BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Báo Tuổi Trẻ có bài: Trung Quốc ‘mượn gió bẻ măng’ ở Biển Đông. Nhằm viện cớ cho cuộc tập trận của TQ dự kiến kéo dài suốt tháng 4/2021 ở khu vực bán đảo Lôi Châu, Hoàn Cầu Thời báo khẳng định cuộc tập trận để tưởng niệm sự kiện một phi công TQ tử nạn sau khi điều khiển máy bay tiêm kích đâm vào một máy bay do thám Mỹ cách đây 20 năm.
Trung Quốc mang Mỹ ra làm lý do biện minh cho cuộc tập trận, biến Mỹ thành nguồn cơn gây căng thẳng. Bài viết có đoạn: “Chuyện Trung Quốc mượn những hoạt động của máy bay và tàu chiến Mỹ cũng như các nước khác để bao biện cho các động thái quân sự ở Biển Đông là điều không mới mẻ gì. Câu chuyện lần này cũng chỉ là lớp kem trên chiếc bánh”.
Báo Thanh Niên có bài: Điều động tàu tên lửa đến Trường Sa, Trung Quốc đang âm mưu gì? Về sự kiện TQ điều động 3 tàu tên lửa Type 022 đến khu vực Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, TS Swee Lean Collin Koh, thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore nhận định:
“Tàu tên lửa tàng hình tấn công nhanh Type 022 thường bị hạn chế bởi tầm bắn và khả năng hoạt động xa bờ, nên việc triển khai xa đến Trường Sa là rất đáng quan tâm. Nếu không được triển khai thường trú thì đây có khả năng là triển khai luân phiên. Các tàu Type 022 sẽ hình thành sức mạnh tấn công cơ động hỗ trợ các đơn vị thường trú của quân đội Trung Quốc đang đóng tại các tiền đồn ở Trường Sa”.
VietNamNet đặt câu hỏi: Mỹ-Philippines điện đàm về vụ Đá Ba Đầu, Trung Quốc nói gì? Sau cuộc điện đàm giữa Mỹ với Philippines về sự kiện căng thẳng ở Đá Ba Đầu, Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ, nói: “Không bên nào có quyền đưa ra các nhận xét bừa bãi về hành động bình thường và tránh gió của các tàu cá Trung Quốc ở những vùng biển liên quan. Trung Quốc và Philippines đã duy trì liên lạc chặt chẽ về các vấn đề liên quan đến Biển Đông”.
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: H&M chấp nhận đăng bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc? Theo tin từ đài ABC của Mỹ, chính quyền TP Thượng Hải, TQ, thông báo, website của thương hiệu thời trang H&M đã đồng ý sửa đổi bản đồ TQ, sau khi phía TQ yêu cầu.
Hãng tin AP cho biết, TQ yêu cầu các nhãn hàng của H&M phải có bản đồ các khu vực Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, trong đó có “đường lưỡi bò” TQ công bố về Biển Đông. Trên mạng xã hội, một số người dùng VN cho rằng H&M đã sửa đổi bản đồ TQ từ không có đường lưỡi bò sang có “đường lưỡi bò”, nên đòi tẩy chay hãng này.
VietNamNet đưa tin: Người tiêu dùng Việt đồng loạt kêu gọi tẩy chay H&M. Sau khi thông tin về sự nhượng bộ của H&M đối với TQ lan truyền trên mạng xã hội, người tiêu dùng kêu gọi tẩy chay thương hiệu này. Một người dân chia sẻ: “Nghe bảo H&M chính thức thay đổi bản đồ sau khi nhận phản ánh một chiều. Nếu là sự thật thì tẩy chay ngay. Tôi ủng hộ các thương hiệu địa phương của người Việt vừa rẻ vừa đẹp còn hơn một hãng Tây mà bênh vực vấn đề bản đồ”.
Trang Facebook của thương hiệu H&M ở VN đã trở thành “mục tiêu” trút giận của nhiều người dùng mạng xã hội. Bài viết mới nhất của H&M đăng từ 13h44’ chiều 2/4, nhận được hơn 11 ngàn lượt bình luận, hầu hết đòi tẩy chay hãng thời trang này, phản đối thái độ nhân nhượng của H&M trước yêu sách chủ quyền của TQ. Một số ý kiến đề nghị H&M rời khỏi thị trường VN, kêu gọi người VN chuyển sang lựa chọn thương hiệu khác.
Báo Thế Giới và VN có bài: Thừa nhận ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, Đông Nam Á vẫn đặt niềm tin nơi ông Biden. Công luận các nước ASEAN ủng hộ một nước Mỹ có lập trường ổn định, tôn trọng đồng minh dưới thời Tổng thống Joe Biden. “Trong bối cảnh sự hiện diện kinh tế ngày càng tăng và chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông thì các nước ASEAN đều hoan nghênh một chính sách gắn bó hơn của Mỹ trong khu vực”.
Mời đọc thêm: Trung Quốc tuyên bố tập trận trên biển Đông ‘để tưởng nhớ cái chết của một phi công’ (TP). – Ngoại trưởng 4 nước ASEAN thăm Trung Quốc: Hợp tác thúc đẩy quan hệ ASEAN-Trung Quốc, nói gì về vấn đề Biển Đông? (TG&VN). – Mỹ, Philippines điện đàm về nhóm tàu Trung Quốc ở đá Ba Đầu, Bắc Kinh nói gì? (TT).
– Đến lượt Canada thách thức Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông (RFI). – Ngoại trưởng Malaysia bị chỉ trích vì gọi Vương Nghị là ‘anh cả’ (VNE). – Biển Đông: “Bắt mạch” diễn biến mới (KTĐT). – Pháp dẫn đầu cuộc tập trận với ‘Bộ tứ’ thách thức Trung Quốc (TN). – Người dùng Việt Nam kêu gọi tẩy chay H&M (Zing). – H&M đồng ý đăng bản đồ phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông (NLĐ).
Cập nhật tin vụ án Lê Thanh Thản và Lê Tấn Hùng
Các báo “lề phải” tiếp tục có nhiều tin, bài mổ xẻ sai phạm xây dựng và tội lừa dối khách hàng của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản. Zing đưa tin: Ông Lê Thanh Thản bị cáo buộc lừa dối 520 khách hàng. Công an Hà Nội cho biết, các căn hộ được ông Thản xây dựng trái phép, đã được bàn giao, nhưng 520 khách hàng không được công nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất: “Thiệt hại về tài sản gây ra cho 520 khách hàng là hơn 56 tỷ đồng”.
Báo Người Lao Động có bài: Ông Lê Thanh Thản lừa đối khách hàng, thu lời bất chính 481 tỉ đồng. Tin cho biết, dù không được cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh quy hoạch xây dựng, nhưng ông Thản vẫn cho xây dựng công trình CT6 Kiến Hưng không theo quy hoạch đã được duyệt, rồi bán toàn bộ căn hộ, thu lời bất chính lên tới 481 tỉ đồng. Trong tổng số 1.620 căn hộ của dự án, chỉ có 934 căn đã được Sở TN&MT Hà Nội cấp giấy tờ nhà.
VnExpress đặt câu hỏi: Vì sao chủ tịch Mường Thanh bị cáo buộc ‘lừa dối khách hàng’? Kết luận điều tra chỉ ra, từ tháng 5/2011, ông Thản vẫn chỉ đạo cấp dưới quảng cáo, đưa thông tin gian dối về tính pháp lý của dự án, bất chấp sai phạm xây dựng, để bán các căn hộ xây dựng trái luật. Các khách hàng tin tưởng nên đã ký hợp đồng mua bán nhà với công ty Bemes.
VietNamNet có bài: Đề nghị được khắc phục hậu quả của ông Lê Thanh Thản. Theo tin từ cơ quan điều tra, ông Thản đã thừa nhận sai phạm. Vào ngày 31/7/2019, ông Thản đã có đơn đề nghị được khắc phục hậu quả của vụ án theo một trong 3 phương án và ông lựa chọn phương án 3: Thỏa thuận với người mua nhà tại CT6 Kiến Hưng để mua lại nhà hoặc trả lại tiền rồi phá dỡ khu nhà này. Nhưng đến tháng 7/2020, ông mới thương lượng được với hơn chục hộ dân đồng ý trả lại nhà.
VOV có bài: Ngân hàng bảo lãnh 530 tỷ đồng để ông Lê Thanh Thản khắc phục hậu quả. Việc Ngân hàng BIDV bảo lãnh số tiền 530 tỉ đồng để ông Thản khắc phục hậu quả, là một trong các tình tiết giảm nhẹ quan trọng của vụ án và là dấu hiệu cho thấy “sân sau” bác Cả có thể được “giơ cao đánh khẽ”. Vẫn chưa rõ cơ quan điều tra sẽ dừng ở đây hay sẽ “khui” tiếp hàng loạt sai phạm xây dựng của Tập đoàn Mường Thanh từ Nam ra Bắc.
VTC có clip: Ngân hàng bảo lãnh 530 tỷ để ông Thản khắc phục hậu quả.
VKSND tối cao vừa trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án Sagri, theo báo Tiền Phong. Viện KSND tối cao quyết định trả hồ sơ, yêu cầu CSĐT Bộ Công an điều tra bổ sung vụ án “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí”, “Thiếu trách nhiệm” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI), liên quan đến cựu Tổng GĐ SAGRI Lê Tấn Hùng, em trai Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy thành Hồ.
Vụ SAGRI cũng là một vụ đại án kinh tế – chính trị có dấu hiệu bị “ngâm”. Vào ngày 6/3/2021, cơ quan CSĐT Bộ Công an ban hành kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Lê Tấn Hùng và 15 bị can trong vụ SAGRI. Sau gần một tháng nhận đề nghị truy tố, VKSND tối cao đã trả hồ sơ và yêu cầu điều tra lại.
Mời đọc thêm: Đại gia Lê Thanh Thản đã ‘lừa dối khách hàng’ như thế nào? (PLTP). – Bao nhiêu người mua phải nhà không phép của ‘đại gia điếu cày’ Lê Thanh Thản? (TT). – Những sai phạm của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản tại Dự án CT6 Kiến Hưng (GDTĐ). – Ngân hàng bảo lãnh 530 tỷ đồng để ông Lê Thanh Thản khắc phục hậu quả (VNN). – Loạt dự án tai tiếng của đại gia điếu cày Lê Thanh Thản (KT). – ‘Đại gia’ Lê Thanh Thản từng được Nguyễn Phú Trọng tặng thơ, bị ‘rờ gáy’ (NV). – Thiệt hại vụ án tại Sagri phải xác định lại (VNE).
Tin nhân quyền
Tối 2/4/2021, công an TP HCM đã bắt tạm giam phóng viên Nguyễn Hoài Nam, VietNamNet đưa tin. Phóng viên Nguyễn Hoài Nam đã bị Công an thành Hồ khởi tố, bắt tạm giam để điều tra các cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Lý do ông Nam bị bắt, được một số báo “lề phải” đưa tin là, “xuất phát từ nhiều bài viết trên một số trang cá nhân của ông Nam liên quan đến một số người”. Ông Nam từng là PV các báo Thanh Niên, Pháp Luật TP.HCM, VTV… và vừa nghỉ việc tại báo Pháp luật VN. Ông Nam từng được Ban nội chính TƯ khen thưởng “về thành tích chống tiêu cực”.
LS Trần Đình Dũng cho biết: “Theo thông tin từ gia đình Nhà báo Hoài Nam, CQĐT đã giải thích ông Nam bị ông Trần Văn Vệ tố cáo. Trong đó ông Vệ cho rằng ông Nam đã ‘Vu khống ông Vệ’. Ông Trần Văn Vệ là Trung tướng Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, đã nghỉ hưu từ đầu năm 2020. Ông Nguyễn Hoài Nam một nhà báo nổi tiếng với thành tích điều tra nhiều vụ án tham nhũng và được tặng thưởng nhiều bằng khen về thành tích này”.
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển cho biết: “Sở trường của Nam là các bài điều tra liên quan đến dân sinh, an toàn vệ sinh thực phẩm, thân phận. Sau này khi Nam được nhận vào báo Thanh Niên, có một dạo, những bài viết của Nam liên quan đến đời sống số đông, nhất là mảng vệ sinh an toàn thực phẩm như hành phi, dầu ăn được làm từ dầu cặn múc từ cống rãnh nhà hàng, cà phê trộn chất tạo bọt đã gây xôn xao dư luận”.
Mời đọc thêm: Bắt 1 cựu nhà báo xâm phạm lợi ích của Nhà nước (ANTĐ). – Khởi tố, bắt tạm giam phóng viên Hoài Nam (NLĐ). – Phóng viên Nguyễn Hoài Nam bị khởi tố, bắt giam tội gì? (GT).
Tin giáo dục
Báo Giáo Dục VN có bài: Giáo viên chống tiêu cực thường cô độc. Theo tác giả, hầu hết các giáo viên tố cáo tiêu cực ở VN đều “ngậm bồ hòn làm ngọt”, ngậm đắng nuốt cay chịu đựng, không ít trường hợp đã phải bỏ nghề hoặc phải xin ra khỏi công đoàn, một tổ chức trong nhà trường mang tiếng là “bảo vệ quyền lợi chính đáng” của người lao động.
Một cựu GV chống tiêu cực chia sẻ với tác giả bài viết: “Anh biết em rồi đó, đã từng là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, là cán bộ nguồn, cực chẳng đã nên đứng ra tố cáo hiệu trưởng. Chẳng được vạ mà má sưng vù, cả hai vợ chồng em xin nghỉ việc dù rất yêu nghề giáo. Trong cái rủi có cái may, biết vợ chồng em trung thực, nên xin việc là họ nhận ngay”.
Tối 31/3/2021, xảy ra vụ việc 2 thiếu niên 14 tuổi bị đấm đá dã man trong phòng giám thị ở Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, báo Tuổi Trẻ dẫn tin từ Hiệu trưởng Nguyễn Vi Tường Thụy của Trường THCS Nguyễn Văn Tố. Ông Thụy xác nhận, hai thiếu niên bị đánh dã man, xảy ra tại phòng giám thị của trường. Người đánh hai em là bảo vệ khu phố 12, phường 14, quận 10 chứ không phải người của trường.
Cục Trẻ em, thuộc Bộ LĐ-TB&XH đề nghị xác định trách nhiệm pháp lý vụ 2 thiếu niên bị đánh trong trường học, VietNamNet đưa tin. Cơ quan này đã có công văn gửi Sở LĐ-TB&XH TP HCM về hướng xử lý vụ vi phạm quyền trẻ em, xảy ra tại trường THCS Nguyễn Văn Tố. Cục Trẻ em cũng đề nghị các cơ quan hữu trách thành Hồ điều tra, xác định trách nhiệm pháp lý của các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Sau khi xảy ra sự việc, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Tố tự nhận hình thức khiển trách, theo báo Giáo Dục VN. Hiệu trưởng Thụy giải thích, thời gian gần đây, nhà trường thường xuyên phát hiện các vụ kẻ gian leo rào vào trộm vặt. Nhà trường đã báo tình hình cho công an và an ninh khu vực, nhờ phối hợp hỗ trợ để tăng cường tuần tra, đảm bảo an ninh cho trường. Kết quả là, bảo vệ bắt và hành hung 2 thiếu niên.
VOA có clip: Công luận lên án vụ dân phòng bạo hành 2 thiếu niên trong trường học.
Mời đọc thêm: Bất cập học bổng cho học sinh chuyên ở Hà Nội (Zing). – Bất cập học bổng cho học sinh chuyên ở Hà Nội: ‘Chờ Bộ GD-ĐT trả lời’ (VNN). – 325 học sinh trường Múa kêu cứu: Tại sao vẫn thi tốt nghiệp mà không cấp bằng? (VTC). – Con cháu chúng ta vì sao hư? (GT). – Kiên quyết xóa bỏ cơ quan chủ quản mới có tự chủ đại học đích thực — 3 hướng dẫn của Bộ đang đè nặng giáo viên, tăng áp lực hồ sơ sổ sách (GDVN). – Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã bầu xong Hội đồng trường (TN).
– Hai thiếu niên bị đấm đá túi bụi ở phòng giám thị của trường cấp 2 Nguyễn Văn Tố (GDVN). – Bảo vệ dân phố đánh đập 2 thiếu niên: Đòn hiểm ác dưới góc nhìn võ thuật (TN). – Đề nghị xử lý nghiêm vụ hai thiếu niên bị đánh trong phòng giám thị (TTXVN). – Vụ 2 em thiếu niên bị đánh dã man: Người đánh và người chứng kiến bị xử lý ra sao? (DV). – Vụ 2 thiếu niên bị đánh dã man trong trường học: Đó là hành vi côn đồ, nếu cần thiết thì bắt tạm giam (NB&CL). – Bảo vệ tra tấn 2 thiếu niên: Bỏ ngay lề thói gặp trộm là đánh ‘chết bỏ’ (VTC).
***
Thêm một số tin: Ân Xá Quốc Tế: Việt Nam mở đợt đàn áp mới trước ngày bầu cử Quốc Hội — Quốc Hội Belarus « hợp thức hóa » trấn áp phong trào đòi dân chủ (RFI). – Cảnh sát Điện Capitol bị tấn công, nghi can và 1 cảnh sát thiệt mạng (VOA). – Miến Điện: Hơn 12.000 người chạy lánh nạn do các cuộc oanh tạc của quân đội (RFI). – Bộ tranh “History” của họa sĩ Lê Hào: Khích lệ người xem ngược dòng lịch sử (BBC). – Hoa Kỳ bãi bỏ trừng phạt đối với Tòa án Hình sự Quốc tế — Kiev và Washington tố cáo Nga tập trung quân ở biên giới phía đông Ukraina (RFI).