chương trình Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng với Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP). Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và người đồng cấp Thái Lan cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc tôn trọng các nguyên tắc được quy định trong AOIP, bao gồm vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.
Mời đọc thêm: Tướng Mỹ nhầm lẫn khiến Trung Quốc tức giận, gạt phăng đàm phán (Infonet). – Tàu cá phục vụ cho chiến lược “tằm ăn lá dâu” của Trung Quốc (Sputnik). – Tầm quan trọng của tự do hàng hải và vai trò trung tâm của ASEAN (Tin Tức). – “Show diễn” của Philippines ở Biển Đông (TT). – Nữ hoàng Anh thăm siêu tàu sân bay chuẩn bị tới Biển Đông (ANTĐ). – Đất hiếm dưới đáy Biển Đông: Cần chiến lược tổng thể (ĐV).
Các vụ sai phạm
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai khiển trách cựu Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, Tiền Phong đưa tin. Kết luận của UBKT Tỉnh ủy Gia Lai về Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Gia Lai và các cá nhân có liên quan, Đảng bộ công an tỉnh Gia Lai đã có các sai phạm liên quan đến sự thiếu trách nhiệm của đại tá Phạm Văn Chẩn, cựu Phó GĐ công an tỉnh Gia Lai và ông Chẩn bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Chuyện ở Đắk Lắk: Nhiều lãnh đạo huyện Ea H’leo bị xem xét kỷ luật, báo Pháp luật VN đưa tin. UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk xác minh trường hợp ông Bàn Tuấn Minh, Chủ tịch UBMT Tổ quốc VN huyện Ea H’leo và ông Phạm Văn Thời, cựu Trưởng phòng Nội vụ huyện Ea H’leo. Hai người này đã có sai phạm trong công tác cán bộ. UBKT tỉnh Đắk Lắk cũng xem xét nội dung tố cáo trường hợp ông Nguyễn Chí Cường, Phó Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Ea H’leo.
Cơ quan CSĐT công an tỉnh Thái Bình khởi tố nguyên giám đốc trung tâm quỹ đất, Zing đưa tin. Bị can Vũ Gia Viễn, cựu GĐ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hưng Hà và Nguyễn Quang Vinh, viên chức tại trung tâm này, cùng bị khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo tài liệu điều tra, bị can Viễn đã ký hợp đồng với Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình, tổ chức 9 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Còn bị can Vinh được giao phụ trách công tác hồ sơ đấu giá của đơn vị. Trong 9 cuộc đấu giá này, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hưng Hà đã thu phí bán hồ sơ cho người tham gia đấu giá với tổng số tiền gần 270 triệu đồng, bị can Viễn chiếm đoạt 70 triệu đồng.
Mời đọc thêm: Kỷ luật nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh Gia Lai (GT). – Khởi tố nguyên giám đốc trung tâm quỹ đất ở Thái Bình (VTC). – Thái Bình khởi tố nguyên giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Hưng Hà (RFA). – Sai phạm xét duyệt hồ sơ nhà ở xã hội, 4 cán bộ, công chức Sở Xây dựng Đà Nẵng bị kỷ luật (TP).
Tin giáo dục
VietNamNet đưa tin: Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM kết luận vụ 11 giảng viên Hàn Quốc học nghỉ việc. Ông Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM, ký thông báo về vụ giải quyết đơn kiến nghị của 11 giảng viên Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. ĐH Quốc gia giải quyết theo hướng tìm cách nhân nhượng, thỏa hiệp với cả 2 phía.
ĐH Quốc gia nhận định về cáo buộc bà Nguyễn Thị Phương Mai, trưởng khoa Hàn Quốc học, thiếu dân chủ: “Yếu về năng lực quản lý, lãnh đạo dẫn đến việc điều hành khoa Hàn Quốc học một cách độc đoán, chuyển quyền, tùy tiện, duy ý chí, hành xử thiếu tôn trọng đồng nghiệp, cư xử mang tính tư thù đối với những giảng viên có chính kiến”. Nhưng ĐH Quốc gia vẫn kết luận, chưa có đủ cơ sở để khẳng định bà Mai thiếu dân chủ, đồng thời kêu gọi khoa Hàn Quốc học lắng nghe “tâm tư nguyện vọng” của các viên chức.
Đầu tháng 3/2021, 12 giảng viên khoa Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM cùng nộp đơn xin nghỉ việc, nhưng một người rút đơn và tiếp tục làm việc. Nhóm giảng viên còn lại vẫn giữ đơn kiến nghị, cho rằng nhà trường đã “bổ nhiệm thần tốc, chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện và các quy định pháp luật hiện hành” đối với trưởng khoa Hàn Quốc học Nguyễn Thị Phương Mai.
Báo Giáo Dục VN có bài: Học thật, thi thật phải bắt đầu từ các lãnh đạo thật. Tác giả nhận định về tầm quan trọng của giáo dục bậc tiểu học: “Tôi đã từng dạy đại học, rồi dạy bậc trung học phổ thông, trung học cơ sở và giờ là tiểu học, sau cả một quá trình dài như vậy tôi mới xác định được bậc tiểu học là quan trọng nhất, là khởi đầu của mỗi con người. Vậy nên nếu muốn nói đến việc học thật thì chúng ta cũng phải giáo dục cho lứa tuổi học sinh từ khi bắt đầu đi học”.
Ngay ở bậc tiểu học, giáo viên dạy học sinh để có được điểm 9 điểm 10, “nhồi nhét” vào đầu học sinh tư tưởng học vì thành tích, vì điểm số, không phải học để có kiến thức bổ ích cho mình. Học sinh tìm mọi cách để đạt được mục tiêu này, từ đó dẫn tới lỗi tư duy học vì điểm số, thành tích, kéo dài suốt các bậc học còn lại, đến khi tốt nghiệp đại học, cao học… rồi vào các cơ quan làm việc, họ đặt “thành tích” dỏm làm mục tiêu phấn đấu. Kết quả là, VN có quá nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhưng chẳng có sáng kiến gì mang lại lợi ích cho VN và cả thế giới.
Báo Tiền Phong đưa tin: Hơn 1.000 phụ huynh ký đơn phản đối trường quốc tế tăng học phí. Các phụ huynh có con học ở hệ thống Trường Quốc tế Á châu, TP HCM vừa làm đơn khiếu nại về vụ tăng học phí, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Một phụ huynh cho biết, học phí năm học 2021-2022 của con mình ở lớp 4 sẽ tăng lên tới 13,37 triệu đồng/tháng, trong khi năm học lớp 3 vừa rồi 2020-2021, chỉ đóng 10,97 triệu đồng/tháng, tăng 2,4 triệu đồng/tháng, khoảng 21,9%.
Một phụ huynh khác cho biết: “Năm học 2020-2021, mỗi tháng, tôi phải đóng 53 triệu đồng học phí, tiền ăn uống, xe đưa đón cho cả 3 con. Nhưng năm học tới, con số này là hơn 60 triệu đồng/tháng. Nếu chỉ tính riêng học phí, số tiền tôi phải đóng cho bé lớp 2 và lớp 5 tăng 15%, bé lớp 7 tăng 14%, so với chính mức học phí của các khối lớp này ở năm trước”.
Báo Giáo Dục VN đưa tin: Lạm thu tràn lan, Gia Lai yêu cầu thanh tra trên toàn tỉnh. Ông Nguyễn Phúc, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Gia Lai, ký công văn gửi Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về vấn đề “chỉ đạo thanh tra các khoản thu đóng góp của cha mẹ học sinh tại các trường học do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý”.
Trước đó, Thanh tra huyện Đức Cơ đã tiến hành thanh tra hai năm học 2019-2020 và năm học 2020-2021 tại 6 trường học, từ bậc học mầm non đến THCS, cơ quan chức năng phát hiện, nhà trường, Ban đại diện phụ huynh học sinh lạm thu một số khoản của phụ huynh học sinh sai quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. Các cơ sở này đã phải hoàn lại số tiền lên tới gần 600 triệu đồng thu sai.
VnExpress đưa tin: Dừng bổ nhiệm 2 Hiệu phó Đại học Y dược TP HCM. Hội đồng trường ĐH Y dược TP HCM quyết định dừng bổ nhiệm Hiệu phó đối với PGS Ngô Quốc Đạt và TS Hà Mạnh Tuấn, sau khi bị Bộ Y tế cho rằng, vụ bổ nhiệm này sai quy trình. Quyết định được đưa ra sau gần 2 tháng ĐH Y dược TP HCM bổ nhiệm chức Hiệu phó với ông Đạt và ông Tuấn.
Mời đọc thêm: Gia Lai đề nghị thanh tra toàn tỉnh việc sử dụng quỹ cha mẹ học sinh (VOV). – Thanh tra phát hiện thu tiền của cha mẹ học sinh sai quy định (DS). – Thiếu học sinh, ngôi trường 3 tầng hoạt động vài năm rồi “bỏ hoang” — Cách đạt chữ Thật trong giáo dục theo góc nhìn của Hiệu trưởng trường Đông Hà — Hàng nghìn phụ huynh ký tên phản đối Trường Quốc tế Á Châu tăng học phí (GDVN).
– Kết luận của ĐHQG TPHCM vụ 11 giảng viên kiện Trưởng Khoa Hàn Quốc học nêu gì? (GDTĐ). – TP HCM: Trường Quốc tế Á Châu tăng học phí trong lúc dịch bệnh có phù hợp? (NLĐ). – Cộng điểm thí sinh có chứng chỉ TOEFL, IELTS vào lớp 6: Sai phương pháp giáo dục? (TP). – Hơn 9.000 học sinh phải cách ly, Bắc Giang đề xuất thi tốt nghiệp nhiều đợt (VNN).
Vụ không tặc của chính quyền Belarus
Sau khi bị tổng thống Lukashenko cho người khống chế máy bay và bắt giữ, nhà báo Roman Protasevich “tự thú” trên truyền hình Belarus, Zing dẫn lời cha của ông Protasevich: ‘Con trai tôi bị gãy mũi, bị ép quay video tự thú’.
Trong cuộc phỏng vấn bằng tiếng Nga với Reuters, ông Dzmitry Protasevich cho biết: “Có khả năng mũi của con trai tôi bị gãy, vì hình dáng mũi của nó thay đổi và có nhiều bột trên mũi. Toàn bộ phần bên trái của khuôn mặt con trai tôi đều có bột… Đó không phải là lời nói của con trai tôi, không phải ngữ điệu thường thấy trong lời nói của nó”.
Cha của nhà báo Protasevich nói thêm: “Và gói thuốc lá trên bàn đó cũng không phải của nó. Con trai tôi không hút những thứ này. Vì vậy, tôi nghĩ rằng nó đã bị ép buộc”. Kể cả khi nhà báo Protasevich thật sự tự thú đi nữa, hành vi dùng máy bay chiến đấu để ép máy bay dân sự hạ cánh và bắt cóc hành khách là hành vi không tặc.
Đến lượt bạn gái của anh Protasevich “tự thú”: Bạn gái nhà báo đối lập Belarus lần đầu lên tiếng sau khi bị bắt, VTC đưa tin. Ngay sau video “tự thú” của nhà báo Protasevich, truyền thông Belarus công bố video ghi lại lời “tự thú” của nữ sinh viên Sofia Sapega, là người cũng bị bắt trên cùng chuyến bay.
Ông Franak Viacorka, cố vấn của bà Sviatlana Tsikhanouskaya, lãnh đạo phe đối lập Belarus, cho rằng, cô Sapega bị ép nói ra lời thú tội: “Cô ấy là bạn của Roman. Và họ buộc cô ấy phải thú nhận tội danh mà cô ấy không phạm phải”. Trong cuộc phỏng vấn ngày 25/5 với Reuters, mẹ của cô Sapega, bà Anna Dudich cho rằng, con gái mình vô tội, sai lầm của cô là xuất hiện không đúng nơi, không đúng địa điểm.
Báo Giao Thông có bài: Nga muốn Belarus thả nữ sinh Sofia Sapega bị bắt cùng blogger Protasevich. Người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin thông báo, cô Sofia Sapega là công dân Nga, nên Moscow hy vọng Minsk sẽ sớm trả tự do cho cô này.
Ông Peskov lưu ý, Moscow “là đại diện cho việc tuân thủ các quyền của công dân Nga trên lãnh thổ của các quốc gia khác. Điện Kremlin hy vọng rằng các nhân viên thực thi pháp luật sẽ sớm trả tự do cho nữ sinh viên Sapega”. Xung quanh vụ cô Sapega “tự thú”, có ý kiến cho rằng cô này sẽ bị xử cùng với anh Protasevich, nhưng ông Dmitry Peskov lưu ý, cô Sapega không có bất kỳ hành vi phạm tội nào.
VnExpress đưa tin: Đức nói Belarus sẽ ‘trả giá cay đắng’ vì vụ chuyển hướng máy bay. Heiko Maas, ngoại trưởng Đức phát biểu trước báo giới tại Berlin, rằng Tổng thống Belarus sẽ phải trả giá vì hành động “bắt cóc” máy bay: “Bất cứ lãnh đạo nào đùa giỡn với những ý tưởng như vậy đều phải hiểu rằng họ sẽ phải trả giá cay đắng… Mục tiêu của chúng tôi luôn là Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và bộ máy quyền lực của ông ta, không phải dân thường”.
Ngoại trưởng Maas bình luận, hành động ép máy bay của hãng Ryanair phải hạ cánh khẩn cấp là “hành vi kinh khủng”, gây nguy hiểm đến tính mạng của hơn 170 người trên máy bay: “Đây là một vụ tấn công vào an ninh hàng không, tự do báo chí và những công dân châu Âu trên phi cơ”. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định, đây là vụ việc “chưa từng có tiền lệ” và “không thể tin nổi”.
Diễn biến mới vụ máy bay Ryanair: Mỹ bắt đầu xem xét đòn ‘tấn công’ Belarus, báo Thế Giới và VN đưa tin. Khi được hỏi, liệu Mỹ có xem xét các biện pháp trừng phạt Belarus hay không, Tổng thống Joe Biden khẳng định: “Điều đó đã bắt đầu được xem xét tới. Tôi không muốn đưa ra suy đoán cho đến khi chúng tôi chính thức công bố”. Ngay sau vụ bắt cóc, ông Biden cũng đã lên án Belarus, đồng thời bày tỏ hoan nghênh sự kiện Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi trừng phạt chính phủ Belarus.
VOV đưa tin: Thượng đỉnh EU “nóng” vấn đề Belarus, Nga và Trung Quốc. Trước khi xảy ra vụ không tặc, EU vốn đã không công nhận kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Belarus 2020, đồng thời công khai hậu thuẫn phe đối lập ở nước này. Sau vụ bắt người “chưa từng có tiền lệ”, châu Âu càng không có lý do để nhân nhượng chính quyền của Tổng thống Alexander Lukashenko.
Vấn đề Belarus cũng làm trầm trọng thêm quan hệ căng thẳng giữa EU và Nga. “Sa hoàng” Vladimir Putin từng cảnh báo về “lằn ranh đỏ” mà phương Tây không nên vượt qua, còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, nước này sẵn sàng cắt đứt quan hệ với EU. Nên “thực trạng quan hệ EU-Nga hiện nay còn xấu hơn cả thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014”.
VnExpress có bài: Belarus ‘lạm dụng quy định hàng không’ khi ép máy bay hạ cánh. Chuyên gia Anne Applebaum tại Viện SNF Agora, thuộc ĐH Johns Hopkins bình luận, chính quyền Belarus “đã lạm dụng quy trình điều phối không lưu, vốn được xây dựng để cảnh báo phi công về các tình huống uy hiếp an toàn bay”, trong vụ bắt cóc máy bay chở nhà báo đối lập Protasevich.
Cũng có ý kiến so sánh vụ bắt cóc này với vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi trong lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul. Bà Applebaum nói: “Các sự việc này có thể tạo tiền lệ nguy hiểm khi một số nước sẽ không còn tôn trọng biên giới, quy tắc ngoại giao và thông lệ quốc tế. Những hình thức cấm vận có thể không còn khiến họ lo lắng nữa”.
Mời đọc thêm: Tiết lộ lời trao đổi của phi công vụ máy bay bị ép hạ cánh ở Belarus (Zing). – Mỹ xem xét trừng phạt Belarus (KTĐT). – Lần đầu tiên trong lịch sử EU cấm máy bay của các hãng hàng không Belarus (GDTĐ). – Thủ tướng Canada vừa nói cân nhắc siết trừng phạt, Belarus lập tức thông báo đóng cửa Đại sứ quán ở Ottawa (TG&VN). – Hamas phủ nhận liên quan đến sự cố máy bay Ryanair ở Belarus (ANTĐ).
– Belarus chặn máy bay Ryanair: EU trừng phạt Nga vì…‘bật đèn xanh’? (ĐV). – Phương Tây tố Nga bật đèn xanh cho Belarus chặn máy bay (VNE). – Nga lấy làm tiếc về việc EU đóng cửa không phận với máy bay Belarus (Tin Tức). – Nga khẳng định không liên quan vụ Belarus ép máy bay hạ cánh để bắt người (TP). – Vụ Belarus chặn máy bay giữa trời Âu: Ông Putin bênh vực hay đang cố giấu phẫn nộ? (NĐT). – Quan hệ Mỹ – Nga và bài toán Belarus (NLĐ).
***
Thêm một số tin: Có nên tiếp tục dùng ngân sách nuôi ngành đường sắt? (RFA). – Mỹ kết luận lốp ô tô Việt Nam được bán phá giá (VNN). – Sạt lở bờ sông nghiêm trọng, Sóc Trăng công bố tình huống khẩn cấp (VOV). – ‘Hai nhóm tự nhận đại diện NXB Tự do’ sau khi Phạm Đoan Trang bị bắt (BBC). – Bác sĩ bất đồng chính kiến Hồ Hải rời Việt Nam đến Mỹ (VOA).