BTV Tiếng Dân
Vụ việc xảy ra những ngày cuối tháng 4: Hải cảnh Trung Quốc chặn tàu cảnh sát biển Philippines ở Biển Đông, Infonet đưa tin. Ông Hermogenes Esperon, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết, tàu hải cảnh TQ đã “ngăn chặn và di chuyển nguy hiểm cũng như thách thức qua radio” đối với 2 tàu cảnh sát biển Philippines hoạt động trong vùng biển gần bãi cạn Scarborough vào cuối tháng 4/2021.
VietNamNet có bài: Philippines cáo buộc Trung Quốc ‘thách thức nguy hiểm’ ở Biển Đông. Cố vấn Esperon nói: “Chúng tôi cực lực phản đối hành động di chuyển và thách thức qua radio của hải cảnh Trung Quốc đối với 2 tàu BRP Gabriela Silang và BRP Sindangan của cảnh sát biển Philippines vào ngày 24 – 25/4 trong quá trình hai tàu thực hiện tuần tra hợp pháp và diễn tập hàng hải ở khu vực gần bãi cạn Scarborough”.
RFA có clip: Philippines đuổi tàu dân quân Trung Quốc. Clip được quay hôm qua, khi lực lượng tuần duyên Philippines phát hiện 7 tàu “dân quân biển” TQ tại bãi cạn Sa Bin (tên tiếng Anh là Sabina) thuộc quần đảo Trường Sa. Các tàu dân binh TQ đã rút đi sau khi bị lực lượng tuần duyên Philippines thách thức:
Trong khi các lực lượng vũ trang Philippines ra sức bảo vệ lãnh hải trước bá quyền TQ, thì người đứng đầu đất nước này thường có những phát biểu đá vào sân nhà: Duterte nói phán quyết Biển Đông là ‘giấy lộn’, theo VnExpress.
Qua truyền hình, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói về phán quyết Biển Đông năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực: “Họ nộp đơn kiện. Chúng ta thắng. Nhưng văn bản đó trên thực tế giữa các quốc gia chẳng là gì cả… Đưa phán quyết đó cho tôi. Tôi sẽ nói rằng đó chỉ là giấy lộn và tôi sẽ vứt vào sọt rác”.
Năm 2013, Tổng thống Philippines lúc đó là ông Benigno Aquino, đã nộp đơn kiện lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), phản đối yêu sách “đường chín đoạn” do TQ tự vẽ ra trên Biển Đông. Đến tháng 7/2016, PCA ra phán quyết, phủ nhận “đường chín đoạn” của TQ. Dù phán quyết của PCA không có cơ chế thi hành, phát biểu của ông Duterte đang làm xói mòn nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến pháp lý chống TQ.
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Công ty Úc nhắm thuê cảng chiến lược ‘cửa ngõ’ vào Biển Đông. Hôm nay, đài ABC của Úc cho biết, Công ty đóng tàu Austal, có trụ sở tại TP Perth của Úc, đang thông qua kế hoạch thuê một cảng biển của Philippines tại Vịnh Subic, vốn đóng vai trò là một trong các cửa ngõ hàng hải nối liền Biển Đông với Thái Bình Dương.
Bá quyền Trung Quốc
Vụ TQ đưa vào biên chế cùng lúc 3 tàu chiến hiện đại hôm 23/4, VnExpress có bài: Phô diễn loạt tàu chiến, Trung Quốc vẫn chưa đủ tầm ‘vươn khơi’. GS Lawrence B. Brennan, cựu đại tá Hải quân Mỹ bình luận: “Đây là sự kiện gây ấn tượng, phát đi thông điệp rõ ràng về năng lực đóng tàu và ngành công nghiệp Trung Quốc, cũng như thể hiện sự chú trọng đến biển của nước này trong tương lai. Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều nguồn lực từ ngân sách quốc phòng cho hải quân của họ”.
Ông Brennan nhận định, TQ vẫn còn thiếu nhiều yếu tố để có thể “vươn khơi” và trở thành một cường quốc hải quân biển xanh thực thụ: “Trung Quốc cần phát triển chiến thuật và chiến lược để tàu chiến có khả năng hiệp đồng trong nhiều nhóm tác chiến ở những vùng biển khác nhau. Bên cạnh đó, họ cũng phải đóng lực lượng tàu hậu cần và bảo đảm quyền tiếp cận căn cứ, nguồn lực ở nước ngoài để duy trì hiện diện toàn cầu”.
Báo Thanh Niên đưa tin: Ông Tập Cận Bình tuyên bố thế giới ‘hỗn loạn’ và Trung Quốc ‘bất khả chiến bại’. Ông Tập phát biểu như vậy vào ngày 11/1/2021, thời điểm 5 ngày sau khi đám đông ủng hộ ông Trump gây nên cuộc bạo loạn chưa từng có tiền lệ ở tòa nhà Quốc hội Mỹ, hủy hoại biểu tượng tự do của Hoa Kỳ.
Bây giờ, một tạp chí chuyên ngành của đảng CSTQ mới đăng lại bài diễn văn dài hơn 12.000 chữ của họ Tập khi phát biểu ở Trường đảng TƯ của TQ. Trong đó, ý chính của họ Tập là, thế giới đã rơi vào “hỗn loạn” và sẽ còn như vậy, nhưng dù là thách thức gì thì TQ sẽ vẫn “bất khả chiến bại”, miễn là duy trì khả năng tự chủ, tự cường.
Ngay sau sự kiện các nước G7 ra tuyên bố chung, phản đối các hành động gây hấn của TQ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, Trung Quốc phản ứng tuyên bố chung của nhóm G7, theo báo Người Lao Động. Tuyên bố của các Bộ trưởng G7 có đoạn: “Chúng tôi quan tâm nghiêm túc về tình hình trong và xung quanh biển Đông và biển Hoa Đông. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan, khuyến khích giải quyết các vấn đề xuyên eo biển một cách hòa bình”.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Uông Văn Bân nói rằng tuyên bố này là “những lời cáo buộc vô căn cứ”, can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Bắc Kinh. Họ Uông nói thêm, nhóm G7 nên hành động cụ thể để thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu thay vì phá vỡ nó. Còn Đài Loan thì gửi lời cảm ơn nhóm G7.
VOV có bài: Sai lầm của Trung Quốc khiến Tổng thống Biden thu về “quả ngọt” sớm hơn dự kiến. Đó là vụ TQ vội vã ký thỏa thuận đầu tư với Liên minh châu Âu (EU) vào cuối năm 2020, khi kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ đã ngã ngũ. “Bắc Kinh khi đó dường như cảm thấy hài lòng khi kéo được EU về phía mình trước khi Tổng thống Biden bước vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, đến nay có thể thấy mọi việc không đơn giản như vậy”.
Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã nỗ lực đảo ngược chính sách ngoại giao xa lánh đồng minh thời ông Trump, đến nay đã thu được kết quả. Quan hệ Mỹ – EU nồng ấm trở lại, cầu nối 2 bờ Đại Tây Dương “tan băng” sớm hơn dự kiến, khiến nỗ lực của TQ nhằm chia rẽ Mỹ và EU có khả năng trở thành công cốc.
_____
Mời đọc thêm: Philippines cáo buộc hải cảnh Trung Quốc chặn tàu tuần duyên (PLTP). – Biển Đông dậy sóng, tàu Trung Quốc, Australia, Mỹ hoạt động tấp nập; tàu Philippines tới Scarborough (VietTimes). – Vaccine TQ không thể buộc Indonesia ‘hạ giọng’ về Biển Đông (PLTP). – Quan hệ quốc phòng Malaysia-Trung Quốc nguội lạnh vì vấn đề Biển Đông (VNN). – Dấu hỏi cam kết của Mỹ với Đài Loan (TN). – Mỹ sẽ hối thúc các nước chặn chiến thuật Biển Đông của Trung Quốc ở Bắc Cực (GT). – Đài Loan, bài toán nan giải của Hoa Kỳ (RFI).
– Trung Quốc có kế hoạch xây dựng căn cứ không quân sát lãnh thổ Mỹ? (Tin Tức). – Trung Quốc quyết định ngừng « đối thoại chiến lược kinh tế » với Úc — Gió đã xoay chiều trong quan hệ Liên Âu-Trung Quốc (RFI). – Australia, Ấn Độ và Pháp nhất trí tăng cường hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (VOV). – Công ty Australia tham vọng ‘trú chân’ lâu dài ở cửa ngõ hàng hải vào Biển Đông (TG&VN).